Để bố về quê sống nhé!

Chia sẻ

Mẹ mất được mấy năm, thương bố một mình lủi thủi, các con bàn nhau đưa bố ra phố sống cùng con cháu. Nhà đứa nào cũng rộng rãi thoải mái nên bố thích ở đâu cũng được. Chuyện tưởng dễ dàng mà cuối cùng lại thành ra khó khăn.

Để bố về quê sống nhé! - ảnh 1 (Ảnh: minh họa)

Nhân ngày giỗ mẹ, mấy anh em bàn với bố chuyện ra phố sống cùng con cháu. Bố nghe xong bảo không đi được vì còn phải ở nhà hương khói cho mẹ. Anh cả quyết luôn sẽ chuyển bàn thờ mẹ về nhà mình hương khói nên bố khỏi phải lo. Bố lại viện lý do còn phải sinh hoạt Đảng, hội người cao tuổi... không bỏ được. Ai ngờ các con lại bảo mấy tổ chức đó ở phố cũng có, việc chuyển sinh hoạt cho bố đơn giản. Sau một hồi phân tích, bố chẳng có lý do nào mà không ra phố ở cùng con cháu. Vậy nên, bố đành thuận theo ý con. Theo truyền thống, bố ở nhà con cả.

Kính mời bạn đọc gửi bài tham dự. Bài dự thi gửi về báo Phụ nữ Thủ đô-số 7 Tôn Thất Thuyết-Cầu Giấy-Hà Nội, trên phong bì ghi rõ Bài tham dự cuộc thi viết “Các vấn đề về gia đình thời nay”. Hoặc email: baophunuthudo@gmail.com. Bài dự thi ghi rõ tên thật, địa chỉ, số điện thoại, số CMND, email để tòa soạn tiện liên hệ.

Vợ chồng anh cả làm công chức nhà nước, giờ giấc tương đối ổn định nên bố nghĩ sẽ sống cùng sẽ tiện hơn. Nhưng sống được một tháng, bố nhận ra cuộc sống ở đây hóa ra chẳng ổn định chút nào. Hai vợ chồng làm công chức, đồng lương eo hẹp nên kinh doanh thêm buổi tối. Chúng hùn vốn cùng với bạn bè mở quán ăn đêm. Hết giờ làm là vợ chồng đến đó luôn, đến khuya mới về. Đồ ăn uống cho ông, hai vợ chồng chuẩn bị sẵn cả ngày. Đến bữa, ông chỉ việc cho vào lò vi sóng hâm nóng lên là được. Hai đứa con đi học cả ngày, đến tối cũng lên quán phụ bố mẹ bán hàng. Ông mang tiếng ở với con cháu nhưng có ngày chẳng gặp mặt được đứa nào. Vì chúng đi từ sáng đến nửa đêm mới về, giờ đó ông ngủ từ lâu, có thức thì cũng chẳng dậy chuyện trò với chúng được câu nào, vì còn để chúng ngủ lấy sức mai còn đi làm, đi học.

Bố tập thích nghi với cuộc sống một mình ở phố, quanh quẩn với ti vi cả ngày. Đứa cháu nội thấy ông buồn nên đã mua con khướu về cho ông nuôi cho vui. Ông tập thế nào mà con khướu lúc nào cũng chỉ kêu một câu “ông ơi”. Hễ cứ nghe tiếng động là nó lại “ông ơi”. Ông giải thích sở dĩ dạy nó gọi từ đó là để ông luôn có cảm giác con cháu gọi mình. Vì con cháu ông về nhà hầu như cũng chỉ gọi mỗi từ đó là chủ yếu.

Ở nhà con cả được gần một năm, bố bảo chuyển sang nhà con gái sống ít lâu thay đổi không khí. Vợ chồng con gái đương nhiên đồng ý, còn lấy làm mừng vì từ đây có người giám sát cô giúp việc hộ mình. Ông cũng thấy hợp lý vì vừa có cháu để chơi cùng, lại có người giao tiếp hàng ngày cho đỡ buồn. Nhưng sang ở được mấy ngày, ông lại thấy bất cập. Mang tiếng là có cháu ở nhưng ông chẳng được chơi với nó nhiều vì cả ngày thằng bé đi mẫu giáo, tối mới về. Sáng giúp việc đưa nó đi, chiều đón về. Trường xa chỗ học nên chỉ cô giúp việc đi xe máy mới đón được, ông có muốn đón cháu cũng chịu. Cháu về đến nhà thì tắm rửa, ăn uống rồi vùi vào cái Ipad xem hoạt hình. Nó chẳng chịu chơi với ông nhiều. Bố mẹ nhắc nhở nó cũng chỉ chơi với ông chốc lát rồi thôi. Thế giới từ chiếc Ipad đó mê hoặc nó hơn là ông. Thành ra, ông cũng chỉ quanh quẩn một mình, vì cô giúp việc cũng mải làm việc của mình. Có chút thời gian rỗi nào cũng lên mạng xem Facebook. Vợ chồng con gái bận rộn, thời gian dành cho con còn không có huống hồ là quan tâm tới bố. Ông tìm hiểu các câu lạc bộ người cao tuổi để tham gia nhưng mấy ông bà già ở đây đều ốm yếu. Đa số đều sống trong bệnh viện nhiều hơn ở nhà. Ông lại rơi vào cảnh lủi thủi một mình phần nhiều. Sống ở nhà con gái ít lâu, ông quay về nhà con trai làm bạn với con khướu.

Ngày sinh nhật ông tròn 75 tuổi, con cháu tổ chức ấm cúng vui vầy, có cả bánh sinh nhật. Mấy đứa cháu bảo ông nói lên điều ước sau khi thổi nến. Con trai, con gái ông cũng vui vẻ bảo ông “mạnh dạn” nói ra mong muốn, chúng sẽ thực hiện bằng được cho bố. Ông nhìn khắp lượt rồi bảo “Để bố về quê sống nhé!”. Chúng chững lại định phản đối nhưng nhìn ánh mắt cầu xin của ông, đứa nào cũng chạnh lòng. Lâu nay, các con mới chỉ chăm sóc ông về vật chất nhưng tinh thần thì chưa đứa nào nghĩ tới. Tuổi già, ông nhớ quê, nhớ bạn bè lối xóm, nhớ hương hỏa tổ tiên. Ở đó ông sống một mình nhưng rất vui vì có người bầu bạn, có mảnh vườn để vận động tay chân hàng ngày. Nhà ông lúc nào cũng là điểm uống nước chè buổi trưa, buổi tối, bàn cờ ở sân lúc nào cũng có người tới chơi. Có việc gì, ông ới một tiếng là có người tới ngay. Thậm chí cả ngày không thấy ông, họ còn vào tận nhà gọi tìm. Ở đây, mang tiếng sống cùng con cháu nhưng cả ngày ông không nghe tiếng người, tâm trạng lúc nào cũng u uất.

Điều ước trong ngày sinh nhật của ông được các con biến thành hiện thực.Về đến nhà, ông đặt lại di ảnh của bà lên ban thờ, rồi thì thầm “con cháu hiếu thảo nhưng không phải lúc nào cũng hiểu nhu cầu của tôi bà ạ. Tuổi già thời hiện đại bây giờ cậy quê hơn là cậy con, bà ạ”.

Nguyễn Thị Hiếu

Tin cùng chuyên mục

Tha thứ nhưng không... buông bỏ

Tha thứ nhưng không... buông bỏ

(PNTĐ) - Trong lá đơn ly hôn đơn phương gửi ra tòa, anh nêu lý do hôn nhân đổ vỡ là do “vợ dù tha thứ nhưng không buông bỏ lỗi lẫm của chồng, khiến cuộc sống hôn nhân không còn ý nghĩa”.
Đứt gánh hôn nhân vì mẹ... hoàn hảo

Đứt gánh hôn nhân vì mẹ... hoàn hảo

(PNTĐ) - Cuộc hôn nhân của con gái chị đang đứng bên bờ vực thẳm dù chị đã cố gắng hết sức để níu kéo, hàn gắn cho con. Lời con rể nói khi đặt bút ký vào đơn ly hôn khiến chị day dứt mãi “giá như vợ con không sống dưới cái vỏ hoàn hảo của mẹ thì có lẽ hôn nhân của chúng con đã không nửa đường đứt gánh”…
“Dũng sĩ Đồi Xanh” trong chiến dịch Điện Biên Phủ

“Dũng sĩ Đồi Xanh” trong chiến dịch Điện Biên Phủ

(PNTĐ) - Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Đặng Đức Song - một trong 24 “dũng sĩ Đồi Xanh” của chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử năm nào. Dù ông đã mất (năm 2023) song hồi ký, kỷ vật về chiến dịch Điện Biên Phủ của ông vẫn luôn được vợ và các con lưu giữ nguyên vẹn.