Hàng chục hộ dân ngõ 80 Hàng Gai kêu cứu

Chia sẻ

"UBND phường đã đình chỉ nhưng công ty vẫn chăng đèn kết hoa từ đầu ngõ dẫn vào quán, bày manocanh cầm biển hiệu quay tay tự động ra giữa lối đi chung để mời chào khách".

Báo Phụ nữ Thủ đô nhận được đơn phản ánh của tập thể các hộ dân ở ngõ 80 phố Hàng Gai, phường Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội về việc thời gian qua, công ty Cổ phần Sản xuất Thương mại và Xuất khẩu lao động (Vinahandcoop) đã có nhiều vi phạm trong công tác quản lý, sử dụng đất vào việc kinh doanh ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân.
  
Tuyến ngõ 80 Hàng Gai có 15 hộ dân sinh sống ổn định, trong đó có 11 hộ dân cùng kinh doanh bán hàng lưu niệm, quần áo ở đầu ngõ. Việc kinh doanh buôn bán không ảnh hưởng đến ngõ đi chung và không gây bất cứ mâu thuẫn, khiếu kiện gì trong suốt 30 năm nay.
 
Hàng chục hộ dân ngõ 80 Hàng Gai kêu cứu - ảnh 1
Công ty Vinahandcoop ngang nhiên cải tạo văn phòng thành quán kinh doanh. Ảnh: Tuệ Liên  

Năm 2009, Công ty Vinahandcoop có hợp đồng thuê nhà đất với Công ty Quản lý và phát triển Nhà Hà Nội (thuộc Sở Xây dựng Hà Nội) để đặt trụ sở văn phòng trong ngõ 80 Hàng Gai. Từ nhiều năm nay, các cán bộ, nhân viên của công ty đi chung ngõ với các hộ dân. Nhưng mấy năm gần đây, công ty tiến hành cải tạo, sửa chữa nhà, chuyển đổi mục đích kinh doanh gây ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của các hộ dân.
 
Cụ thể, năm 2017, Vinahandcoop đã cải tạo, sửa chữa văn phòng trong ngõ 80 Hàng Gai và có nhiều vi phạm như: Hàn khung sắt ở nhà chuyên dụng tầng 2 mặt phố vượt lên trên không gian tầng 3 của một hộ dân. Công ty còn đục ô phía trên cao hơn 60cm. Các hộ dân đã làm đơn phản ánh lên chính quyền phường nhưng đến nay vẫn chưa được khắc phục, xử lý trả lại hiện trạng ban đầu.
 
Ngày 5/12/2018, công ty cải tạo văn phòng thành quán kinh doanh dịch vụ bia, rượu, café mang tên “The ROWS: Coffee – Tea – Wine”, treo 4 biển cố định ngoài mặt tiền của tuyến ngõ. 
Tháng 8/2019, công ty tiếp tục che ô toàn bộ khoảng không lối đi lại dân sinh gây thiếu ánh sáng. Ngày 16/9, công ty đã cho thợ đến cắt các thanh vòm mặt tiền tầng 2 và khoan cắt tiếp thêm 2 thanh vòm phía trên để mở rộng thành cửa lớn nhìn ra mặt phố. Lực lượng chức năng phường Hàng Gai đã xuống lập biên bản vi phạm.
 
Ngày 4/11, công ty đã có văn bản gửi Công an, UBND phường Hàng Gai thông báo tới ngày 10/11, nếu các hộ dân không tự dọn dẹp các đồ dùng phục vụ bán hàng, công ty sẽ chủ động dọn dẹp để trả lại lối đi chung.
 
Sáng 10/11, mặc dù phía chính quyền, công an địa phương chưa có ý kiến phản hồi, công ty đã cho gần 20 người cùng 4 xe thương binh đến ngõ 80 Hàng Gai, dùng kìm cộng lực cắt khóa, vứt đồ đạc, tủ kính, 2 quầy hàng, 2 giá sắt treo đồ quần áo và giật tung những tấm ốp tường cùng nhiều khung sắt phục vụ việc treo quần áo bán hàng của các hộ dân trong ngõ. 
 
Điều đáng nói, những hộ dân trong ngõ 80 Hàng Gai nhiều người cao tuổi, người tàn tật, neo đơn, có nhiều phụ nữ cao tuổi không lập gia đình, cuộc sống của các hộ gặp nhiều khó khăn chỉ trông chờ vào việc kinh doanh nhỏ lẻ hàng ngày ở đầu ngõ. 2/15 hộ thuộc diện cận nghèo của phường. Từ hơn 30 năm nay, mọi chi phí sinh hoạt đều dựa vào quầy hàng bán đồ lưu niệm cho khách du lịch ở đầu ngõ 80 Hàng Gai. Một trong số đó phải kể đến bà Lương Thị Vân Anh - 60 tuổi, mắc bệnh co rút xương khớp, phải ngồi xe lăn hơn 20 năm nay. Mọi sinh hoạt cá nhân, thuốc thang đều trông vào thu nhập từ quầy hàng lưu niệm. 
 
Trao đổi với phóng viên báo Phụ nữ Thủ đô, bà Nguyễn Ngọc Hà – Chủ tịch UBND phường Hàng Gai cho biết, nội dung đơn thư của người dân là có cơ sở. Việc vi phạm trật tự xây dựng, chính quyền phường đã và đang trong quá trình giải quyết, xử lý theo quy định. Về hợp đồng thuê nhà đất giữa Vinahandcoop với công ty Quản lý và phát triển Nhà Hà Nội, hiện tại đã hết hạn và chưa ký tiếp. UBND phường đã đề nghị Xí nghiệp Quản lý và phát triển nhà Hà Nội cung cấp các giấy tờ, hồ sơ liên quan đến nhà, đất của Vinahandcoop để làm rõ một số nội dung liên quan đến cả những tranh chấp, khiếu kiện ở số nhà 80 Hàng Gai.
 
 Đối với hành vi cho người đến cắt, dỡ, vứt đồ đạc, tài sản của các hộ dân, bà Hà cho rằng, việc làm đó thể hiện sự coi thường pháp luật. Ngay sau khi xảy ra sự việc, UBND phường đã đình chỉ mọi hoạt động kinh doanh tại tuyến ngõ 80 Hàng Gai để phục vụ cho công tác điều tra. Công an phường đã lập hồ sơ ban đầu và gửi công an quận Hoàn Kiếm để xem xét, xử lý theo thẩm quyền. Trong thời gian chờ kết luận từ công an Quận, hàng ngày, công an phường luôn có lực lượng túc trực trước ngõ 80 Hàng Gai để xử lý vi phạm, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn. Dự kiến ngày khoảng 10,11/12, UBND phường sẽ tổ chức hòa giải giữa 2 bên.
 
Mặc dù bà Nguyễn Ngọc Hà khẳng định, UBND phường đã đình chỉ mọi hành vi lấn chiếm lối đi chung để phục vụ công tác điều tra nhưng trên thực tế, công ty vẫn chăng đèn kết hoa từ đầu ngõ dẫn vào quán, bày manocanh cầm biển hiệu quay tay tự động ra giữa lối đi chung để mời chào khách.
 
Đề nghị các cơ quan chức năng liên quan sớm vào cuộc để xử lý dứt điểm những hành vi phạm pháp xảy ra tại số 80 phố Hàng Gai, điều tra sai phạm (nếu có) của Công ty Vinahandcoop, đảm bảo công bằng cho các hộ dân, tránh khiếu kiện kéo dài.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.
Tuệ Liên

Tin cùng chuyên mục

Người dân Triều Khúc lao đao vì thiếu nước sinh hoạt

Người dân Triều Khúc lao đao vì thiếu nước sinh hoạt

(PNTĐ) - Người dân thôn Triều Khúc (Thanh Trì, Hà Nội) vừa trải qua một tuần thiếu nước sinh hoạt. Để tiết kiệm nước, họ phải tận dụng cả nước rửa rau để rửa bát, thậm chí không dám tắm hàng ngày vì lo ngại nguồn nước có thể bị cắt bất cứ lúc nào.
Làm thế nào để bảo vệ tiền tiết kiệm gửi tại ngân hàng?

Làm thế nào để bảo vệ tiền tiết kiệm gửi tại ngân hàng?

(PNTĐ) - Vụ việc một khách hàng bị “bốc hơi” 58 tỷ đồng tại Ngân hàng MSB vẫn đang là câu chuyện nóng hổi, khiến nhiều người có tiền gửi tiết kiệm hoang mang. Và, làm thế nào để bảo vệ tiền gửi tại ngân hàng (nơi được cho là an toàn nay bỗng nhiên trở nên rủi ro) là chủ đề đang được nhiều người dân quan tâm hiện nay.
Hàng trăm người dân “khát” nước sạch vì dự án treo

Hàng trăm người dân “khát” nước sạch vì dự án treo

(PNTĐ) - Nhiều năm nay, tại xã Phú Sơn, huyện Ba Vì, Hà Nội, hàng trăm người dân sinh sống ở khu vực Nông trường dứa Suối Hai và thôn Phú Mỹ C không có nước sạch để sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày. Dù đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp, các ngành song tình trạng “khát” nước sạch vẫn chưa được giải quyết, khiến cuộc sống của người dân nơi đây gặp không ít khó khăn.
Hàng trăm hộ dân kêu cứu

Hàng trăm hộ dân kêu cứu

(PNTĐ) - Hàng trăm hộ dân ở hai xã Phú Sơn và Thái Hoà, huyện Ba Vì, Hà Nội rơi vào cảnh sống khó khăn do bị “mắc kẹt” bởi Dự án đầu tư xây dựng công viên nghĩa trang Yên Kỳ mở rộng (giai đoạn 1) chậm tiến độ, chưa chi trả tiền đền bù giải phóng mặt bằng. Hơn 13 năm nay, người dân, cử tri đã nhiều lần “kêu cứu”, chính quyền địa phương cũng đã có kiến nghị. Song cho đến nay, dự án vẫn “giậm chân tại chỗ”.