Kiến ba khoang tái xuất “tấn công” người

Chia sẻ

PNTĐ-Thống kê của bệnh viện Da liễu Trung ương cho thấy, trung bình mỗi ngày, bệnh viện tiếp nhận vài chục bệnh nhân viêm da tiếp xúc kích ứng do kiến ba khoang.

 
Tháng 10, 11, khi thời tiết bắt đầu chuyển mùa, kèm theo mưa ẩm bất thường cũng là lúc nhiều người dân đang sinh sống tại các khu chung cư trên địa bàn Hà Nội, đặc biệt khu vực ngoại thành khổ sở vì bị kiến ba khoang tấn công.
 
Kiến ba khoang tái xuất “tấn công” người - ảnh 1
Độc tố của kiến ba khoang có thể gây tổn thương da nghiêm trọng nếu không điều trị đúng cách

 
Theo các chuyên gia, kiến ba khoang sống chủ yếu ở khu vực đồng bằng, trên các cánh đồng, ven ruộng, bãi cỏ, những nơi đang xây dựng dang dở, trên các thân cây mục. Thời điểm tháng 10, 11 cũng là lúc chuyển mùa, mưa ẩm bất thường, lại trùng với dịp người dân thu hoạch vụ mùa… kiến ba khoang không còn chỗ trú ngụ tại các cánh đồng, nên di chuyển vào nhà dân. Không riêng người dân ở nhà đất, nhiều nhà chung cư ở tầng cao cũng bị chúng “tấn công”; đặc biệt các khu chung cư ở địa bàn gần với khu vực nhiều ao hồ, đồng ruộng như: Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hà Đông, Hoàng Mai, Hoài Đức, Cầu Giấy…
 
Khoảng 1 tháng trở lại đây, gia đình anh Nguyễn Quân (đang sống tại tầng 15, khu đô thị Ecohome, Đông Ngạc, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) luôn phải đóng kín cửa, tìm mọi cách để đối phó với kiến ba khoang. Anh Quân chia sẻ: “Cả hai vợ chồng tôi và con gái lớn 2 tuổi bị kiến tấn công sưng phồng mặt mũi, tay chân; tổn thương nặng nhất ở cổ, 2 bên chân, mông và vùng bẹn...”.
 
Tương tự, chị Ngọc Anh - cư dân một khu chung cư khu vực Vạn Phúc (Hà Đông, Hà Nội) cho biết: “Dù sống ở tầng 24 nhưng cứ khoảng 8 - 9 giờ tối, nhà tôi lại xuất hiện hàng chục con kiến ba khoang. Chúng bám chi chít vào tường, bóng đèn và trên ghế sofa. Người dân ở đây đã góp tiền mua thuốc phun, lắp lưới chống côn trùng nhưng vẫn không đỡ là bao. Nhiều gia đình có con nhỏ thậm chí phải mang con đi gửi ông bà, hoặc đến nhà người thân sống tạm”.
 
Thống kê của bệnh viện Da liễu Trung ương cho thấy, trung bình mỗi ngày, bệnh viện tiếp nhận vài chục bệnh nhân viêm da tiếp xúc kích ứng do kiến ba khoang. Đáng nói, “nhiều người nhầm giữa viêm da do kiến ba khoang và bệnh Zona thần kinh, tự ý mua thuốc bôi hoặc đắp lá điều trị khiến vết thương bị bội nhiễm, nhiễm trùng, loét, tăng sắc tố sau viêm thời gian dài… Khi bệnh nặng, nhiều bệnh nhân mới vội tới viện để được điều trị đúng cách” - BS Quách Thị Hà Giang - Phó Trưởng khoa Khám bệnh (bệnh viện Da liễu Trung ương) cho biết. 
 
Thông tin về loài kiến này, Ts.Bs Lê Ngọc Duy - phụ trách Trung tâm Cấp cứu và Chống độc (bệnh viện Nhi Trung ương) cho hay, kiến ba khoang là loài côn trùng có màu là các khoang đen - vàng cam xen kẽ, có thân mình thon, dài 1 - 1,2cm, ngang 2 - 3mm... Trong cơ thể kiến ba khoang có chứa độc tố Pederin (C24H43O9N), mạnh gấp 12 - 15 lần nọc của rắn hổ mang. Do lượng tiếp xúc nhỏ và chỉ ở ngoài da nên không đủ gây chết người như nọc rắn, nhưng độc tố tiết ra có thể gây tổn thương da người như: bỏng da, viêm da...
 
Để nhận biết tổn thương da do kiến ba khoang gây ra, cũng như tránh nhầm lẫn với các bệnh viêm da khác, Ts.Bs Lê Ngọc Duy khuyến cáo người dân lưu ý những đặc điểm sau: Tổn thương thường xuất hiện ở các vùng da hở trên cơ thể như mặt, hai tay; Vết thương thành vệt dài hoặc thành đám, ban đầu là những nốt ban đỏ rồi sưng lên thành mụn mủ có màu trắng vàng ở giữa, nếu không giữ gìn cẩn thận có thể bị loét, làm rỉ dịch; Cảm thấy đau rát, ngứa ngáy khó chịu, một số trường hợp có thể bị sốt, nổi hạch, biến chứng nhiễm trùng toàn thân.
 
Phòng ngừa kiến ba khoang bay vào nhà, Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) khuyên người dân hạn chế mở cửa, nên buông rèm cửa hoặc làm lưới ngăn côn trùng ở khu vực cửa, lỗ thông khí, nhất là nơi ở gần cây cối, cánh đồng...; Ngủ trong màn; Tránh đứng dưới bóng đèn sáng nơi công cộng, hạn chế sử dụng bóng điện có ánh sáng xanh, tím (bóng điện huỳnh quang, bóng tuyp…) thay vào đó là bóng điện có ánh sáng đỏ, vàng (đèn dây tóc); Vệ sinh môi trường, phát quang bụi rậm, cây cỏ; Giũ mạnh khăn mặt, quần áo trước khi dùng…
 
Đặc biệt, khi gặp kiến ba khoang tiếp xúc với cơ thể, người dân tuyệt đối không trực tiếp dùng tay chà xát, giết kiến, tránh để độc tố tiết ra; Nếu bị dính chất độc, tránh gãi hay chà mạnh vùng da bị tổn thương, không tiếp xúc các vùng da lành với nơi bị dính độc tố, chỉ nên rửa nhẹ nhàng tại nơi tiếp xúc bằng nước muối sinh lý (9‰) ngay lúc vừa tiếp xúc để trung hòa hoặc giảm bớt các yếu tố dị ứng, kích ứng da; nhanh chóng bôi hồ nước. Những ngày sau đó, tùy vào mức độ bị kiến đốt người dân có thể sử dụng một số loại thuốc khác kèm theo như: mỡ Oxyde kẽm, mỡ kháng sinh, dung dịch xanh metilen 1% hoặc đến các cơ sở Y tế khám và điều trị.
 
Thảo Nguyên 

Tin cùng chuyên mục

Kỹ năng sơ cứu tai nạn thường gặp

Kỹ năng sơ cứu tai nạn thường gặp

(PNTĐ) - Theo BS Ngô Đức Hùng - Trung tâm Cấp cứu A9 (BV Bạch Mai), sơ cấp cứu là hành động trợ giúp và chăm sóc ban đầu đối với người bị nạn ngay tại hiện trường; sử dụng phương tiện, dụng cụ có sẵn tại chỗ, khi chưa có sự hỗ trợ của nhân viên y tế; mọi người đều có thể tham gia (được đào tạo – sẵn sàng tham gia).
Sự cố y khoa tại BV Thu Cúc: Bộ Y tế nói gì?

Sự cố y khoa tại BV Thu Cúc: Bộ Y tế nói gì?

(PNTĐ) - Liên quan đến sự cố y khoa trường hợp tử vong thai nhi là con chị Trần Ngọc Diệp khi đến khám thai và sinh con tại Bệnh viện đa khoa Quốc tế Thu Cúc tháng 3/2024, Bộ Y tế vừa có công văn yêu cầu đơn vị thực hiện giải quyết sự cố y khoa nêu trên theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.
Tiêm cồn tuyệt đối điều trị u nang tuyến giáp

Tiêm cồn tuyệt đối điều trị u nang tuyến giáp

(PNTĐ) - Nang tuyến giáp là bệnh lý khá phổ biến hiện nay. Dù đa phần bệnh mang yếu tố lành tính nhưng cũng gây ảnh hưởng tới cuộc sống và sức khỏe của người bệnh. Xu hướng điều trị mới, can thiệp không phẫu thuật hay can thiệp tối thiểu như phương pháp tiêm cồn tuyệt đối đang ngày càng được quan tâm, vì tính hiệu quả, nhanh chóng và ít tốn kém hơn so với phẫu thuật.