Năm “Tý”: Thăm trang trại chuột giữa lòng Thủ đô

Chia sẻ

Những ngày giáp Tết, khắp phố phường Thủ đô nhộn nhịp, rộn ràng không khí đón Xuân, nhưng bên trong Trung tâm nghiên cứu và sản xuất động vật thí nghiệm (CIMADE) thuộc Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương trên con phố Yec-Xanh vẫn rất đỗi yên bình.

Tại trung tâm CIMADE, cách đây 30 năm những chú chuột giống đầu tiên được nhập từ nước ngoài về, nuôi thích nghi với điều kiện môi trường Việt Nam. Trải qua quá trình nghiên cứu lai tạo giống tới nay, đàn chuột nhắt trắng đã phát triển tới 20.000 con. Những con chuột đầu tiên được dùng để sản xuất vắc-xin viêm não Nhật Bản B cho trẻ em đều được lấy từ trung tâm CIMADE. Sau này sản xuất vắc-xin viêm não trẻ em thành công, trung tâm tiếp tục cung cấp chuột, phục vụ công tác này. Tuy nhiên, để đáp ứng được yêu cầu khắt khe cho mục đích nghiên cứu khoa học, sản xuất vắc-xin, những chú chuột nhắt luôn được chăm sóc cầu kỳ, theo một chế độ rất đặc biệt.

Nhân viên trung tâm CIMADE chăm sóc cho những chú chuột hàng ngàyNhân viên trung tâm CIMADE chăm sóc cho những chú chuột hàng ngày (Ảnh: Thảo Hương)

Chuột “sạch”… từng centimet

Ấn tượng đầu tiên khi mở cánh cửa và bước chân vào trung tâm CIMADE là âm thanh ầm ào phát ra từ những chiếc máy được đặt tại 2 bên hông ngôi nhà chính. Theo chia sẻ của chị Trịnh Thanh Phương - người đã có hơn 20 năm gắn bó với Trung tâm, 2 chiếc máy đó là máy lọc nước RO và máy sản xuất thức ăn cho chuột. “Nước cho chuột uống không lấy trực tiếp từ nguồn nước máy sạch mà phải qua hệ thống lọc RO, có điều chỉnh độ PH cho phù hợp. Thức ăn cho chuột được làm cầu kỳ hơn. Đó là những viên “bánh” có hình trụ, dài khoảng 2-3cm, được trộn, ép lại rồi sấy khô từ hỗn hợp của: bột cá, bột ngô, bột mì, bột gạo, trứng, dầu ăn, vitamin, khoáng chất… đảm bảo sạch tinh khâu nguyên liệu và đầy đủ dinh dưỡng”.

Chuột nuôi tại trung tâm phải đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng để dùng cho sản xuất vắc-xin và nghiên cứu khoa học. Vì thế, việc thực hiện đúng quy trình chăn nuôi là rất quan trọng và cần thiết. Chị Phương chia sẻ.

Không chỉ đồ ăn, thức uống mà vệ sinh “nhà ở” cho chuột cũng phải tuân theo quy trình rất nghiêm ngặt. Chuột được nuôi trong những chiếc lồng nhựa có kích thước khác nhau tùy thuộc vào từng loại chuột. Trung bình 2 lần 1 tuần, nhân viên trung tâm sẽ thay lồng. Lồng mới được vệ sinh và sát trùng cẩn thận trước đó, bên dưới lót một lớp trấu đã sấy tiệt trùng để đảm bảo chỗ ở của chuột luôn khô ráo, sạch sẽ. Đồng thời, mỗi tháng 1 lần, trung tâm tiến hành tẩy trùng toàn bộ “trang trại chuột” từ sàn, tường, trần nhà tới các giá đỡ lồng chuột...

Hàng ngày, trước khi vào khu nuôi chuột, các nhân viên ở đây phải thay dép, đeo khẩu trang, chụp tóc, găng tay, vận quần áo bảo hộ riêng… giống hệt một bác sĩ trước khi thăm khám, chăm sóc bệnh nhân, để đảm bảo vô trùng. “Chuột nuôi tại trung tâm phải đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng để dùng cho sản xuất vắc-xin và nghiên cứu khoa học. Vì thế, việc thực hiện đúng quy trình chăn nuôi là rất quan trọng và cần thiết” - chị Phương chia sẻ.

Ăn cùng chuột, ở cùng chuột, đón Tết… cũng cùng chuột

Trung tâm CIMADE hiện có 16 nhân viên, trong đó có 3 người là nam giới, đảm nhiệm các công việc đòi hỏi nhiều sức lực như: sản xuất bánh, sấy trấu cho chuột. Những công việc cần sự tỷ mỉ hơn như: cho chuột ăn, thay nước, thay lồng, giám sát, theo dõi chuột hàng ngày… do chị em phụ trách chính.

Những chú chuột nhắt trắng luôn được chăm sóc theo chế độ đặc biệt, đáp ứng yêu cầu phục vụ nghiên cứu khoa họcNhững chú chuột nhắt trắng luôn được chăm sóc theo chế độ đặc biệt, đáp ứng yêu cầu phục vụ nghiên cứu khoa học (Ảnh: Nguồn: Cimade)

Những chú chuột nhắt trắng luôn được chăm sóc theo chế độ đặc biệt, đáp ứng yêu cầu phục vụ nghiên cứu khoa họcNhững chú chuột nhắt trắng luôn được chăm sóc theo chế độ đặc biệt, đáp ứng yêu cầu phục vụ nghiên cứu khoa học (Ảnh: Nguồn: Cimade)

Theo chân chị Phương khám phá những phòng nuôi chuột mới thấy hết sự kỳ công của các nhân viên nơi đây. Gần 20.000 con chuột nhắt trắng được chia vào nhiều chiếc lồng, phân theo độ tuổi, trọng lượng… Mỗi chú chuột, ở những thời điểm khác nhau lại có một chế độ chăm sóc riêng. Chẳng hạn chuột sau khi ghép đôi và mang thai, sẽ được tách ra một lồng riêng biệt. Chuột chửa, chuột đẻ 1-2 ngày phải thay trấu lót ổ 1 lần; kèm với gia tăng lượng nước uống; khẩu phần ăn điều chỉnh từ 4-5gr/con/ngày (chuột mới cai sữa) lên 15-20gr/con/ngày (chuột mẹ nuôi đàn con)… Gắn bó với công việc này, các anh chị trong trung tâm thường vui vẻ ví von rằng, nuôi chuột nhắt trắng thí nghiệm bận rộn hơn cả chăm con mọn.

Số lượng chuột và khối lượng công việc nhiều là vậy nhưng nhìn cách cán bộ, nhân viên của CIMADE nâng niu, nhẹ nhàng chuyển từng chú chuột nhắt nhỏ xinh từ lồng này qua lồng khác; cẩn trọng kiểm tra đồ ăn, nước uống cho chuột; xắp xếp gọn gàng từng lồng chuột lên giá đỡ; cẩn thận ghi chú dòng giống mỗi loại rồi dán lên từng chiếc hộp… phần nào cảm nhận được sự tận tâm của anh chị em trung tâm với những chú chuột nhắt trắng nơi đây. Cũng bởi luôn sát sao với từng chú chuột, nên bây giờ, chỉ cần nhìn qua, nhân viên trung tâm cũng biết chuột bao nhiêu tuần tuổi, kích cỡ, cân nặng, tình trạng sức khỏe ra sao.

Được biết, những đợt cao điểm, mỗi tuần trung tâm giao khoảng 10.000 con chuột nhắt, phục vụ công tác sản xuất vắc-xin viêm não trẻ em. Những chú chuột thậm chí phải đồng đều về kích thước, độ tuổi, nặng, nhẹ hơn nhau chỉ 1-3gr. Nếu không thực sự tâm huyết, quả thực khó để có được đàn chuột tốt, số lượng lớn như thế “xuất bán” hàng chục năm qua mà chưa từng xảy ra sai sót về chất lượng.

Đặc biệt vào ngày Tết, trong khi mọi người được quây quần bên gia đình, rộn ràng du xuân thì nhân viên của trung tâm lại thay nhau đến túc trực tại “nhà chuột”. Chị Phương kể: “Vào thời điểm chuột cần ghép đôi, cai sữa… dù là ngày 30 hay Mùng 1 Tết, mọi người đều phải có mặt để làm việc. Lúc nào cũng vậy, nhiều khi gia đình có việc bận, nhưng hễ “chuột cần”, anh em phải gác lại việc nhà, lo cho chuột trước. Bởi trong quá trình nuôi chuột, nhiệm vụ mỗi ngày đều khác nhau; buộc phải hoàn thành trong ngày chứ không thể để sang hôm sau. Vì thế, câu chuyện đi làm luân phiên nhau các ngày cuối tuần, ngày lễ, Tết đã trở nên quen thuộc và là nét đặc thù công việc nơi đây”.

Ăn cùng chuột, ở cùng chuột, nên với nhân viên của CIMADE, những chú chuột không chỉ là thành phẩm phục vụ khoa học, mà đã trở thành người bạn thân thiết. “Những ngày đầu bước chân vào trung tâm làm việc, nhìn đàn chuột “sơ sinh” nhỏ xíu, đỏ hỏn… mình thoáng có cảm giác sợ hãi. Nhưng lâu dần thành quen, thành yêu và ngày càng “phải lòng” những chú nhắt trắng. Nhiều khi mệt mỏi, ngắm nghía đàn chuột bạch mới cai sữa to hơn ngón tay cái, mắt hồng, lông trắng mượt tinh nghịch nhảy nhót, nô đùa… mình lại thấy cuộc sống trở nên thú vị. Thi thoảng, vừa kiểm tra sức khỏe, thay lồng cho chuột, chị em trong trung tâm vừa dí dỏm bình chọn xem bạn chuột nào là Hoa hậu, Á hậu…” - chị Phương nhớ lại.

Mỗi mùa xuân mới về, cũng là lúc đàn chuột của trung tâm CIMADE sinh sôi thêm nhiều lứa chuột mới, đóng góp ngày càng nhiều cho khoa học nước nhà. Để rồi, mỗi nhân viên ở đây lại thắp lên hi vọng rằng: Từ những chú chuột nhắt trắng, Việt Nam không chỉ thí nghiệm thành công sản phẩm thuốc, vắc-xin… giúp cứu chữa, phòng ngừa, chăm sóc cho nhân dân trong nước, mà còn vươn ra thế giới khẳng định thương hiệu của sản phẩm y học Việt Nam. Tin rằng, đây cũng là mong muốn và niềm tự hào của tất thảy người dân.

Lý Thanh

Tin cùng chuyên mục

Kỹ năng sơ cứu tai nạn thường gặp

Kỹ năng sơ cứu tai nạn thường gặp

(PNTĐ) - Theo BS Ngô Đức Hùng - Trung tâm Cấp cứu A9 (BV Bạch Mai), sơ cấp cứu là hành động trợ giúp và chăm sóc ban đầu đối với người bị nạn ngay tại hiện trường; sử dụng phương tiện, dụng cụ có sẵn tại chỗ, khi chưa có sự hỗ trợ của nhân viên y tế; mọi người đều có thể tham gia (được đào tạo – sẵn sàng tham gia).
Sự cố y khoa tại BV Thu Cúc: Bộ Y tế nói gì?

Sự cố y khoa tại BV Thu Cúc: Bộ Y tế nói gì?

(PNTĐ) - Liên quan đến sự cố y khoa trường hợp tử vong thai nhi là con chị Trần Ngọc Diệp khi đến khám thai và sinh con tại Bệnh viện đa khoa Quốc tế Thu Cúc tháng 3/2024, Bộ Y tế vừa có công văn yêu cầu đơn vị thực hiện giải quyết sự cố y khoa nêu trên theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.
Tiêm cồn tuyệt đối điều trị u nang tuyến giáp

Tiêm cồn tuyệt đối điều trị u nang tuyến giáp

(PNTĐ) - Nang tuyến giáp là bệnh lý khá phổ biến hiện nay. Dù đa phần bệnh mang yếu tố lành tính nhưng cũng gây ảnh hưởng tới cuộc sống và sức khỏe của người bệnh. Xu hướng điều trị mới, can thiệp không phẫu thuật hay can thiệp tối thiểu như phương pháp tiêm cồn tuyệt đối đang ngày càng được quan tâm, vì tính hiệu quả, nhanh chóng và ít tốn kém hơn so với phẫu thuật.