Liệu có loạn sách giáo khoa?
Năm học 2020-2021, các trường sẽ tự chọn SGK mới để dạy học thay vì dự kiến để các tỉnh/thành chọn sách như trước. Việc thay đổi này nhằm đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp và thống nhất trong quy định của luật, nhưng đang làm nảy sinh lo ngại liệu có dẫn tới tình trạng loạn sách, gây lãng phí làm khổ học sinh và cha mẹ các em.
![]() |
Nhiều người lo ngại tới đây, khi các trường được chọn SGK sẽ dẫn đến tình trạng… nhiễu sách, làm khổ học sinh. |
Vướng hiệu lực của Luật Giáo dục
Theo ông Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD-ĐT, theo tinh thần của Luật Giáo dục sửa đổi, cụ thể Điểm c, Khoản 1, Điều 32 Luật Giáo dục sửa đổi quy định “UBND cấp tỉnh quyết định việc lựa chọn SGK sử dụng ổn định trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn”.
Tuy nhiên, tới ngày 1/7/2020 Luật Giáo dục 2019 mới có hiệu lực, trong khi việc lựa chọn SGK lớp 1 mới phải triển khai sớm. Tại phiên họp toàn thể của Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội lần thứ 11 chiều 26/11, các đại biểu Quốc hội cho rằng, việc ban hành Thông tư vào thời điểm hiện hành chưa phù hợp với hiệu lực thi hành của Luật Giáo dục (sửa đổi). Vì thế, các đại biểu Quốc hội đề nghị việc chọn SGK lớp 1 năm học tới vẫn sẽ thực hiện theo Nghị quyết 88 của Quốc hội quy định “cơ sở giáo dục có thẩm quyền lựa chọn SGK để sử dụng dựa trên ý kiến của giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh”.
Để đảm bảo tiến độ thay sách giáo khoa mới, dự thảo Thông tư quy định chọn SGK lớp 1 theo Nghị quyết 88 xin ý kiến góp ý. Thông tư khi ban hành sẽ chỉ có hiệu lực từ 1/1/2020 đến hết tháng 30/6/2020. Đến thời điểm 1/7/2020, khi Luật Giáo dục (sửa đổi) có hiệu lực thi hành thì việc chọn SGK sẽ lại được giao cho UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm.
Hiện nay, với chủ trương “một chương trình, nhiều bộ SGK”, cùng việc Bộ GD-ĐT vừa chính thức phê duyệt 5 bộ SGK, các nhà trường sẽ có nhiều cơ hội hơn trong việc đa dạng hóa tài liệu dạy học cho học sinh của mình.
Theo bà Đoàn Thị Thu, Hiệu trưởng trường Tiểu học Nguyễn Văn Huyên, yếu tố quan trọng nhất là các trường phải chọn được bộ SGK hay các cuốn sách theo từng môn học phù hợp với trình độ, đặc điểm học sinh của mình. Trường ở thành phố có thể chọn SGK khác với trường ở nông thôn… Bà Thu chỉ băn khoăn nếu trao quyền chọn SGK cho các trường, liệu tới đây có xảy ra tình trạng sẽ loạn sách vì mỗi trường sử dụng một hoặc nhiều bộ sách khác nhau. Học sinh ở các trường trong cùng một địa bàn có thể học nhiều cuốn SGK khác nhau.
Kinh phí viết sách giáo khoa được sử dụng ra sao?
Đến thời điểm này, chỉ còn ít tháng nữa là sẽ triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, bắt đầu từ lớp 1. Tuy nhiên, cùng với những lo lắng trong chọn sách, dư luận còn quan tâm tới việc tới đây, Bộ GD-ĐT sẽ sử dụng kinh phí khổng lồ được đầu tư cho dự án đổi mới giáo dục phổ thông như thế nào?
Cụ thể, kinh phí đầu tư cho dự án vào khoảng 80 triệu USD, trong đó 16 triệu USD dành để biên soạn một bộ SGK. Tuy nhiên, hiện nay, phương án biên soạn một bộ sách đã được thay thế bằng “một chương trình, nhiều bộ SGK”. Trả lời câu hỏi của báo chí tại buổi họp báo công bố quyết định phê duyệt SGK mới vừa qua, ông Nguyễn Xuân Thành, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD-ĐT khẳng định số tiền trên sẽ phục vụ cho việc đổi mới chương trình SGK. Cụ thể, một phần số tiền dùng vào việc biên soạn tài liệu và tập huấn cho người thẩm định SGK; một phần dùng để tái cấu trúc dự án và được sử dụng cho những dự án khác, những hoạt động khác.
Về lo lắng của PHHS, ông Thành thừa nhận, khi để các cơ sở giáo dục có quyền chọn SGK lớp 1 thì trong cùng một quận/huyện, rất có thể mỗi trường tiểu học sẽ chọn nhiều loại SGK khác nhau để dạy học. Việc chọn nhiều bộ sẽ không thể gây ra nhiễu loạn vì việc đánh giá, thi cử sẽ bám sát theo mục tiêu và chuẩn đầu ra của chương trình, không dựa theo bất cứ một SGK nào. Tuy nhiên, trả lời này chưa làm thỏa mãn công chúng vì rõ ràng, học sinh đi học không thể không sử dụng SGK. Khi các trường đổi sách thì gia đình học sinh sẽ phải mua SGK mới.
Được biết, hiện nay, mới chỉ có đối tượng cán bộ quản lý được tập huấn về chủ trương thay SGK mới từ năm học 2020-2021. Còn nội dung SGK mới như thế nào, các trường chưa được tiếp cận. Nhiều giáo viên cho biết, việc tập huấn cần được tiến hành sớm, nếu chần chừ sẽ không kịp cho năm học mới.
Trung Thu