Trị mụn suýt... hỏng mặt!

Chia sẻ

Mới đây, chị H.T (trú tại phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa) có đơn gửi đến báo Phụ nữ Thủ đô phản ánh:

Chị đã bị viêm, tổn thương da mặt sau khi sử dụng dịch vụ phi kim (lăn kim) trị mụn sẹo thâm tại thẩm mỹ viện quốc tế Pretty (số 198 Thái Hà, Đống Đa, Hà Nội).
 
Trao đổi với chị T, phóng viên báo Phụ nữ Thủ đô (PNTĐ) được biết: Ngày 25/7/2019, qua tìm hiểu trên mạng, chị T đã tới thẩm mỹ viện (TMV) quốc tế Pretty đăng ký gói dịch vụ phi kim trị mụn thâm (liệu trình 5 buổi) với chi phí 3,5 triệu đồng. Đáng nói, thay vì giảm mụn thâm thì tình trạng da mặt của chị T ngày càng trở nên tồi tệ hơn sau mỗi lần nhân viên của TMV quốc tế Pretty tiến hành nặn mụn và phi kim.
 
Trị mụn suýt... hỏng mặt! - ảnh 1
Một phần da mặt của chị T bị tổn thương, viêm da kích ứng sau khi thực hiện dịch vụ phi kim tại TMV quốc tế Pretty
 
Cụ thể, ngày 5/10/2019 (1 ngày sau khi tiến hành nặn mụn và phi kim lần 2), chị T thấy khắp mặt nổi lên những nốt mụn nhỏ li ti như mụn nước. Phản ánh với nhân viên của TMV, chị T được tư vấn rằng đây là hiện tượng bình thường, biểu hiện của việc mụn ẩn bị đẩy lên nên chỉ cần dùng nước muối sinh lý vệ sinh, sau 2-3 ngày sẽ hết. Dù tình trạng mụn mọc thêm không có dấu hiệu thuyên giảm, nhưng tin tưởng vào lời động viên của nhân viên TMV quốc tế Pretty, chị T lại tiếp tục tới TMV quốc tế Pretty nặn mụn và phi kim (buổi thứ 3, ngày 4/11). Kết quả, ngay sau đó 2 ngày, da mặt chị T có dấu hiệu lên mụn mủ. Tới ngày thứ 4, mụn mủ chuyển thành nốt sẹo thâm lớn trên da mặt.
 
Khi thấy da mặt có dấu hiệu bị tổn thương nặng hơn, chị có liên hệ với nhân viên TMV quốc tế Pretty và được tư vấn rằng: “Làm phi kim thì lúc nào làm xong da cũng sẽ ửng đỏ, sau đó mình sử dụng serum chứa B5 hay sản phẩm phù hợp để phục hồi da”. 
 
Thấy da mặt tiếp tục xuất hiện thêm nhiều nốt đỏ, mẩn ngứa, ngày 11/11, chị T đã tới bệnh viện Da liễu Trung ương kiểm tra. Qua chụp và phân tích da bằng máy Dermoscope, bác sĩ kết luận chị T bị viêm da tiếp xúc kích ứng với các biểu hiện giãn mạch xung huyết, vẩy da, vẩy tiết phải uống thuốc để điều trị dài ngày. May mắn là bệnh nhân tới kiểm tra sớm, để lâu, tổn thương da sẽ lan rộng và khó điều trị.
 
Trong y khoa, phi kim là một kỹ thuật làm đẹp có xâm lấn. Bản chất phi kim là tạo tổn thương giả trên da, đưa tế bào gốc sâu vào trong da, cải thiện thâm, lỗ chân lông và mụn. Theo quy định tại Thông tư số 43/2013/ TT-BYT ngày 11/12/2013 của Bộ Y tế về phân tuyến chuyên môn kỹ thuật đối với hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh quy định; Thông tư số 50/2014/TT-BYT quy định phân loại phẫu thuật, thủ thuật và một số văn bản pháp luật khác, thì kỹ thuật lăn kim trẻ hóa da và trị sẹo rỗ, điều trị rám má, tàn nhang, sẹo lõm… bằng kỹ thuật lăn kim và sản phẩm từ công nghệ tế bào gốc chỉ được thực hiện tại các bệnh viện, phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ, và do bác sĩ da liễu, phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ thực hiện.
 
Theo quy định tại Nghị định 155/2018/NĐ-CP, nếu là phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ, bên ngoài cửa cơ sở đó phải có biển hiệu ghi đầy đủ thông tin: tên phòng khám, giờ làm việc, tên bác sĩ phụ trách chuyên môn, địa chỉ và số giấy phép được Sở/ Bộ Y tế cấp. Tại vị trí đón tiếp của phòng khám, cơ sở thường niêm yết giấy phép hoạt động, danh sách, ảnh hoặc chứng chỉ của người hành nghề, niêm yết bảng giá dịch vụ.
 
Tuy nhiên, qua tìm hiểu của phóng viên, bên ngoài TMV quốc tế Pretty chỉ ghi địa chỉ trụ sở tại 198 Thái Hà, tên cơ sở, số hotline, địa chỉ website, không hề có biển hiệu nào thể hiện nội dung liên quan tới phòng khám thẩm mỹ như: bác sĩ phụ trách chuyên môn, giấy phép được Sở/ Bộ Y tế cấp…
 
Theo ông Nguyễn Việt Cường - Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội, nếu căn cứ vào biển hiệu nói trên thì TMV quốc tế Pretty chỉ là cơ sở dịch vụ làm đẹp thông thường, không phải phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ. Sở Y tế không cấp phép cho những cơ sở như này thực hiện các kỹ thuật có tính chất xâm lấn, trong đó có phi kim làm đẹp da. Việc cấp giấy phép hoạt động, quản lý các thẩm mỹ viện, spa làm đẹp thuộc phạm vi và trách nhiệm của đơn vị cấp quận. 
 
Được biết, thời gian qua, TMV Quốc tế Pretty đã từng bị báo chí phản ánh vì sử dụng nhiều dịch vụ thẩm mỹ không được cấp phép. Nhưng không hiểu vì sao, tình trạng này vẫn tiếp tục, tới nay chưa được cơ quan chức năng giải quyết triệt để. Để bảo vệ quyền lợi của người dân, báo PNTĐ sẽ liên hệ với lãnh đạo quận Đống Đa, sớm làm rõ vấn đề trên.
Nhóm PV
 

Tin cùng chuyên mục

5 loại rối loạn hoang tưởng nhiều người thường bị

5 loại rối loạn hoang tưởng nhiều người thường bị

(PNTĐ) - Theo ThS.BSNT Nguyễn Thị Hoa - Phòng rối loạn loạn thần và y học tự sát, Viện Sức khoẻ tâm thần (BV Bạch Mai) cho biết, hoang tưởng là tình trạng một người suy nghĩ, phán đoán sai lầm, ko phù hợp với thực tế, do bệnh lý tâm thần gây ra, không thể giải thích, đả thông được.
Kỹ năng sơ cứu tai nạn thường gặp

Kỹ năng sơ cứu tai nạn thường gặp

(PNTĐ) - Theo BS Ngô Đức Hùng - Trung tâm Cấp cứu A9 (BV Bạch Mai), sơ cấp cứu là hành động trợ giúp và chăm sóc ban đầu đối với người bị nạn ngay tại hiện trường; sử dụng phương tiện, dụng cụ có sẵn tại chỗ, khi chưa có sự hỗ trợ của nhân viên y tế; mọi người đều có thể tham gia (được đào tạo – sẵn sàng tham gia).
Sự cố y khoa tại BV Thu Cúc: Bộ Y tế nói gì?

Sự cố y khoa tại BV Thu Cúc: Bộ Y tế nói gì?

(PNTĐ) - Liên quan đến sự cố y khoa trường hợp tử vong thai nhi là con chị Trần Ngọc Diệp khi đến khám thai và sinh con tại Bệnh viện đa khoa Quốc tế Thu Cúc tháng 3/2024, Bộ Y tế vừa có công văn yêu cầu đơn vị thực hiện giải quyết sự cố y khoa nêu trên theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.