Cả nhà cùng chống Corona

Chia sẻ

Việc Bộ Giáo dục Đào tạo (GD-ĐT) tiếp tục cho học sinh kéo dài thời gian nghỉ học để phòng chống dịch bệnh Corona (nCov) là cần thiết. Tuy nhiên, do thời gian nghỉ học dài nên đã vô tình làm nhịp sinh hoạt của các con bị đảo lộn.

Giữ gìn sức khỏe cho conbằng việc phòng ngừa đúng cáchrất quan trọngGiữ gìn sức khỏe cho con bằng việc phòng ngừa đúng cách rất quan trọng (Ảnh: minh họa)

Nháo nhào tìm chỗ gửi con trong đêm

Hơn 20h ngày 2/2, Sở GD- ĐT Hà Nội thông báo cho hơn hai triệu học sinh từ mầm non tới THPT nghỉ học từ ngày 3- 9/2 để phòng dịch nCoV. Mặc dù rất mừng nhưng “Ai sẽ trông con 1 tuần?”. Nhiều bố mẹ nháo nhào tìm phương án trông con.

Việc này gây xáo trộn không hề nhỏ trong nhịp sinh hoạt của nhiều gia đình ở Hà Nội. Chị Đoàn Thị Bích Hồng (P.Cổ Nhuế, Q.Bắc Từ Liêm), có 2 con học tiểu học cho biết thông báo nghỉ học này thật sự quá gấp gáp. Vậy là chị Hồng xin nghỉ làm 1 ngày để đưa con về quê ở Tuyên Quang nhờ bà ngoại trông. Sau đó, chị quay về Hà Nội để tiếp tục đi làm.

Chị Nguyễn Thanh Hà (Tôn Đức Thắng, Q.Đống Đa) thì nhanh chóng gọi điện về nhờ bà nội ở quê sáng hôm sau đón xe buýt lên Hà Nội sớm để trông cháu vì hai vợ chồng không thể xin nghỉ làm. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể nhờ được ông bà nội, ngoại của các con ngay được. Chị Đào Ngọc Dung (Hoàng Quốc Việt, Q.Cầu Giấy) không còn cách nào khác là phải đưa con đi làm cùng. Chồng chị đang đi công tác dài ngày, bố mẹ hai bên đều ở xa Hà Nội tận 200-300 cây số. Nhưng đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời của các gia đình. Với những gia đình con đang còn nhỏ như nhà chị Hoàng Mai (Dương Nội, Q.Hà Đông), khi con nghỉ học, 2 vợ chồng bàn với nhau nghỉ luân phiên mỗi người 1 ngày để trông con; hoặc bố trông ca sáng, mẹ trông ca chiều.

Dù việc tìm người trông con, hay nghĩ cách để con ở nhà biết ăn ngủ, học bài tự giác là không dễ, nhưng qua phỏng vấn thực tế và trên các mạng xã hội, đa phần các bố mẹ đồng tình với quyết định cho con mình được nghỉ học để phòng chống dịch bệnh. “Biết là quyết định này sẽ khó khăn cho một số phụ huynh có con nhỏ và phải đi làm. Nhưng thật sự nếu không có quyết định này thì tôi cũng sẽ cho các con nghỉ học để an tâm. Các ca nhiễm bệnh đang tăng lên và những ngày sắp tới như thế nào chưa lường trước được” - chị Hồng chia sẻ.

Dịch vụ trông trẻ tại nhà đã xuất hiện, “cứu nguy” cho nhiều gia đình trở tay không kịp. Trên mạng xã hội, các group cộng đồng của các khu chung cư, dịch vụ trông trẻ tại nhà tự phát chào mời rất “chu đáo”: “Em nhận trông trẻ tại nhà cho những bố mẹ vẫn phải đi làm, không nhờ được ông bà. Em bé sẽ được vệ sinh sạch sẽ thường xuyên ạ! Giá 100k/ngày + 20k tiền ăn, từ 7h15 đến 17h30”. Theo khảo sát của PV, mức giá bao gồm cả tiền ăn và học phí rơi vào khoảng 230-300 nghìn đồng/em/ngày. Nếu phụ huynh tự chuẩn bị bữa ăn cho con, mức giá giảm còn 100-200 nghìn đồng/em/ngày.

Tuy nhiên, ở các dịch vụ trông trẻ tự phát, con vẫn tiếp xúc với nhiều người trong môi trường hẹp và nguy cơ lây bệnh không phải là không có. Theo lời khuyên của chuyên gia, Hà Nội vẫn đang kiểm soát dịch rất tốt nên phụ huynh không nên quá lo lắng. Nếu không có điều kiện trông con, tốt nhất cha mẹ nên gửi con cho ông bà, những người thân tín trong gia đình, tránh gom trẻ vào một cơ sở tự phát để nảy sinh những hiểm nguy khác như tai nạn thương tích, vệ sinh an toàn thực phẩm, trẻ lây nhiễm chéo các bệnh lý khác cho nhau...

Bố mẹ rối bời khi con ở nhà phát chán đòi đến trường

Chị Bùi Thị Kim Thoa (P.Phú Diễn, Q.Nam Từ Liêm) có con gái đang học lớp 2. Trong thời gian được nghỉ học tránh dịch, con gái chị ở nhà với bà nội. Chị Thoa hài hước kể, ngày nào con gái chỉ cũng phải làm phiếu bài tập cô giao, rảnh thì xem ti vi, rồi ăn uống, “cứ hễ mẹ vừa về nhà là cháu kêu chán lắm rồi! Dường như việc duy nhất làm cháu hào hứng là rửa tay đúng giờ theo lời bố mẹ dặn. Cứ khoảng 2 tiếng, cháu lại nhắc bà đến giờ đi rửa tay rồi”. Chị Thoa biết con rất muốn đến trường gặp lại bạn bè nhưng “phải” nghỉ học, đâu còn cách nào khác!

Sau tuần đầu tiên các con được nghỉ học, các bậc phụ huynh “thở phào” vì các con không phải tiếp xúc ở nơi đông người, tránh xa được dịch. Nhưng đến tuần tiếp theo “vẫn phải nghỉ” theo chủ trương của Bộ GD-ĐT, sự lo lắng và chán nản đã xuất hiện trong nhiều gia đình. Nhịp sinh hoạt của các con bị thay đổi, ăn ngủ không còn đúng giờ, bố mẹ khó kiểm soát được việc các con chơi các thiết bị điện tử, xem vô tuyến quá nhiều. Nhiều em thấy không hứng thú với việc học một mình, nhớ trường, nhớ bạn.

Chia sẻ về vấn đề đang làm nhiều gia đình rối bời này, Tiến sĩ Vũ Thu Hương (giảng viên khoa Giáo dục tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội) cho rằng đối với những trẻ đang trong độ tuổi gửi nhà trẻ hay bậc mầm non thì sẽ vất vả hơn đối với phụ huynh vì cần người chăm sóc. Đối với trẻ từ lớp 2 trở lên thì cần trang bị kỹ năng tự chăm sóc bản thân cho con và cần có một kế hoạch cụ thể về cả việc học và chơi trong một ngày.

“Thời điểm này không nên có những bài tập căng thẳng mà nên thiên về nhẹ nhàng và chiều theo sở thích của bé. Tối về, cha mẹ nên tạo bầu không khí gia đình và lắng nghe con chia sẻ một ngày mình đã trải qua ra sao. Có thể cùng xem các chương trình truyền hình liên quan đến cách phòng dịch và cùng bàn luận với nhau về những vấn đề đó. Bố mẹ cần giữ tinh thần thoải mái, chăm sóc sức khỏe bản thân tốt để đồng hành cùng các con. Tôi biết có những gia đình vẫn rất vui vẻ khi các con nghỉ học. Có em còn dành thời gian tự tìm hiểu về các nhóm máu khi ở nhà xem chương trình thời sự”- Tiến sĩ Vũ Thu Hương khuyên.

Thời gian nghỉ học của các con vẫn còn. Đợt dịch Corona này là một dịp để rèn cho con thói quen tốt, dạy con những kỹ năng về bảo vệ bản thân như rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang, vệ sinh thân thể, tập thể dục… Cha mẹ cũng xem đây là cơ hội tốt để thay đổi nếp sống của gia đình, để cả nhà được gắn kết hơn. Tất nhiên thoải mái nhưng không được quá giới hạn, nhất là việc cho con tiếp xúc với các thiết bị công nghệ!

Mai Chi

Tin cùng chuyên mục

Ngôi nhà nhỏ, hạnh phúc to

Ngôi nhà nhỏ, hạnh phúc to

(PNTĐ) - Có một căn nhà - đó là ước mơ, kế hoạch mà rất nhiều cặp vợ chồng đã cùng nhau dốc sức để biến thành hiện thực. Hành trình ấy có rất nhiều áp lực, nhiều lo toan và đôi lúc phải từ bỏ cả những niềm đam mê khác; nhưng bên cạnh đó cũng là sự háo hức, niềm vui khi, gia đình nhỏ có một nơi bình yên để trở về.
Bài 1: Làm mẹ khi mới 12 tuổi

Bài 1: Làm mẹ khi mới 12 tuổi

(PNTĐ) - Thời gian qua, công tác phòng ngừa, đấu tranh phòng chống tội phạm, đặc biệt đối với tội phạm về bạo lực, xâm hại trẻ em là một trong những vấn đề được ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, tội phạm xâm hại trẻ em vẫn còn là một vấn nạn gây nhức nhối. Thực trạng này đòi hỏi các nhà chức trách phải phối hợp chặt chẽ với gia đình, nhà trường để có những biện pháp bảo vệ trẻ em hiệu quả hơn.
Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.
Cây hạnh phúc nở hoa

Cây hạnh phúc nở hoa

(PNTĐ) - “Em nấu cơm xong chưa, tối nay anh có hẹn, nhà ăn sớm để anh đi sớm”. Thắng, chồng cô vừa dứt lời thì Thảo bỗng thấy bao nhiêu ấm ức bùng lên.