Thu hút tư nhân đầu tư hạ tầng bằng hình thức công - tư

Chia sẻ

Trong ngày đầu tiên của tuần làm việc thứ 4, các đại biểu thảo luận ở tổ về dự thảo Luật Đầu tư theo hình thức công - tư (PPP) lần đầu tiên được trình tại Quốc hội.

Thu hút tư nhân đầu tư hạ tầng  bằng hình thức công - tư - ảnh 1
Quốc hội nghe trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật PPP
Hoàn thiện cơ sở pháp lý
 
Dự thảo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư gồm 11 chương, 102 điều, quy định về hoạt động đầu tư theo phương thức PPP tại Việt Nam nhằm thu hút khu vực tư nhân đầu tư phát triển công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng và cung cấp sản phẩm, dịch vụ công. Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, hoạt động PPP hiện nay mới chỉ dừng ở Nghị định, việc ban hành một đạo luật riêng sẽ tránh được tình trạng “vay mượn” quy định của Luật khác. Dự thảo Luật đã làm rõ sự khác biệt giữa xã hội hóa và PPP. Có cùng mục đích là thu hút nguồn lực tư nhân vào phát triển hạ tầng, dịch vụ công song PPP được định hình là phương thức đầu tư với trình tự, thủ tục bài bản và cơ chế chính sách đầy đủ trong khi xã hội hóa chỉ là chủ trương và chính sách khuyến khích, chưa có trình tự thực hiện cụ thể. Do vậy, trong quá trình hoàn thiện hệ thống chính sách về đầu tư, bên cạnh PPP thì chủ trương xã hội hóa cũng cần phải được quy định cụ thể về quy trình, thủ tục đầu tư. Chính phủ đã báo cáo Quốc hội xem xét, cho ý kiến theo 2 phương án: Thứ nhất, quy định về quy mô tối thiểu của dự án PPP ngay tại dự thảo Luật và giao Chính phủ quy định chi tiết quy mô cho từng lĩnh vực (như dự thảo hiện nay). Thứ 2: Không quy định quy mô tối thiểu của dự án PPP tại dự thảo Luật và giao Chính phủ quy định chi tiết về quy mô tối thiểu cho từng lĩnh vực phù hợp với từng thời kỳ phát triển kinh tế - xã hội.
 
Dự thảo quy định thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án PPP bao gồm 3 cấp: Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và cấp Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tùy theo quy mô, tính chất, yêu cầu dự án. Dự thảo Luật cơ bản quy định 7 loại hợp đồng cơ bản theo 3 nhóm: thu phí từ người sử dụng; Nhà nước thanh toán theo chất lượng dịch vụ và đổi nguồn lực công lấy công trình. Ngoài ra, dự thảo Luật còn quy định về cơ chế quản lý và sử dụng vốn nhà nước trong dự án PPP, hoạt động của doanh nghiệp dự án, quyết toán vốn đầu tư xây dựng dự án PPP, các cơ chế bảo đảm của Chính phủ…
 
Công khai, minh bạch về các chính sách với dự án PPP
 
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, Uỷ ban Kinh tế cơ bản nhất trí với tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành luật. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, nghiên cứu, đề xuất một cách đầy đủ những quy định khác nhau giữa luật này và các luật liên quan, từ đó làm cơ sở để Quốc hội xem xét, quyết định quy định những nội dung đặc thù đối với đầu tư PPP ngay tại dự thảo Luật PPP hay sửa đổi, bổ sung quy định tại các luật liên quan trong thời gian tới. Đồng thời, cần làm rõ tính chất đặc thù của phương thức đầu tư PPP, sự khác biệt giữa dự án PPP với các dự án đầu tư công hoặc dự án đầu tư tư nhân thuần túy. Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh: Để có thể thu hút được nguồn lực quan trọng từ khu vực tư nhân tham gia cùng khu vực công đầu tư vào các dự án quan trọng, đòi hỏi phải có sự rõ ràng, công khai, minh bạch ngay tại dự thảo luật về các chính sách áp dụng đối với dự án PPP, nếu không sẽ rất khó để thu hút được khu vực tư nhân tham gia đầu tư vào các dự án quy mô lớn, dài hạn và có tính rủi ro cao. Đặc biệt, việc lựa chọn nhà đầu tư dự án PPP cần phải được thực hiện thông qua đấu thầu cạnh tranh, công khai, minh bạch theo quy định của pháp luật, hạn chế tối đa việc chỉ định thầu hoặc đấu thầu hạn chế để tránh rủi ro về lợi ích nhóm, lãng phí, thất thoát, giảm tính cạnh tranh và lựa chọn nhà đầu tư không có đủ năng lực thực hiện dự án.
Phương Dung 
 
 

Tin cùng chuyên mục

Hà Nội hỗ trợ 65 tỷ đồng sửa chữa, nâng cấp trường Tiểu học Hà Nội - Điện Biên Phủ

Hà Nội hỗ trợ 65 tỷ đồng sửa chữa, nâng cấp trường Tiểu học Hà Nội - Điện Biên Phủ

(PNTĐ) - Với tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội”, việc hỗ trợ tỉnh Điện Biên đầu tư công trình trường Tiểu học Hà Nội - Điện Biên Phủ không những thể hiện tấm lòng của Đảng bộ, Chính quyền, nhân dân Thủ đô Hà Nội với đồng bào, nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên, mà còn thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ hợp tác của 2 tỉnh, Thành phố trong thời gian tới, nhằm phát huy tốt hơn nữa tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương, đóng góp thiết thực vào sự phát triển chung của cả nước…
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp với trọng tâm thảo luận về kinh tế số

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp với trọng tâm thảo luận về kinh tế số

(PNTĐ) - Sáng nay 24/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số (Ủy ban), chủ trì phiên họp lần thứ 8 của Ủy ban, với trọng tâm thảo luận về kinh tế số. Phiên họp kết nối trực tuyến toàn quốc từ trụ sở Chính phủ tới trụ sở UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Tổng Thư ký ASEAN: Việt Nam có thể đóng một vai trò tiên phong trong một số lĩnh vực

Tổng Thư ký ASEAN: Việt Nam có thể đóng một vai trò tiên phong trong một số lĩnh vực

(PNTĐ) - Trong khuôn khổ Diễn đàn Tương lai ASEAN, Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn khẳng định, Việt Nam có tầm nhìn xa, trông rộng và với vị thế là thành viên chủ chốt của ASEAN, Việt Nam có thể đóng một vai trò tiên phong trong một số lĩnh vực, Diễn đàn Tương lai ASEAN có thể phát huy vai trò tiên phong trên nhiều cấp độ.