Hàn Quốc: Siết chặt lao động nhập cư bất hợp pháp

Chia sẻ

Vụ 164 sinh viên Việt Nam tại đại học Incheon ở Hàn Quốc không tới lớp, bị nghi là trốn đi làm việc “chui” một lần nữa cho thấy vấn nạn lao động bất hợp pháp tại quốc gia này.

Hàn Quốc: Siết chặt lao động nhập cư bất hợp pháp - ảnh 1
Thái Lan chiếm 40% lượng người nhập cư bất hợp pháp ở Hàn Quốc
 
Thống kê cho thấy 15% cư dân nước ngoài ở Hàn Quốc là người nhập cư không giấy tờ. Tính tới tháng 3/2019, số người nhập cư không phép là 365.095 người trong tổng số 2.379.805 người nước ngoài sống ở Hàn Quốc. Nhiều yếu tố dẫn tới tình trạng tăng đột biến số người sống bất hợp pháp ở Hàn Quốc. Trong đó, phải kể tới thành công của Olympic mùa đông năm 2018 ở Pyeongchang và việc Chính phủ Hàn Quốc gia hạn chương trình miễn thị thực để thu hút du khách. Từ cuối tháng 12/2017 tới cuối tháng 5/2018, có 52.213 người vào Hàn Quốc không cần thị thực.
 
Ngành sản xuất là ngành dễ tuyển lao động nước ngoài bất hợp pháp nhất với 3.291 người bị phát hiện trong hai vụ triệt phá. Tiếp đó là ngành xây dựng với 1.861 người, ngành giải trí với 1.093 người. 
 
Dữ liệu cho thấy ngành xây dựng thường có lỗ hổng pháp lý lớn, khiến số lượng người vi phạm bị bắt trong năm 2019 tăng 63,1% so với năm ngoái. Cơ cấu hợp đồng phụ nhiều tầng là một yếu tố khiến người nhập cư trở thành lựa chọn cho thị trường xây dựng. Các công ty gây áp lực với thầu phụ, buộc họ phải hoàn thành xây dựng trong thời gian ngắn và giảm chi phí. Thầu phụ buộc phải cắt chi phí bằng cách thuê lao động nhập cư bất hợp pháp. Lao động nhập cư sẵn sàng nhận lương ít và không thể lên tiếng khi xảy ra tai nạn hoặc không được trả lương.
 
Trước thực trạng số lao động bất hợp pháp gia tăng, đầu năm nay, giới chức Hàn Quốc đã kêu gọi người nước ngoài ở quá hạn thị thực hoặc đang làm việc bất hợp pháp ở nước này tự nguyện rời Hàn Quốc để tránh bị phạt sau này. Theo thống kê, người Thái Lan chiếm số lượng đông nhất trong số lao động nước ngoài bất hợp pháp ở Hàn Quốc với 140.000 người (chiếm gần 40% người không có thị thực hợp pháp).
 
Các cơ quan truyền thông Thái Lan cho biết nhiều người Thái tìm cách làm việc không phép ở Hàn Quốc thông qua môi giới. Các chuyên gia kêu gọi lao động bất hợp pháp cần trở về nước theo lời kêu gọi của phía Hàn Quốc vì khi đó thông tin cá nhân của họ sẽ không bị chia sẻ với Chính phủ Thái Lan. Sau này, họ có thể trở lại Hàn Quốc bằng kênh chính thức để tìm việc hợp pháp và được quyền bảo vệ hợp pháp. Với những ai cố tình không tuân thủ sẽ bị trục xuất ngay lập tức và có thể bị cấm vào Hàn Quốc tới 10 năm, đồng thời thông tin cá nhân sẽ bị báo với Chính phủ quê nhà. 
 
Theo cơ quan nhập cư Hàn Quốc, nhiều người nước ngoài dùng thị thực du lịch theo nhóm để vào Hàn Quốc làm việc không phép. Văn phòng Nhập cư của Bộ Tư pháp cho biết họ đã dùng mạng xã hội để triệt phá người nhập cư không giấy tờ hồi tháng 4. Họ phát hiện ra 498 người nước ngoài làm việc không phép, trong đó có người Trung Quốc và Kazakhstan.
 
Trong vụ này, một môi giới đã giúp 59 phụ nữ Kazakhstan vào Hàn Quốc bằng thị thực du lịch. Họ được thuê làm bất hợp pháp trong một công ty giải trí người lớn. 304 người Trung Quốc cũng vào Hàn Quốc theo thị thực du lịch nhóm và làm việc bất hợp pháp. Người môi giới của họ thậm chí còn trả tiền cho khách sạn mà họ không bao giờ ở để che mắt giới chức.
 
Cũng có nhiều người trở thành lao động không giấy tờ bất đắc dĩ. Ông Udaya Rai, Chủ tịch Công đoàn người nhập cư, nói: “Lao động nhập cư tới Hàn Quốc thông qua hệ thống giấy phép việc làm sẽ trở thành người không được đăng ký nếu họ bỏ chỗ làm việc ban đầu, cho dù họ bỏ là vì bị lạm dụng thể chất, bị mắng chửi hay phải làm việc trong điều kiện tồi tệ. Nếu chủ lao động đồng ý cho họ đổi nơi làm việc, họ cũng trở thành người không được đăng ký nếu không tìm được việc mới trong 3 tháng. Lao động hơn 40 tuổi không có cơ hội nào ngoài việc chấp nhận tình trạng không được đăng ký nếu muốn làm việc ở Hàn Quốc”. Hệ thống giấy phép việc làm của Hàn Quốc chỉ cấp phép cho người nhập cư từ 18 đến 40 tuổi.
 
Để chấn chỉnh tình trạng lao động chui, Bộ Tư pháp Hàn Quốc đã bắt giữ 13.255 lao động nước ngoài không giấy tờ và 2.549 người Hàn Quốc đã thuê số lao động trên trong năm 2019. Họ bị bắt giữ trong hai vụ triệt phá trên diện rộng nhằm vào lao động nước ngoài không phép và các chủ lao động. Những người nước ngoài này bị trục xuất hoặc bị yêu cầu rời Hàn Quốc, còn chủ lao động người Hàn Quốc bị phạt tới 18.370 USD. 
 
Các động thái nhằm vào người lao động bất hợp pháp được xem là để bảo vệ việc làm cho người Hàn Quốc.
 
Dương Thùy (Theo KoreaHerald) 

Tin cùng chuyên mục

Bổ nhiệm ông Phạm Thanh Bình làm Thứ trưởng Bộ Ngoại giao

Bổ nhiệm ông Phạm Thanh Bình làm Thứ trưởng Bộ Ngoại giao

(PNTĐ) - Ông Phạm Thanh Bình - Vụ trưởng Vụ Đông Bắc Á, Bộ Ngoại giao vừa được bổ nhiệm giữ chức Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam. Đáng chú ý, ông Phạm Thanh Bình được tiến cử làm Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc với thời hạn nhiệm kỳ 5 năm thay cho ông Phạm Sao Mai.
Công dân Việt Nam vẫn an toàn giữa căng thẳng Iran-Israel

Công dân Việt Nam vẫn an toàn giữa căng thẳng Iran-Israel

(PNTĐ) - Đại sứ quán Việt Nam tại Israel và Iran tiếp tục ra thông báo khuyến cáo công dân các biện pháp bảo đảm an toàn trước tình hình xung đột leo thang phức tạp giữa Israel và Iran. Đồng thời, Đại sứ Israel tại Việt Nam khẳng định, Israel cam kết bảo đảm an toàn cho công dân Việt Nam.