Bà mẹ tuổi teen

Chia sẻ

Tối hôm đó, con gái tôi về nhà, lao vào bếp, nơi tôi đang đứng nấu ăn, hét lên: “Mẹ xem này, con đã kiếm được vé của nhóm X rồi nhé”.

 Bỏ luôn cái chảo đang rán thịt trên bếp, tôi quay về phía con, cầm lấy đôi vé xuýt xoa: “Trời, con giỏi thật. Con làm cách nào mà có được chúng”. “Bí mật không thể bật mí. Mẹ chỉ cần biết đứng trước mặt mẹ là một thiên tài”…
 
Thế rồi, con tôi vẫn chưa kiềm chế được cơn khoái trá, nó đấm hai tay vào không khí, miệng hát ngêu ngao bài hát yêu thích của nhóm X. Đến nỗi, bố cháu phải thò cổ ra khỏi phòng làm việc, “cảnh cáo” hai mẹ con tôi: 
- Hai mẹ con có dừng lại không. Bố mà không làm được việc thì cho cả hai ăn đòn bây giờ.
Hai mẹ con tôi bụm miệng cười. Tôi giục con: 
- Thôi, con hoãn sự sung sướng đó lại. Có gì, tối nay mẹ con mình bàn tiếp. Giờ, con lên thay quần áo, tắm rửa rồi xuống ăn cơm kẻo muộn.
 
Ban nhạc X là ban nhạc đang được nhiều thanh niên hiện nay hâm mộ, tất nhiên không loại trừ con gái tôi. Con thích đến nỗi trong phòng riêng, đâu đâu cháu cũng dán tranh, ảnh, poster về các thành viên của ban nhạc. Lúc đầu, bố cháu không hài lòng, nói tôi phải cấm con. Anh sợ con tôi sa đà vào mấy chuyện tình cảm này mà xao nhãng việc học, rồi phát triển tâm lý lệch lạc. Nhưng, tôi để ý thấy con không có biểu hiện gì quá đà nên đã không làm như anh bảo.
 
Tối đó, sau bữa cơm, theo đúng lời hẹn, tôi sang phòng để nói chuyện với con gái về hai chiếc vé. Con tôi nói, buổi biểu diễn của ban nhạc X sẽ diễn ra vào thứ 4 tuần sau lúc 8 giờ tối. Địa điểm diễn ở cách nhà tôi tới gần 20km và xem chừng sẽ có rất nhiều fan hâm mộ kéo đến nên chúng tôi cần phải đi sớm.
- Được, vậy hôm đó, mẹ sẽ xin tan làm sớm hơn rồi về nhà đón con. Trên đường đi, mình sẽ ăn gì đó vì mẹ sẽ không kịp nấu cơm tối ở nhà.
- Vậy còn bố thì thế nào?
- Thì mẹ sẽ bảo bố tối đó phải tự lo thôi.
Chúng tôi lại bàn tiếp đến trang phục sẽ mặc khi tới buổi biểu diễn. 
- Mình mặc quần bò, áo phông con tê giác mẹ nhé.
- Nhất trí.
Tôi chào tạm biệt con vì đã đến lúc con phải chuẩn bị bài cho buổi học ngày mai ở trường. Trở về phòng, tôi nói với chồng về kế hoạch đi xem ca nhạc của hai mẹ con. Chồng tôi đã quá quen với cảnh này, nhưng vẫn thốt ra một câu hỏi:
- Anh chẳng hiểu em ở tuổi nào rồi mà vẫn còn thích mấy trò nhí nhố của bọn chip hôi nhỉ. Cẩn thận, khéo em còn teen hơn cả chúng nó mất. 
Tôi cười, nói nhỏ vào tai chồng:
- Thực ra em cũng không thích lắm anh ạ. 
- Vậy, tại sao em còn hào hứng đi nghe như vậy?
- Là vì con gái thôi. Em muốn hiểu con hơn, mà muốn vậy thì không còn cách gì tốt hơn là bước vào thế giới của chúng.
 
Chồng tôi đã chìm vào giấc ngủ sau một ngày làm việc dài, còn tôi thì vẫn thao thức. Tôi nhớ lại câu chuyện hai vợ chồng vừa nói lúc nãy. Đúng vậy, tôi là một bà mẹ U40, nhưng lại teen như U17. 
 
Tôi chỉ có duy nhất một cô con gái. Hai vợ chồng tôi hiếm muộn, nên chạy chữa mãi mới sinh được mụn con. Khỏi phải nói chúng tôi yêu con như thế nào. Lúc nhỏ, tôi chăm bẵm con từng ly từng tý. Con bé cũng hiểu tình cảm của tôi nên luôn coi mẹ là số 1. Nhưng rồi mọi chuyện đã thay đổi từ khi con tôi bước vào tuổi teen. Con có xu hướng tách khỏi tôi, ít chia sẻ, tâm sự hơn. Con bướng bỉnh, thích cãi lại mẹ song lại rất nghe lời của bạn bè. Đỉnh điểm là một lần, tôi thấy con mình trở về nhà trong bộ trang phục rất “kỳ dị”. Chiếc áo phông dài tới giữa đùi, hai bàn chân con xỏ trong đôi giày cao cổ. Tôi hét lên:
- Con mặc kiểu gì thế này. Nhìn con, mẹ còn tưởng con không mặc quần cơ đấy.
- Sao lại không mặc…
Con tôi kéo tuột chiếc áo phông lên, để lộ ra chiếc quần sooc bò bên trong. Nhưng, dù gì, tôi thấy vẫn chướng mắt quá. Tôi mắng cho con một trận té tát, còn cấm con từ nay không được mặc kiểu đó nữa. Kết quả, con tôi buông ra lời ghét mẹ, và còn nói tôi không hiểu gì về tuổi teen của bọn chúng. Bây giờ, ai cũng mặc như vậy.
 
Tôi không tin lũ trẻ bây giờ mặc như vậy, nên bắt đầu quan sát xem sao. Quả nhiên, đi trên đường, có khá nhiều đứa trẻ cũng giống con tôi. Tôi nhận ra là lâu nay mình đã quan liêu, không theo sát con mình. Tôi không biết lớp trẻ hiện nay như thế nào, nghĩ gì, muốn gì, cần gì. Tôi nghĩ, mình muốn định hướng đúng cho con thì cần phải để chúng tin tưởng mình, thấy mình cũng giống chúng. Và thế là tôi quyết định phải thay đổi bằng cách biến mình thành một bà mẹ tuổi teen. 
 
Bà mẹ tuổi teen - ảnh 1
Ảnh minh họa

 
 
Nếu ai đến nhà tôi vào cuối tuần, có thể sẽ ngạc nhiên khi tôi dù công việc cơ quan đang ngập đầu, vẫn sẵn sàng bỏ ra buổi chiều để cùng con chế biến món trà sữa, hay là cặm cụi tỉa hoa từ quả đu đủ, ngồi đan chiếc khăn, gấp hạc giấy... Tôi đèo con đi mua poster thần tượng của con để dán trong nhà. Rồi, chúng tôi còn mua áo đôi, những chiếc áo với màu sắc sặc sỡ như cam, xanh lá. Trên giá dép ở nhà chúng tôi còn có cả  những đôi dép nhựa cross, cạnh đó là một hộp đựng hình các con giống xinh xinh. Cứ lâu lâu, hai mẹ con tôi lại lôi dép ra, cắm lên quai dép những hình con giống mới. Đi dép cross mang hình con giống là mốt mà lũ trẻ đang thích hiện nay.
Và cũng không ít lần, con “tha” tôi đi xem ca nhạc cùng nó và các bạn, như là tới đây tôi sẽ đi xem buổi biểu diễn của ban nhạc X. Tôi nhìn quanh, thấy mình là khán giả “dừ” nhất. Nhưng không sao, tôi vẫn hò reo, dơ quả bông vẫy vẫy cổ vũ cùng con. Tôi diện chiếc quần bò rách, mặc cái áo phông, đội mũ lưỡi trai có đính chiếc xích inox to đùng. 
 
Cứ như thế, dần dần, tôi đã chiếm được sự tin tưởng của con. Và rất tự nhiên, tôi bắt đầu khéo léo uốn con làm theo ý của mình. Tôi không chê cách ăn mặc áo dài trùm quần của bọn trẻ, nhưng khuyên con nên chọn chiếc quần dài hơn một chút để người khác không hiểu lầm mình. Tôi cho con thần tượng ban nhạc, nhưng không được làm ảnh hưởng tới việc học ở trường. Tôi đồng ý để con uống trà sữa, với điều kiện tự pha chế ở nhà bằng các nguyên liệu an toàn, có nguồn gốc. Con tôi đã vui vẻ đồng ý, mà không hề biết là mình “đang nghe lời mẹ”.
 
Tôi là một bà mẹ tuổi teen, thi thoảng còn bị mấy người quen cười, trêu tôi “hâm hâm”, cưa sừng làm nghé. Nhưng không sao, miễn là tôi đã luôn đồng hành cùng con yêu của mình trong giai đoạn con phát triển tâm lý.
Thái Thị Thu
 

Tin cùng chuyên mục

Giữ lại những bữa cơm chung

Giữ lại những bữa cơm chung

(PNTĐ) - Tôi sinh năm 1972, thuộc thế hệ 7x – thế hệ giao thời giữa cũ và mới. Chúng tôi lớn lên trong thời kỳ bao cấp còn nhiều thiếu thốn, nhưng cũng chính vì thế mà càng thấm thía giá trị của gia đình. Trong ký ức tuổi thơ tôi, gia đình là nơi ấm áp và đầy nền nếp.
Có mẹ đồng hành trong hành trình giảm cân

Có mẹ đồng hành trong hành trình giảm cân

(PNTĐ) - Sau 5 lần giảm cân, Nguyễn Tùng Chi (21 tuổi, quê Hải Dương, hiện là sinh viên đại học năm thứ 3 tại Hà Nội) từ 95kg còn 60kg, trở về thân hình cân đối. Giảm được số cân như vậy không hề dễ dàng và phải cần rất nhiều ý chí. Tùng Chi nói cô rất may mắn vì luôn có mẹ ở bên, động viên mình.
Mẹ chồng - nàng dâu cùng “giữ lửa” yêu thương

Mẹ chồng - nàng dâu cùng “giữ lửa” yêu thương

(PNTĐ) - Trong nhịp sống hối hả của xã hội hiện đại, nhiều giá trị truyền thống đang dần bị mai một, sợi dây kết nối giữa các thế hệ trong một gia đình cũng lỏng lẻo hơn. Nhưng vẫn có những mái ấm nhiều thế hệ vẫn giữ được sự gắn kết bền chặt như ở gia đình ba thế hệ của chị Hà Việt Anh. Đặc biệt, mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu trong gia đình chị đã trở thành nền móng vững chắc cho một tổ ấm hạnh phúc.
Ứng xử thế nào khi con thi trượt

Ứng xử thế nào khi con thi trượt

(PNTĐ) - Vừa qua, khi nhận được kết quả thi vào lớp 10, trường THPT công lập năm 2025, nữ sinh V.T.D ở Thanh Hóa đã bỏ nhà đi lang thang rồi mất liên lạc. Trong lúc buồn chán, thất vọng với chính bản thân mình, D đã chọn cách gieo mình xuống làn nước sâu…
Khi trẻ em là nạn nhân của bạo lực gia đình

Khi trẻ em là nạn nhân của bạo lực gia đình

(PNTĐ) - Gần 70% trẻ em từ 10 đến 14 tuổi từng phải hứng chịu ít nhất một hình thức bạo lực trong chính gia đình của mình. Đáng lo ngại hơn, 7 trong 10 trẻ bị trừng phạt bằng các hành vi bạo lực, để lại những tổn thương dai dẳng cả về thể chất lẫn tinh thần.