Hồn gốm cổ Bát Tràng

Chia sẻ

Nếu có dịp du ngoạn bằng đường thủy trên sông Hồng, vào một ngày mùa đông, làng gốm cổ Bát Tràng sẽ là điểm dừng chân cuối cùng trên hành trình: Đền Dầm - Đền Đại Lộ (Thường Tín) - Đền Chử Đồng Tử (Hưng Yên) và làng gốm Bát Tràng.

Sản phẩm gốm mỹ nghệ cao cấp men ngọc của nghệ nhân Trần ĐộSản phẩm gốm mỹ nghệ cao cấp men ngọc của nghệ nhân Trần Độ (Ảnh: N.D)

Nghệ nhân Trần Đức Tân và sản phẩm gốm thư pháp trang trí nội thấtNghệ nhân Trần Đức Tân và sản phẩm gốm thư pháp trang trí nội thất

Làng cổ thuần Việt

Đặt chân đến làng cổ Bát Tràng, điều mà du khách cảm nhận được rõ nhất là sức sống của làng nghề, dẫu trải qua bao thăng trầm của thời gian, làng cổ Bát Tràng vẫn “giữ lửa” trong mỗi nếp nhà. Len lỏi qua những con ngõ quanh co, nhỏ hẹp, với tường gạch rêu phong phủ màu thời gian, bên trong mỗi nếp nhà đều là những xưởng gốm ngày đêm đỏ lửa. Trong sự nhộn nhịp của cuộc sống hiện đại, làng nghề truyền thống gốm sứ Bát Tràng vẫn giữ nguyên được nét đẹp, nét tinh hoa vốn có. Người làng Bát Tràng luôn giữ nếp truyền thống của tổ nghề từ hàng trăm năm trước, cha truyền con nối dẫu “con tạo” đang “xoay vần”.

Theo các thư tịch cổ thì nghề gốm xuất hiện ở Bát Tràng từ thế kỷ XV, nhưng theo những tư liệu thu thập được ở Bát Tràng thì làng gốm này ra đời sớm hơn, khoảng thế kỷ XI. Năm 1010, vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) về Thăng Long, khiến Thăng Long trở thành nơi kinh đô sầm uất. Thợ thủ công từ các nơi tìm về Thăng Long lập nghiệp, trong đó có 5 dòng họ làm gốm nổi tiếng của làng Bồ Bát là Trần, Vương, Nguyễn, Lê, Phạm quyết định di cư về kinh thành Thăng Long. Đến khu vực Bạch Thổ, Gia Lâm (nay là xã Bát Tràng), các tổ nghề này kết hợp cùng dòng họ Nguyễn nơi đây mở lò làm gốm. Với vị trí thiên thời, địa lợi, gần kinh thành lại nằm bên bờ sông Hồng, Bát Tràng có điều kiện thuận lợi về giao thông thủy, từ đó dập dìu trên bến dưới thuyền, các nhà buôn từ các nơi đổ về đây khiến công thương nghiệp khá sầm uất, sản phẩm gốm Bát Tràng cũng nhờ đó được các thương lái vận chuyển đi muôn phương.

Đặc biệt theo người dân kể lại, vùng này lại có nhiều đất sét trắng, có đến 72 gò đất sét trắng, một nguồn nguyên liệu quý để sản xuất đồ gốm. Khi mới di cư về lập nghiệp tại quê mới, dân Bồ Bát đặt tên cho quê mới là Bạch Thổ phường (tức là phường đất trắng). Khi công việc sản xuất gốm đã dần ổn định, người dân ở đây đổi tên Bạch Thổ phường thành Bá Tràng phường, ý nói là phường có trăm lò bát. Cuối cùng họ mới đổi tên thành Bát Tràng, tức nơi làm bát như hiện nay.

Từ thế kỷ XV, gốm Bát Tràng đã được sử dụng làm lễ vật trong triều, đem cống cho các Hoàng đế Trung Hoa - nơi có nghề gốm hàng ngàn năm nổi tiếng trên thế giới. Sản phẩm gốm sứ cung tiến chủ yếu là đồ thờ. Về sau mới có thêm các đồ vật gia dụng như bát, đĩa, bình, lọ, ấm chén… Đến thế kỷ XVIII, gốm Bát Tràng đã du nhập đến tận Nhật Bản. Trong một cuốn sách Nhật Bản nói về công nghệ đồ gốm, có viết: “Từ thế kỷ XVIII đến thế kỷ XIX, ở Nhật người ta đã làm các liễn, chậu theo kiểu Kốt chi” (tức Giao Chỉ, Việt Nam). Và trong một tập ảnh chụp những đồ gốm đẹp của một Viện bảo tàng Nhật, có ảnh chiếc bát đàn kiểu thông dụng, trang trí giản dị bằng men xanh của làng gốm Bát Tràng.

Qua thế kỷ XVIII, làng gốm Bát Tràng vẫn tiếp tục phát triển. Khi đó, các thương điếm ngoại quốc ở Kẻ Chợ đã lần lượt đóng cửa, đồ gốm và gạch Bát Tràng không xuất khẩu nữa mà chủ yếu đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước. Bến Bát Tràng bên sông Hồng trở thành nơi buôn bán sầm uất. Cho đến thế kỷ XIX, Bát Tràng vẫn là một trung tâm đồ gốm nổi tiếng của Thăng Long - Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung. Đặc biệt, loại gạch vuông có chất lượng cao của Bát Tràng đã khá thông dụng trong đời sống và đi vào cả những câu ca dao quen thuộc, lưu truyền trong dân gian: “… Ước gì anh lấy được nàng/Để anh mua gạch Bát Tràng về xây…”.

Nét tinh hoa của nghệ nhân gốm Bát Tràng

So với các làng gốm khác, gốm Bát Tràng hoàn toàn khác biệt. Xương gốm bao giờ cũng khá nặng, dầy và chắc khỏe. Hoa văn trang trí phổ biến là hình rồng phượng, câu thơ đối, cảnh người, hoa cỏ và thiên nhiên… Họa tiết khi thì cầu kì, lúc ngẫu hứng tưởng như nguệch ngoạc. Nhưng tất cả đều rất có hồn và sống động, phản ánh nét tâm linh và triết lý sống của con người.

Thế hệ trẻ ở làng nghề Bát TràngThế hệ trẻ ở làng nghề Bát Tràng (Ảnh: Nguyễn Tuấn Anh)

Để làm ra đồ gốm người thợ gốm phải qua các khâu: Chọn đất, xử lý và pha chế đất, tạo dáng tạo hoa văn, phủ men, kinh nghiệm truyền đời của làng gốm Bát Tràng là “Nhất xương, nhì da, thứ ba dạt lò” nghĩa là đất làm gốm phải đảm bảo độ rắn chắc cho sản phẩm, kế đó là kĩ thuật tạo men với các loại men nâu, men xanh lam, men rêu, men rạn… Cuối cùng, người thợ gốm phải có nhiều kinh nghiệm trong khâu nung sản phẩm qua 2 lần lửa (lần 1 sản phẩm được nung ở nhiệt độ 600-7000C, lần 2 nung ở nhiệt độ 1.250-1.3000C. Tất cả các loại men và màu dùng để sản xuất sản phẩm gốm, sứ gia dụng ở Bát Tràng đều được kiểm tra sự thôi nhiễm chì và cadimin rất gắt gao. Vì vậy, các sản phẩm xuất xưởng đều đạt tiêu chuẩn quy định, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người sử dụng.
Người thợ gốm Bát Tràng luôn quan niệm, sản phẩm gốm không khác nào một cơ thể sống, có sự kết hợp hài hoà của Ngũ hành: Kim, Mộc, Thuỷ, Hoả, Thổ và trong đó còn mang cả yếu tố tinh thần, thể hiện sự sáng tạo và tình yêu nghề của người thợ. Tất cả hòa quyện vào nhau để tạo nên sản phẩm gốm Bát Tràng đặc biệt, hài hoà về bố cục, thanh nhã về màu sắc cùng với sự tinh tế của tâm hồn người Bát Tràng. Ngoài ra, mỗi đường nét, chi tiết trong từng sản phẩm còn gửi gắm tình yêu quê hương đất nước bằng một thế giới quan đa dạng, sống động lấp lánh sắc màu từ những nắm đất quê hương.

Cho đến nay, Bát Tràng là nơi duy nhất tại Việt Nam lưu giữ được nhiều dòng men cổ: Men xanh rêu, men trắng, nâu, men xanh rạn và cốt gốm xốp màu nâu xám. Bằng vốn di sản và kinh nghiệm nghề nghiệp, những người thợ nơi đây đã đưa nghề gốm lên đến đỉnh cao. Những loại gốm quý và nổi tiếng khắp trong và ngoài nước như: Gốm men ngọc (thời Lý Trần), gốm men nâu hay gốm hoa nâu (cuối Trần - đầu Lê), gốm men rạn (thời Lê - Trịnh) và gốm hoa lam (vào cuối thời Nguyễn). Nhiều sản phẩm gốm men ngọc, men rạn, hoa lam của Bát Tràng rất hoàn mỹ, được coi là đỉnh cao của nghệ thuật và kỹ thuật gốm ở Việt Nam và đã trở thành những tác phẩm nghệ thuật gốm cổ quý giá.

Các nghệ nhân bậc thầy của làng gốm như Trần Độ, Ngô Mạnh Tuấn, Tô Thanh Sơn... những năm gần đây còn nghiên cứu phục chế gốm cổ Thăng Long, gốm men nâu đời Trần, bình gốm men rạn truyền thống đắp nổi hoa, phù điêu theo các tích cổ… và sáng chế nhiều sản phẩm men đẹp, độc đáo. Vợ chồng nghệ nhân Trần Đức Tân - Nguyễn Thu Hằng chế tác gốm và thổi hồn cho gốm nhờ những vần thơ viết theo lối thư pháp trên sản phẩm rất được thị trường ưa chuộng. Có được mục sở thị tâm huyết, lòng yêu Tổ nghề, sự tận tâm, tận lực của những nghệ nhân Bát Tràng mới thấu hiểu vì sao nghề gốm Bát Tràng trường tồn qua nhiều thế hệ vẫn không ngừng tỏa sáng.

Ngày nay, du khách đến với làng nghề Bát Tràng sẽ thấy làng nghề dần thay đổi diện mạo nhờ quá trình đô thị hoá. Những xưởng gốm khang trang được đầu tư công nghệ lò sấy hiện đại mọc lên thay thế những xưởng gốm nhỏ bé xưa kia, đường vào làng Bát Tràng được lát gạch phẳng phiu, rộng rãi, những dãy ki-ot lớn nhỏ cận kề mặt đường, đây đó nhiều ngôi biệt thự mọc lên san sát, cho thấy người dân Bát Tràng ngày càng giàu lên nhờ nghề truyền thống của cha ông. Mỗi năm, làng nghề lại đón tiếp hàng nghìn lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan và mua sắm. Người Bát Tràng cũng rộng lòng đón khách thập phương trong các tour thăm quan làng nghề, du khách được trải nghiệm đi xe trâu, được tự tay làm ra các sản phẩm gốm để thỏa mãn sự sáng tạo của bản thân. Đây cũng là cách làng nghề làm mới mình để Bát Tràng ngày càng hấp dẫn du khách và tạo điểm nhấn với những người ưa khám phá.

Hà Anh

Tin cùng chuyên mục

Xả thân để “đất nước nở hoa độc lập”

Xả thân để “đất nước nở hoa độc lập”

(PNTĐ) - Trong những ngày tháng Tư lịch sử, chúng tôi đến thăm Thượng tá, cựu chiến binh Đinh Văn Chiến, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Thịnh Quang, quận Đống Đa, Hà Nội - người đã từng tham gia chiến đấu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước ngày 30/4/1975. Đã 49 năm trôi qua, nhưng những ký ức hào hùng của một giai đoạn lịch sử vẫn còn mãi trong người chiến sĩ thương binh bộ đội Cụ Hồ anh dũng, quả cảm.