Ghi dấu bản tráng ca lịch sử cùng Hà Nội

Chia sẻ

Từ năm 1964 - 1972, giặc Mỹ tiến hành chiến tranh leo thang, bắn phá miền Bắc bằng không quân và hải quân, cả Hà Nội nằm trong tư thế sẵn sàng chiến đấu.

 
Ghi dấu bản tráng ca lịch sử cùng Hà Nội - ảnh 1
Ông Trần Ngọc Lam và các nữ pháo thủ bên khẩu pháo 14,5mm đã từng sử dụng bắn rơi máy bay Mỹ

 
Các đơn vị binh chủng phòng không không quân đã lập nhiều chiến công hạ gục máy bay Thần Sấm, con Ma trên bầu trời Hà Nội. Góp phần vào chiến công bắn rơi máy bay B52 dội bom xuống Hà Nội có Trung đội pháo Đồng Sung (Mễ Trì). 
 
Nhiệm vụ lịch sử: Bảo vệ “Đài phát thanh tiếng nói Việt Nam” 
 
Trong cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ ở Hà Nội, Đài phát sóng Tiếng nói Việt Nam nằm trên địa bàn xã Mễ Trì (hay còn gọi là Đài phát thanh Mễ Trì) đã trở thành mục tiêu đánh phá của không quân Mỹ. Bảo vệ "Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam" là một trong những nhiệm vụ được đặt lên hàng đầu lúc bấy giờ đối với Hà Nội. Ngày 7/7/1965, Đảng ủy, Ủy ban Hành chính, Ban Chỉ huy quân sự xã Mễ Trì quyết định thành lập đơn vị Dân quân trực chiến phòng không xã (trung đội pháo Đồng Sung) với nhiệm vụ xây dựng lưới lửa tầng thấp đánh trả máy bay Mỹ, bảo vệ Đài phát thanh Mễ Trì. Đơn vị có 122 người đã chiến đấu hàng trăm trận trong suốt năm 1966 đến 30/12/1972, góp phần bắn rơi 3 máy bay Mỹ; trong đó phối hợp bắn rơi 2 chiếc (ngày 26/6/1972 và ngày 4/7/1972), trực tiếp cùng đồng đội bắn rơi 1 máy bay F4 của Mỹ ngày 8/7/1972. Với chiến thắng này, Nhà nước đã tặng Huân chương Chiến công hạng Ba cho đội Dân quân trực chiến phòng không xã.
 
Năm 1972, chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh" của đế quốc Mỹ có nguy cơ bị phá sản. Để cứu vãn tình thế, Mỹ quay lại gây chiến tranh phá hoại miền Bắc. Một chiến dịch ném bom chiến lược bằng máy bay B52 mang tên Linebacker II được quân đội Mỹ tiến hành trên bầu trời Hà Nội. Đây là chiến dịch ném bom dữ dội nhất trong lịch sử chiến tranh xâm lược Việt Nam, đồng thời là một trong những cuộc tập kích có cường độ cao nhất trong lịch sử các cuộc chiến tranh trên thế giới. Trong chiến dịch "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" tháng 12/1972, Đài Phát thanh Mễ Trì là một mục tiêu bị bắn phá dữ dội nhất. Bấy giờ, âm mưu của đế quốc Mỹ là đánh Đài phát sóng để phá sóng của ta. Do đó, khi Mỹ tiến hành đánh bom xuống Hà Nội, Đài phát thanh Mễ Trì là mục tiêu bắn phá đầu tiên. 
 
Ông Dương Xuân Trường, nguyên tiểu đội trưởng tự vệ - Đài phát thanh Mễ Trì cho biết: Đài Phát thanh Mễ Trì là một trong những đài phát thanh lớn nhất Việt Nam lúc bấy giờ và gần như lớn nhất Đông Nam châu Á. Vì phát sóng chung với tần số 297Hz với hai tháp lớn. Sóng chung đó có thể chạy dọc suốt miền Nam, vào tận Tây Ninh. Ngoài sóng chung ra còn có rất nhiều ăngten phát sóng ngắn, phát đi các nước như: Thái Lan, Trung Quốc, Cu Ba, Nhật Bản và các nước châu Âu. Vì thế Đài phát thanh Mễ Trì lúc ấy là một trọng điểm rất quan trọng, không những đưa tin trong nước mà còn đưa tin đi khắp thế giới. Do đó, Đài được rất nhiều đơn vị phòng không bảo vệ. Phía trước Đài phát thanh khoảng 200m có một trận địa pháo. Bên hướng Tây có một trận địa pháo và trong làng Mễ Trì cũng có một trận địa pháo với các nữ dân quân tự vệ làm pháo thủ thường xuyên yểm trợ, bắn máy bay tầm thấp, bảo vệ Đài.
12 ngày đêm chống trả lại máy bay B52 rải thảm bom
 
Trong chiến dịch 12 ngày đêm, trận "Điện Biên Phủ trên không" ở Hà Nội, trung đội pháo Đồng Sung đã kiên cường chiến đấu, chống trả các đợt ném bom của Mỹ. Ông Trần Ngọc Lam - nguyên xã đội phó - Trung đội trực chiến Mễ Trì nhớ lại: 4 giờ 30 phút ngày 19/12/1972, máy bay B52 dội bom "rải thảm" xuống Mễ Trì và các vùng xung quanh. 4 giờ 50 phút, bom Mỹ phá hỏng cột ăng ten cùng một số thiết bị Đài phát sóng Mễ Trì khiến Đài phải tạm dừng hoạt động. Tuy nhiên chỉ 9 phút sau, tiếng nói Việt Nam lại dõng dạc vang lên báo tin chiến thắng và tố cáo tội ác tày trời của đế quốc Mỹ. 11h30 ngày 19/12/1972, trong lúc nhân dân Mễ Trì đang cứu chữa những nơi bị bắn phá thì máy bay Mỹ lại tiếp tục dội bom xuống thôn Mễ Trì Thượng (xã Mễ Trì, nay là phố Mễ Trì Thượng, phường Mễ Trì). Chỉ tính riêng trong ngày 19/12 từ 4 giờ 30 phút sáng đến 23 giờ đêm, những trận bom B52 "rải thảm" chà xát cả vùng dân cư đông đúc trong bán kính 2-3km. Ba vệt bom rải thảm đánh vào toàn bộ xã Mễ Trì từ trong làng ra ngoài đồng ruộng, gây hủy diệt chết chóc nặng nề. Thôn Mễ Trì Thượng có 61 người chết, 30 người bị thương, hàng chục ngôi nhà đổ, thôn Phú Đô có 7 người chết, 2 người bị thương cùng hàng trăm con trâu bò, lợn bị chết.
 
Tự vệ Mễ Trì được giao nhiệm vụ đánh máy bay chiến thuật dẫn đường cho B52. Không sợ bom đạn, không quản trời rét như cắt da, cắt thịt, bất kể ban ngày hay ban đêm, cứ sau mỗi đợt B52, lực lượng tự vệ lại về vị trí chiến đấu ngay. Toàn đơn vị nêu cao ý trí thực hiện đúng khẩu hiệu kẻ treo ở trận địa pháo giếng Đồng Sung: "Quyết tâm chiến đấu bảo vệ Đài, bảo vệ tiếng nói của Tổ quốc", "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh". Các khẩu đội súng của dân quân trong xã đã nổ súng kịp thời phối hợp với bộ đội tên lửa, cao xạ tạo thành lưới lửa dày đặc trên bầu trời Hà Nội.
Bom đạn Mỹ đã phá huỷ một số trận địa pháo của bộ đội chủ lực và dân quân tự vệ đang chiến đấu bảo vệ Đài phát sóng. Trận địa pháo giếng Đồng Sung của dân quân Mễ Trì bị trúng 2 quả bom 750 bảng Anh và 1 quả loại 500 bảng Anh. Xã đội trưởng Ngô Duy Cương và 5 chiến sĩ dân quân là: Nguyễn Thị Sinh (khẩu đội trưởng); Tạ Đắc Thông (pháo thủ số 1); Nguyễn Thị Ngọc (pháo thủ số 2); Nguyễn Thị Nguyệt (pháo thủ số 3); Đỗ Thị Thặng (pháo thủ số 4) đã hy sinh. Hai khẩu 14,5mm bị phá huỷ. Bốn đồng chí bị bom vùi và sức ép bị thương là: Trần Ngọc Lam - xã đội phó, Tạ Đắc Nhường, Nguyễn Thạch Cửu, Nguyễn Tiến Gạch.
 
Ngày 20/12/1972, máy bay chiến thuật liên tục bắn phá vùng Mễ Trì Hạ (xã Mễ Trì). 14 giờ chiều ngày 21/12/1972, máy bay cường kích Mỹ tập trung đánh phá dữ dội khu nhà trung tâm Đài phát sóng Tiếng nói Việt Nam. Nhưng, chúng đã không thể ngăn nổi tiếng nói Việt Nam vang khắp thế giới bởi sự anh dũng chiến đấu của quân và dân xã Mễ Trì trên trận địa pháo giếng Đồng Sung. 
 
Đến Bảo tàng Phòng không không quân, nơi trưng bày khẩu cao xạ mà trước đây trung đội pháo Đồng Sung đã sử dụng để bắn chống trả lại các đợt tấn công của máy bay địch, và bắn rơi máy bay B52 ném bom, ông Trần Ngọc Lam kể: Trong thời gian Mỹ bắn phá, khẩu cao xạ này rất có hiệu quả, đã bắn rơi máy bay B52 ném bom xuống Mễ Trì.
Những nữ pháo thủ bắn máy bay quả cảm
 
Dù đã ở tuổi xế chiều nhưng với những nữ pháo thủ trên trận địa pháo giếng Đồng Sung năm ấy vẫn còn nhớ như in những ký ức đã cùng đồng đội chiến đấu oanh liệt để bảo vệ Đài phát thanh Mễ Trì. "Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh", bấy giờ đàn ông Mễ Trì ra trận gần hết, hậu phương ở chủ yếu là phụ nữ, trẻ em. Vì thế các pháo thủ của trung đội pháo cao xạ bấy giờ chủ yếu là nữ. Những cô gái đang ở lứa tuổi đôi mươi, người ít tuổi nhất là 17, 18, nhiều nhất là 20 tuổi, nhưng vô cùng mạnh mẽ, vững vàng trên trận địa pháo ác liệt, kiên cường bám trận địa thực hiện nhiệm vụ, nã pháo đánh chặn lại những máy bay B52 đang điên cuồng rải bom xuống Hà Nội.
Bà Nguyễn Thị Buồm, một nữ dân quân trực chiến xã Mễ Trì quả cảm ngày đó, giờ đã ở tuổi xế chiều bồi hồi kể: Trong 12 ngày đêm trực chiến trên trận địa pháo để bắn trả máy bay địch, chúng tôi luôn quyết tâm dù có phải hy sinh đi chăng nữa thì tất cả đều chiến đấu một cách anh dũng.   
 
Cùng các đồng đội bên khẩu pháo 14,5mm mà họ đã từng sử dụng để chiến đấu trong trận địa pháo giếng Đồng Sung năm 1972 được trưng bày tại Bảo tàng Phòng không không quân, những nữ pháo thủ bồi hồi ngồi vào vị trí của mình trên khẩu pháo, diễn tả lại những động tác mà họ thực hiện trong quá trình chiến đấu. 
 
Đối với bà Nguyễn Thị Liên, pháo thủ số 1 - Trung đội trực chiến xã Mễ Trì thì trong những ngày đêm đó bà và đồng đội lúc nào cũng trong tư thế sẵn sàng ngồi lên mâm pháo để chờ lệnh bắn. Nhìn cảnh bom rơi xuống tàn phá trong làng, ai cũng ngùn ngụt chí căm thù quyết tâm bắn rơi máy bay địch.
 
Bà Nguyễn Thị Ân, pháo thủ số 2 - Trung đội trực chiến xã Mễ Trì cũng cho biết: Trong thôn Mễ Trì Thượng bấy giờ bom dội xuống, khói lửa mù mịt, chúng tôi vẫn không hề run sợ, vẫn bình tĩnh ngồi trên mâm pháo để sẵn sàng chiến đấu. Ai cũng nghĩ một là sống hai là chết nên chỉ biết quyết tâm làm thế nào để bắn rơi được máy bay địch.
 
Với những nữ pháo thủ bà Liên, bà Ân... khẩu cao xạ 14,5mm 4 nòng không có gì là lạ. Hồi đó trung đội pháo phần lớn là nữ dân quân ở hậu phương vì nam giới đến tuổi đi bộ đội đều ra chiến trường. Bởi vậy việc điều khiển, bắn cao xạ, trực chiến và lập chiến công đối với họ là chuyện bình thường thời chiến.
 
Nhớ lại thời khắc bắn rơi máy bay ở trận địa pháo giếng Đồng Sung, bà Đào Thị Duyên, trinh sát - Trung đội trực chiến xã Mễ Trì kể: Lúc đó tầm 11 giờ, còi đã báo yên, các chị em đã vào lán, còn lại một mình tôi trinh sát thì có một chiếc máy bay từ hướng trường cấp 1 Mễ Trì bay thẳng vào khu vực Đài phát thanh. Tôi liền lao ra gõ kẻng, tất cả anh chị em trong trận địa lại chạy ra ngồi lên mâm pháo. Máy bay bay thẳng vào trận địa Đồng Sung, khi các pháo thủ đã bắt được mục tiêu rồi thì tôi hô bắn. Hai khẩu pháo đồng loạt nổ súng thì máy bay bốc lửa cháy. Chúng tôi tiếp tục vùi thêm một loạt đạt nữa, tổng cộng tất cả 29 viên đạn. Khi máy bay rơi xuống, mọi người reo hò không ngớt. Niềm vui khi bắn rơi máy bay thật không có gì tả nổi.
Với những đóng góp lịch sử ấy, ngày 18/1/2016, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 282/QĐ - UBND gắn biển sự kiện lưu niệm cách mạng kháng chiến trận địa pháo giếng Đồng Sung; Quyết định số 3947/QĐ - UBND ngày 29/6/2017 của UBND thành phố Hà Nội gắn biển lưu niệm cách mạng nơi đóng quân của Tổng trạm thông tin liên lạc Bộ Tư lệnh pháo binh tại Chùa Thiên Trúc, phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội.
 
Bà Đỗ Thị Soan, Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch UBND phường Mễ Trì cho biết: Trên địa bàn phường 7 di tích đã được xếp hạng trong đó: đình Mễ Trì Hạ, đình Mễ Trì Thượng, chùa Thiên Trúc được xếp hạng di tích Quốc gia; Miếu Đầm, miếu Bản Thổ, chùa Thích Ca, chùa Linh Quang được xếp hạng di tích cấp TP. Hiện tại trên địa bàn phường có 3 điểm lưu niệm sự kiện cách mạng di tích cách mạng kháng chiến đã được UBND Thành phố Hà Nội ra quyết định công nhận đó là: “Hầm làm việc của Huyện ủy và UBHC kháng chiến huyện Từ Liêm tại chùa Thích Ca”, “Trận địa pháo giếng Đồng Sung” và “Nơi đóng quân của đơn vị 1371 - Tổng trạm thông tin liên lạc Bộ tư lệnh Pháo Binh tại chùa Thiên Trúc”. Các điểm cách mạng được gắn biển lưu niệm này cũng là điểm giáo dục truyền thống cho các thế hệ mai sau của con em Mễ Trì. 
 
Ngày 12/12/2019, Ủy ban nhân dân quận Nam Từ Liêm đã tổ chức Lễ gắn biển địa điểm lưu niệm sự kiện cách mạng kháng chiến tại trận địa pháo giếng Đồng Sung và chùa Thiên Trúc, phường Mễ Trì.
Hạ Thi 

Tin cùng chuyên mục

Nữ lãnh đạo Chính phủ tại vị lâu nhất thế giới

Nữ lãnh đạo Chính phủ tại vị lâu nhất thế giới

(PNTĐ) - Ở tuổi 76, bà Sheikh Hasina tiếp tục được người dân tín nhiệm bầu giữ chức Thủ tướng Bangladesh nhiệm kỳ thứ 4 liên tiếp và được coi là: “nữ lãnh đạo Chính phủ tại vị lâu nhất thế giới”. Trong vai trò Thủ tướng, bà đã đưa đất nước tiến lên và đạt được nhiều thành tựu đáng trân trọng.
Cần nghiêm trị hành vi bạo lực trẻ em

Cần nghiêm trị hành vi bạo lực trẻ em

(PNTĐ) - Trong những ngày qua, dư luận vô cùng bức xúc khi chứng kiến câu chuyện thương tâm xảy ra với cậu bé học lớp 8 (trú tại phường Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội). Chỉ từ một mâu thuẫn nhỏ giữa hai học sinh lớp 8 và lớp 6 trên sân bóng rổ mà học sinh này đã bị đánh đến chấn thương sọ não nặng, tính mạng đang vô cùng nguy kịch.