Ngôi nhà gắn kết các thế hệ

Chia sẻ

Con cháu của hai cụ Thạch, cụ Xuân dù đều có gia đình trong nội đô, hay lập nghiệp ở phương xa, nhưng mỗi dịp trở về Hà Nội, họ vẫn hẹn nhau về thăm lại ngôi nhà 19 Cửa Đông thuê phòng nghỉ một ngày. Họ coi đó như việc tìm về cội nguồn thiêng liêng,

Cụ bà Vũ Thị Xuân cùng các con cháu của mình.Cụ bà Vũ Thị Xuân cùng các con cháu của mình. (Ảnh: NVCC)

Con cháu cụ Vũ Thị Xuân gắn bó bằng những kỳ nghỉ với nhau hàng năm.Con cháu cụ Vũ Thị Xuân gắn bó bằng những kỳ nghỉ với nhau hàng năm. (Ảnh: NVCC)

Hơn nửa thế kỷ trôi qua với biết bao biến đổi thăng trầm vậy mà ký ức về ngôi nhà số 19 phố Cửa Đông (Hoàn Kiếm, Hà Nội) vẫn còn nguyên vẹn trong tôi. Nhớ lần đầu gặp mặt, đó là khi người yêu đưa tôi về ra mắt gia đình, anh đã dẫn tôi tới ngôi nhà số 19 Cửa Đông. Đó là nhà người bạn thân của anh tên Đặng Hòa (khi ấy công tác tại viện Bảo tàng Cách mạng Việt Nam). Hóa ra thời sinh viên nghèo khó, anh được bố mẹ anh Hòa quan tâm giúp đỡ và anh xem đây như là nhà của mình. Sự tiếp đón ân cần của hai cụ và gia đình đã để lại trong tôi một thứ tình cảm rất đặc biệt. Hai năm sau đó khi chúng tôi chuẩn bị lễ cưới thì từ việc chọn ngày đến việc giúp mua sắm cũng do hai cụ lo cho bởi khi ấy cha mẹ chúng tôi đều làm việc nơi sơ tán xa Hà Nội. Từ đó, vợ chồng tôi có thêm một mái nhà để mỗi khi đi xa có dịp trở về.
Nhà số 19 Cửa Đông xưa nằm trên dãy phố có cây cầu Đường Sắt nối dài từ Lý Nam Đế vắt qua con phố Cửa Đông men theo đường Phùng Hưng dẫn vào ga Hà Nội. Thời bao cấp mỗi lần đi công tác bằng tàu hỏa, qua ô cửa con tàu ngoái nhìn về phía ngôi nhà thân thiết ấy, trong tôi luôn trào dâng một thứ tình cảm ấm áp khó tả. Hình ảnh về bố mẹ anh Hòa giống hệt bóng hình cha mẹ tôi với ánh mắt ấm áp đầy yêu thương luôn dõi theo tôi suốt chặng đường dài. Là người đức độ, sống bản lĩnh chân thành, đi lên bằng chính đôi bàn tay lao động từ việc buôn bán sắt vụn, những năm đầu thập kỷ 40 thế kỷ trước, cụ ông Đặng Thạch (sinh năm 1909) và cụ bà Vũ Thị Xuân (sinh năm 1910) đã tạo dựng được cơ đồ khang trang trên đất Hà Thành. Hai cụ từng có cửa hàng ở 67 Đường Thành, ở phố Khâm Thiên và Phủ Doãn. Sau ngày Giải phóng Thủ đô hai cụ mới mua ngôi nhà này và cũng từ ngày ấy cụ Thạch nghỉ việc kinh doanh, tích cực tham gia công tác đường phố, được cấp trên tín nhiệm giao chức Trưởng ban Đại biểu dân phố tương đương chức Cụm Trưởng dân cư hiện giờ. Cụ Xuân vừa trông coi cửa hàng vừa đảm đang lo toan công việc nội trợ và chăm lo cho các con (năm trai, hai gái) học hành chu đáo.

Trong môi trường làm việc hàng ngày tiếp xúc với người lao động, hai cụ thường để tâm giúp đỡ người nghèo khó cơ nhỡ… Hai vợ chồng cũng quan tâm dìu dắt anh em con cháu từ miền quê nghèo thuộc làng Thượng Phúc, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định ra Hà Nội lập nghiệp rồi định cư trên đất Hà Thành. Việc nhận anh Trần Ngọc Châu làm con nuôi cũng thật tình cờ. Qua giới thiệu của một cán bộ chính quyền địa phương thời ấy, hai cụ biết anh Châu là học sinh miền Nam ra Bắc học tập không có người thân thích, nên đã nhận đỡ đầu và quan tâm đến anh Châu không khác con đẻ. Anh Châu sau này là phóng viên trong ban đối ngoại của Thông tấn xã Việt Nam mỗi khi đi công tác bao giờ cũng đều ghé thăm hỏi hai cụ. Giờ anh Châu đã bước sang tuổi 85 và vẫn coi gia đình Cửa Đông như ruột thịt của mình.

Ngoài anh Châu còn có hai người là học sinh miền Nam cũng thường lui tới vào các ngày nghỉ được các cụ quan tâm như con cháu trong nhà. Tấm lòng nhân ái của các cụ đã thấm đẫm vào ý thức con cháu. Họ sống trong yêu thương ấm áp dưới một mái nhà cho đến khi có hơn 10 đứa cháu. Đến tuổi trưởng thành, người trong quân ngũ, người trên giảng đường, người trở thành doanh nhân thì họ vẫn gắn kết đùm bọc. Kể cả khi cụ bà quyết định bán nơi từng là tổ ấm của đại gia đình để cho các con ra sống riêng khi chúng trưởng thành lập gia đình, thì các “tổ ấm” riêng ấy vẫn đoàn kết yêu thương gắn bó với nhau. Cụ Thạch qua đời trước, cụ Xuân ở lại tiếp tục giữ vững vai trò người bà, người mẹ gương mẫu trong gia đình. Cụ Xuân sống đức độ, yêu thương con cháu, luôn gắn kết các thành viên trong gia đình với nhau. Từ những phẩm chất của người phụ nữ Hà thành, cụ Xuân đã khiến cho con gái lẫn con dâu đều noi theo, trở thành những người mẹ, người phụ nữ giữ nếp nhà truyền thống qua bao thế hệ.

Cụ Xuân ra đi vào ngày mồng Ba Tết. Vì thế đối với các con cháu của cụ Thạch, cụ Xuân, Tết không chỉ là dịp sum họp gia đình mà còn là ngày để tất cả con cháu cùng tưởng nhớ đến công ơn của cha mẹ, ông bà mình. Cứ ngày mồng Ba Tết hàng năm, khi các con cháu và chúng tôi về dâng hương các cụ thì thường có một thói quen. Đó là mở lại cuốn băng ghi âm những lời các cụ căn dặn trước lúc đi xa, giây phút ấy trong khói hương lan tỏa, con cháu như gặp lại hình ảnh ông bà, cha mẹ. Cứ thế ký ức Tết vẫn còn có các cụ được hồi tưởng lại.
Tôi nhớ lại những cái Tết xưa đầm ấm, cụ ông pha trà, pha cà phê, cụ bà ngồi gói bánh chưng cùng bà cô và con dâu trưởng. Nhớ nong gạo nếp cả vài chục ký gạo mọng nước bên chồng lá dong xanh. Nhớ dáng khom lưng của anh cả khi ngồi chẻ những chiếc lạt mềm trắng muốt, các cháu nhỏ cũng được quây quần tự tay gói chiếc bánh chưng xinh xắn cho mình! Những ngày Tết đáng nhớ ấy đã ăn sâu vào tiềm thức trong mỗi mái nhà nhỏ của chúng tôi, để giờ dù cuộc sống ồn ã gấp gáp thì chúng tôi vẫn dành ra một khoảng thời gian chuẩn bị cho ngày mồng Ba Tết. Tất cả quây quần bên mâm cỗ truyền thống với tất cả tấm lòng thành kính, cũng đủ bát đủ đĩa như mâm cỗ Tết mà cụ Xuân làm năm xưa.

Tấm tình yêu thương cao cả của hai cụ đã gắn kết ông Châu, vợ chồng tôi với những người con, cháu của hai cụ cho tới bây giờ. Sau hơn nửa thế kỷ khi chúng tôi đều đã bước vào tuổi thất thập, bát thập vẫn gắn bó với nhau bằng những chuyến đi nghỉ dưỡng ngắn ngày. Tất cả chúng tôi đặt ra một nguyên tắc, đó là cố gắng mỗi năm ít nhất tất cả cùng tập trung lại đi du lịch với nhau. Những chuyến đi ấy, trong các bữa cơm hoặc khi tụ họp bên ấm trà, bên tách cà phê, những kỷ niệm của một thời đã qua thường được nhắc lại trong giòn giã tiếng cười tuổi già lẫn tuổi trẻ. Vì vậy tình yêu thương trong gia đình càng thêm bền vững. Và, cũng từ những chuyến đi này các con cháu của chúng tôi cũng xích lại gần nhau hơn bởi cháu nào cũng quan tâm động viên, tạo điều kiện cho bố mẹ, chú bác cô dì của mình. Chúng tôi duy trì hoạt động này đã hơn chục năm nay và thống nhất với nhau còn sức khỏe còn động viên nhau đi đông đủ. Chúng tôi người ít tuổi nhất cũng đã ngoài 60 tuổi, người nhiều tuổi nhất đều đã bước qua bát thập, ngoài ông con nuôi của hai cụ đã 85 tuổi, còn có hai người là thương binh lại đều đã qua bát thập, nhưng bằng sự ân cần chu đáo của các ông, các bà đàn em, ba cụ đàn anh qua “Bát thập” vẫn được tham gia thường xuyên cùng mọi người.

Cửa Đông nơi có số nhà 19 sau gần nửa thế kỷ khi chuyển giao quyền sử dụng cho chủ khác đã mọc lên một khách sạn cao tầng. Con cháu của hai cụ Thạch, cụ Xuân dù đều có gia đình trong nội đô, hay lập nghiệp ở phương xa, nhưng mỗi dịp trở về Hà Nội, họ vẫn hẹn nhau về thăm lại ngôi nhà 19 Cửa Đông thuê phòng nghỉ một ngày. Họ coi đó như việc tìm về cội nguồn thiêng liêng, nơi từng có một thời đáng nhớ, đáng trân trọng của mình!

Dương Ngọc Vân

Tin cùng chuyên mục

Giữ lại những bữa cơm chung

Giữ lại những bữa cơm chung

(PNTĐ) - Tôi sinh năm 1972, thuộc thế hệ 7x – thế hệ giao thời giữa cũ và mới. Chúng tôi lớn lên trong thời kỳ bao cấp còn nhiều thiếu thốn, nhưng cũng chính vì thế mà càng thấm thía giá trị của gia đình. Trong ký ức tuổi thơ tôi, gia đình là nơi ấm áp và đầy nền nếp.
Có mẹ đồng hành trong hành trình giảm cân

Có mẹ đồng hành trong hành trình giảm cân

(PNTĐ) - Sau 5 lần giảm cân, Nguyễn Tùng Chi (21 tuổi, quê Hải Dương, hiện là sinh viên đại học năm thứ 3 tại Hà Nội) từ 95kg còn 60kg, trở về thân hình cân đối. Giảm được số cân như vậy không hề dễ dàng và phải cần rất nhiều ý chí. Tùng Chi nói cô rất may mắn vì luôn có mẹ ở bên, động viên mình.
Mẹ chồng - nàng dâu cùng “giữ lửa” yêu thương

Mẹ chồng - nàng dâu cùng “giữ lửa” yêu thương

(PNTĐ) - Trong nhịp sống hối hả của xã hội hiện đại, nhiều giá trị truyền thống đang dần bị mai một, sợi dây kết nối giữa các thế hệ trong một gia đình cũng lỏng lẻo hơn. Nhưng vẫn có những mái ấm nhiều thế hệ vẫn giữ được sự gắn kết bền chặt như ở gia đình ba thế hệ của chị Hà Việt Anh. Đặc biệt, mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu trong gia đình chị đã trở thành nền móng vững chắc cho một tổ ấm hạnh phúc.
Ứng xử thế nào khi con thi trượt

Ứng xử thế nào khi con thi trượt

(PNTĐ) - Vừa qua, khi nhận được kết quả thi vào lớp 10, trường THPT công lập năm 2025, nữ sinh V.T.D ở Thanh Hóa đã bỏ nhà đi lang thang rồi mất liên lạc. Trong lúc buồn chán, thất vọng với chính bản thân mình, D đã chọn cách gieo mình xuống làn nước sâu…
Khi trẻ em là nạn nhân của bạo lực gia đình

Khi trẻ em là nạn nhân của bạo lực gia đình

(PNTĐ) - Gần 70% trẻ em từ 10 đến 14 tuổi từng phải hứng chịu ít nhất một hình thức bạo lực trong chính gia đình của mình. Đáng lo ngại hơn, 7 trong 10 trẻ bị trừng phạt bằng các hành vi bạo lực, để lại những tổn thương dai dẳng cả về thể chất lẫn tinh thần.