Quyền được sống của con

Chia sẻ

Chỉ tính riêng trong tháng 11/2019, có tới 6 trẻ bị bố mẹ tước đoạt quyền được sống. Tình trạng này đang gióng lên hồi chuông báo động những bi kịch trong mỗi gia đình.

 
Quyền được sống của con - ảnh 1
Cây cầu, nơi người mẹ tự vẫn cùng con nhỏ

 
Dù chưa có con số thống kê cụ thể về tình trạng trẻ em bị sát hại, đặc biệt bị chính người thân bức tử chết cùng. Nhưng số vụ việc những đứa con vô tội bị bố mẹ quẫn trí ép chết cùng khi gặp bế tắc trong cuộc sống khiến chúng ta giật mình trước một hiện tượng: Quyền được sống của trẻ đang bị xâm hại bởi chính người thân của mình.  
 
Ngày 5/11, người mẹ sinh năm 1985 trú tại Hải Phòng, do bế tắc trong cuộc sống đã quẫn trí đèo hai con ra cầu Tiên Lãng (Hải Phòng) nhảy cầu tự vẫn. Đứa con lớn (SN 2009) vùng vẫy khỏi vòng tay mẹ nên thoát chết, còn con nhỏ (SN 2015) đã thiệt mạng cùng mẹ. Dư luận chưa hết bàng hoàng bởi hành động dại dột của người mẹ trẻ khiến con mình mất đi quyền được sống thì lại chứng kiến tiếp hai bi kịch đau lòng khác. Ngày 14/11, cháu N.T.A (8 tháng tuổi) và cháu N.T.V (2 tuổi) đã bị cha đẻ của mình là Nguyễn Trường Quân (28 tuổi) trú tại huyện Xuyên Mộc (Vũng Tàu) đưa ra biển ép chết cùng mình. Tuy nhiên, chỉ hai con thiệt mạng còn Quân không chết. Người cha tàn nhẫn này đã bỏ lại xác hai con trên mỏm đá ở bờ biển rồi nhắn tin lên mạng xã hội để người thân đến đưa thi thể hai con về. Ngày 15/1, Quân treo cổ tự tử tại huyện Đắk R’lấp (Đắk Nông). Ngày 16/11, người dân thôn Đoàn Kết (xã Mỹ Bằng, Yên Sơn, Tuyên Quang) phát hiện ba cha con anh Tráng A Nam (25 tuổi) đã chết trong tư thế treo cổ. Chỉ vì nghi ngờ ghen tuông vợ có người khác, A Nam đã bức tử con trai (4 tuổi) và con gái (3 tuổi) chết cùng mình. Trong di thư để lại, A Nam nói rõ giết con và tự vẫn là để trả thù vợ đã thay lòng. Cộng đồng xót xa khi những đứa con vô tội ấy bị bố mẹ - những người lẽ ra phải bảo vệ sự sống của con thì lại tước đi quyền được sống của chúng một cách tàn nhẫn. 
 
Có một tâm lý vẫn thường trực trong suy nghĩ của các bậc cha mẹ là mình sinh ra con nên có quyền định đoạt việc sống chết của con. Cha mẹ cũng sai lầm khi cho rằng mình chết đi thì con sẽ khổ, vì thế nên mang con theo cùng để chúng không phải sống bơ vơ, thiệt thòi. Đó là lý do khiến những người cha, người mẹ ép con chết cùng mình khi gặp bế tắc. Nhưng có lẽ đáng báo động nhất là hành vi cha mẹ sát hại con và hủy hoại cuộc sống của mình để trả thù bạn đời, bắt người thân phải sống trong đau khổ suốt đời. Đây là hành vi vô nhân đạo của những người cha, người mẹ, bởi những đứa con hoàn toàn vô tội. Dù đau khổ, giận dữ, oán hận đến mấy thì họ cũng không có quyền tước đi quyền được sống của con. 
 
Làm thế nào để mỗi người cha người mẹ hiểu được rằng họ không có quyền tước đoạt quyền được sống của con mình? Làm thế nào để họ nhận thức hành vi đó là vi phạm pháp luật và sẽ bị pháp luật nghiêm trị? Bên cạnh bản án của luật pháp, họ còn phải đối diện với bản án lương tâm - hình phạt đau đớn nhất đối với những người cha, người mẹ có hành vi xâm hại tính mạng con cái. Việc này cần sự vào cuộc đồng bộ từ gia đình đến xã hội. Vì thế, nếu xã hội có những chương trình giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng giải quyết các mâu thuẫn trong gia đình, phổ biến kiến thức pháp luật cho người dân hiệu quả hơn thì sẽ ngăn chặn được những bi kịch bế tắc trong cuộc sống.  
 
Nguyên nhân lý giải cho những hành vi của người cha, người mẹ bức tử chết con, rồi tự hủy hoại mạng sống của mình là họ đã phải trải qua cú sốc lớn trong cuộc sống. Họ bị sang chấn tâm lý nặng nề trước cú sốc đó nhưng không được quan tâm, tháo gỡ kịp thời. 72% trường hợp cha mẹ sát hại con đều có vấn đề về rối loạn tâm thần như trầm cảm, loạn thần, rối loạn nhân cách, tâm thần phân liệt, mang ý định tự sát... là kết quả của nhiều nghiên cứu trên thế giới đã chỉ ra khi nghiên cứu về nguyên nhân của hành vi cha mẹ sát hại con cái. Vì thế, nếu gia đình quan tâm đến các thành viên trong gia đình của mình, giúp đỡ họ tháo gỡ những vấn đề khó khăn đang gặp phải thì sẽ hạn chế được những hành vi tiêu cực.
 
Đã đến lúc việc trang bị kỹ năng sống cho các cặp vợ chồng khi bước vào hôn nhân, trang bị những kiến thức pháp luật, kỹ năng xử lý khi gặp vấn đề khó khăn trong cuộc sống, sự quan tâm, giúp đỡ, tháo gỡ cho người thân trong gia đình khi gặp vấn đề về tâm lý cần được sát sao hơn, thậm chí nên trở thành tiêu chí bắt buộc khi giới trẻ bước vào hôn nhân. Những khóa học, lớp học tiền hôn nhân thay vì khuyến khích, tự học như hiện nay cần được hợp thức hóa, đưa vào hệ thống giáo dục. Có như vậy, vấn đề này mới được giải quyết tận gốc, thay vì chỉ gióng lên tiếng chuông báo động mỗi khi những đứa trẻ vô tội bị người thân tước đoạt quyền được sống diễn ra. Để rồi sau đó, bi kịch đó lại tiếp tục được lặp lại gây nên nỗi đau cho gia đình, nhức nhối trong xã hội.
Hạ Thi 
 

Tin cùng chuyên mục

Cây hạnh phúc nở hoa

Cây hạnh phúc nở hoa

(PNTĐ) - “Em nấu cơm xong chưa, tối nay anh có hẹn, nhà ăn sớm để anh đi sớm”. Thắng, chồng cô vừa dứt lời thì Thảo bỗng thấy bao nhiêu ấm ức bùng lên.
Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

(PNTĐ) - “Chồng ngã vợ nâng, đánh kẻ chạy đi không ai đánh kẻ chạy lại…” là phương châm sống của một số người chồng, người vợ bị bạn đời phản bội. Họ hi vọng, với sự vị tha, độ lượng của mình sẽ thức tỉnh người u mê, lầm lỗi, cho họ một lối về tránh gia đình đổ vỡ. Tuy nhiên, không phải người chồng, người vợ nào cũng biết thức tỉnh trước sự vị tha của người bạn đời.
Hạnh phúc ngoài dự tính

Hạnh phúc ngoài dự tính

(PNTĐ) - Có 3 người con trai, nhưng ông Sơn - bà Xuân chưa từng thấy hạnh phúc. Anh cả công tác trong ngành quân đội, anh thứ là thợ cơ khí giỏi, anh út là chủ nhà hàng, cả 3 anh đều đã lập gia đình. Trong nhà luôn êm ấm, chưa hề thấy cãi vã. Nhưng điều mà ông Sơn bà Xuân cho là hạnh phúc, ấy là một thằng cháu trai.
Con gái của mẹ đã lớn

Con gái của mẹ đã lớn

(PNTĐ) - Sinh nhật bạn thân, nó rủ tôi: “Hay là đêm nay mày ngủ lại đây luôn với tao. Một năm tao mới có một lần sinh nhật, tội gì mà về sớm. Tý nữa mấy đứa ra ngoài “quẩy” cho đã”.