Đừng vì sĩ diện mà làm khổ con

Chia sẻ

PNTĐ-Chỉ vì cố chấp, tự tin thái quá, vì sự sĩ diện của người lớn mà không chấp nhận con cháu mình có vấn đề, thì người thiệt thòi nhất chính là đứa trẻ.

 
Đừng vì sĩ diện mà làm khổ con - ảnh 1
Ảnh minh họa

 
Gia đình ấy là một gia đình “danh gia vọng tộc” ở đất Hà Thành, nên để bố trí được một buổi đến gặp gỡ các chuyên viên tư vấn tâm lý, đôi bên cũng phải trao đi, đổi lại, gọi điện thoại hẹn hò thống nhất ngày, giờ, đăng ký đích danh chuyên viên tư vấn theo yêu cầu… không dưới 10 lần. Thành phần gia đình tới phòng tư vấn gồm 8 người, ông bà nội, ông bà ngoại, bố mẹ, chị gái và … “đương sự”, một bé trai 14 tuổi.
 
Mở đầu câu chuyện là mẹ cháu bé. Chị nói rằng vấn đề gia đình cần tư vấn là việc đánh giá cháu trai 14 tuổi, xem cháu có năng lực gì, điểm mạnh, điểm yếu nào, hướng tương lai cho cháu ra sao. Chị cũng cho biết, gia đình cũng đưa cháu đi khắp nơi, gặp gỡ các bác sĩ, các chuyên gia tư vấn hàng đầu, thậm chí cho cháu sang Úc cả hai tháng để nhờ các chuyên gia ngoại “xem xét”, nhưng gia đình không chấp nhận kết quả của những lần gặp gỡ ấy. Đặc biệt, ông bà nội, ngoại rất quan tâm đến cháu, họ cũng đã có những lời qua, lời lại, thậm chí gây mâu thuẫn gia đình, nên hôm nay họ cũng muốn đi cùng “phái đoàn gia đình” để được nghe các chuyên viên tư vấn tâm lý nói trực tiếp, không nghe qua con cái nữa. 
 
Cháu trai năm nay 14 tuổi, cao ráo, khỏe mạnh, đẹp trai. Ngày còn nhỏ, cháu học mẫu giáo ở một trường điểm, nổi tiếng của thành phố. Lên bậc tiểu học, qua nhiều kênh thăm dò, nghiên cứu, thị sát, tham khảo ý kiến nhiều nơi, nhiều người, cuối cùng gia đình cho cháu học ở tiểu học V – N ở Hà Đông, một trường có cơ sở vật chất tốt, lớp ít học sinh, có xe đưa đón. Ở đó, các học sinh học một tuần bao nhiêu tiết Tiếng Việt thì cũng học bấy nhiêu tiết tiếng nước ngoài.
 
Mấy năm tiểu học qua đi, không có gì khó khăn, trắc trở với cháu bé, ngoài việc thỉnh thoảng các cô phàn nàn rằng cháu hay lơ đễnh, ít tập trung chú ý, không chơi với các bạn. Các môn học khác khá tốt, riêng môn Toán, Tiếng Việt và tiếng nước ngoài cháu “hơi đuối”, các thầy cô và hiệu trưởng giải thích “không sao, cháu vẫn đọc thông, viết thạo”, gia đình chú ý kèm cặp, nhắc nhở con một chút nữa là “OK”.
 
Sang đến cấp hai, gia đình cũng chọn cho con một trường “tốt nhất”, học phí cao nhất nhì trong các “trường quốc tế” để con theo học. Tuy nhiên, ngay từ những ngày đầu tiên, cháu đã bị các thầy cô kêu ca quá nhiều về lực học cũng như hành vi. Có cô giáo đã “mạnh dạn” nói với gia đình cháu rằng cháu bị “chậm phát triển trí tuệ” mức độ nhẹ, cần đến các phòng khám nhi khoa để được chuyên gia đánh giá tổng thể về trí tuệ cũng như hành vi, tâm lý. Gia đình rất tức giận, ông nội cháu đã lên gặp thẳng hiệu trưởng, phàn nàn về cách ăn nói, giao tiếp của giáo viên với phụ huynh, khiến cô giáo bị nhà trường khiển trách, nhắc nhở.
 
Vì là trường “quốc tế”, nhà trường trân trọng, coi phụ huynh học sinh là “khách hàng”, nên họ cũng không muốn mất lòng cũng như mất khách hàng, nên thầy hiệu trưởng có giải thích rằng do mới chuyển cấp học, cháu chưa hòa nhập với phương pháp học tập mới ở trung học, hy vọng một thời gian nữa tình hình sẽ được cải thiện. Tuy được thầy hiệu trưởng hứa hẹn giúp đỡ, nhưng gia đình kiên quyết cho con chuyển sang trường quốc tế thứ hai.
 
Tại trường quốc tế thứ hai, dù nhà trường có khéo léo hơn trong việc trao đổi với phụ huynh, nhưng đa số các thầy cô đều nhận xét rằng cháu là đứa trẻ “có khó khăn trong học tập”, càng những môn học yêu cầu tư duy, trí tuệ, suy luận, cháu càng kém. Đặc biệt, cháu không biết chơi với bạn, không tham gia các hoạt động của lớp, của trường.
 
Ngoài giờ học trong lớp, cháu chỉ loanh quanh ở khu căng tin của trường để mua quà ăn vặt, không quan tâm đến mọi thứ diễn ra xung quanh. Ông bà nội và ông bà ngoại họp bàn, chê trách ngành giáo dục hiện nay kém cỏi, không biết gây hứng thú cho học sinh, nên trẻ chán học. Họ chấp nhận cháu bé chỉ là “được chiều chuộng quen rồi”, “ở nhà toàn chơi với máy tính”, nên không thích chơi với các bạn, cháu không dốt, không kém, chỉ là “ngoan ngoãn, hiền lành”, gia đình nề nếp, không thể sống xô bồ như những trẻ khác, nên khó hòa nhập. Họ không chấp nhận trong gia đình họ có truyền thống hiếu học, cả đôi bên nội ngoại đều thành đạt, chị gái cháu cũng nhanh nhẹn, học giỏi, mà cháu trai của họ lại “có vấn đề”. 
 
Người bố bận công việc, nên việc quan tâm, chăm sóc, nuôi dạy con cái do người mẹ chịu trách nhiệm chính. Từ khi nhà trường trao đổi về con, chị chịu khó lên mạng tìm kiếm thông tin, đọc và suy ngẫm, theo dõi, so sánh với con. Chị cũng nhận ra con “có vấn đề”, nên đã bí mật đưa con đến phòng khám tâm lý của bệnh viện Nhi.
 
Tại đây, các bác sĩ tâm lý khám lâm sàng, sử dụng các test (trắc nghiệm) để đánh giá con về tổng thể, từ trí tuệ đến hành vi ứng xử, khả năng hòa nhập xã hội, ngôn ngữ giao tiếp. Họ kết luận, cháu có những biểu hiện của chứng “chậm phát triển trí tuệ”, hạn chế khả năng theo học lên cao hơn của cháu, cũng như hạn chế nhiều mặt trong cuộc sống. Họ khuyên gia đình không gây sức ép học tập cho cháu, dành thời gian cho cháu được chơi, được trải nghiệm cuộc sống, được học những kỹ năng sống cần thiết.
 
Nếu có điều kiện, thuê một gia sư, là người tốt nghiệp khoa giáo dục đặc biệt để hỗ trợ cháu và hướng dẫn gia đình giúp đỡ cháu. Người mẹ đem chuyện này trao đổi với toàn thể gia đình. Kết quả, chị bị cả 4 ông bà nội, ông bà ngoại, bố cháu mắng là “dở người”, nghe những “bọn nói linh tinh”, con mình mình phải biết chứ sao đi nghe người ngoài khi họ chỉ tiếp xúc với con một hai tiếng…
 
Từ hè năm lớp 6 trở đi, năm nào gia đình cũng đăng ký cho con theo khóa học trải nghiệm mùa hè trong khoảng thời gian 3 tuần hay một tháng. Người mẹ được gia đình giao nhiệm vụ đi cùng con, năm thì sang Singapore, năm thì đi Mỹ, đi Úc. Trong thời gian ở bên đó, chị cũng nhờ những người quen đưa con đến các phòng khám của các bác sĩ nước ngoài. Kết quả, ở đâu cũng giống như các bác sĩ Việt Nam đã kết luận. Chị buồn, nhưng chị lo lắng nhất là làm sao để gia đình chấp nhận sự thật này, còn chị đã chấp nhận.
 
Năm học vừa rồi, sau mấy năm chuyển qua hết trường này đến trường khác, cháu cũng “lên lớp 8”. Tuy nhiên, nhà trường quyết định không nhận cháu học tiếp nữa, mà khuyên gia đình lựa chọn một môi trường học phù hợp hơn cho cháu. Thế là đã qua ba tuần của tháng 9, cháu phải ở nhà. Ba tuần vừa qua thật nặng nề, không phải với cháu, mà với gia đình.
 
Đó là lý do gia đình liên hệ để gặp gỡ các chuyên viên phòng tư vấn tâm lý, cũng là lý do đi cùng cháu và bố mẹ còn có ông bà nội, ngoại đôi bên.
 
Là những người “chỉ làm nghề”, lại không có liên quan gì đến quyền lợi vật chất, chúng tôi làm việc theo khoa học và lương tâm, nên không sợ gia đình hay ông bà “mất lòng”. Sau khoảng thời gian khá dài, trò chuyện với cháu, làm những bài “kiểm tra tâm lý” với cháu, trò chuyện với gia đình, chúng tôi cũng chứng minh rằng “chính gia đình mới là những người có vấn đề tâm lý, cần tư vấn”, còn cháu bé “chậm học”, “học khó” là chính xác. Các bác sĩ, các chuyên gia tâm lý trong và ngoài nước không phải là “những người ngoài không biết gì”. Họ có chuyên môn, có công cụ sàng lọc, đánh giá khách quan. Chúng tôi cũng không có kết quả nào trái ngược với những kết luận của họ.
 
Người ta đã nói, “nhân vô thập toàn”, “mười ngón tay, có ngón dài, ngón ngắn”, trong một vườn hoa đẹp, cũng có bông nọ, bông kia, tại sao chúng ta không chấp nhận rằng trong gia đình toàn những người giỏi giang, thành đạt, học giỏi, vẫn có thể có người có trí tuệ “thường thường bậc trung” hay “hơi chậm một chút?”. Chỉ vì cố chấp, tự tin thái quá, vì sự sĩ diện của người lớn mà không chấp nhận con cháu mình có vấn đề, để từ đó có những hướng đi phù hợp cho con, thì người thiệt thòi nhất chính là đứa trẻ. Trong thiên hạ, không có ai là “đồ bỏ đi”, quan trọng là mỗi người được làm, được sống, được đặt vào vị trí “vừa tầm” với bản thân mình mà thôi.
 
 
Chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn

Tin cùng chuyên mục

Hạnh phúc ngoài dự tính

Hạnh phúc ngoài dự tính

(PNTĐ) - Có 3 người con trai, nhưng ông Sơn - bà Xuân chưa từng thấy hạnh phúc. Anh cả công tác trong ngành quân đội, anh thứ là thợ cơ khí giỏi, anh út là chủ nhà hàng, cả 3 anh đều đã lập gia đình. Trong nhà luôn êm ấm, chưa hề thấy cãi vã. Nhưng điều mà ông Sơn bà Xuân cho là hạnh phúc, ấy là một thằng cháu trai.
Con gái của mẹ đã lớn

Con gái của mẹ đã lớn

(PNTĐ) - Sinh nhật bạn thân, nó rủ tôi: “Hay là đêm nay mày ngủ lại đây luôn với tao. Một năm tao mới có một lần sinh nhật, tội gì mà về sớm. Tý nữa mấy đứa ra ngoài “quẩy” cho đã”.
Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

(PNTĐ) - Lâu nay, một số người thường ngại đề cập tới vấn đề chăn gối vợ chồng, cho rằng đó là chuyện tế nhị, cần được giấu kín. Tuy nhiên, tình dục lại có vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống hôn nhân, thậm chí nhiều cặp vợ chồng chia tay chỉ vì không hòa hợp trong tình dục.