"Ma trận" hàng giả, hàng nhái bủa vây người tiêu dùng

Chia sẻ
Dù các cơ quan chức năng đã liên tục ra quân kiểm tra, xử lý nhưng hàng giả, hàng nhái - với thủ đoạn tinh vi, phức tạp - vẫn có mặt ở nhiều phân khúc thị trường từ các cửa hàng tạp hóa trong chợ, trên phố đến cả các siêu thị, cửa hàng lớn, trung tâm thương mại cao cấp tại những đô thị lớn. Càng về cuối năm cận Tết, vấn nạn này càng trở nên nhức nhối.
 

Mua hàng nhái dễ như mua… rau
 
Chị Nguyễn Bích Liên ở đường Hồ Tùng Mậu, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội cho biết: Một chiếc túi xách chính hãng của thương hiệu Gucci có giá bán hàng chục triệu đồng nhưng chỉ cần ghé qua chợ sinh viên ở phố Xuân Thủy, Cầu Giấy với 100 ngàn đồng, người tiêu dùng có thể sở hữu chiếc túi giống y hệt từ màu sắc, mẫu mã, logo. Cầm chiếc túi trên tay, người mua phải kiểm tra thật kỹ về chất liệu, đường may thì mới có thể phân biệt được thật - giả. Thậm chí, nếu là hàng nhái loại 1, người tiêu dùng phải kiểm tra mã vạch (code) từ chính hãng mới có thể nhận diện được. 
 
Để yên tâm chất lượng sản phẩm, hàng hóa, người tiêu dùng lựa chọn mua sắm tại hệ thống các cửa hàng lớn, có thương hiệu. Seven.am là một trong những hệ thống thương hiệu thời trang lớn dành cho nữ giới tại Hà Nội. Thế nhưng, mới đây, khi kiểm tra, không ít chị em đã thất vọng bởi nhiều mặt hàng như váy, quần áo, túi, ví đã sai phạm trong ghi nhãn hàng hóa như không ghi đủ nội dung bắt buộc, sửa chữa làm sai lệch thông tin về hàng hóa, không thực hiện công bố hợp quy, chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn đã công bố áp dụng (kết quả thử nghiệm tiêu chuẩn polyeste có kết quả 100% trong khi nhãn hàng hóa có ghi thành phần 60% cotton, 40% polyeste). Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) đã áp dụng mức phạt cho các hành vi trên là hơn 100 triệu đồng. 
 
Cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng vì thế ngày càng đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn. Cầm chiếc túi Gucci nhái trên tay, chị Nguyễn Bích Liên đặt câu hỏi: Hàng nhái bán công khai, mua dễ, nhanh và lại rất rẻ, gần như không có chịu sự kiểm tra, kiểm soát nào, vậy vai trò của các cơ quan chức năng ở đâu? Cơ quan nào chịu trách nhiệm xử lý trong khi thực trạng hàng giả, hàng nhái đã trở thành vấn nạn, tồn tại nhiều năm mà chưa xử lý dứt điểm?
 
Qua tìm hiểu của phóng viên báo Phụ nữ Thủ đô, hàng nhái, hàng giả có nhiều nguồn khác nhau được đưa về thị trường nội địa. Riêng với mặt hàng túi xách, ví da có dấu hiệu giả mạo các thương hiệu nổi tiếng Gucci, Louis Vuiton, Moschino, Dior, Charles & Keith… được đưa về từ thôn Thao Chính, xã Sơn Hà, huyện Phú Xuyên. Những người trong nghề gọi đây là “thủ phủ” đổ buôn các loại túi, ví với giá bán chỉ từ 30.000 đồng/sản phẩm. Thị trường tiêu thụ chủ yếu là các khu chợ dành cho sinh viên, chợ dân sinh truyền thống hay các cửa hàng nhỏ lẻ ở các tỉnh. Cuối tháng 10 vừa qua, đội Quản lý thị trường số 14 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội), qua nắm bắt thông tin từ đường dây nóng đã kiểm tra một số cơ sở kinh doanh tại thôn Thao Chính, đã thu giữ hơn 1.000 túi, ví có dấu hiệu làm giả các thương hiệu lớn. Ngoài các mối đổ buôn truyền thống, thời gian gần đây, lợi dụng sự phát triển của công nghệ, các hộ kinh doanh còn tận dụng hình thức bán hàng trực tiếp thông qua các buổi phát và tương tác trực tiếp (livestream) với khách hàng qua mạng xã hội. Những đơn khách đặt thông qua buổi livestream được đóng gói và chuyển đến tận tay khách hàng qua đường bưu điện. 
 
Gia tăng hàng nhái xuất xứ Việt Nam
 
Lực lượng chức năng kiểm tra chất lượng hàng hóa tại một gian hàng kinh doanh trong tiểu khu Phú Mỹ, huyện Phú Xuyên, HN

 
 Ông Hoàng Ánh Dương - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) cho biết: từ đầu năm đến nay, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra 141.000 vụ, phát hiện, xử lý 82.300 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách 430 tỷ đồng và chuyển cơ quan chức năng khởi tố 26 vụ việc. Riêng hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ, đã kiểm tra, xử lý 6.597 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách hơn 19 tỷ đồng. Tuy nhiên, những con số này chỉ là “phần nổi của tảng băng”, còn nhiều vụ việc không được phát hiện, ngăn chặn kịp thời, hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng được tuồn ra thị trường, gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương), có đến 20% khiếu nại của người tiêu dùng gửi đến Cục trong 10 tháng năm 2019 liên quan đến cung cấp thông tin gây nhầm lẫn và chất lượng không đúng như quảng cáo. Đại diện không ít hãng mỹ phẩm lớn tại Việt Nam đã “kêu trời” vì có thời điểm, đến 75% mỹ phẩm dán nhãn thương hiệu này bày bán trên thị trường là hàng nhái, hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ.
 
Đề cập đến vấn nạn hàng giả, các chuyên gia và đại diện Tổng cục Quản lý thị trường cảnh báo phương thức, thủ đoạn mới tinh vi. Đó là các đối tượng tổ chức sản xuất hàng giả rồi gắn mác hàng Việt Nam chất lượng cao vừa để qua mặt người tiêu dùng, vừa thách thức cơ quan chức năng bởi việc xử lý vi phạm sở hữu trí tuệ, nguồn gốc xuất xứ, hàng giả, hàng nhái hiện còn gặp nhiều khó khăn bất cập. Thực trạng này, theo ông Hoàng Ánh Dương, xuất phát từ tâm lý người tiêu dùng và nhu cầu thực tế của người dân đối với hàng hóa đảm bảo chất lượng do Việt Nam và các nước phát triển sản xuất, các đối tượng dùng rất nhiều thủ đoạn, nhập hàng hóa nước ngoài về Việt Nam, gắn mác hàng Việt Nam hoặc các thương hiệu nổi tiếng. Đơn cử, nhiều người bán rong hoa quả, khoai tây, hành tỏi… xuất xứ Trung Quốc nhưng khi khách hỏi lại trả lời là hàng Việt Nam để bán được hàng. Thế nhưng, công tác kiểm tra, xử lý vi phạm về giả mạo xuất xứ gặp nhiều khó khăn, bao gồm cả việc truy xuất nguồn gốc hàng hóa. Nếu cơ quan thực thi không có bằng chứng rõ ràng, không bắt quả tang hoặc giám định chất lượng thì việc phát hiện vi phạm là rất khó khăn, đặc biệt là hàng nhập lậu sau khi đã được đưa qua các đường mòn, lối mở… Đối với hàng hóa giả mạo xuất xứ không có doanh nghiệp chủ thể quyền rõ ràng như: hàng nông sản, hàng hóa nguyên liệu, hàng hóa giả mạo doanh nghiệp, địa chỉ không có thật… thì càng khó xử lý. 
 
Những “lỗ hổng” pháp lý
 
Những quy định pháp luật là chế tài để các cơ quan chức năng xử lý vi phạm về sở hữu trí tuệ, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Tuy nhiên, theo Thượng tá Đỗ Đức Tạo - Phó trưởng phòng 11, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Bộ Công an), hiện nay nội dung quy định trong một số văn bản còn mâu thuẫn, chồng chéo gây khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải quyết các vụ việc. Cụ thể, về công tác giám định, hiện chỉ có Viện Khoa học sở hữu trí tuệ là cơ quan giám định cao nhất, duy nhất về sở hữu trí tuệ, nhưng để xử lý hình sự thì Cơ quan điều tra không thể dùng kết quả giám định của Viện Khoa học sở hữu trí tuệ làm chứng cứ mà phải trưng cầu Cơ quan giám định tư pháp là Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an).
 
Thượng tá Đỗ Đức Tạo cũng chỉ ra một bất cập khác. Đó là Bộ Luật hình sự sửa đổi có quy định chi tiết về “quy mô thương mại”, “gây thiệt hại cho chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý” nhưng đến nay vẫn chưa có văn bản hướng dẫn thế nào là “quy mô thương mại” và “tiêu chí, cách thức đánh giá, xác định mức thiệt hại gây ra cho chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý”. Mức xử phạt hành chính theo Nghị định 99/2013/NĐ-CP với hàng hóa giả mạo nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý cao nhất là phạt tiền không quá 250 triệu đồng đối với giá trị hàng hóa vi phạm trên 300 triệu đồng, nhưng không quy định mức trị giá hàng hóa tối đa để xử lý hình sự nên dù trị giá hàng hóa vi phạm có thể lên đến hàng tỷ đồng hoặc nhiều hơn cơ quan chức năng vẫn có thể xử lý hành chính. Thực tế trên cho thấy: một vi phạm vừa có thể xử lý bằng biện pháp hình sự vừa có thể xử lý bằng biện pháp hành chính. Thông thường, các cơ quan thực thi pháp luật thường chọn hình thức xử lý hành chính vì thủ tục và quy trình xử lý đơn giản hơn rất nhiều đối với thủ tục để xử lý vụ việc bằng biện pháp hình sự. Điều này gây tác động xấu đến ý thức tuân thủ pháp luật của chủ thể vi phạm pháp luật và các cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm.
 
Là lực lượng trực tiếp kiểm tra kiểm soát thị trường, qua thực tế đấu tranh, ngăn chặn hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, ông Dương Ngọc Viện - Đội trưởng đội Quản lý thị trường số 14 đề cập đến những khó khăn khác trong quá trình thực thi nhiệm vụ. Lấy dẫn chứng vụ việc phát hiện túi xách, ví có dấu hiệu giả mạo thương hiệu nổi tiếng, lực lượng quản lý thị trường không thể kết luận các mặt hàng được bày bán tại cửa hàng ở thôn Thao Chính là hàng giả, hàng nhái hay hàng vi phạm sở hữu trí tuệ. Cách lách của chủ cửa hàng ở đây khá tinh vi. Chẳng hạn, họ cố tình viết thiếu, viết sai 1 chữ trong thương hiệu để không vi phạm bản quyền thương hiệu, tránh sự kiểm tra, kiểm soát của cơ quan chức năng. So với tên chính hãng không đúng, dù sai hoặc thiếu một chữ cái, lực lượng quản lý thị trường cũng gặp lúng túng trong việc xử lý. Hay khi phát hiện hàng ngàn chiếc túi kém chất lượng có dấu hiệu bị làm giả, các cơ quan chức năng cũng không thể tịch thu bởi chủ cửa hàng rất… tinh vi, không gắn tem, mác sẵn vào sản phẩm mà khi nào có người đặt mới gắn mác các thương hiệu và xuất kho ngay. 
 
Trước thực trạng trên, để ngăn chặn hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, Tổng cục Quản lý thị trường sẽ triển khai nhiều giải pháp cụ thể và quyết liệt. Đó là đưa Cổng thông tin điện tử vào hoạt động để bất kỳ đội quản lý thị trường nào trên cả nước sau khi phát hiện, bắt giữ hàng giả có thể đưa toàn bộ thông tin lên để các đơn vị khác trong Tổng cục biết, từ đó tìm hiểu thêm về cách thức hoạt động, số lượng của các đối tượng buôn bán hay làm hàng giả. Tổng cục Quản lý thị trường phối hợp với các cơ quan, địa phương, chợ truyền thống, trung tâm thương mại, siêu thị… để tuyên truyền cho mọi tầng lớp nhân dân nâng cao ý thức chống hàng giả cũng như phổ biến kiến thức hay thông tin nhất định về hàng giả làm cơ sở để người tiêu dùng chủ động phân biệt, nhận biết hàng thật – hàng giả; lực lượng nghiệp vụ phối hợp cùng các doanh nghiệp tổ chức điều tra, kiểm soát thường xuyên và bất thường tại các kênh mua bán để ngăn ngừa…
 
Từ thực tế đấu tranh với hàng giả, hàng nhái, Thượng tá Đỗ Đức Tạo cũng đề nghị các đơn vị liên quan chấn chỉnh, kiểm soát chặt chẽ việc cấp phép cho các Hiệp hội, đơn vị xin tổ chức các cuộc thi bình chọn chất lượng sản phẩm hàng hóa để cấp các giấy chứng nhận, giải thưởng, danh hiệu; tránh cấp phép tràn lan, cấp phép giải thưởng, danh hiệu cho hàng kém chất lượng, vi phạm pháp luật gây hiểu lầm và thiệt hại cho người tiêu dùng. Bên cạnh đó, bổ sung các biện pháp nhằm ngăn chặn việc quảng cáo vi phạm trên mạng xã hội.
 Việt Bách - Minh Hà

Tin cùng chuyên mục

 Thủ đoạn mới: Gắn định vị vào gói hàng ma tuý để thả trôi trên biển

Thủ đoạn mới: Gắn định vị vào gói hàng ma tuý để thả trôi trên biển

(PNTĐ) - Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Quang, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04 - Bộ Công an) cho biết, thời gian qua, lực lượng chức năng phát hiện nhiều gói ma túy được đóng gói và có thiết bị định vị, để rồi sau đó các đối tượng buôn bán trục vớt mang đi tiêu thụ.
Công bố biểu trưng Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2024-2029

Công bố biểu trưng Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2024-2029

(PNTĐ) - Biểu trưng Đại hội đại biểu toàn quốc Hội LHTN Việt Nam lần thứ IX là hình ảnh kết hợp cấu trúc chữ tượng hình từ số lần Đại hội, biểu hiện thông qua chữ số IX, là sự tích hợp các hình tượng tiêu biểu xoay quanh biểu trưng Thanh niên Việt Nam.