"Nhân lên những "Ước mơ Totto-chan"

Chia sẻ

Tại thư viện trường THCS-THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận Cầu Giấy, cuốn truyện Totto-chan bên cửa sổ thường được nhiều học sinh tìm đọc.

 
Những tiết học ngoài trời như thế này sẽ giúp học sinh cảm nhận được 
các giá trị cuộc sống

Đó là bởi, các em thích một ngôi trường lý tưởng, nơi không phải học quá nhiều, sẽ có nhiều hoạt động thể thao, được cùng các bạn nấu ăn, cắm trại, đi du lịch, được dã ngoại để sống gần với thiên nhiên... Không những thế, ở ngôi trường đó có các thầy cô giáo luôn tôn trọng học sinh, để học sinh tự do phát huy những khả năng bẩm sinh của mình. 
 
Thầy giáo Đàm Tiến Nam, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Thấu hiểu mong ước ấy, nhiều năm qua, trường Nguyễn Bỉnh Khiêm đã kiên trì mục tiêu xây dựng trường học hạnh phúc dành cho các “Totto-chan”. Trong đó, tiêu chí đầu tiên nằm ở việc đề cao các giá trị sống cơ bản như nhân ái, trung thực, tôn trọng, trách nhiệm, an toàn, sáng tạo. Các lớp giá trị sống vẫn được mở đều đặn cho thành viên mới, để từ đó thầy cô lại lan tỏa những giá trị đó đến học sinh. Chỉ các thầy cô nào đã qua lớp giá trị sống mới thật sự trở thành một giáo viên trường Nguyễn Bỉnh Khiêm. 
Yếu tố thứ hai làm nên ngôi trường hạnh phúc, theo thầy Nam, chính là việc học sinh được giảm áp lực, tạo hứng thú trong học tập, được hướng dẫn phát hiện, khám phá năng lực của bản thân. Thể dục, Giáo dục công dân, nghệ thuật… đây đó bị coi là môn phụ thì ở trường Nguyễn Bỉnh Khiêm lại luôn có một vị trí xứng đáng. Giáo dục công dân không phải là giờ triết lý khô khan mà là những câu chuyện cuộc sống được chính học sinh tái hiện để mỗi người trải nghiệm; Thể dục cũng không còn đáng chán nữa khi trở thành các giờ thể thao tự chọn nhằm phát huy hết năng lực thể chất của mỗi học sinh qua các nội dung bơi lội, bóng đá, bóng rổ, cầu lông... Các môn học nghệ thuật cũng được thầy cô coi trọng, giúp cho học sinh phát triển tâm hồn, cảm xúc. 
 
Ở trường học hạnh phúc, học sinh cũng sẽ được tạo nhiều cơ hội bày tỏ ý kiến cảm xúc của mình, thầy cô luôn tôn trọng, lắng nghe và chia sẻ với học sinh. Mỗi giờ sinh hoạt lớp thay bằng kiểm điểm, đánh giá nhận xét hoặc phê bình thì học sinh được lần lượt lên nói về mình, nói về bạn bè, tạo thành một diễn đàn để bày tỏ, thể hiện mình. Điều đó đã tạo nên không khí dân chủ trong nhà trường, giúp nhà trường có cơ sở điều chỉnh các hoạt động trở nên thiết thực và đem lại hạnh phúc nhiều hơn cho học sinh.
 
Theo thầy Nam, sau một quá trình thực hiện trường học hạnh phúc, kết quả khảo sát của phòng Tâm lý học đường của trường Nguyễn Bỉnh Khiêm cho thấy nếu như năm học 2015 - 2016: số học sinh cảm nhận được “hạnh phúc” khi đến trường là 88%, trong đó cảm nhận “rất hạnh phúc” là 12% thì đến năm học 2018 - 2019, con số này đã tăng lên 96,75%, trong đó học sinh cảm nhận “rất hạnh phúc” là 28.3%. “Các học sinh đều vui vẻ, thoải mái khi đến trường, cảm thấy muốn đến lớp, yêu quý thầy cô giáo. Chỉ số hạnh phúc được nâng cao giúp cho kết quả học tập của học sinh cũng được nâng cao qua từng năm học”.
 
 “Tôi mong rằng, ngày một nhiều hơn các học sinh vẫn say mê đọc “Totto-chan bên cửa sổ”, nhưng không phải là để mơ ước, mà để tự hào so sánh và tìm ra những nét giống nhau giữa ngôi trường tuyệt vời kia với ngôi trường mà mình đang theo học”, thầy Nam chia sẻ.
 

Tin cùng chuyên mục

Cần nghiêm trị hành vi bạo lực trẻ em

Cần nghiêm trị hành vi bạo lực trẻ em

(PNTĐ) - Trong những ngày qua, dư luận vô cùng bức xúc khi chứng kiến câu chuyện thương tâm xảy ra với cậu bé học lớp 8 (trú tại phường Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội). Chỉ từ một mâu thuẫn nhỏ giữa hai học sinh lớp 8 và lớp 6 trên sân bóng rổ mà học sinh này đã bị đánh đến chấn thương sọ não nặng, tính mạng đang vô cùng nguy kịch.