Ung thư vú: Cắt bỏ hay phẫu thuật bảo tồn?

Chia sẻ

PNTĐ-Đối với bệnh nhân mắc ung thư vú, hiện nay có hai phương pháp phẫu thuật là cắt bỏ hoàn toàn hoặc bảo tồn tuyến vú. Tùy từng trường hợp, bác sĩ sẽ tư vấn phương pháp tối ưu.

 
 
Theo Ths.Bs Vũ Anh Tuấn - khoa Phẫu thuật lồng ngực và tim mạch bệnh viện Bạch Mai: Phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ tuyến vú là phương pháp cắt toàn bộ nhu mô tuyến vú, quầng và núm vú chỉ để lại cơ và da thành ngực. Phẫu thuật bảo tồn tuyến vú chỉ cắt khối u và một phần nhu mô tuyến vú xung quanh khối u (cách khối u 1-2cm), đủ để không còn tế bào u tại diện cắt, nên vẫn giữ được tuyến vú với kích thước gần như bình thường.
 
Cũng như các phương pháp khác, phẫu thuật bảo tồn tuyến vú không phải kỹ thuật mới mà đã được tiến hành từ lâu. Hầu hết kết quả nghiên cứu và điều trị đều cho thấy: Tỷ lệ tái phát, tỷ lệ sống sau 5 năm của người bệnh là tương đương nhau giữa phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ tuyến vú với phẫu thuật bảo tổn tuyến vú kết hợp xạ trị nếu tuân thủ đúng chỉ định. 
 
 
Ung thư vú: Cắt bỏ hay phẫu thuật bảo tồn? - ảnh 1
Bs Vũ Anh Tuấn kiểm tra cho bệnh nhân sau phẫu thuật điều trị bệnh lý tuyến vú

Có thể kể tới trường hợp bệnh nhân 40 tuổi phát hiện UTV khi bệnh đang ở giai đoạn đầu, u dưới 2cm, chưa phát hiện hạch nách, dịch căn sai, vị trí khối u ở vùng ngoại vi. Bệnh nhân đã được các bác sĩ bệnh viện Bạch Mai tư vấn thực hiện phẫu thuật bảo tồn tuyến vú. Hiện tại sức khỏe bệnh nhân ổn định, vết sẹo mổ còn lại rất nhỏ, đảm bảo thẩm mỹ.
 
Tuy nhiên, Ths.Bs Vũ Anh Tuấn cho biết: Hiện tại, lượng phẫu thuật bảo tồn chiếm 30% những ca phẫu thuật vú ở bệnh viện Bạch Mai; trong đó phần nhiều là bệnh nhân trẻ tuổi. Nhưng không phải bất cứ người bệnh mắc ung thư vú (UTV) nào cũng phải cắt bỏ toàn bộ tuyến vú hoặc có thể phẫu thuật bảo tồn tuyến vú. Tùy từng trường hợp cụ thể, cũng như thời điểm, giai đoạn bệnh nhân đến với mình, bác sĩ sẽ có tư vấn phù hợp, đảm bảo kết quả điều trị tốt nhất. 
 
Cách đây vài tháng, BS Tuấn đã can thiệp điều trị cho một bệnh nhân 24 tuổi. Mặc dù phát hiện bệnh sớm, tuổi còn trẻ, chưa có gia đình, nhưng do khối u nằm ở vị trí trung tâm ngay sát núm vú (khoảng cách dưới 2cm), bác sĩ buộc phải chỉ định cắt bỏ toàn bộ tuyến vú cho bệnh nhân. Hiện tại, bệnh nhân đang trong quá trình điều trị hậu phẫu về hóa chất. Dự kiến 1-1,5 năm sau, bệnh nhân có thể tái tạo lại tuyến vú nếu có nhu cầu. 
 
Thực tế, phương pháp cắt bỏ toàn bộ tuyến vú có ưu điểm là khu vực cắt bỏ rộng, tạo tâm lý yên tâm cho bệnh nhân; sau mổ có thể không phải xạ trị (tùy vào kết quả giải phẫu bệnh). Tuy nhiên, đây là phẫu thuật phức tạp, cần thời gian can thiệp kéo dài, có nhiều biến chứng và thời gian nằm viện lâu. Đặc biệt, phẫu thuật này ảnh hưởng nặng nề tới thẩm mỹ và tâm lý của bệnh nhân do mất một bên vú. Bệnh nhân nào có nhu cầu làm đẹp thường phải tiến hành phẫu thuật tạo hình vú sau đó.
 
Còn với phương pháp phẫu thuật bảo tồn, về cơ bản vẫn giữ lại hình thể tuyến vú một cách tự nhiên cho bệnh nhân, đảm bảo tính thẩm mỹ, đặc biệt đối với những bệnh nhân còn trẻ tuổi, chưa lập gia đình; can thiệp tối thiểu nên thời gian lành vết thương nhanh. Bệnh nhân vẫn giữ được sự tự tin do bảo tồn được tuyến vú. Hạn chế của phương pháp này là không áp dụng với trường hợp phát hiện muộn; khối u nằm ở vị trí trung tâm, gần núm vú; u vú lớn ở phụ nữ có tuyến vú nhỏ…; chỉ phù hợp với trường hợp phát hiện giai đoạn bệnh sớm, khối u tương đối nhỏ, khu trú vùng ngoại vi. Ngoài ra, bệnh nhân sẽ phải xạ trị bổ trợ sau mổ để tiêu diệt những tế bào ung thư còn sót lại, nhờ đó giảm nguy cơ tái phát. 
 
Dù không phải yếu tố tiên quyết, quyết định trong chỉ định điều trị, nhưng độ tuổi cũng là một yếu tố cân nhắc để lựa chọn cắt bỏ toàn bộ hay phẫu thuật bảo tồn tuyến vú. Đối với những người lớn tuổi trên 70, ít có nhu cầu thẩm mỹ, không nhất thiết phẫu thuật bảo tồn; tuy nhiên phụ nữ trẻ tuổi nên cân nhắc.
 
Bs Tuấn chia sẻ: Phụ nữ, nhất là phụ nữ trẻ không may mắc bệnh UTV là một thiệt thòi. Cuộc sống của họ thường gặp nhiều căng thẳng, khó khăn, thậm chí stress không muốn sống. Nhưng với sự tiến bộ về kỹ thuật, các phương thức can thiệp và phẫu thuật hiện nay, đặc biệt là phẫu thuật tạo hình tuyến vú… có thể giúp đem lại chất lượng sống tốt hơn cho người bệnh.
 
Thảo Hương 

Tin cùng chuyên mục

Chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi, ứng phó với vấn đề già hoá dân số

Chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi, ứng phó với vấn đề già hoá dân số

(PNTĐ) - 790 người cao tuổi phường Bồ Đề được hướng dẫn bài thể dục tránh ngã. Đây là chương trình thuộc dự án "Hỗ trợ dự phòng chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi, ứng phó với vấn đề già hoá dân số áp dụng mô hình Tsuyama" (JICA). Dự án đã góp phần nâng cao nhận thức về già hóa dân số, trách nhiệm và nghĩa vụ của cá nhân, gia đình và cộng đồng trong việc chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.