Đón Tết tối giản

Chia sẻ

Những năm gần đây, nhiều người đã chọn lối sống “Tết tối giản”, hướng tới giá trị tinh thần bằng cách giải phóng mình khỏi những luật lệ, hủ tục rườm rà, dành thời gian cho bản thân thư giãn, sum vầy bên gia đình, bạn bè.

Ngày Tết, nhiều bạn trẻ lựa chọn lối sống tối giản, dành thời gian du xuân, thư giãnNgày Tết, nhiều bạn trẻ lựa chọn lối sống tối giản, dành thời gian du xuân, thư giãn (Ảnh: Ảnh: Mạnh Dũng)

Giá trị của Tết… là không khí Tết
Cách đây không lâu, trong buổi giới thiệu cuốn sách “Tết đoàn viên”, họa sĩ Đỗ Phấn - một người viết văn tay ngang và luôn nặng tình với Hà Nội bộc bạch rằng: Cuộc sống bây giờ đã đủ đầy nhưng Tết đến dường như ai cũng thấy… thiếu thiếu điều gì đó. Và cái thiếu ấy, không phải thiếu đồ ăn ngon, trang sức đẹp, mà là thiếu không khí Tết, nhất là không khí Tết cổ truyền.

Ông chia sẻ: “Thế hệ chúng tôi lớn lên trong thời kỳ đấu tranh chống Mỹ. Khi ấy, người Hà Nội phải sơ tán về các vùng quê, nhiều năm đón Tết ở làng. Đó cũng là dịp để chúng tôi biết được thế nào là Tết ở nông thôn. Ngày xưa vì đói kém, nghèo khó, thiếu đủ thứ nên người ta gọi là ăn Tết thay vì chơi Tết. Có năm, muốn có thịt lợn gói bánh chưng, gia đình phải dành tem phiếu suốt mấy tháng ròng. Cái ăn vì thế được đặt lên tầm rất cao. Bây giờ, nếu chúng ta muốn, ngày nào cũng có thể ăn uống như ngày Tết với đầy đủ món, thậm chí Tết cũng chẳng cần phải làm gì, cứ đi một vòng quanh chợ Hàng Bè là mua được những món nấu nướng rất cầu kỳ của người Hà Nội, rồi chỉ việc mang về, cho vào nồi đun lên”.
Nhưng rõ ràng, bây giờ đời sống sung túc lên, người ta không quan trọng miếng ăn thì cũng có thể hạn chế làm những mâm cơm thịnh soạn. Điều quan trọng là không khí ngày Tết. Đôi khi chỉ cần anh em, con cháu trong gia đình cùng quây quần, sum tụ nấu một bữa cơm gia đình để thấy lũ trẻ con háo hức, tíu tít nô đùa, thấy người lớn rộn ràng, bận bịu trong vui vẻ… Không khí ấy, quan trọng hơn so với việc ăn uống. Ngay cả ngày xưa, đói khổ là thế nhưng người ta nấu bánh chưng cũng không phải cốt để ăn cho nhiều, cho no mà là để tạo không khí đầm ấm, đoàn viên, sum vầy gia đình, để thưởng cái cảm giác được bù đắp những gì thiếu thốn thường ngày.

Nhà báo Vũ Thị Tuyết Nhung (từng công tác tại Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội) sinh ra và lớn lên trong một gia đình Hà Nội cổ, rất coi trọng lễ nghi, nhất là chuyện mâm cơm truyền thống ngày Tết. Từ khi 11 tuổi, đã có những dịp Tết bà được mẹ mua đủ đầy nguyên liệu và cho phép con gái một mình tự làm 5 mâm cỗ Tết. Nhưng đó là chuyện thời xưa, khi cuộc sống còn nhiều khó khăn, thiếu thốn cả cái ăn, cái mặc. “Bây giờ, nếu các gia đình làm cỗ Tết như ngày xưa thì quá lãng phí mà không ai ăn. Cũng chính mẹ tôi sau này đã nói rằng, thắp hương trong những ngày Tết không nhất thiết phải cầu kỳ mâm cao cỗ đầy mà có thể chỉ cần bát cơm, bát canh, khoanh giò, đĩa thịt gà là đủ. Điều quan trọng là sự vui vẻ, thoải mái ngày Tết và tinh thần của sự sum vầy, đoàn viên. Bao nhiêu năm nay, gia đình tôi làm Tết tối giản như lời mẹ dặn, vậy mà đồ ăn vẫn dư, phải đun đi đun lại nhiều lần để dùng cho đỡ lãng phí, đánh vật mãi mới hết”.

Giữ nét xưa trong lòng Tết hiện đại

Mượn tứ của Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, khi nói về Tết hiện đại, nhà văn Uông Triều chia sẻ rằng con người thời hiện đại cũng nên biết “khoan thư với Tết”, ý là ngày Tết cần bỏ bớt những thủ tục rườm rà, những ứng xử gò ép, nghĩa vụ, lo toan hướng tới sự thoải mái, vui vẻ; mà thực tế đó cũng là quy luật, sự vận động tự nhiên khi không khí, bối cảnh cuộc sống đã đổi khác. Chúng ta không còn nhăm nhăm chờ Tết mới được ăn, chờ Tết mới được về quê thăm họ hàng, người thân… mà những nhu cầu ấy bất cứ lúc nào cũng có thể dễ dàng thực hiện. Nhưng điều quan trọng, trong sự thay đổi ấy, mỗi chúng ta phải điều chỉnh sao cho phù hợp, hài hòa giữa giá trị truyền thống - hiện đại, để giới trẻ chấp nhận được và người già không quá sốc.

Còn theo nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vỹ: “Trong tính bảo lưu đậm đà của nó, Tết cũng không từ chối những tiếp biến, những phát triển. Văn hóa mãi mãi là vậy. Uyển chuyển, thực tiễn và phong phú, Tết từng thời, từng hoàn cảnh có những biến đổi khác đi. Tết không cố chấp những ứng xử cứng nhắc. Song, tâm thức hướng về nguồn cội, kỳ vọng tương lai thì Tết luôn lưu giữ mãi”.

Và ngày nay, dù nhịp điệu, tiết tấu văn hóa Tết đã có nhiều sự đổi khác; trước thềm năm mới, các bạn trẻ có thể thích ra phố, tới quảng trường để tận hưởng không khí rộn ràng của bữa tiệc đếm ngược Countdown, đi du lịch để khám phá những vùng đất mới… nhưng sẽ mãi còn đó những giá trị truyền thống trường tồn với thời gian: Ngày xuân hoa đào nở, bánh chưng xanh ngày Tết, bữa cơm Tất niên sum họp gia đình, tấm lòng thờ kính ông bà tổ tiên…

Thừa nhận, Tết nay so với xưa đã có sự biến đổi nhiều về mặt vật chất và giá trị tinh thần, nhà nghiên cứu lịch sử, TS Ngô Vương Anh cũng nhận định: Chúng ta không nên, không thể khăng khăng, copy hay “đóng băng” Tết xưa đem vào đời sống hiện thực, nhưng cũng không thể bỏ hẳn Tết xưa, theo Tết Dương lịch để tiện lợi, tiết kiệm… Truyền thống vẫn là truyền thống. Quan trọng là chúng ta tìm được điều gì tốt đẹp từ truyền thống để lưu giữ, bảo tồn, phát huy cho thế hệ trẻ. Văn hóa không bao giờ biến mất ngay lập tức. Xã hội biết cách chọn lọc, giữ lại những giá trị tốt đẹp và loại thải hoặc biến đổi những giá trị chưa phù hợp.

Mỗi dịp Tết mọi người đều hướng đến giá trị tốt đẹp. Các cụ ngày xưa luôn có tinh thần “tống cựu nghinh tân”, ý tứ là bỏ đi cái xấu, không tốt đẹp để đón điều tốt đẹp hơn. Giá trị ấy luôn là hằng số cho cả Tết xưa Tết nay. Đó là truyền thống hiếu với cha mẹ, hòa thuận với anh chị em, hàng xóm, hướng tới những điều hòa bình, gác lại mọi xung đột, cãi cọ… để có Tết vui vẻ, tốt đẹp. Đầu xuân nhiều gia đình còn hướng con cháu đến tinh thần hiếu học, tôn sư trọng đạo bằng nhiều hình thức, tùy từng điều kiện khác nhau như: xin chữ, xin câu đối, mồng Một Tết cha, mồng Hai Tết mẹ, mồng Ba Tết thầy…

Từ Tết tối giản đến sống tối giản

Cũng theo TS Ngô Vương Anh, tối giản là một phong cách sống, thái độ sống. Tinh thần tối giản được hiểu là đón Tết tiết kiệm, không lãng phí, chọn lọc những gì tốt đẹp nhất... thì hoàn toàn nên ủng hộ. Tuy nhiên, không phải ai cũng thích tối giản, mà có những người lại thích sự cầu kỳ, tỷ mỉ, rườm rà… Và mọi người hoàn toàn có quyền lựa chọn đón Tết theo cách của mình, làm sao để ai cũng có cảm nhận hạnh phúc, viên mãn nhất, tinh thần hướng tới tương lai tốt đẹp nhất.

Quan trọng hơn cả, chúng ta kêu gọi thái độ sống tối giản ngày Tết, cũng chính là bước tạo đà để kêu gọi tinh thần tối giản ở nhiều nơi. Truyền đi thông điệp Tết tối giản là truyền đi thông điệp sống lâu dài trong cả năm, nhưng Tết là dịp có thể thể hiện tốt nhất. Điều đó đặc biệt cần thiết trong xã hội hiện đại, trước vấn nạn về phát thải, nhân mãn (số người vượt lên quá đông so với sự đáp ứng của quả đất). Tới nay, tinh thần tiết giản đã bao trùm khắp thế giới chứ không riêng gì trong Tết. Đâu đâu cũng thấy lời kêu gọi người dân tiết giản phát thải năng lượng, hạn chế tiêu thụ rác thải nhựa, thậm chí giảm năng lượng duy trì cơ thể để tránh bệnh thừa cân, béo phì… Tinh thần tiết giản đó đương nhiên nên mang trong 365 ngày.

Hưởng ứng tinh thần đó, thời gian qua, Hội LHPN Hà Nội các cấp cũng đã có nhiều việc làm cụ thể, thiết thực như: Nói “không” với rác thải nhựa, tận dụng vật liệu tái chế để sáng tạo ra nhiều vật dụng dùng trong cuộc sống, dùng làn nhựa đi chợ để hạn chế xả rác thải nilong ra ngoài môi trường…

Bên cạnh đó, rất nhiều bạn trẻ Hà Nội và cả nước đã và đang lan tỏa thông điệp “một chút tối giản, một chiếc yêu thương”. Theo đó, sống tối giản là tập cho đi quyên góp, tái chế những đồ đạc mình không thật sự cần thiết. Sống tối giản không có nghĩa là đơn giản mà là bạn cần suy nghĩ, cái gì thật sự cần cho mình. Tất nhiên, mỗi người có sự lựa chọn riêng, không phải cứ ăn Tết tối giản mới vui, sống tối giản mới hạnh phúc. Việc lựa chọn cuộc sống cho chính mình, tương tác với xã hội, cộng đồng để có được hạnh phúc đích thực, là do mỗi người quyết định và cảm nhận.

Tin cùng chuyên mục

Hà Nội hỗ trợ 65 tỷ đồng sửa chữa, nâng cấp trường Tiểu học Hà Nội - Điện Biên Phủ

Hà Nội hỗ trợ 65 tỷ đồng sửa chữa, nâng cấp trường Tiểu học Hà Nội - Điện Biên Phủ

(PNTĐ) - Với tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội”, việc hỗ trợ tỉnh Điện Biên đầu tư công trình trường Tiểu học Hà Nội - Điện Biên Phủ không những thể hiện tấm lòng của Đảng bộ, Chính quyền, nhân dân Thủ đô Hà Nội với đồng bào, nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên, mà còn thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ hợp tác của 2 tỉnh, Thành phố trong thời gian tới, nhằm phát huy tốt hơn nữa tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương, đóng góp thiết thực vào sự phát triển chung của cả nước…