Gian lận xuất xứ làm tổn hại hàng Việt

Chia sẻ

Nhập hàng không xuất xứ, nguồn gốc, dán nhãn thương hiệu Việt… rồi bán với giá cao nhằm kiếm lời - “vết xe đổ” này đã được không ít nhãn hàng thời trang lớn tại Hà Nội thực hiện.

Gần đây nhất là sự việc xảy ra với thương hiệu thời trang Seven.am nghi nhập hàng Trung Quốc, cắt mác, dán nhãn hiệu Việt… khiến người tiêu dùng bức xúc, gây thiệt hại về kinh tế và mất niềm tin nghiêm trọng. 
 
Sự lừa dối khó có thể chấp nhận được
Đến chiều ngày 18/11, sau 1 tuần kiểm tra tại 5 cửa hàng kinh doanh thời trang của thương hiệu Seven.am tại Hà Nội, công ty CP MHA - đơn vị quản lý và khai thác thương hiệu SEVEN.am vẫn chưa xuất trình được những giấy tờ quan trọng chứng minh nguồn gốc, xuất xứ số hàng với cơ quan chức năng. Trong khi đó, theo ông Âu Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan), đơn vị này đã vào cuộc, thực hiện hoạt động rà soát, kiểm tra. Theo kết quả rà soát ban đầu của Tổng cục Hải quan, công ty CP MHA chỉ mở 1 tờ khai nhập hàng từ Trung Quốc trong khi số lượng hàng hóa mà lực lượng quản lý thị trường tạm thu giữ sau khi kiểm tra 5 cửa hàng của thương hiệu này tại Hà Nội lên đến 9.000 sản phẩm. Điều này cho thấy việc kinh doanh của công ty CP MHA  có nhiều điểm bất thường. 
 
 
Gian lận xuất xứ làm tổn hại hàng Việt - ảnh 1
Lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra nhãn hàng Seven.am bị nghi vấn có liên quan đến vụ giả mạo xuất xứ gắn mác Việt Nam

Trong khi đó, các cửa hàng thời trang Seven.am đồng loạt đóng cửa với lý do… bảo trì, bảo dưỡng. Việc làm bất thường của thương hiệu này càng khiến nhiều người tiêu dùng bất bình bởi doanh nghiệp chạy theo lợi nhuận, gian dối khách hàng là tên tuổi có nhiều năm kinh doanh, sản phẩm đã định vị trong lòng người tiêu dùng. Chị Đỗ Hà Lê ở phố Trung Kính cho biết: Khi nhận được thông tin sản phẩm có dấu hiệu bị gian lận, đơn vị kinh doanh gần như không có sự phản hồi gì, chị có cảm giác bị lừa dối, mất niềm tin…
 
Nhìn nhận về những gian lận thương mại trong lĩnh vực dệt may từ vụ việc Seven.am, ông Vũ Trường Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam đề cập đến sự cạnh tranh không lành mạnh giữa một số đơn vị khiến các đơn vị làm ăn chân chính phải đối mặt với rất nhiều khó khăn từ nạn hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu, gian lận xuất xứ bày bán tràn lan trên thị trường. Có thực tế khác cũng đang tồn tại là để kiếm lợi nhuận, rất nhiều cửa hàng đã cố tình làm giả các sản phẩm của doanh nghiệp có uy tín khác bằng cách thuê các xưởng may gia công thực hiện, với mức giá rất rẻ so với giá thị trường; hoặc thuê các đối tác ở nước ngoài sản xuất với số lượng lớn, có giá rẻ rồi vận chuyển về Việt Nam, sau đó cắt, gắn nhãn mác doanh nghiệp nổi tiếng để đưa ra thị trường tiêu thụ. 
 
Cần sớm ban hành tiêu chí xuất xứ hàng hóa
Nghi vấn cắt mác hàng Trung Quốc, dán nhãn thương hiệu Việt xảy ra với Seven.am, trước đó là Khaisilk do người tiêu dùng và cơ quan truyền thông phát hiện. Trong khi đó, chúng ta có cả hệ thống các cơ quan chức năng gồm cảnh sát kinh tế, hải quan, quản lý thị trường… nhưng rất nhiều năm, hành vi bán hàng giả, hàng nhái này ngang nhiên tồn tại, hoạt động công khai. Theo đại diện Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam, thực tế trên cho thấy hoạt động và sự phối hợp của các cơ quan chức năng chưa hiệu quả. Vì vậy, để chấn chỉnh tình trạng trên, cần nâng cao trách nhiệm, tăng cường sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa của các cơ quan chức năng; đồng thời cần làm rõ xem có hiện tượng các cơ quan chức năng “biết doanh nghiệp làm sai mà vẫn bỏ qua” hay không để xử lý nghiêm hiện tượng dung túng, bao che?
 
Hành vi gian lận thương mại không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi người tiêu dùng mà còn ảnh hưởng đến thị trường sản xuất trong nước, làm giảm uy tín của thương hiệu sản phẩm, hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế. Vì vậy, cần xử lý nghiêm sai phạm của doanh nghiệp cố tình tổ chức hành vi vi phạm, trục lợi người tiêu dùng để mang tính răn đe. Từ trường hợp xảy ra tại nhãn hàng Seven.am, Luật sư Nguyễn Thị Thu - Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết: sai phạm nhìn thấy của thương hiệu này là không gắn nhãn phụ cho sản phẩm, gây nên tình trạng không minh bạch về nguồn gốc xuất xứ, vi phạm quy định về ghi nhãn hãng hóa. Tuy nhiên, các cơ quan có thẩm quyền làm rõ, nếu nhãn hàng nhập hàng Trung Quốc, cắt nhãn và gán mác thương hiệu Việt thì đây là hành vi cố tình gian dối trong kinh doanh và có đủ cơ sở truy cứu về tội lừa dối khách hàng, tội sản xuất, buôn bán hàng giả. Đồng thời phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, đền bù thỏa đáng cho khách hàng.  Bên cạnh đó, ngành công thương sớm ban hành tiêu chí xuất xứ hàng hóa được ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam để người tiêu dùng có cơ sở để phân biệt, qua đó ngăn chặn việc doanh nghiệp dán nhãn thương hiệu của mình lên hàng hóa không rõ nguồn gốc.
Nguyễn Hương

Tin cùng chuyên mục

Hà Nội hỗ trợ 65 tỷ đồng sửa chữa, nâng cấp trường Tiểu học Hà Nội - Điện Biên Phủ

Hà Nội hỗ trợ 65 tỷ đồng sửa chữa, nâng cấp trường Tiểu học Hà Nội - Điện Biên Phủ

(PNTĐ) - Với tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội”, việc hỗ trợ tỉnh Điện Biên đầu tư công trình trường Tiểu học Hà Nội - Điện Biên Phủ không những thể hiện tấm lòng của Đảng bộ, Chính quyền, nhân dân Thủ đô Hà Nội với đồng bào, nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên, mà còn thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ hợp tác của 2 tỉnh, Thành phố trong thời gian tới, nhằm phát huy tốt hơn nữa tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương, đóng góp thiết thực vào sự phát triển chung của cả nước…
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp với trọng tâm thảo luận về kinh tế số

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp với trọng tâm thảo luận về kinh tế số

(PNTĐ) - Sáng nay 24/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số (Ủy ban), chủ trì phiên họp lần thứ 8 của Ủy ban, với trọng tâm thảo luận về kinh tế số. Phiên họp kết nối trực tuyến toàn quốc từ trụ sở Chính phủ tới trụ sở UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Tổng Thư ký ASEAN: Việt Nam có thể đóng một vai trò tiên phong trong một số lĩnh vực

Tổng Thư ký ASEAN: Việt Nam có thể đóng một vai trò tiên phong trong một số lĩnh vực

(PNTĐ) - Trong khuôn khổ Diễn đàn Tương lai ASEAN, Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn khẳng định, Việt Nam có tầm nhìn xa, trông rộng và với vị thế là thành viên chủ chốt của ASEAN, Việt Nam có thể đóng một vai trò tiên phong trong một số lĩnh vực, Diễn đàn Tương lai ASEAN có thể phát huy vai trò tiên phong trên nhiều cấp độ.