Mạo danh bác sĩ để lừa bán thuốc

Chia sẻ

Thời gian gần đây, hàng loạt bệnh viện (BV) phát đi thông tin cảnh báo về tình trạng mạo danh BV, bác sĩ của BV để lừa đảo bán thuốc, thực phẩm chức năng và khám bệnh…

 
Mạo danh bác sĩ để lừa bán thuốc - ảnh 1
Một trang facebook mạo danh bệnh viện Da liễu TƯ để bán thuốc cho người dân

Tràn lan quảng cáo mạo danh
 
Nhiều ngày qua, khoa Da liễu (BV Bạch Mai) thường xuyên nhận được điện thoại của người dân gọi đến, hỏi về kết quả điều trị, cách sử dụng thuốc chữa bệnh ngoài da. Qua trao đổi được biết, những người này đã đăng ký dùng thuốc theo chương trình quảng cáo trên trang mạng xã hội; trong số đó có một trang facebook với tên “Pgs. TS- bác sỹ Phạm Đức Thịnh” giới thiệu rằng: “Tôi và các lương y trong khoa Da liễu của BV Bạch Mai đang chung tay hỗ trợ 2.000 lọ bôi thảo dược cho bà con trên các tỉnh thành trong cả nước nhằm giúp bà con bớt gánh nặng chi phí”.
 
Tuy nhiên, BSCKII Nguyễn Thị Mỹ Hà - Trưởng khoa Da Liễu của BV Bạch Mai khẳng định: Bệnh viện không có bác sĩ nào tên như trên, không triển khai bất cứ hoạt động hỗ trợ nào giống như lời quảng cáo. 
 
Không riêng BV Bạch Mai, hàng loạt các BV khác như: BV TƯ quân đội 108, BV Da liễu TƯ, BV Đại học Y Hà Nội, BV Việt Đức, Viện Dinh dưỡng quốc gia, BV Bưu điện… cùng nhiều bác sĩ có danh tiếng tại các BV này cũng bị mạo danh trên trang mạng xã hội để lừa đảo bán thuốc, khám chữa bệnh.
 
Là người thường xuyên bị mạo danh trên facebook, BS Nguyễn Thị Nhã - Phụ trách Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, BV Bưu điện Hà Nội bức xúc: “Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của cá nhân tôi và uy tín của BV. Nguy hại hơn, có người cả tin, nghe theo những lời quảng cáo đó nên rơi vào cảnh tiền mất, tật mang”. BS Nguyễn Trung Cấp - Trưởng khoa Cấp cứu (BV Nhiệt đới TƯ) cho biết: BV thường xuyên phải tiếp nhận người bệnh tới cấp cứu vì ngộ độc, tổn thương da toàn thân,  suy gan, thận, thậm chí có trường hợp tử vong… do tự mua thuốc trên mạng xã hội về điều trị.
Tố giác nếu nghi ngờ sai phạm
 
Theo ông Nguyễn Văn Nhiên - Phó Chánh Thanh tra Bộ Y tế: Các sản phẩm, dịch vụ như khám chữa bệnh, thuốc, thực phẩm chức năng, trang thiết bị, hóa chất và chế phẩm sử dụng trong lĩnh vực y tế, mỹ phẩm... thuộc nhóm quảng cáo có điều kiện phải qua kiểm định nội dung. Đồng thời, Bộ Y tế quy định bác sĩ không được phép bán, quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng trên mạng xã hội. Do đó, tất cả đối tượng xưng danh là bác sĩ để bán thuốc trên mạng xã hội đều là giả mạo. 
 
“Theo tìm hiểu của chúng tôi, sản phẩm, nội dung nào facebook cho rằng phù hợp với chính sách của công ty sẽ được chạy quảng cáo, mà không kiểm duyệt được hồ sơ, giấy tờ pháp lý chứng minh nguồn gốc xuất xứ, tiêu chuẩn chất lượng của sản phẩm… Điều này đang gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội, đặc biệt quảng cáo sản phẩm thuốc, thực phẩm chức năng liên quan đến sức khỏe, tính mạng người tiêu dùng; là kẽ hở khiến nhiều quảng cáo độc hại, lừa đảo nở rộ trên facebook suốt thời gian qua” - ông Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) thông tin.
 
Giải quyết vấn đề này, ngành Y tế đã và đang phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường công tác thanh tra, xử lý nghiêm các vụ việc vi phạm. Cục An toàn thực phẩm cũng đã làm việc với Facebook Việt Nam để siết chặt quảng cáo thực phẩm chức năng trên mạng xã hội. Bởi vậy, để tránh thiệt hại cho bản thân, khi phát hiện các trang mạng xã hội lấy danh nghĩa bác sĩ để quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng, người dân có thể thông tin tới nhà cung cấp để họ khóa tài khoản giả mạo.
 
Đối với BV, bác sĩ khi phát hiện bị mạo danh có thể thông báo và yêu cầu cơ quan chức năng như: Công an, Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông… can thiệp, xử lý hành vi vi phạm; hoặc khởi kiện đối tượng mạo danh ra tòa án có thẩm quyền, theo Điều 32 Bộ luật Dân sự năm 2015 về việc sử dụng hình ảnh của người khác sai quy định: Người bị mạo danh có quyền yêu cầu tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật.
 
Thảo Minh 

Tin cùng chuyên mục

Nam giới thủ dâm có gây yếu sinh lý và rụng tóc?

Nam giới thủ dâm có gây yếu sinh lý và rụng tóc?

(PNTĐ) - Thủ dâm ở nam giới là hành động tự kích thích dương vật bằng tay hoặc các dụng cụ hỗ trợ để đạt được cực khoái. Có nhiều quan điểm cho rằng việc thủ dâm nhiều có thể gây rụng tóc ở nam giới. Tuy nhiên, không có bằng chứng nào khẳng định cho quan điểm này.
Đẩy mạnh sự phát triển của phong trào võ thuật truyền thống

Đẩy mạnh sự phát triển của phong trào võ thuật truyền thống

(PNTĐ) - Trong 2 ngày 23 - 24/12, Đại hội đại biểu Hội Võ Thiên Môn Đạo TP Hà Nội nhiệm kỳ IV đã diễn ra tại UBND xã Hòa Nam, huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội. Với tinh thần trách nhiệm, tập trung trí tuệ tập thể, thẳng thắn nghiêm túc kiểm điểm đánh giá tổng kết vai trò trách nhiệm của BCH Hội và từng cán bộ Hội viên trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao. đại hội đã rút ra những bài học quý báu, đề ra phương hướng khắc phục những mặt tồn tại, phát huy điểm mạnh đã đạt được trong nhiệm kỳ qua.
An toàn tình dục cho tuổi teen

An toàn tình dục cho tuổi teen

(PNTĐ) - Thiếu hiểu biết về cách quan hệ tình dục an toàn, cách phòng tránh thai đã gây nhiều hệ lụy, nhiều trẻ em gái mang thai sớm, mắc bệnh phụ khoa, phá thai sớm...
Cùng cổ vũ nhau sống cuộc sống lành mạnh

Cùng cổ vũ nhau sống cuộc sống lành mạnh

(PNTĐ) - Là một hoạt động hấp dẫn thông qua việc sử dụng ứng dụng trên điện thoại thông minh, Giải chạy Herbalife Run đã chào đón hơn 54.000 người tham gia trên khắp khu vực Châu Á Thái Bình Dương kể từ năm 2020.