Người gìn giữ điệu múa cổ “Con đĩ đánh bồng”

Chia sẻ

Ở vùng đất địa linh nhân kiệt - làng cổ Triều Khúc (Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội) còn lưu giữ loại hình nghệ thuật truyền thống độc đáo là điệu múa “Con đĩ đánh bồng”.

 
Ông Triệu Đình Hồng (74 tuổi), nghệ nhân múa trống bồng cuối cùng của làng Triều Khúc – người được dân làng truyền tụng qua câu thơ “Thân giai làm đĩ đánh bồng, làng này còn mỗi tay Hồng ấy thôi”.
 
Người gìn giữ điệu múa cổ “Con đĩ đánh bồng” - ảnh 1 
 Nghệ nhân Triệu Đình Hồng
 
Theo nghiệp hầu thánh suốt cả cuộc đời, hơn 40 năm qua, ông dành trọn thời gian miệt mài, nghiên cứu, truyền bá, bảo tồn điệu múa cổ của quê hương – một báu vật của làng và chỉ được diễn tấu trong các ngày đại lễ, ngày hội làng.
 
Ông Hồng kể, theo lịch sử ghi chép của làng, Đức thánh Phùng Hưng tự là Công Phấn, thuộc dòng dõi danh gia vọng tộc, quê ở Đường Lâm, Sơn Tây, sinh ngày 25/11 năm Bính Tý (736). Ngài có sức khỏe phi thường đánh hổ, vật trâu, cõng thuyền nặng đi hàng dặm, có lòng từ thiện thường giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn trong vùng.
 
Vào giữa thời kỳ Bắc thuộc lần thứ 3, dưới ách cai trị hà khắc của quân xâm lược nhà Đường, người dân bị đàn áp, bóc lột tới cùng cực. Với lòng yêu nước, trí dũng song toàn, Phùng Hưng đã cùng hai anh em là Phùng Hải và Phùng Dĩnh nổi dậy tập hợp nghĩa quân làm chủ Đường Lâm, rồi đánh chiếm cả một vùng rộng lớn quanh vùng xây dựng thành căn cứ chống giặc. Một trong những căn cứ ấy được xây dựng ở Trang Khúc Giang (Triều Khúc ngày nay).
 
Tương truyền khi Phùng Hưng khởi nghĩa đánh đuổi giặc Đường, mỗi khi thắng trận để tổ chức ăn mừng chiến thắng và khích lệ tinh thần của nghĩa quân, vua Phùng Hưng đều cho trai tráng là binh sĩ đóng giả con gái đeo trống nhỏ để múa hát và điệu múa trống bồng ra đời từ đó.
 
Phát tích trên đất Triều Khúc, múa trống bồng trở thành điệu múa truyền thống của làng. Chính bởi vậy mà mỗi năm, làng Triều Khúc mở hội đều không thể thiếu điệu múa “Con đĩ đánh bồng” để tế Thánh của làng. Không đâu có người múa đẹp và đúng điệu trống bồng như trai làng Triều Khúc.
 
Nghệ nhân Triệu Đình Hồng bén duyên với điệu múa cổ từ năm lên tám, lên chín, khi chạy theo cha, theo anh đi học điệu múa này. Tuy nhiên lúc đó đời sống rất khó khăn không thể tổ chức múa hát linh đình được. Đến năm 1975 đất nước thống nhất, điệu múa trống Bồng của làng mới bắt đầu được khôi phục lại và có nhiều khởi sắc. Chàng trai ấy được cụ Bùi Văn Tốt, người nắm giữ những kỹ thuật múa đích thân truyền dạy. Ở thời điểm có vốn sẵn mê thích điều múa cổ của làng, cộng thêm được chính bố, mẹ ông là người đã khuyến khích, động viên nên ông đã mạnh dạn tham gia múa trống Bồng tại hội làng 12 tháng Giêng năm 1975. Khi ấy, ông mới có ngoài đôi mươi.
 
Theo lệ làng, tiêu chuẩn có mặt trong đội múa trống bồng rất khắt khe. Vì múa trống bồng là điệu múa hầu thánh nên điều kiện để vào đội múa trống bồng phải là trai tân, có đạo đức, tính nết hiền lành, được mọi người trong làng quý mến và gia đình không có việc tang, nếu có tang phải 3 năm sau mới tiếp tục được tham gia múa trống bồng.
 
Nghệ nhân Triệu Đình Hồng luôn cảm thấy may mắn khi được dân làng, các cụ cao niên trong làng tin tưởng để học hỏi những tinh hoa của điệu múa nam giả nữ vô cùng độc đáo. Ông luôn tâm niệm điệu múa trống bồng chọn mình như việc nghề chọn người. Từ đây, trải qua bao nhiêu biến cố, thăng trầm của thời gian, người nghệ nhân ấy vẫn luôn giữ trong mình niềm mê say với điệu múa uyển chuyển mang hồn cốt của lịch sử dân tộc một thời vang bóng. Ông là nghệ nhân còn lại duy nhất tại làng Triều Khúc còn giữ được những nét đẹp tinh túy nhất của điệu múa cổ này. Những thế hệ trai làng hiện nay tiếp tục theo múa trống bồng cũng đều một tay nghệ nhân Triệu Đình Hồng rèn giũa mà nên.
 
Người gìn giữ điệu múa cổ “Con đĩ đánh bồng” - ảnh 2
Điệu múa “Con đĩ đánh bồng” do trai làng Triều Khúc biểu diễn trong lễ hội

 
Khi được hỏi về sự độc đáo, khác lạ của điệu múa “con đĩ đánh bồng”, nghệ nhân Triệu Đình Hồng chia sẻ: “Múa trống bồng có nét riêng, duyên dáng, uyển chuyển, có tình người của con người đồng bằng Bắc bộ thời xa xưa. Người ta nói câu cửa miệng “lẳng lơ như con đĩ đánh bồng”. Vì sao lại thế? Là vì điệu múa này là trai giả gái để múa, nó độc đáo và khác biệt hơn các điệu múa trống bồng trên toàn quốc. Hơn nữa, không điệu múa nào có động tác đặc biệt như múa trống bồng. Động tác vừa mạnh mẽ, dứt khoát lại có trong đó sự uyển chuyển, mềm mại. Múa trống bồng theo cặp, phải phối hợp làm sao để cả hai người không bị chệch nhịp. Bởi vậy, ngày xưa được tuyển múa là vinh hạnh của cả làng”.
 
Nhiều người thường thắc mắc về cái tên dân gian của điệu múa bồng là “con đĩ đánh bồng”. Một cái tên thực sự gây nhiều hiểu lầm và nhạy cảm. Ông Hồng giải thích: “Con đĩ là gái, là nữ giới, chứ không phải con đĩ là làm việc này, việc kia. Con gái từ đầu tới chân toát lên vẻ nữ tính. Vì vậy, trước khi múa, người nghệ nhân là nam giới phải trang điểm, mặc váy như một người phụ nữ. Đây cũng là điều làm nên nét độc đáo của điệu múa này” - ông Hồng chia sẻ.
 
Ông Hồng đã làm nhiều nghề khác nhau để chăm lo cho cuộc sống gia đình nhưng niềm đam mê với điệu “Con đĩ đánh Bồng” chưa lúc nào vơi đi. Trên con đường gìn giữ di sản quê hương, người ta không chỉ nể phục nghệ nhân Triệu Đình Hồng về sự tâm huyết, mà cả về tầm nhìn trong bảo tồn. Năm 2010, nghệ nhân đề nghị UBND xã Tân Triều, đề nghị trường THCS Tân Triều đưa điệu múa bồng vào giảng dạy trong nhà trường. Ông tình nguyện truyền dạy miễn phí. Ban đầu, các cháu học sinh ngại không muốn tham gia. Ông Hồng kiên trì giải thích, động viên, các em nam mới mạnh dạn múa thử theo ông, rồi bắt đầu thấy yêu thích. Chỉ vài năm sau, trường THCS Tân Triều đã có một đội múa trống bồng. Tiết mục của các em đoạt nhiều giải thưởng trong các cuộc thi văn nghệ của ngành giáo dục. Với cách làm ấy, nghệ nhân Triệu Đình Hồng đã thành công trong “ươm mầm” những thế hệ múa trống bồng kế cận.
 
Ông còn tích cực đến các gia đình vận động người dân cho con em tham gia đội múa. Khi mọi người hiểu ra những giá trị di sản, hiểu ra việc cần tiếp nối truyền thống của quê hương, cũng là khi đội múa trống bồng sống trong lòng mỗi người dân mạnh mẽ hơn. Múa trống bồng là điệu múa nghi lễ, nhưng để quảng bá, ông Hồng cùng các cụ cao niên thống nhất xin Thánh cho phép được đi biểu diễn ở các nơi.
 
Bây giờ, múa trống bồng đã được ghi danh là một trong những điệu múa cổ hay nhất, nổi tiếng nhất của đất Thăng Long văn hiến, là di sản văn hóa phi vật thể. Lễ hội làng Triều Khúc thu hút đông đảo khách gần xa. Ai đến cũng say trong điệu múa trống bồng của trai làng má hồng, môi đỏ. Với riêng nghệ nhân Triệu Đình Hồng, đam mê thuở nào vẫn vẹn nguyên, nhắc đến không khỏi tự hào, trở thành động lực để ông nhiệt tình giảng dạy cho giới trẻ.
 
Với những cống hiến trên, vừa qua, nghệ nhân Triệu Đình Hồng được Chủ tịch Nước phong tặng Nghệ sỹ Ưu tú vì đã có cống hiến xuất sắc trong gìn giữ và phát triển di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc trong lĩnh vực nghệ thuật dân gian. Chủ tịch UBND Thành phố đã tặng ông danh hiệu “Người tốt, việc tốt” năm 2019.
Mai Chi
 

Tin cùng chuyên mục

Xúc động xem MV huyền thoại saxophone Kenny G quảng bá vẻ đẹp Hà Nội

Xúc động xem MV huyền thoại saxophone Kenny G quảng bá vẻ đẹp Hà Nội

(PNTĐ) - Chiều 19/4, Báo Nhân Dân phối hợp IB Group Việt Nam tổ chức ra mắt MV “Going Home” - một sản phẩm âm nhạc đặc biệt quảng bá du lịch Việt Nam. Trong MV, nghệ sĩ Kenny G trình diễn ca khúc "Going Home" tại các địa danh nổi tiếng của Thủ đô Hà Nội như Hồ Gươm, Hoàng Thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, cầu Long Biên.
Xuất bản song ngữ 5 thứ tiếng bộ sách “Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân”

Xuất bản song ngữ 5 thứ tiếng bộ sách “Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân”

(PNTĐ) - Vừa qua, tại tỉnh Điện Biên, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức ra mắt, giới thiệu bộ sách 6 cuốn Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân (tiếng Việt và song ngữ gồm 5 ngoại ngữ: Việt - Anh, Việt - Pháp, Việt - Tây Ban Nha, Việt - Trung, Việt - Ả rập) nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.