Cháy nổ: Hiểm họa "giặc lửa" mùa hanh khô

Chia sẻ

“Nhất thuỷ, nhì hoả” - các cụ xưa gọi cháy nổ là “giặc” để nhấn mạnh sự nguy hiểm và hậu hoạ khôn lường của “giặc lửa” đối với đời sống người dân.

Cháy nổ: Hiểm họa
Cháy lớn tại một nhà máy trong KCN Sài Đồng, quận Long Biên
 
 
Thế nhưng, tại Hà Nội, rất nhiều loại hình nhà ở, cơ sở kinh doanh tiềm ẩn nguy cơ cháy lớn. Mới bước vào mùa hanh khô nhưng ngày nào trên địa bàn TP cũng có cháy, để lại thiệt hại lớn về tài sản và tính mạng con người. 
 
Những hiểm hoạ nhìn thấy trước
 
Trưa ngày 8/12, tại phòng giao dịch của ngân hàng BIDV toà nhà số 71 Nguyễn Chí Thanh, quận Đống Đa xảy ra cháy từ tầng 1 và rất nhanh, khói đen đã bốc lên các tầng trên. Sự việc xảy ra vào Chủ nhật, cư dân toà nhà hốt hoảng và lo sợ bởi tầng 2 và tầng 3 là khu vực nhà hàng, sử dụng nhiều bình gas để đun nấu. Nhận được tin báo, lực lượng chức năng đã điều động 7 phương tiện chữa cháy cùng cán bộ, chiến sỹ đến hiện trường dập lửa, hướng dẫn người dân thoát nạn, kết hợp dùng xe thang đưa khoảng 60 người dân an toàn ra khỏi đám cháy. Hơn 1 tiếng sau khi phát lửa, đám cháy được dập tắt. Nhiều tài sản ở tầng 1 đã bị lửa thiêu huỷ. Rất may không có thương vong về người. 
 
Vụ cháy này tiếp tục nối dài danh sách các trường hợp bị “giặc lửa ghé thăm”. Theo nhận định của Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ - Công an TP Hà Nội, bước vào mùa hanh khô cũng là những tháng cuối năm, cận Tết, nhu cầu sản xuất, kinh doanh, tích trữ hàng hoá tăng cao, cháy nổ rất dễ xảy ra. Tất cả các loại hình cơ sở đều tiềm ẩn nguy cơ cháy cao như nhà kho, nhà xưởng, chợ dân sinh, nhà chung cư, nhà tập thể, nhà ống… Ngoài những thiệt hại nặng nề về tài sản, nhiều nạn nhân không may mắn đã tử vong, trong đó nhiều nạn nhân là người cao tuổi, trẻ em hoặc nhiều người thân trong gia đình cùng tử nạn một lúc.
 
Hơn 1 tuần trôi qua nhưng nhiều người vẫn xót xa khi nhắc đến vụ cháy khiến 3 bà cháu tử vong thương tâm ở phố Nguyễn Chính, quận Hoàng Mai. Sự hung dữ của ngọn lửa khiến người dân ở khu phố bất lực, dù họ nghe thấy rõ những tiếng kêu cứu xé lòng. Sức người trước ngọn lửa cháy rừng rực, không có tác dụng. Những người lính cứu hoả trực tiếp có mặt tại hiện trường đã đau xót thốt lên: 3 bà cháu sẽ tai qua nạn khỏi nếu như ngôi nhà có lối thoát nạn. Ngôi nhà xảy ra hỏa hoạn nằm trong ngõ hẹp, có 3 lớp cửa kiên cố, chắc chắn, khoá trái cẩn thận. Toàn bộ căn nhà được quây kín bằng tôn nên khi xảy ra cháy, người ở bên trong cũng không có đường thoát ra ngoài, còn người dân và lực lượng cứu hộ bên ngoài không thể tiếp cận một cách nhanh nhất để khống chế ngọn lửa; việc phá khoá, phá cửa mất nhiều thời gian. 
 
Sáng ngày 6/12, tại buổi tập huấn phòng cháy chữa cháy cho các cơ sở kinh doanh và giáo dục trên địa bàn quận Cầu Giấy, Đại tá Nguyễn Trường Sơn – Phó trưởng Công an quận Cầu Giấy nhắc lại vụ việc đau lòng trên và nhấn mạnh: nhà ở dạng ống – loại hình nhà ở rất phổ biến tại Hà Nội chỉ có duy nhất một lối thoát nạn là cầu thang tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm khi có cháy. Bên dưới nhà, 2-3 lớp cửa khoá kiên cố; bên trên lồng sắt kín mít để đảm bảo trộm cắp không có cơ hội xâm nhập. Trong những trường hợp này, người dân mới tính đến một vế là đảm bảo an toàn, phòng chống trộm cắp nhưng chưa tính đến đường thoát nạn, thoát hiểm. Khi xảy cháy, người dân tự nhốt mình trong khói ngạt độc hại, đe doạ trực tiếp đến tính mạng.
 
Đại tá Nguyễn Trường Sơn dẫn lại vụ cháy lớn xảy ra tại phường Xuân Đỉnh hồi giữa năm 2017. Bắt nguồn từ việc chập điện ở chiếc quạt treo tầng 1, sau đó quạt rơi xuống tủ lạnh; ngọn lửa không bùng lên tầng 2, chỉ cháy xém đến cầu thang nhưng khói đen nhanh chóng bao phủ toàn bộ các tầng. Căn nhà không có lối thoát nạn do bị bịt kín, thậm chí lồng sắt trên tầng thượng được hàn rất kiên cố. Căn nhà lại nằm trong ngõ sâu, khi lực lượng chữa cháy tiếp cận, cả gia đình 4 người đều bị ngạt khói và tử vong. 
Nhiều bất cập trong phòng chống cháy nổ
 
Qua công tác khám nghiệm thực tế từ các vụ cháy, Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ nhận định, 2/3 số vụ cháy đều bắt nguồn từ các sự cố về điện. Nhiều vụ cháy xảy ra vào ban đêm, việc phát hiện và xử lý cháy còn chậm khiến hậu quả để lại vô cùng nặng nề.
 
Nguy cơ cháy nổ dễ dàng nhận diện tại loại hình nhà ở, trong khi đó, người lao động làm việc tại các nhà xưởng, thuê trọ tại các nhà trọ giá rẻ, ý thức còn hạn chế, không có kỹ năng thoát nạn, thoát hiểm cơ bản nên dễ nảy sinh tâm lý chủ quan, lơ là với hiểm hoạ cháy nổ… Rất nhiều cuộc tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng thoát nạn, thoát hiểm, phòng chống cháy nổ được các quận, huyện tổ chức dành cho các đối tượng khác nhau: người dân, chủ nhà trọ, chủ cơ sở kinh doanh… nhưng vẫn có một bộ phận người dân chủ quan, không tham dự đầy đủ hoặc cử người giúp việc đi tập huấn thay.
 
Ngoài những nguyên nhân từ ý thức chủ quan của con người, Báo cáo giám sát về tình hình thực hiện các quy định phòng chống cháy nổ được trình bày tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XIV vừa qua đã chỉ rõ những hạn chế, bất cập trong công tác phòng, chống cháy nổ. Đó là số trụ nước, bể nước, bến nước thiếu trầm trọng, lên đến hàng trăm, thậm chí hàng nghìn. Tại Hà Nội, hiện thiếu gần 300 bể nước, 400 bến lấy nước, 7.000 trụ nước; trong số các trụ nước đang có thì 522 trụ không sử dụng được. Trong khi đó nguồn nước tự nhiên ở các ao, hồ, sông ngòi ngày càng cạn kiệt, tước đi cơ hội được sống trong trường hợp hỏa hoạn xảy ra.
 
Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều vướng mắc trong hệ thống văn bản pháp luật về phòng cháy chữa cháy (PC CC) như chưa có quy định cụ thể về điều kiện bảo đảm an toàn PCCC đối với các loại hình nhà ở mà người dân tự chuyển đổi mục đích sử dụng để kết hợp vừa ở, vừa sản xuất, kinh doanh; thiếu các quy định về bảo đảm an toàn PCCC đối với các làng nghề truyền thống, khu tập thể cũ, nhà chung cư được xây dựng trước khi Luật PCCC có hiệu lực. Một số loại hình cơ sở mới xuất hiện thời gian gần đây như chung cư mini, công trình nhiều tầng hầm, siêu cao tầng, nhà máy lọc dầu... nhưng chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn an toàn PCCC. Tại một số địa phương, việc PCCC còn được “khoán” cho lực lượng cảnh sát PCCC, thiếu sự vào cuộc quyết liệt để của chính quyền địa phương trong việc kiểm tra, xử lý, phòng ngừa cháy nổ.
 
Nước xa không cứu được lửa gần
 
Trong khi nhiều vướng mắc, khó khăn trong công tác chữa cháy chưa thể khắc phục trong ngày một, ngày hai thì việc phòng ngừa cần được đặt lên hàng đầu. Một nguyên tắc trong phòng, chống hỏa hoạn được các chuyên gia nhấn mạnh là “nước xa không cứu được lửa gần”. Chính vì vậy, tại nhiều quận, huyện tại Hà Nội đã triển khai Tổ chữa cháy, cứu nạn cứu hộ tại các phường, các khu dân cư để mỗi người dân, mỗi chiến sỹ công an đều nắm vững được kỹ năng phòng, chống “giặc lửa”, cứu hộ cứu nạn; phát huy hiệu quả phương châm 4 tại chỗ (lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, vật tư và hậu cần tại chỗ). Trong tình huống xảy ra hỏa hoạn, nếu huy động được người dân, xử trí tốt đám cháy ngay từ ban đầu, thiệt hại và hậu quả sẽ được giảm tối đa.
 
Vụ cháy xảy ra tại phố Đồng Xa, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy vào hồi cuối tháng 7 vừa qua là điển hình. Xảy cháy trong thời điểm Hà Nội nắng nóng cao điểm, nhiệt độ ngoài trời lên đến hơn 40 độ. Nguyên nhân vụ cháy được xác định có liên quan đến điện. Ngọn lửa bốc lên từ tầng 3 ngôi nhà, chỉ sau vài phút đã bốc cao và cột khói nghi ngút. Nằm giữa khu dân cư đông đúc, ngõ sâu và chật hẹp, nhà cửa san sát, nguy cơ cháy lan sang các nhà bên cạnh là hoàn toàn có thể xảy ra. Người dân ở quanh khu vực này, chủ yếu là các ông, bà tuổi trên 50 nhưng rất bình tĩnh, nhanh nhẹn, tích cực tham gia chữa cháy. Người gọi cơ quan điện lực ngắt điện, người gọi 113, 114, người báo chính quyền, người sơ tán tài sản, người kêu gọi chủ phương tiện đỗ ngoài đường nhanh chóng di chuyển để lấy chỗ cho xe cứu hoả nhanh chóng tiếp cận hiện trường... Nhờ vậy, chỉ khoảng hơn chục phút sau, cảnh sát PCCC có mặt, nhanh chóng khống chế ngọn lửa. Nhận được tin báo, chủ nhà đã nhanh chóng trở về thì đám cháy cơ bản đã được xử lý, tài sản được bảo vệ nguyên vẹn, người thân trong gia đình được di chuyển đến nơi an toàn.
 
Bên cạnh việc nâng cao ý thức, trang bị kỹ năng phòng chống cháy nổ, thoát nạn, thoát hiểm tại các khu dân cư, toà nhà chung cư, một số địa phương đã thành lập mô hình PCCC hoạt động hiệu quả. Tại các khu tập thể cũ trên địa bàn quận Cầu Giấy, người dân đã thực hiện mở cửa thoát hiểm tại các “lồng sắt” cơi nới trong gia đình để khi có cháy, họ có lối thoát nạn cho mình. Tại quận Hoàn Kiếm, với đặc thù nhiều ngõ nhỏ, phố nhỏ, cư dân đông đúc, chính quyền địa phương đã triển khai lắp đặt thí điểm phương tiện chữa cháy công cộng, phục vụ người dân. Việc thực hiện thí điểm được triển khai tại phường Hàng Buồm, 100 ngõ sâu đã được trang bị bình chữa cháy mini, tiêu lệnh… Tại phường Ngọc Hà, quận Ba Đình, bên cạnh nguồn nước tự nhiên của ao, hồ, phường đã tổ chức xây dựng các bể nước ngầm phục vụ chữa cháy nằm trong khu dân cư. Với đặc thù địa bàn có nhiều ngõ, ngách nhỏ, phương tiện chữa cháy chuyên dụng khó tiếp cận thì việc xây dựng bể nước ngầm kết hợp với máy bơm cỡ nhỏ sẽ đáp ứng được yêu cầu chữa cháy trên địa bàn phường... Tại phường Khương Trung, quận Thanh Xuân, Công an phường đã đầu tư kinh phí mua máy bơm để kịp thời chữa cháy trong các khu dân cư đông đúc, giao thông không thuận lợi... Đồng thời, phường cũng thành lập 2 đội chữa cháy cơ động, giúp hoạt động chữa cháy ban đầu tăng thêm tính hiệu quả, xử lý kịp thời sự cố cháy trên địa bàn phường… 
Tuệ Linh - Việt Bách 

Tin cùng chuyên mục

 Thủ đoạn mới: Gắn định vị vào gói hàng ma tuý để thả trôi trên biển

Thủ đoạn mới: Gắn định vị vào gói hàng ma tuý để thả trôi trên biển

(PNTĐ) - Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Quang, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04 - Bộ Công an) cho biết, thời gian qua, lực lượng chức năng phát hiện nhiều gói ma túy được đóng gói và có thiết bị định vị, để rồi sau đó các đối tượng buôn bán trục vớt mang đi tiêu thụ.
Công bố biểu trưng Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2024-2029

Công bố biểu trưng Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2024-2029

(PNTĐ) - Biểu trưng Đại hội đại biểu toàn quốc Hội LHTN Việt Nam lần thứ IX là hình ảnh kết hợp cấu trúc chữ tượng hình từ số lần Đại hội, biểu hiện thông qua chữ số IX, là sự tích hợp các hình tượng tiêu biểu xoay quanh biểu trưng Thanh niên Việt Nam.