Bản sắc lụa Vạn Phúc

Chia sẻ

Trong khi nhiều làng nghề tại Hà Nội đang loay hoay tìm lối ra, đưa nghề truyền thống phát triển, làng dệt lụa Vạn Phúc lại năng động tìm lối đi riêng, khẳng định thương hiệu của làng dệt lụa có tuổi đời trên 1.000 năm.

Khách du lịch đến làng dệt lụa Vạn Phúc.Khách du lịch đến làng dệt lụa Vạn Phúc. (Ảnh: Nguồn: Int)

Hồi sinh lụa truyền thống

Làng lụa Vạn Phúc (hay còn được gọi là làng lụa Hà Đông) nằm tại phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, cách trung tâm Hà Nội hơn 10km. Vốn tồn tại hơn một nghìn năm, làng là một trong những làng lụa dệt tơ tằm đẹp và nổi tiếng nhất Việt Nam.

Cùng với không khí rộn ràng những ngày cuối năm, các nghệ nhân tâm huyết với nghề lụa Vạn Phúc dường như lại lắng đọng, trầm tư khi nhớ lại một thời ký ức của “tiếng lách cách rộn ràng những khung dệt và hình ảnh hàng trăm dải dụa óng ả phơi mình ven sông Nhuệ”.

Nhắc đến lụa Vạn Phúc là nhắc đến các loại: lụa, gấm, vóc, the, lĩnh, bằng, cầu, đũi… với đặc trưng bền đẹp, mềm mại vừa tạo sự sang trọng, vừa gần gũi. Trong đó, dòng lụa vốn được đánh giá là quý nhất của làng Vạn Phúc là lụa vân với lối dệt tinh xảo. Người làng Vạn Phúc thường tự hào sản phẩm lụa quê hương từng là vật phẩm tiến vua các triều đại, từng tham gia đấu xảo tại hội chợ Marseille, Paris và xuất khẩu sang nhiều quốc gia trên thế giới.

Những năm gần đây, với tình yêu và sự nỗ lực từ những bàn tay cần mẫn của các nghệ nhân làng nghề đã làm hồi sinh thứ lụa quý giá đó. Trong số đó không thể không nhắc đến nữ nghệ nhân Nguyễn Thị Tâm (chủ cơ sở dệt lụa Triệu Văn Mão) - Công dân Ưu tú Thủ đô năm 2015, đã bỏ nhiều công sức, phục hồi lụa vân cổ, góp phần vào sự hồi sinh của làng lụa Vạn Phúc, đưa lụa Hà Đông đi khắp đó đây. Đến thăm xưởng dệt của nghệ nhân Nguyễn Thị Tâm như thấy một “Vạn Phúc thu nhỏ”, bởi lụa vân, the, đũi, sa tanh… với nhiều hoa văn, mẫu mã đều được làm ra từ đây. Hiện nay, người dân Vạn Phúc ý thức được rằng không có gì bền vững bằng chính những yếu tố truyền thống, những giá trị gốc cần được bảo tồn và phát huy. Khách du lịch đến với Vạn Phúc bởi muốn tìm thấy tinh hoa của một làng nghề trên những tấm lụa bản địa, tìm hiểu nghề truyền thống, không phải mua tấm lụa nhập từ nơi khác. Vì vậy, người Vạn Phúc đã chú trọng phát huy bản sắc làng nghề.

Nghệ nhân Nguyễn Thị Tâm giới thiệu sản phẩm tới khách du lịchNghệ nhân Nguyễn Thị Tâm giới thiệu sản phẩm tới khách du lịch (Ảnh: T.L)

Ấy thế mà theo nữ nghệ nhân, đã có một thời, không chỉ người dân ở làng lụa Vạn Phúc (Hà Đông), mà ngay cả với những người mê lụa truyền thống cũng phải ngậm ngùi nghĩ rằng lụa vân - một thứ lụa đã trở thành “hồn cốt” của làng nghề truyền thống Vạn Phúc sẽ chỉ là ký ức. Bà Tâm kể, năm 1986, Vạn Phúc cũng như cả nước bước sang thời kỳ đổi mới, nhưng nghề dệt lụa vân cổ đã thất truyền, cộng với khó khăn trong tìm nguồn nguyên liệu, tiêu thụ khiến nhiều gia đình phải bỏ nghề. Đau đáu với nghề và sự tồn vong của làng lụa, nghệ nhân Nguyễn Thị Tâm cùng bố chồng là nghệ nhân Triệu Văn Mão đã quyết tâm khôi phục lại lụa cổ, để giữ được thương hiệu của làng.

Tuy nhiên, khi đó lụa vân không còn nhiều, lại rải rác khắp nơi thế là bà lại khăn gói đi tìm khắp trong Nam ngoài Bắc. Đồng thời, tìm đến những nghệ nhân cao tuổi trong làng để học hỏi về lụa vân. Để thấu hiểu tài hoa của người xưa và tiếp thu được kỹ xảo của các nghệ nhân, bà đã phải dùng kính lúp soi từng hoa văn, đường nét trên từng tấm vải, để cuối cùng, sau nhiều lần dệt đi dệt lại, bà đã cho ra đời những thước lụa vân chính hiệu. Chưa dừng lại, bà Tâm tiếp tục nghiên cứu khôi phục lại các hoa văn cổ trên lụa vân như: Vân thọ đỉnh, vân triện thọ, vân lưỡng long… Đặc biệt, bà Tâm còn phục chế thành công 18 bộ triều phục cung đình Huế, góp phần bảo tồn, gìn giữ những giá trị văn hóa của dân tộc. Đây là những thành công bước đầu góp phần làm sống lại làng nghề Vạn Phúc. Đối với nghệ nhân Nguyễn Thị Tâm thì đây là nghề vất vả truân chuyên như kiếp con tằm nhả tơ nhưng khi yêu, khi say rồi thì chẳng nỡ rời xa.

Điểm đến hấp dẫn du lịch

Cùng với việc lưu giữ và phát triển làng nghề dệt lụa truyền thống, làng lụa Vạn Phúc đang dần đổi mới, trở thành điểm du lịch để bắt nhịp với nhu cầu thị trường về sản phẩm cũng như nhu cầu khám phá, vui chơi, tìm hiểu về làng nghề của du khách.

Với những tâm huyết không mệt mỏi, nghệ nhân Nguyễn Thị Tâm đã góp sức từng ngày cần mẫn như con tằm nhả tơ để đưa lụa vân và làng nghề Vạn Phúc sống lại, phát triển hơn. Theo đó, cơ sở sản xuất của gia đình bà đã đón tiếp nhiều nguyên thủ quốc gia, chính khách các nước đến thăm và hàng trăm lượt khách quốc tế, góp phần không nhỏ vào quảng bá hình ảnh làng lụa Vạn Phúc.

Đến nay, làng Vạn Phúc có hàng trăm cửa hàng buôn bán, trưng bày sản phẩm làng nghề, mỗi ngày đón hàng nghìn lượt khách tham quan và mua sắm. Lụa Vạn Phúc đã lấy lại được chỗ đứng trên thị trường, được người tiêu dùng ưa chuộng. Khách du lịch đến với làng cũng tăng đều qua từng năm. Thông qua các khóa học kỹ năng bán hàng và phát triển doanh nghiệp, những người trẻ trong làng đã có những định hướng phát triển nghề theo hướng bền vững, quan tâm hơn đến tạo dựng thương hiệu riêng. Đến làng lụa Vạn Phúc thời điểm này, du khách sẽ được chứng kiến sự thay đổi nhanh chóng của làng nghề với hình ảnh văn minh và năng động hơn. Những ngày cuối tuần, làng lụa Vạn Phúc đón nhiều lượt khách du lịch ghé thăm và chụp ảnh.

Trong thời gian gần đây, chính quyền địa phương đã đầu tư cơ sở hạ tầng, chỉnh trang các tuyến phố, tôn tạo di tích. Đặc biệt, ba tuyến phố đi bộ gồm phố Lụa, phố Ẩm thực, phố Sinh vật cảnh - đồ cổ đồng thời được mở ra để du khách tham quan và mua sắm. Ngay khi đi qua cổng làng, du khách sẽ được ngắm nhìn con đường đi bộ được trang trí bởi những chiếc ô nhiều màu sắc rực rỡ. Dọc hai bên đường đi bộ là các quán hàng san sát nhau, trưng bày và bán các sản phẩm như khăn quàng, áo dài, túi, quần áo… với đa dạng mẫu mã cho du khách lựa chọn.

Mặc dù tại đây, quá trình đô thị hóa đang diễn ra nhanh chóng, nhưng làng lụa Vạn Phúc vẫn giữ được vẻ đẹp cổ kính. Các điểm tham quan tại làng lụa Vạn Phúc du khách có thể ghé thăm như: Chùa Vạn Phúc, đền thờ tổ nghề, miếu Vạn Phúc, Trung tâm bảo tồn lụa Vạn Phúc, Trung tâm sinh vật cảnh, phố đồ cổ - đồ xưa, Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh hay con đường bích họa đầy màu sắc phía trước sân đình làng.

Ngoài ra, du khách cũng có thể ghé thăm những xưởng dệt, nhuộm vải nằm phía sau khu chợ lụa Vạn Phúc để tìm hiểu về quy trình dệt lụa, trực tiếp tiếp xúc với thợ thủ công hay thử trải nghiệm làm một vài công đoạn sản xuất các sản phẩm. Đặc biệt, đến với làng, du khách còn có cơ hội được trải nghiệm làm tranh từ vải vụn tại Hợp tác xã Vụn Art - nơi có những con người khuyết tật đang làm việc tại đây. Lợn Đông Hồ, em bé ôm gà, đám cưới chuột, hay hình ảnh Văn Miếu, Hồ Gươm đây là những sản phẩm của Vụn Art lấy cảm hứng từ chủ đề tranh dân gian Việt Nam như tranh Hàng Trống, tranh Đông Hồ, hay những bức tranh mang đậm nét đặc trưng của Hà Nội. Nền tranh là vải Vạn Phúc và ghép từ nguyên liệu vụn lụa Vạn Phúc, những tác phẩm được tạo nên bởi đôi bàn tay tài hoa của những người thợ khuyết tật.

Không chỉ hỗ trợ những mảnh đời kém may mắn, Vụn Art còn là một mô hình hoạt động không gian sáng tạo, thu hút lượng lớn khách du lịch đến tham quan và trải nghiệm. Tuy là những mảnh vải vụn, nhưng khi được ghép lại, những mảnh vải này có thể trở thành những bức tranh lung linh. Đây cũng chính là ý nghĩa của cái tên Vụn Art. Sau hơn 1 năm lên ý tưởng và đi vào hoạt động, đến nay, gần 20 người khuyết tật của Vụn Art đã có việc làm ổn định.

Hiện nay, các tour du lịch làng nghề Vạn Phúc trong ngày đang được một số đơn vị lữ hành khai thác, xây dựng kết hợp với các làng nghề khác trong TP Hà Nội. Các tour tham quan thực sự đem đến nhiều sự hấp dẫn cho du khách khi được tổ chức vào những dịp làng lụa Vạn Phúc vào tuần văn hóa du lịch thương mại. Du khách sẽ được tham quan và trải nghiệm các hoạt động văn hóa, biểu diễn nghệ thuật đặc sắc được diễn ra ở đây.

Tuệ Liên

Tin cùng chuyên mục

Gấp rút đẩy nhanh tiến độ thi công trường Tiểu học Hà Nội – Điện Biên Phủ

Gấp rút đẩy nhanh tiến độ thi công trường Tiểu học Hà Nội – Điện Biên Phủ

(PNTĐ) - Những ngày này, trên công trường xây dựng trường Tiểu học Hà Nội - Điện Biên Phủ (TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên) ngày cũng như đêm luôn rộn rã, nhộn nhịp hoạt động thi công. Tất cả dồn hết tâm, sức, chạy đua với thời gian, đẩy nhanh tiến độ để kịp khánh thành, sớm đưa công trình vào sử dụng dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024).
Hà Nội thí điểm gửi xe không tiền mặt

Hà Nội thí điểm gửi xe không tiền mặt

(PNTĐ) - Hà Nội bắt đầu thí điểm gửi xe không tiền mặt tại 7 vị trí nằm trên các tuyến phố ở quận Hoàn Kiếm. Sau thời gian thí điểm, địa phương sẽ đánh giá kết quả để lên phương án triển khai rộng rãi.
Đối thoại  về chính sách tiền lương và bảo hiểm xã hội

Đối thoại về chính sách tiền lương và bảo hiểm xã hội

(PNTĐ) - Ngày 16/4, Báo Lao động Thủ đô phối hợp với Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) quận Hoàn Kiếm tổ chức buổi Đối thoại - giao lưu trực tuyến, truyền thông chính sách năm 2024 với chủ đề: “Những điểm mới về chính sách tiền lương và bảo hiểm xã hội”.
Tháng Ba về giỗ Vua Hùng

Tháng Ba về giỗ Vua Hùng

(PNTĐ) - Những ngày này, đông đảo người dân và du khách về với Lễ hội đền Hùng (Phú Thọ). Lễ hội là hoạt động có tính quy mô cấp quốc gia nhằm tưởng nhớ các vua Hùng đã có công dựng nước, hướng mỗi người Việt Nam biết trân quý nguồn cội.