Giá thuốc Tamiflu điều trị cúm A tăng chóng mặt

Chia sẻ
Cúm mùa vào thời kỳ cao điểm, lượng bệnh nhân gia tăng, kéo theo giá thuốc Tamiflu đặc trị bệnh cũng leo thang, cao gấp 5, gấp 10 lần thông thường… khiến người dân không khỏi lo lắng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, không phải ai mắc cúm mùa cũng cần dùng Tamiflu và người dân hoàn toàn có thể phòng tránh bệnh.
 
Giá thuốc Tamiflu điều trị cúm A tăng chóng mặt - ảnh 1
Bác sĩ bệnh viện đa khoa Thanh Nhàn thăm khám cho bệnh nhi mắc cúm mùa
Ảnh: Phạm Quý

 
Chấp nhận giá thuốc “cắt cổ”
 
Cúm mùa là bệnh nhiễm trùng hô hấp cấp tính do virus cúm gây nên. Bệnh lây nhiễm trực tiếp từ người bệnh sang người lành thông qua các giọt bắn nhỏ khi nói chuyện, khi ho, hắt hơi. Tại Việt Nam các virus gây bệnh cúm mùa thường gặp là cúm A và cúm B. Theo nghiên cứu dịch tễ 2019 của Mỹ, chủng virus cúm lưu hành phổ biến trong năm nay là cúm A/H3N2 và một số ít virus cúm A/H1N1.
 
Theo khảo sát của phóng viên, tại các bệnh viện, lượng bệnh nhân, nhất là trẻ em mắc cúm mùa có dấu hiệu gia tăng. Đơn cử tại bệnh viện Nhi Trung ương, từ giữa tháng 11 tới nay, trung bình mỗi ngày có 100-150 bệnh nhi tới khám, điều trị bệnh cúm mùa. Khoa Nhi (bệnh viện đa khoa Thanh Nhàn, Hà Nội) hiện cũng điều trị cho khoảng 200 bệnh nhi mắc cúm mùa. Ngoài ra, mỗi ngày, khoa đều khám cho khoảng 50-60 trẻ. Tại bệnh viện Bạch Mai, theo PGS.TS.BS Nguyễn Tiến Dũng (nguyên Trưởng khoa Nhi), trung bình mỗi ngày bệnh viện cũng đón tiếp trên dưới 200 bệnh nhi tới khám, với nhiều triệu chứng mắc cúm mùa khác nhau.
 
Song song với việc lượng bệnh nhân mắc cúm mùa gia tăng, tình trạng khan hiếm thuốc Tamiflu đặc trị bệnh tại nhiều bệnh viện cũng đẩy giá thuốc lên cao gấp nhiều lần. Theo bảng giá kê khai tại Cục Quản lý Dược, thuốc Tamiflu 75mg có giá gần 45.000 đồng/viên. Thực tế, tại nhiều quầy thuốc tư nhân, trang mạng xã hội, viên thuốc này hiện đang được bán ra với mức giá cao gấp 4-5 lần giá kê khai.
 
Thực tế trên đang làm dấy lên tâm lý hoang mang ở nhiều người bệnh. Lo sợ hết thuốc, họ sẵn sàng bỏ tiền ra mua với giá “cắt cổ” để chữa bệnh. Như trường hợp chị Lê Thị Hồng (Hà Nội) có con trai 8 tuổi mắc cúm A/H1N1 đang điều trị tại viện Nhi Trung ương, phải mua Tamiflu với mức giá 300.000 đồng/ viên ngoài hiệu thuốc tư nhân. 
Không bắt buộc dùng Tamiflu cho mọi bệnh nhân
 
Theo PGS.TS.BS Nguyễn Tiến Dũng, tuy cúm mùa có khả năng lây nhiễm cao, song, nếu cơ thể khỏe mạnh, không có bệnh mãn tính thì bệnh cúm sẽ tự khỏi chỉ sau vài ngày. 
 
Về việc sử dụng thuốc trị cúm Tamiflu, PGS.TS Dũng khuyến cáo: Tamiflu là thuốc kháng virus, không phải thuốc đặc trị, chỉ có tác dụng khi phát hiện bệnh sớm trong vòng 24-48h, từ ngày thứ 3 trở đi không hiệu quả. Bác sĩ cũng chỉ kê đơn thuốc cho bệnh nhân đã được chẩn đoán chắc chắn mắc bệnh cúm, tiên lượng nặng, có thể có biến chứng, lúc đó Tamiflu mới có tác dụng. Vì thế, người dân không nên lạm dụng thuốc.
 
Việc tự ý sử dụng thuốc không chỉ gây thiệt hại cho người sử dụng mà còn khiến cho vi khuẩn kháng thuốc, dẫn đến vô hiệu hóa thuốc điều trị. Chưa kể, Tamiflu là một loại thuốc hóa học nên khi sử dụng không đúng chỉ định sẽ có tác dụng phụ, ví dụ nôn, đau đầu, gây ảnh hướng tới thần kinh… 
 
Phòng ngừa, điều trị cúm mùa, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng khuyên người dân nếu có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi… cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời. Đối với trẻ em cần giữ ấm, cho trẻ uống đủ nước khi thời tiết trở lạnh hoặc có diễn biến nhiệt độ thất thường. Nếu trẻ đi học hoặc tới các môi trường tập trung đông người, bố mẹ lưu ý các phương án bảo hộ như đeo khẩu trang, sử dụng khăn quàng cổ, mũ để tránh lây bệnh.
Đặc biệt, do chủng cúm mùa thường khác nhau theo từng năm; vắc-xin cúm mùa cũng có sự điều chỉnh mỗi năm để tăng khả năng phòng bệnh. Bởi vậy, phòng cúm mùa, người dân cần đi tiêm phòng hàng năm, trước mùa dịch 1-2 tháng để vắc-xin phát huy tác dụng.
 
Thảo Hương
 

Tin cùng chuyên mục

Kỹ năng sơ cứu tai nạn thường gặp

Kỹ năng sơ cứu tai nạn thường gặp

(PNTĐ) - Theo BS Ngô Đức Hùng - Trung tâm Cấp cứu A9 (BV Bạch Mai), sơ cấp cứu là hành động trợ giúp và chăm sóc ban đầu đối với người bị nạn ngay tại hiện trường; sử dụng phương tiện, dụng cụ có sẵn tại chỗ, khi chưa có sự hỗ trợ của nhân viên y tế; mọi người đều có thể tham gia (được đào tạo – sẵn sàng tham gia).
Sự cố y khoa tại BV Thu Cúc: Bộ Y tế nói gì?

Sự cố y khoa tại BV Thu Cúc: Bộ Y tế nói gì?

(PNTĐ) - Liên quan đến sự cố y khoa trường hợp tử vong thai nhi là con chị Trần Ngọc Diệp khi đến khám thai và sinh con tại Bệnh viện đa khoa Quốc tế Thu Cúc tháng 3/2024, Bộ Y tế vừa có công văn yêu cầu đơn vị thực hiện giải quyết sự cố y khoa nêu trên theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.
Tiêm cồn tuyệt đối điều trị u nang tuyến giáp

Tiêm cồn tuyệt đối điều trị u nang tuyến giáp

(PNTĐ) - Nang tuyến giáp là bệnh lý khá phổ biến hiện nay. Dù đa phần bệnh mang yếu tố lành tính nhưng cũng gây ảnh hưởng tới cuộc sống và sức khỏe của người bệnh. Xu hướng điều trị mới, can thiệp không phẫu thuật hay can thiệp tối thiểu như phương pháp tiêm cồn tuyệt đối đang ngày càng được quan tâm, vì tính hiệu quả, nhanh chóng và ít tốn kém hơn so với phẫu thuật.