Văn hóa tiện đâu, xả đó!

Chia sẻ
Văn hóa tiện đâu, xả đó! - ảnh 1
Tháp nghệ thuật biến thành nhà vệ sinh

 Có một chuyện thật như đùa kể rằng, một du khách ngoại quốc đến Hà Nội sau mấy ngày thăm thú, bèn hỏi hướng dẫn viên du lịch xem "Vịnh Cam Dai" ở đâu để ghé thăm!?. Khỏi phải nói cũng biết anh hướng dẫn viên du lịch đã ngạc nhiên như thế nào trước câu hỏi bất ngờ này. Thì ra vị khách kia vì nhìn thấy trên rất nhiều tuyến phố có dòng chữ Cam Dai Bay (Cấm Đái Bậy). "Bay" là "vịnh" trong tiếng Anh, nên ông nghĩ rằng có một cái vịnh nào đó rất nổi tiếng tên là "Cam Dai", đang được quảng bá ở khắp nơi. 
 
Nếu vị khách ấy mà trở lại Hà Nội trong dịp này thì hẳn còn phải ngạc nhiên nữa khi biết rằng, một tác phẩm nghệ thuật sắp đặt bên Hồ Gươm, ngay bên cạnh tháp Hòa Phong, dù có hẳn dòng chữ viết trắng phớ ra là: "Đây là mô hình trang trí, không phải nhà vệ sinh, cấm đái ỉa". Vậy mà một số người thiếu ý thức vẫn cứ ngang nhiên "Dai Bay" và cả đại tiện ở trong đó nữa. 
 
Tác phẩm sắp đặt "Tháp" của nhà điêu khắc Mai Thu Vân mô phỏng một ngọn tháp ngoài đời thực, có 6 tầng, gồm nhiều ô cửa màu sắc. Du khách đi vào tháp có thể quan sát cảnh vật thông qua những lăng kính màu xanh dương, đỏ sẫm và tím – một sự tương tác đầy nghệ thuật, tôn vinh vẻ đẹp Hồ Gươm. 
 
Với mục đích nghệ thuật rõ ràng như thế, cộng thêm vị trí trang trọng bên Hồ Gươm, thì không thể tưởng nhầm ra là "nhà vệ sinh". Vì thế, chỉ có thể giải thích cho các hành vi vô văn hóa ở nơi này là sự tùy tiện, thiếu ý thức của một bộ phận người dân. 
 
Có một thời, người ta tưởng rằng, bệnh "úp mặt vào gốc cây", hay bệnh "đái đường" là do thiếu nhà vệ sinh công cộng. Đúng là nhà vệ sinh công cộng không nhiều, nhưng không phải là quá thiếu. Chứng cớ là cũng ngay bên Hồ Gươm, cách tác phẩm "Tháp" vài trăm mét, cũng có một nhà vệ sinh công cộng rất rộng rãi. Vậy mà họ vẫn không chịu quá bộ đi vài chục bước chân. Dường như bất cứ nơi nào kín đáo, khuất tầm mắt là người ta có thể ngang nhiên đứng đái bậy. 
Lâu nay người ta vẫn nói về một thói xấu của người Việt, đó là hôn nhau (thể hiện tình cảm trong sáng) thì lại chui vào trong bụi rậm, còn tiểu tiện thì lại ngang nhiên đứng bên đường. Đây không phải là một "phong cách Á Đông" gì mà là sự sa sút về nhân cách, sự tự coi nhẹ giá trị của bản thân. Một kẻ vào trong "Tháp" đái bậy, mặc dù không có camera để ghi hình, nhưng chắc chắn trông điệu bộ ra vào lấm lét, áo quần xốc xếch, mọi người đều đoán ra. Nhưng họ luôn cho việc làm đáng xấu hổ đó của mình là việc bình thường nên cứ... tiện đâu "xả" đó. 
Rất nhiều người sống ở một nơi đô hội như Hà Nội, mảnh đất ngàn năm văn hiến, nhưng tự cho mình cái quyền là "người vô danh", không cần có trách nhiệm gì với hình ảnh của chính mình cũng như hình ảnh của thành phố. Họ hành xử bất chấp các chuẩn mực đạo đức xã hội. Đó là một lực cản lớn để xây dựng thành phố văn minh, thanh lịch. 
 
Cách đây chưa lâu, dư luận phẫn nộ về vụ đái bậy trong thang máy ở một tòa nhà chung cư. Thủ phạm lại là... phụ nữ. Biết thang máy có camera, một phụ nữ đã lấy mũ bảo hiểm để che ống kính, trong khi người kia thoải mái "xả" ra sàn thang máy. Đi khắp nơi chỗ nào cũng có thế thấy những dấu vết của việc đái bậy, từ phía sau nhà chờ xe bus, các góc đường, gốc cây, phía sau một số tượng đài, đau lòng là mới đây những hình ảnh khiến dư luận cảm thấy đau lòng khi một số đoạn đường gốm sứ nổi tiếng xuống cấp, bong tróc, người dân xả rác, đái bậy, bốc mùi… Thành phố có không ít những “góc xấu xí” đáng buồn như thế... 
 
Rõ ràng, để trị bệnh đại tiểu tiện bừa bãi thì xây thêm nhà vệ sinh công cộng mới là điều kiện "cần", chứ chưa phải là điều kiện "đủ". Đã có những quy định rất rõ ràng về tội phóng uế nơi công cộng. Nhiều nơi cũng đã thí điểm ra quân phạt nặng những kẻ thiếu ý thức, nhưng dường như vẫn chưa đủ sức răn đe. Có lẽ thay vì những dòng chữ "Cam Dai Bay", thành phố cần nhiều hơn những camera an ninh, để có thể "bắt tận tay, day tận trán" những kẻ tiện đâu xả đấy. Có như vậy thì những câu chuyện bi hài như... "Tháp" tiểu tiện mới giảm bớt.
 
Thu Mây 
 

Tin cùng chuyên mục

Xuất bản song ngữ 5 thứ tiếng bộ sách “Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân”

Xuất bản song ngữ 5 thứ tiếng bộ sách “Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân”

(PNTĐ) - Vừa qua, tại tỉnh Điện Biên, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức ra mắt, giới thiệu bộ sách 6 cuốn Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân (tiếng Việt và song ngữ gồm 5 ngoại ngữ: Việt - Anh, Việt - Pháp, Việt - Tây Ban Nha, Việt - Trung, Việt - Ả rập) nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.