Đón Tết trong gia đình “tứ đại đồng đường”

Chia sẻ

Ngày nay, việc chuẩn bị đón Tết không còn quá cầu kỳ bởi có nhiều tiện ích, nhưng trong nhiều gia đình “tứ đại đồng đường” vẫn giữ những cách chuẩn bị Tết truyền thống từ xa xưa.

Gia đình tứ đại đồng đường của cụ Vũ Văn UyênGia đình tứ đại đồng đường của cụ Vũ Văn Uyên

Gia đình tứ đại đồng đường của cụ Nguyễn Thị Tú OanhGia đình tứ đại đồng đường của cụ Nguyễn Thị Tú Oanh

Cụ Nguyễn Thị Tú Oanh vui cùng con, cháu trong gia đìnhCụ Nguyễn Thị Tú Oanh vui cùng con, cháu trong gia đình

Cùng nhau giữ “nếp nhà”

Gia đình cụ Nguyễn Thị Tú Oanh (SN 1933, phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình, Hà Nội) với bốn thế hệ chung sống nhưng luôn khiến mọi người noi gương, ngưỡng mộ vì luôn giữ được nếp nhà trong suốt nhiều năm qua. Cụ Oanh sinh được 4 người con, 3 gái, 1 trai. Các con trai, con gái của cụ đã ở riêng, đều có địa vị nhất định trong xã hội, đều là đảng viên. Hiện cụ sống cùng với gia đình con trai út, nay đã gần 60 tuổi, trong gia đình có 8 người, ngày ngày vẫn ăn chung mâm cơm và giữ không khí đầm ấm, hòa thuận. Cụ luôn coi trọng, duy trì việc giáo dục con cháu trân trọng những giá trị truyền thống của gia đình, đặc biệt là mỗi khi Tết đến, xuân về, bởi những giá trị truyền thống ấy đã làm tăng thêm tình cảm gắn kết giữa các thế hệ.

Những ngày Tết đến, gia đình cụ Oanh luôn đông vui, nhộn nhịp. Các con cháu thường xuyên ghé thăm cụ, con cháu may tặng cụ cái áo dài, áo mới để “diện Tết”… “Tết đến, gia đình tôi lúc nào cũng đông đúc vui vẻ bởi các anh chị đã lấy chồng nhưng ở ngay nhà bên cạnh, các cháu cũng tập trung đông đủ hàn huyên. Có những bữa cơm tất niên đông hơn 20 người” - bà Nguyễn Thị Kim Phượng, con dâu cụ Oanh nói.

Từ trước đến nay, Tết đến, bà Phượng là người sắm sửa chính. Từ khi con trai lấy vợ, con dâu hỗ trợ bà việc mua bánh kẹo, hoa quả trang trí cho bàn thờ tổ tiên và các nguyên liệu làm bánh. Chồng và con trai bà sẽ lo việc mua đào, quất. Khoảng 25 Tết, gia đình bà cùng nhau dọn dẹp nhà cửa, gói bánh chưng. Bữa cơm chiều 30 Tết ở nhà bà đông như ngày hội. Các anh chị em, con cháu tề tựu về quây quần bên mâm cơm Tất niên. Gian phòng khách chỉ rộng khoảng 45m2 ở tầng 1 trở nên chật chội nhưng lại vô cùng ấm cúng. Vào thời khắc Giao thừa, cụ sẽ chuẩn bị mâm cỗ nhỏ gồm bánh kẹo, nước ngọt và lì xì để mừng tuổi con cháu. Vào sáng mồng 1 Tết, các con trai gái, dâu rể tụ hội đông đủ ở nhà cụ, mừng tuổi nhau phong bao lì xì chúc mừng năm mới, sau đó sẽ lên chùa Kim Sơn để thắp hương cho cụ ông đã mất từ năm 2003 rồi mới đi chơi Tết.

Trong mâm cỗ Tết gia đình cụ Oanh có đủ các món: Bánh chưng, giò, chả, nộm, các món xào, canh bóng, miến, canh măng... Tết năm nào, gia đình cụ Oanh cũng tổ chức gói bánh chưng, làm giò Tết ở nhà. Để các cháu hiểu hơn về hương vị Tết truyền thống, cụ Oanh thường kể về tục lệ Tết cổ truyền, cách chuẩn bị Tết cầu kỳ, cẩn thận và tỉ mỉ như thế nào. “Dù ngoài kia có hiện đại thế nào, nhưng sau cánh cửa nhà, chúng tôi vẫn duy trì nề nếp truyền thống. Có điều, ngày nay các con cháu người đi công tác, người đi học xa không về quê đón Tết được nên tôi cũng hiểu và trân quý những giây phút đoàn tụ của cả đại gia đình và luôn mong muốn con cháu giữ gìn nếp văn hóa ấy” - cụ Oanh nói.

Cha mẹ làm gương cho con cháu

Để giữ được nề nếp trong gia đình “tứ đại đồng đường”, với cụ Vũ Văn Uyên (92 tuổi, phường Bưởi, quận Tây Hồ), đó là sự gương mẫu của cha mẹ và truyền thống gia đình từ lâu đời.

Cụ Uyên hiện đang sống cùng vợ chồng con trai là ông Vũ Ngọc Dũng, gia đình của hai cháu trai và bốn chắt. Trong gia đình cụ Uyên hiện có 11 người chung sống, người cao tuổi nhất là cụ Uyên, còn bé tuổi nhất là chắt út hiện mới hơn 1 tuổi. Theo ông Dũng, gia đình ông 5 đời nay đều ở trên mảnh đất này sống hòa thuận với nhau. “Làng Đông Xá (thuộc phường Bưởi) trước đây là làng làm giấy truyền thống. Gia đình tôi cũng nhiều đời làm nghề giấy, các con cháu lấy vợ, gả chồng đều ở chung một nhà, kinh tế tập trung do bố mẹ quản lý, chi tiêu sinh hoạt và phân công công việc cho các thành viên. Chính vì vậy, từ bé, bố mẹ tôi đã nhắc nhở, dạy dỗ hành xử và nếp sống nhường nhịn, chia sẻ và quan tâm lẫn nhau” - ông Dũng nói.

Bố mẹ tôi luôn nói, sống với nhau phải có chữ Tâm và chữ Nhẫn để nhường nhịn, thấu hiểu và quan tâm lẫn nhau. Chính vì vậy, trong nhà tôi luôn treo hai chữ này ở nơi trang trọng nhất. ông Vũ Ngọc Dũng, con trai cụ Uyên chia sẻ.

Khi nghề làm giấy mai một, các con cụ Uyên chuyển ra công tác ở lĩnh vực khác như giáo viên, bác sỹ, kỹ sư... nhưng gia đình cụ vẫn giữ được nề nếp trong gia đình “tứ đại đồng đường”. Hai con trai ông Dũng lấy vợ, sinh con, ông đều sắp xếp phòng để các con ở chung một nhà. Vợ chồng ông Dũng đã nghỉ hưu, hằng ngày ở nhà giúp các con chăm sóc các cháu nhỏ. Hai con dâu đi làm về lại giúp bố mẹ chồng nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa. “Bố mẹ tôi luôn nói, sống với nhau phải có chữ Tâm và chữ Nhẫn để nhường nhịn, thấu hiểu và quan tâm lẫn nhau. Chính vì vậy, trong nhà tôi luôn treo hai chữ này ở nơi trang trọng nhất” - ông Dũng chia sẻ. 

Với ông Dũng, những ngày Tết là lúc mà cụ Uyên chờ đợi nhất, bởi đó là lúc mà các con cháu đi học và làm ăn xa trở về sum họp. Đây cũng là cơ hội để lưu truyền, tiếp biến các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình không bao giờ bị mai một. Do đó, Tết năm nào, gia đình ông Dũng cũng chuẩn bị rất kỹ càng, đầy đủ như bánh chưng xanh, câu đối đỏ, cành đào quất, giữ phong tục lì xì, chúc mừng năm mới... Từ 27, 28 tháng Chạp, gia đình ông quây quần gói bánh chưng. Ông Dũng gói bánh, vợ ông chuẩn bị vo gạo nếp, đồ đỗ, rửa lá dong từ hôm trước, các con dọn nhà, các cháu nội quây quần ngồi xem bố gói bánh chưng... Con trai ông đảm nhiệm canh nồi bánh chưng khi luộc. Cụ Uyên đã yếu nhưng vẫn cảm nhận được không khí Tết tràn ngập gia đình và trên nét mặt của con cháu.

Hai tháng trước Tết, cụ bị ốm nặng, nên sức khỏe đã giảm sút, vợ chồng ông Dũng và các con của cụ chăm sóc bố chu đáo. Ngày nào các con cháu cũng tụ tập ở nhà ông Dũng, người xoa bóp, người trò chuyện, người lại phụ trách thuốc men cho bố. Chính nhờ vậy, tinh thần cụ Uyên luôn được vui vẻ và thoải mái. “Ở tuổi chúng tôi mà vẫn được phụng dưỡng bố mẹ già là điều vô cùng trân quý. Chúng tôi luôn cố gắng duy trì nếp nhà, giữ gìn chữ hiếu để các con cháu hiểu về truyền thống gia đình, giúp các thành viên gắn bó, yêu thương nhau” - ông Dũng xúc động nói.

Quỳnh An

Tin cùng chuyên mục

Hạnh phúc ngoài dự tính

Hạnh phúc ngoài dự tính

(PNTĐ) - Có 3 người con trai, nhưng ông Sơn - bà Xuân chưa từng thấy hạnh phúc. Anh cả công tác trong ngành quân đội, anh thứ là thợ cơ khí giỏi, anh út là chủ nhà hàng, cả 3 anh đều đã lập gia đình. Trong nhà luôn êm ấm, chưa hề thấy cãi vã. Nhưng điều mà ông Sơn bà Xuân cho là hạnh phúc, ấy là một thằng cháu trai.
Con gái của mẹ đã lớn

Con gái của mẹ đã lớn

(PNTĐ) - Sinh nhật bạn thân, nó rủ tôi: “Hay là đêm nay mày ngủ lại đây luôn với tao. Một năm tao mới có một lần sinh nhật, tội gì mà về sớm. Tý nữa mấy đứa ra ngoài “quẩy” cho đã”.
Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

(PNTĐ) - Lâu nay, một số người thường ngại đề cập tới vấn đề chăn gối vợ chồng, cho rằng đó là chuyện tế nhị, cần được giấu kín. Tuy nhiên, tình dục lại có vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống hôn nhân, thậm chí nhiều cặp vợ chồng chia tay chỉ vì không hòa hợp trong tình dục.