"Bóng hồng" ở Nhà máy lọc dầu Dung Quất

Chia sẻ

PNTĐ-“Công việc chọn mình và cũng buộc mình thường xuyên có mặt tại Nhà máy Lọc dầu Dung Quất để thực hiện các công việc được giao. Mục tiêu cuối cùng là hoàn thành công việc đúng tiến độ”.

 
Đó là lời chia sẻ đơn giản, ngắn gọn nhưng ẩn sau nó là sự cố gắng, nỗ lực không ngừng của người nữ kỹ sư nhỏ nhắn quê miền Trung. Chị là Phạm Minh Hòa - Kỹ sư Trưởng các hệ thống ADAS/BMA/NIR/OTS của Ban Nghiên cứu Phát triển, Công ty cổ phần lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR).
 
Cái duyên với lọc dầu
 
Kỹ sư Phạm Minh Hòa, quê Quảng Ngãi, tốt nghiệp chuyên ngành Công nghệ Tự động (Khoa Cơ khí máy, Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh) năm 2007. Như một cái duyên, tốt nghiệp ra trường, chị không nghĩ có ngày lại được làm việc ở Nhà máy lọc dầu đầu tiên của Việt Nam. Và cái duyên đến cũng thật bất ngờ, khi nhận thông báo Ban Quản lý dự án NMLD Dung Quất đang tuyển dụng 40 nhân sự để đưa đi đào tạo chuyên môn tại Vũng Tàu. Chị nộp đơn thi và trúng tuyển, được đi đào tạo, trải qua nhiều kỳ thi và rồi làm việc ở nhà máy lọc dầu. Đây cũng là cơ hội để chị trở về quê hương, đóng góp cho Quảng Ngãi yêu thương từ ngày đó.  
 
Công việc hằng ngày của Minh Hòa là quản lý hệ thống tối ưu trong đánh giá thiết bị phân tích, quản lý phối trộn và vận chuyển sản phẩm, phân tích mẫu trực tuyến, hệ thống mô phỏng đào tạo,…
 
Làm việc tại nhà máy lọc hóa dầu đầu tiên của đất nước với nhiều máy móc hiện đại, đó là một thử thách rất lớn cho những người nhiều kinh nghiệm chứ chưa nói một cô gái trẻ mới rời ghế nhà trường. Kinh nghiệm chưa có, hành trang mà chị có được chỉ là niềm đam mê của tuổi trẻ muốn học hỏi, tiếp thu những công nghệ hiện đại. Với yêu cầu hoàn thành một khối lượng lớn công việc đúng thời gian, đạt chất lượng trong giai đoạn Nhà máy vận hành chạy thử, công việc đòi hỏi kỹ sư Phạm Minh Hòa phải nỗ lực rất nhiều, vừa làm, vừa tự học, học ở chuyên gia, học ở đồng nghiệp với mong muốn tiếp thu kiến thức nhanh nhất để hoàn thành công việc được giao.
 
Nữ kỹ sư Phạm Minh Hòa được chuyên gia người nước ngoài hướng dẫn vận hành hệ thống điều khiển NMLD Dung Quất lúc chạy thử (commissioning)

Nhiều người cho rằng làm việc với máy móc, thiết bị sẽ rất mệt nhọc, nhưng tôi không thấy ở chị sự mệt mỏi khi say sưa kể cho tôi nghe về những công việc chị đã làm. Qua câu chuyện của chị, tôi thấy được sự đam mê trong công việc, sẵn sàng làm việc xuyên đêm để cùng các chuyên gia kiểm tra logic điều khiển của quá trình nhập dầu thô trên hệ thống; hay những lúc chinh phục độ cao của bồn dầu thô cao hơn 20m để kiểm tra thiết bị đo mức giữa cái nắng chói chang của trưa hè miền Trung. Tôi cũng thấy được ở chị sự tự hào là người con Quảng Ngãi đóng góp một phần nhỏ công sức của mình cho thành công của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đầu tiên Việt Nam.
 
Công việc qua lăng kính của Minh Hòa cũng thật khác, chứa đựng nhiều cảm xúc rất nữ tính. Trong những giai đoạn làm việc căng thẳng, khó khăn, chị vẫn cảm nhận được những vẻ đẹp mà công việc đã mang lại cho mình. Đó là cảnh đẹp của nhà máy như một thành phố lên đèn với tiếng máy chạy không ngừng trong đêm khuya; tiếng sóng vỗ rì rào dưới những đoạn đê chắn sóng, gió biển mát lộng làm dịu cái nóng trưa hè; hay những cuộc trò chuyện ngắn thoải mái, vui vẻ về cuộc sống với đồng nghiệp sau những giờ làm việc căng thẳng; hay những buổi tranh luận với các chuyên gia nước ngoài...
 
Trong công tác nghiên cứu khoa học, Minh Hòa cũng có nhiều đóng góp, sáng kiến được áp dụng giúp cải thiện độ ổn định của thiết bị, giảm thiểu chi phí bảo dưỡng thiết bị, đảm bảo nhà máy vận hành an toàn, ổn định thông qua các đề tài mà chị là đồng tác giả.
 
Phụ nữ làm kỹ thuật: Nữ tính là thế mạnh!
 
Tưởng rằng trong công việc mà nam giới chiếm nhiều ưu thế, khó có chỗ để người phụ nữ thể hiện bản thân thì Phạm Minh Hòa vẫn thể hiện được những thế mạnh riêng của mình. Đó là tính cẩn thận, chu toàn, chịu khó vốn có của người phụ nữ, đã giúp Hòa rất nhiều khi làm các công việc đòi hỏi độ chính xác cao. Vì vậy, trong suốt 12 năm gắn bó và làm việc, chị luôn được lãnh đạo tin tưởng, giao quản trị, tổng hợp, thu thập dữ liệu của nhiều hệ thống quan trọng của nhà máy.
 
Từ một sinh viên mới ra trường còn nhiều bỡ ngỡ, giờ đây Minh Hòa đã tự tin, bản lĩnh hơn nhiều. Vẫn thấy ở chị niềm đam mê, nhiệt huyết khi chị trao đổi với tôi về những dự định sắp tới trong công việc với những mong muốn khai thác hoàn toàn các chức năng hệ thống hiện có mà chị đang quản lý, đồng thời học thêm những kiến thức mới để có thể làm việc với nhiều hệ thống quản trị mới. 
Kỹ sư trưởng Phạm Minh Hòa.
Đam mê công việc là vậy nhưng Minh Hòa luôn tách biệt công việc với gia đình. Chị chia sẻ: “Có chồng làm cùng chuyên ngành trong cùng Công ty nhưng chưa bao giờ về nhà hai vợ chồng trao đổi về vấn đề công việc. Khi công việc chưa xong thì có thể ở lại nhà máy làm đến tối, đến khi xong việc. Nhưng về nhà là không bao giờ mang việc ra làm, vì muốn dành trọn vẹn thời gian cho gia đình”. 
 
Theo chị, công việc và gia đình đều quan trọng như nhau. Công việc là niềm đam mê thì gia đình là chỗ dựa vững chắc để chị thực hiện niềm đam mê đó, và may mắn là người bạn đời của chị cũng chính là đồng nghiệp, nên những khó khăn trong công việc luôn được anh thấu hiểu. Dù ở vai trò nào, thì chị vẫn cố gắng làm thật tốt, với khoảng thời gian ít ỏi bên gia đình sau một ngày làm việc dài, chị vẫn dành thời gian để cùng vui chơi với gia đình; tìm tòi, học hỏi những phương pháp mới trong dạy con; hay chuẩn bị những món ngon để cả nhà cùng thưởng thức…, khoảng thời gian đó luôn là khoảng thời gian thoải mái nhất sau những giờ làm việc vất vả.
 
Là một trong số ít phụ nữ đang công tác tại NMLD Dung Quất đảm nhiệm những công việc mà nhiều người nghĩ là “của đàn ông”, quan niệm của Minh Hòa về người phụ nữ cũng có phần mạnh mẽ. Theo chị, vẻ đẹp của người phụ nữ thể hiện ở sự tự tin, sự chủ động trong mọi việc và biết yêu thương bản thân mình. Đó cũng là điều mà chị cố gắng phấn đấu để đạt đến, để vẫn mãi là “bông hoa” rạng rỡ của NMLD Dung Quất.
 
Trang Nhung

Tin cùng chuyên mục

Báo Phụ nữ Thủ đô trao thiết bị y tế trị giá 100 triệu đồng

Báo Phụ nữ Thủ đô trao thiết bị y tế trị giá 100 triệu đồng

(PNTĐ) - Chiều 24/6, nhân kỷ niệm 100 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, Báo Phụ nữ Thủ đô phối hợp với Hội LHPN huyện Ứng Hòa và nhà tài trợ Công ty cổ phần Thương mại - Dịch vụ Phúc Hoàng An đã tổ chức trao tặng thiết bị y tế trị giá 100 triệu đồng cho Trạm y tế xã Kim Đường (huyện Ứng Hòa, Hà Nội).
Vẻ đẹp của lòng dũng cảm

Vẻ đẹp của lòng dũng cảm

(PNTĐ) - Tại cuộc thi Hoa hậu Thế giới 2025, đại diện Somalia - Zainab Jama đã thu hút sự chú ý đặc biệt không chỉ bởi nhan sắc, học vấn mà còn từ câu chuyện cá nhân đầy ám ảnh về hủ tục cắt âm vật (FGM) - một thực trạng vẫn tồn tại phổ biến tại quê hương cô. Vượt qua nỗi đau thể xác và tinh thần, Zainab trở thành tiếng nói mạnh mẽ đấu tranh vì quyền phụ nữ và nỗ lực xóa bỏ hủ tục tàn nhẫn này.
Nữ nhiếp ảnh gia hành động vì môi trường

Nữ nhiếp ảnh gia hành động vì môi trường

(PNTĐ) - Giữa những băng tuyết lạnh giá của vùng cực Bắc, nơi nhiệt độ có thể giảm xuống âm hàng chục độ C, có một người phụ nữ âm thầm theo chân các nhà khoa học, ghi lại từng khoảnh khắc trong cuộc chiến với thời gian và khí hậu. Đó là Esther Horvath – nhiếp ảnh gia người Hungary, người đã dùng máy ảnh như một công cụ kể chuyện, đưa những vấn đề sống còn của hành tinh ra ánh sáng bằng những khung hình đầy cảm xúc.
Hành trình chữa lành cho con gái bằng yêu thương

Hành trình chữa lành cho con gái bằng yêu thương

(PNTĐ) - Trong số rất nhiều cuốn sách dành cho thiếu nhi ra mắt gần đây, Cây mận ngọt nhất trái đất từng đến vịnh Hạ Long (NXB Kim Đồng) của nhà báo, tác giả Tiểu Phong (bút danh văn học của Phạm Thị Thủy, sinh năm 1989, quê Hưng Yên) nổi bật lên như một lời thì thầm đầy dịu dàng nhưng ám ảnh, không chỉ dành cho trẻ nhỏ mà còn làm lay động trái tim của những người lớn từng tổn thương.
Việt Nam thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc

Việt Nam thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc

(PNTĐ) - Ngày 12/6, Bộ Công an phối hợp Cơ quan Liên Hợp Quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho Phụ nữ (UN Women) tổ chức Diễn đàn quốc tế “Tăng cường sự tham gia của nữ sĩ quan cảnh sát trong hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc - Kinh nghiệm quốc tế và Việt Nam”. Sự kiện là dấu mốc quan trọng khẳng định cam kết mạnh mẽ của Bộ Công an Việt Nam trong việc thúc đẩy bình đẳng giới, nâng cao vai trò của nữ sĩ quan Công an nhân dân trong các hoạt động gìn giữ hòa bình quốc tế.