Bà nội lẩm cẩm

Chia sẻ

Mẹ chồng là người gắn bó với con gái chị nhất trong số những đứa cháu nội, ngoại, bởi mẹ con chị ở bên bà nhiều hơn. Sau khi sinh con được hai tháng, chị đã phải đi làm.

Chị sống chung với mẹ chồng. Bà năm nay đã gần 90 tuổi, mặc dù bề ngoài hãy còn dẻo dai nhưng trí óc đã không còn minh mẫn nữa. Bà có thể kể đi kể lại một câu chuyện không biết chán. Nhưng, chưa bao giờ chị cảm thấy mệt mỏi với mẹ chồng. Chị dặn con gái: “Hàng ngày, con tan học về thì chịu khó vào phòng hỏi thăm sức khỏe của bà. Giờ bà không còn sống được bao lâu nữa, nên cố gắng ở bên bà nhiều nhất có thể”.
 
Ngày còn nhỏ, chính mẹ chồng là người gắn bó với con gái chị nhất trong số những đứa cháu nội, ngoại, bởi mẹ con chị có điều kiện ở bên bà nhiều hơn. Sau khi sinh con được hai tháng, chị đã phải đi làm. Mẹ chồng thay chị bồng bế con bé, mớm cho nó từng chút sức, thìa nước cháo. Rồi, bước chân đầu tiên của nó đến nhà trẻ, đến trường tiểu học… cũng đều do bà nội dẫn đi. Có thời gian, vợ chồng chị còn phải thoát ly thành phố, lên vùng núi xây dựng kinh tế mới mất mấy năm. Chị lại gửi hẳn con gái cho mẹ chồng để bà chăm sóc. Nhìn ở một khía cạnh nào đó, bà nội có khác gì người mẹ thứ hai của con gái chị đâu.
 
Vì thế, chị cứ nghĩ, mình nói ít thì con sẽ hiểu nhiều. Nó chẳng luôn nói yêu bà, quý bà nhất trên đời đó sao. Nhưng hóa ra không phải vậy. Chị có cảm tưởng, tình cảm của con gái chị dành cho bà ngày một giảm dần theo thời gian. Nhất là khi nó bước vào tuổi teen, thì thế giới của nó chỉ xoay quanh bạn bè, nhạc nhẽo, thời trang. Nó gần như không còn quan tâm đến bà nội.
 
Chị hiểu người già thường cảm thấy cô đơn. Nhưng, vì mưu sinh, vợ chồng chị không thể nghỉ làm ở nhà để nói chuyện với mẹ. Chị cũng không muốn gửi bà vào trại dưỡng lão vì chị biết, bà cụ chỉ muốn ở cạnh người thân. Vì thế, chị muốn con gái thay chị những lúc chị vắng nhà, trò chuyện, chăm sóc bà. 
- Nhưng bà già rồi, bà lẩm cẩm, bà toàn nói luyên thuyên.
- Bà không biết nghe nhạc, không biết lướt web.
- Người bà không thơm tho, không đẹp đẽ. Bà gầy gò, da nhăn nheo xấu xí lắm.
 
Đó là những lời con gái vẫn phụng phịu khi nói với chị, để giải thích vì sao nó không muốn ở gần bà. Mỗi lần bị chị giục, nó buộc phải làm theo, nhưng bước chân của nó vào phòng bà nặng trịch. Sau đó, nó ở trong đó chỉ vài phút, nếu chị không để ý là lẻn lên phòng riêng nằm nghe nhạc. Nó cũng sẵn sàng để bà ở nhà một mình với người giúp việc mà bỏ đi chơi với bạn cả ngày.
 
 
Bà nội lẩm cẩm - ảnh 1
Ảnh minh họa
 
Không ít lần, chị còn nghe con gái nói to tiếng với bà nội:
- Bà ơi, truyện kể của bà cháu nghe cả trăm lần rồi. Bà kể chuyện khác đi. Sao suốt ngày bà cứ điệp khúc ngày xửa, ngày xưa mãi thế.
- Bà ơi, bà bị lẩm cẩm rồi. Cháu vừa cho bà ăn cơm, uống nước, thế mà bà lại hỏi cháu đã đến giờ ăn chưa.
- Bà ơi, sao bà cứ dạy cháu phải chăm học, chăm làm. Bà có hiểu gì về chúng cháu đâu. Cả ngày, bà còn chẳng ra khỏi cửa một bước nữa là…
- Giờ, cháu chẳng biết phải làm gì với bà cả. Hay là bà cứ ở yên trong phòng này nhé. 
Thực sự, trong lòng chị rất buồn. Chị không nghĩ con mình lại vô tâm với người đã sinh ra bố nó, rồi từng bồng bế, chằm bặp nó nhiều năm trời. Không có bà, làm gì có nó ngày hôm nay. Chị nghĩ, mình cần phải cho con gái một bài học, để con nhận ra thiếu sót của mình. 
 
Một tháng sau đó, trường học của con gái chị tổ chức cho học sinh đi tập quân sự ở một doanh trại nằm cách nhà gần 100km. Theo quy định, con sẽ phải ở xa nhà trong suốt thời gian học quân sự này. Đó cũng là lần đầu tiên “công chúa” nhà chị phải tự lập, sinh hoạt theo kỷ luật của quân đội, tự giặt giũ đồ của mình. Khỏi phải nói nó lo lắng như thế nào. Đêm trước khi lên đường, nó nhắc đi nhắc lại với chị:
- Vào 2 ngày cuối tuần, mọi người được lên thăm con. Mẹ nhớ nhé.
Chị gật đầu: Được, con cứ đi đi. Cần gì thì alo cho mẹ. 
 
Nhưng, ngay trong tuần đầu tiên, chị quyết định không lên thăm con như đã hẹn, cho dù trong lòng rất nhớ con. Qua các thầy cô giáo phụ trách, chị biết con vẫn khỏe mạnh và có phần rắn rỏi lên nhiều. Chị hiểu con gái, vì chuyện này, thể nào cũng sẽ khóc lóc, mè nheo, trách bố mẹ đã bỏ rơi nó. 
 
Quả nhiên, 9 giờ tối Chủ nhật, nó gọi về cho chị, sụt sùi:
- Sao mẹ không yêu con, không quan tâm đến con. Các bạn khác đều có bố mẹ lên thăm cả. Con có bao nhiêu là chuyện để kể cho mẹ nghe. Có bạn nhớ nhà, còn khóc tỉ ti. Có bạn thì mới lên một ngày đã đòi về nhà đấy mẹ ạ. Con cũng nhớ mẹ, và tưởng mẹ cũng sẽ nhớ con.
- À có chứ. Nhưng mẹ còn bận nhiều việc. Thôi để sang tuần sau mẹ sẽ lên thăm con. 
Chị nói cứng vậy vì chị biết mình sẽ cần làm gì. Chị âm thầm nhờ các thầy cô giáo phụ trách quan tâm đến con, nếu con có diễn biến tâm lý bất thường gì thì xin báo cho gia đình biết ngay. Nhưng cuối tuần thứ hai, chị vẫn không lên thăm con. 
 
Cho đến giữa tuần thứ 3 khi kết thúc đợt học quân sự, anh chị mới đánh xe lên doanh trại để đón con về. Vừa nhìn thấy chị, con bé tỏ vẻ giận dỗi, không nói chuyện với chị. Đợi con bình tĩnh trở lại, vừa ngồi trên xe, chị vừa giải thích với con:
- Con có biết vì sao mẹ không lên thăm con nhiều không? Trước tiên, vì mẹ muốn con tự lập. Nếu mẹ suốt ngày lên thăm con, tiếp tế cho con, thì chỉ càng khiến con ỷ lại thôi. Thêm nữa, mẹ biết, con vẫn khỏe mạnh, vui vẻ, thậm chí còn tự làm được nhiều việc chăm sóc bản thân nên chưa cần mẹ phải xuất hiện. Và điều quan trọng nữa, mẹ muốn con hiểu rằng, ai cũng cần có tình thân. Nếu cảm thấy bị bỏ rơi, cô đơn, con sẽ rất buồn và sợ hãi, phải không nào?
- Dạ, con chưa hiểu rõ - con gái chị tròn mắt nhìn chị.
- À, con thử tưởng tượng một ngày, mẹ sẽ không muốn ở cạnh con. Bởi, thế giới, niềm quan tâm của con không giống của mẹ. Mẹ thích đi chơi với bạn bè của mẹ, có niềm vui riêng và không muốn nghe những chuyện trẻ con của con. Cũng như con, chỉ thích nghe nhạc, tụ tập bạn bè, đi xem phim và không muốn nghe chuyện ngày xưa của bà. Mẹ có thể bỏ con ở nơi nào đó một mình, giống con để bà ở nhà với người giúp việc vì còn bận đi với bạn. Con cần mẹ, nhưng mẹ không cần con. Bà cần con cháu ở bên, nhưng con cháu lại thấy bà thật là thừa thãi. Con chê bà gầy ốm, nhăn nheo, còn mẹ cũng chê con ăn mặc luộm thuộm, không xinh xắn như con người ta, vậy con sẽ thấy thế nào?
- Mẹ ơi, con biết mẹ nói gì rồi. Từ giờ, con sẽ quan tâm đến bà nhiều hơn.
Con gái chị ôm chầm lấy chị, nghẹn ngào. 
Thái Thị Thu
 

Tin cùng chuyên mục

Ngôi nhà nhỏ, hạnh phúc to

Ngôi nhà nhỏ, hạnh phúc to

(PNTĐ) - Có một căn nhà - đó là ước mơ, kế hoạch mà rất nhiều cặp vợ chồng đã cùng nhau dốc sức để biến thành hiện thực. Hành trình ấy có rất nhiều áp lực, nhiều lo toan và đôi lúc phải từ bỏ cả những niềm đam mê khác; nhưng bên cạnh đó cũng là sự háo hức, niềm vui khi, gia đình nhỏ có một nơi bình yên để trở về.
Bài 1: Làm mẹ khi mới 12 tuổi

Bài 1: Làm mẹ khi mới 12 tuổi

(PNTĐ) - Thời gian qua, công tác phòng ngừa, đấu tranh phòng chống tội phạm, đặc biệt đối với tội phạm về bạo lực, xâm hại trẻ em là một trong những vấn đề được ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, tội phạm xâm hại trẻ em vẫn còn là một vấn nạn gây nhức nhối. Thực trạng này đòi hỏi các nhà chức trách phải phối hợp chặt chẽ với gia đình, nhà trường để có những biện pháp bảo vệ trẻ em hiệu quả hơn.
Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.
Cây hạnh phúc nở hoa

Cây hạnh phúc nở hoa

(PNTĐ) - “Em nấu cơm xong chưa, tối nay anh có hẹn, nhà ăn sớm để anh đi sớm”. Thắng, chồng cô vừa dứt lời thì Thảo bỗng thấy bao nhiêu ấm ức bùng lên.