Hà Nội - Thành phố sáng tạo

Chia sẻ

Ngày 30-10-2019 là một ngày đặc biệt với Thủ đô Hà Nội. Sau 20 năm vinh dự nhận danh hiệu Thành phố Vì hòa bình, giờ đây, Hà Nội chính thức gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO.

Ngày 30-10-2019 là một ngày đặc biệt với Thủ đô Hà Nội. Sau 20 năm vinh dự nhận danh hiệu Thành phố Vì hòa bình, giờ đây, Hà Nội chính thức gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO. Đó thực sự là một sự kiện mang tính điểm nhấn, một cơ hội phát triển bền vững thành phố Hà Nội ngàn năm văn hiến dựa trên sự sáng tạo, đặc biệt là khi năm 2020 Thủ đô kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội.

dahnn andfhas fdnhas dfnsafViệc gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo là cơ hội để Hà Nội phát triển bền vững trong những năm sắp tới. (Ảnh: HNM)

Hành trình đến với danh hiệu cao quý

Ai đó đã nói rằng, quan trọng nhất là ý tưởng. Nhưng ý tưởng chỉ là sự khởi đầu. Vấn đề quan trọng nhất là hiện thực hóa những ý tưởng ấy. Nhà kinh tế học người Anh John Howkins khi nhấn mạnh vào yếu tố sáng tạo từ những năm đầu của thế kỷ XXI, trong việc hình thành nền kinh tế sáng tạo, đã không nghĩ rằng những nguyên tắc về sáng tạo lại khiến thế giới thay đổi nhiều và nhanh đến thế. Giờ đây, ai cũng hào hứng nói về sáng tạo, về việc triển khai ý tưởng, về khởi nghiệp. Sáng tạo và khởi nghiệp không chỉ là câu chuyện của mỗi cá nhân, mà đã trở thành nguồn cảm hứng cho các đô thị và cả các quốc gia.

Năm 2017, tôi tham dự Diễn đàn và Triển lãm các thành phố sáng tạo ASEAN tại Manila (Philippines). Trong lời khai mạc Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Thương mại Philippines Ramon Lopez nhấn mạnh, các thành phố sáng tạo ở khu vực ASEAN được coi là nhân tố thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và sự phát triển toàn diện, bền vững trong khu vực. Bộ trưởng còn cho rằng, ASEAN nên thúc đẩy các nền kinh tế sáng tạo nhằm tạo ra giá trị cao hơn đối với các sản phẩm và dịch vụ cũng như cải thiện chất lượng cuộc sống ở các thành phố. Đây là xu thế tất yếu trong việc phát triển các đô thị trong những năm sắp tới. Ngay lúc đó, tôi đã trăn trở với câu hỏi: Tại sao một xu hướng phát triển tốt như vậy mà chưa một thành phố nào của Việt Nam tham gia?

Vào những ngày cuối năm 2018, trong một hội thảo quốc tế về lộ trình xây dựng, phát huy sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam do Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam phối hợp với UNESCO thực hiện, sáng kiến xây dựng hồ sơ đề cử Hà Nội vào Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO nhận được sự đồng thuận từ các nhà quản lý, các nhà nghiên cứu thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao, các ban, ngành liên quan và đặc biệt là nhận được sự quan tâm rất lớn của Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội. Từ ý tưởng đầu tiên đến quá trình trao đổi, kết nối, tìm thấy tiếng nói chung giữa các bên liên quan và giai đoạn triển khai xây dựng hồ sơ dưới sự chủ trì của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội là một hành trình dài gần 2 năm.

Chắp nối những sự kiện nói trên để góp phần phác thảo bức tranh tổng thể, qua đó thấy được danh hiệu Thành phố sáng tạo có được là nhờ nỗ lực rất lớn của các bộ, ban, ngành, của thành phố Hà Nội và của những người trực tiếp tham gia vào việc xây dựng hồ sơ đề cử. Sự chắp nối ấy, ngoài việc chứng minh Hà Nội là Thành phố sáng tạo, có tiềm năng sáng tạo, mong muốn hướng đến sáng tạo, còn là để chứng minh rằng sự sáng tạo ấy đáp ứng các tiêu chí của Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Và kết quả là ngày hôm nay, Hà Nội đã trở thành thành phố đầu tiên của Việt Nam gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO.

Tiềm năng sáng tạo

Hà Nội rất sáng tạo! Sức sáng tạo bắt nguồn từ lịch sử của thành phố này. Thành phố Rồng bay đã trải qua hơn một nghìn năm lịch sử với văn hóa sáng tạo thấm đẫm trong mọi hoạt động của mình: Từ việc thích nghi với điều kiện tự nhiên đến sự hình thành các làng nghề, phố nghề, những biểu tượng văn hóa như Khuê Văn Các, Tháp Bút, những công trình nghệ thuật tồn tại ở khắp ngõ ngách của Thủ đô. Nhiều gương mặt tiêu biểu của nền nghệ thuật Việt Nam đã sống, cống hiến, sáng tác cho Hà Nội, cho đất nước.

Với hiện tại, Hà Nội là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, là trái tim của đất nước, có đủ lý do để luôn tự hào về nguồn lực văn hóa, nguồn lực sáng tạo của mình. Đó là nguồn nhân lực dồi dào, các trung tâm sáng tạo năng động, các công trình, không gian văn hóa thể hiện sự sáng tạo như cầu Nhật Tân, Bảo tàng Hà Nội, Trung tâm Hội nghị quốc gia, Không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận... và rất nhiều sự kiện, chương trình nghệ thuật đáng chú ý như Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội, vở diễn thực cảnh Tinh hoa Bắc Bộ, Tuần lễ Thời trang quốc tế Hà Nội... Nhiều sự kiện văn hóa, nghệ thuật quy mô lớn, mang tầm quốc tế khác đã được tổ chức thành công, không chỉ là niềm tự hào về năng lực tổ chức sự kiện của Hà Nội, mà còn là bằng chứng thuyết phục về khả năng sáng tạo của Thành phố Rồng bay.

Năm 2018, ngành công nghiệp sáng tạo đóng góp khoảng 1,49 tỷ USD vào tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố Hà Nội (chiếm tỷ trọng 3,7% GRDP của thành phố Hà Nội), trong đó giá trị gia tăng của ngành nghệ thuật, vui chơi và giải trí của Hà Nội đạt khoảng 196,5 triệu USD. Hiện tại, trong số doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp sáng tạo trên địa bàn Hà Nội, có tới 2.764 doanh nghiệp thiết kế, 270 doanh nghiệp nghệ thuật, 380 doanh nghiệp văn hóa và 1.436 doanh nghiệp thời trang. Đặc biệt, chỉ tính riêng trong năm 2018, số doanh nghiệp được thành lập mới ở thành phố Hà Nội đã lên tới con số 2.522 doanh nghiệp trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, dịch vụ tư vấn và thiết kế, quảng cáo cùng với 167 doanh nghiệp trong lĩnh vực nghệ thuật, vui chơi và giải trí...

Số liệu đó cho thấy năng lực và tiềm năng sáng tạo dồi dào của thành phố Hà Nội trong quá khứ, hiện tại và tương lai.

Câu chuyện tương lai

Việc Hà Nội được công nhận là Thành phố sáng tạo là niềm vinh dự, tự hào rất lớn đối với người dân Thủ đô và cả nước. Tuy nhiên, đó mới chỉ là sự khởi đầu, cách chúng ta khai thác lợi ích từ danh hiệu này ra sao cho sự phát triển Thủ đô mới là điều quan trọng nhất.

Trong kế hoạch hành động mà Thủ đô triển khai thực hiện sau khi gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, thành phố Hà Nội đã cam kết thực hiện 3 dự án quan trọng: Thành lập Trung tâm Thiết kế sáng tạo Hà Nội với mục tiêu ươm mầm tài năng trong các lĩnh vực liên quan đến thiết kế sáng tạo, củng cố mạng lưới thiết kế sáng tạo tại Hà Nội, hỗ trợ các dự án sáng tạo tiềm năng và thúc đẩy hợp tác quốc tế; Xây dựng và củng cố các không gian sáng tạo tại Hà Nội nhằm cung cấp một nền tảng bền vững cho hoạt động sáng tạo; Dự án chuỗi chương trình truyền hình Tài năng sáng tạo Hà Nội gồm các chương trình truyền hình (talk show, game show và live show) được tổ chức với sự phối hợp của kênh truyền hình dành cho giới trẻ VTV6, Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội và các báo điện tử tại Thủ đô, hướng tới mục tiêu tạo ra một sân chơi công bằng, hữu ích cho giới trẻ và cộng đồng nói chung trong tất cả các lĩnh vực có liên quan đến thiết kế sáng tạo.

Cùng với đó là 3 dự án cấp độ quốc tế gồm: Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội được tổ chức hằng năm, bao gồm một loạt sự kiện dành cho các chuyên gia trong ngành Thiết kế và quan hệ công chúng nhằm nêu bật những ý tưởng và sự đổi mới trong thiết kế sáng tạo tại Hà Nội và trên toàn cầu. Thứ hai là chương trình Tuần lễ Thiết kế sáng tạo Hà Nội nhằm hỗ trợ trao đổi kiến thức, tăng cường sự hợp tác giữa các thành phố Đông Nam Á. Và, cuối cùng là hình thành Mạng lưới các nhà thiết kế sáng tạo trẻ, do Trung tâm Thiết kế sáng tạo Hà Nội thực hiện với sứ mệnh tìm ra những tài năng mới trong lĩnh vực thiết kế sáng tạo, từ đó cung cấp sự hỗ trợ cần thiết nhằm tạo cơ hội cho những người có tham vọng, có ý tưởng sáng tạo phục vụ thiết thực cho sự phát triển bền vững trong tương lai.

Để thực hiện các chương trình hành động, những dự án bài bản và giàu tham vọng nêu trên, cần có một đơn vị đầu mối đứng ra điều phối hoạt động chung trực thuộc UBND thành phố Hà Nội và bộ phận thường trực là Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, có sự phối hợp của các sở, ngành, các hội của thành phố Hà Nội và Chính phủ. Bên cạnh đó, cần thành lập một hội đồng tư vấn hỗ trợ và định hướng các hoạt động trong tương lai, tập trung cho các nhiệm vụ quan trọng như phát triển mối quan hệ hợp tác quốc tế giữa thành phố Hà Nội với các thành viên khác trong Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, thúc đẩy các thành phố khác của Việt Nam như thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Huế... tham gia vào Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, cũng như phối hợp nghiên cứu, hỗ trợ các hoạt động của mạng lưới...

Như vậy, việc gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO đã gia tăng sự công nhận đối với Hà Nội như một trung tâm văn hóa và sáng tạo với điểm nhấn là điểm đến quan trọng về thiết kế sáng tạo trong khu vực, hay nói cách khác là một kinh đô sáng tạo tại khu vực Đông Nam Á. Đây là cơ hội để Hà Nội lồng ghép yếu tố sáng tạo vào mọi kế hoạch phát triển của mình nhằm tạo ra dấu ấn, động lực cho sự phát triển bền vững của Thủ đô trong những năm sắp tới. Chúng ta cần nhiều hơn nữa sự chung tay, đóng góp của mọi tổ chức, người dân trong xã hội để danh hiệu Hà Nội - Thành phố sáng tạo thực sự có ý nghĩa đối với sự phát triển không chỉ của Thủ đô mà còn của cả đất nước.

 PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Viện Trưởng viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam

Theo Hà Nội mới (HNNN)

 

Theo http://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Van-hoa/955884/ha-noi---thanh-pho-sang-tao

Tin cùng chuyên mục

Cầu đi bộ Trần Nhật Duật bất ngờ biến thành công trình nghệ thuật hấp dẫn

Cầu đi bộ Trần Nhật Duật bất ngờ biến thành công trình nghệ thuật hấp dẫn

(PNTĐ) - Tối qua, 23/4 công trình nghệ thuật công cộng trên cầu đi bộ Trần Nhật Duật, Hoàn Kiếm, Hà Nội đã chính thức khánh thành, tạo thêm một điểm tham quan, checkin mới cho người dân và du khách. Đây là công trình chào mừng ngày kỷ niệm Chiến thắng 30/4 và Quốc tế lao động 1/5.
Nữ GenZ với mong muốn mang tài năng của mình giúp ích cho cuộc đời

Nữ GenZ với mong muốn mang tài năng của mình giúp ích cho cuộc đời

(PNTĐ) - Lọt vào top 25 Hoa hậu Thế giới Việt Nam và là Hoa hậu tuổi teen châu Á năm 2019, nhưng Phan Anh Thư không bước chân vào làng giải trí mà theo đuổi con đường hội họa, trở thành họa sĩ trẻ. Cô từng chia sẻ: "Tôi nghĩ mình có nhiều con đường để đạt được mục đích sau cùng. Tuy nhiên con đường tôi cảm thấy tốt nhất, hạnh phúc nhất là vẽ tranh, làm việc góp sức cho cộng đồng".
Minh chứng về sự kế thừa thành công của gia đình truyền thống nghệ thuật

Minh chứng về sự kế thừa thành công của gia đình truyền thống nghệ thuật

(PNTĐ) - Từ 20-25/4/2024, 100 tác phẩm hội hoạ đặc sắc của họa sĩ Văn Chiến sẽ được trưng bày tại triển lãm “Kỷ niệm và trải nghiệm: 100 tác phẩm nghệ thuật từ họa sĩ Văn Chiến”. Đây không chỉ là một triển lãm sưu tầm các bức tranh, tác phẩm nghệ thuật như thông thường, mà còn là buổi triển lãm được đúc kết từ khát vọng tôn vinh di sản nghệ thuật của cha, cũng như gìn giữ giá trị văn hoá.