Thể giới đảo lộn vì dịch bệnh do virus corona

Chia sẻ

Sau một thời gian hoành hành ở ổ dịch Vũ Hán rồi lan ra khắp các tỉnh thành ở Trung Quốc, và hơn 20 quốc gia và vùng lãnh thổ, dịch bệnh nCoV đã tác động tới mọi mặt đời sống, kinh tế, xã hội toàn cầu.

Người dân Trung Quốc xếp hàng mua khẩu trangNgười dân Trung Quốc xếp hàng mua khẩu trang

Trung Quốc tiếp tục chống dịch bằng mọi cách

Ngoài việc dồn toàn lực hệ thống y tế cho công tác chữa trị bệnh nhân, giới chức Trung Quốc còn có nhiều sáng kiến để kiềm chế dịch lây lan.

Tại tâm dịch Vũ Hán ở tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, giới chức tỉnh Hồ Bắc đã dùng thiết bị không người lái để giám sát người dân nhằm đảm bảo họ thực hiện các biện pháp phù hợp để phòng ngừa virus. Những ai đi bộ trên đường phố Vũ Hán và một số thành phố khác mà không đeo khẩu trang sẽ ngay lập tức bị nhắc nhở nếu bị thiết bị không người lái phát hiện.

Thiết bị không người lái còn được dùng để đo thân nhiệt của người dân từ trên cao mà không khiến nhân viên y tế có nguy cơ bị nhiễm bệnh. Ngoài ra, nó còn chỉ đường cho người dân, giúp họ tránh đi vào vùng dịch. Biện pháp này có thể ngăn virus lây từ người sang người và giúp truyền thông điệp tới tất cả mọi người một cách an toàn, có kiểm soát.

Trung Quốc còn dùng robot trong bệnh viện để giảm áp lực cho nhân viên y tế đang quá tải công việc và để kiểm tra virus nhanh hơn. Robot tích hợp trí tuệ nhân tạo đi dọc hành lang bệnh viện hỗ trợ nhân viên y tế điều trị bệnh nhân.

Biện pháp dùng robot được thực hiện trong bối cảnh Trung Quốc gấp rút xây thêm nhiều bệnh viện dã chiến để chống dịch. Robot cũng được công ty quản lý lưới điện thành phố Trừ Châu ở tỉnh An Huy dùng thay nhân viên để tuần 60 trạm điện khắp thành phố. Tại thành phố Thâm Quyến, robot được dùng để giao đồ ăn nhằm giảm tiếp xúc giữa người với người.

Đối phó với tin giả tràn lan 

Bùng phát virus Corona ở Vũ Hán cũng đồng nghĩa với việc bùng phát thông tin giả và thuyết âm mưu, khiến các công ty mạng xã hội phải nỗ lực ngăn chặn, tránh hoảng loạn và hoang mang cho người dân.

Khi tìm kiếm từ “virus Corona” hay “Vũ Hán” trên Twitter, người dùng sẽ gặp một thông điệp khuyến khích họ nắm thông tin chính xác và hiển thị đường dẫn tới trang của giới chức y tế địa phương. Twitter ưu tiên thông tin chính thức từ cơ quan y tế các nước trong kết quả tìm kiếm. Twitter cũng cấm một số tài khoản lan truyền thuyết âm mưu và tin giả.

Google cũng thực hiện biện pháp tương tự. Người dùng tìm kiếm thông tin về virus trên Google thường nhận được thông tin từ Tổ chức Y tế Thế giới, trong đó có hướng dẫn chi tiết về cách lây lan cũng như biện pháp phòng ngừa virus. Khi tìm kiếm thông tin về thuyết âm mưu trên Google, người dùng sẽ đọc được thông tin bác bỏ của các hãng tin chính thống.

Facebook đã triển khai phần mềm kiểm tra thông tin để đánh giá thông tin được chia sẻ trong bảng tin nhằm hạn chế tin không chính xác hoặc tin giả. Facebook tăng cường thông tin y tế công cộng đáng tin cậy và cung cấp quảng cáo miễn phí cho cơ quan y tế.

Các trang mạng xã hội Trung Quốc cũng có động thái tương tự. Khi tìm kiếm virus Corona trên công cụ tìm kiếm Baidu, người dùng sẽ thấy thông tin y tế, số liệu chính thức về dịch bệnh.

Các mạng xã hội phải thắt chặt kiểm soát tin giả vì chúng mọc như nấm sau mưa, ăn theo virus Corona.

Một thuyết âm mưu về virus Corona cũng đã bị bác bỏ. Có trang tin cho rằng virus này là một phần trong chương trình vũ khí sinh học bí mật của Trung Quốc và có thể đã thoát ra ngoài từ Viện Virus học Vũ Hán. Tuy nhiên, không có bằng chứng về thông tin này và thuyết âm mưu đã bị bác bỏ.

Khẩu trang khan hiếm, đội giá

Do sợ virus Corona lan rộng, người dân châu Á đổ xô mua khẩu trang phòng virus, khiến các cửa hàng bán mặt hàng này đều hết sạch hàng. Tại nhiều nước châu Á, cảnh người dân xếp hàng dài dằng dặc nhiều tiếng liền để mua khẩu trang đã trở thành quen thuộc (ảnh trên).

Các nhà cung cấp hàng đầu trên Amazon như PacingMed và BLBM đều cháy hàng. Các công ty này cho biết không biết khi nào có khẩu trang để bán tiếp. Họ cũng cảnh báo khách hàng không mua sản phẩm giả. Walmart cũng đã bán hết khẩu trang N95 do công ty 3M sản xuất.

Khi người dân đổ xô mua khẩu trang, họ không những bị thiệt hại nặng nề vì phải mua với giá cao, mà còn khiến những người thực sự cần khẩu trang lại không có để dùng.

Phần lớn khẩu trang trên thế giới đều được sản xuất tại Trung Quốc, nhưng các nhà máy ở nước này đã buộc phải ngừng xuất khẩu để dự trữ cho người dân trong nước. Trung Quốc cho biết sẽ bắt đầu nhập khẩu khẩu trang từ châu Âu, Nhật Bản và Mỹ để bù cho lượng thiếu hụt.

Ngành du lịch lao đao

Lệnh cấm đi lại ở nhiều thành phố Trung Quốc đã có ảnh hưởng tới ngành du lịch toàn cầu. Trung Quốc có số người du lịch nước ngoài lớn nhất thế giới. Trong năm 2020, con số này dự kiến sẽ tăng gấp đôi.

Sau khi có lệnh cấm đi lại để kiềm chế dịch lây lan, sự vắng bóng du khách Trung Quốc đã ảnh hưởng mạnh tới khu vực châu Á – Thái Bình Dương vốn phụ thuộc nặng nề vào du lịch Trung Quốc. Nhiều khu vực châu Âu và Mỹ cũng chịu áp lực.

Sau khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố virus Corona là tình trạng khẩn cấp y tế công cộng toàn cầu, nhiều nước đã có động thái mạnh. Bộ Ngoại giao Mỹ cảnh báo người Mỹ không tới Trung Quốc. Anh và Canada cũng có cảnh báo tương tự. Các hãng hàng không đình dịch vụ ở nhiều thành phố Trung Quốc. Mỹ còn cấm người nước ngoài nhập cảnh nếu họ từng tới Trung Quốc trong vòng 14 ngày vừa qua. Singapore cũng có lệnh cấm này. Mông Cổ, Triều Tiên, Nga đã đóng cửa toàn bộ hoặc một phần biên giới với Trung Quốc Đại lục để ngăn dịch bệnh.

Lượng đặt tour du lịch tới châu Á Thái Bình Dương giảm 1,3% trước lệnh cấm và giảm 15,1% một tuần sau đó. Các nước phụ thuộc nhiều vào khách Trung Quốc như Thái Lan, Việt Nam, Hàn Quốc, Nhật Bản bị tác động mạnh. 1,2 tới 1,3 triệu du khách Trung Quốc đã hủy chuyến thăm Thái Lan trong tháng 2 và 3/2020. Nhiều công ty du lịch ở Thái Lan phải đóng cửa hoàn toàn.

Tại Nhật Bản, nơi du khách Trung Quốc chiếm 27%, hàng loạt nhóm khách Trung Quốc đã hủy tour. Trung Quốc là thị trường nguồn du lịch quốc tế hàng đầu của Nhật Bản. Họ chi 15,6 tỷ USD năm 2019, chiếm 36,8% chi tiêu của khách du lịch nước ngoài tại Nhật Bản.

Các điểm đến nhỏ hơn cũng chịu áp lực. Ma Cao, Khu hành chính đặc biệt của Trung Quốc với dân số 622.000 người, là một ví dụ. Du khách Trung Quốc đại lục chiếm tới 70,8% trong tổng số 39,4 triệu du khách tới Ma Cao năm 2019. Nhưng trong bốn ngày đầu tiên Tết Nguyên đán, lượng du khách từ Đại lục giảm 75,1% so với năm 2019.

Dương Thùy (Theo CNN)

Tin cùng chuyên mục

Bổ nhiệm ông Phạm Thanh Bình làm Thứ trưởng Bộ Ngoại giao

Bổ nhiệm ông Phạm Thanh Bình làm Thứ trưởng Bộ Ngoại giao

(PNTĐ) - Ông Phạm Thanh Bình - Vụ trưởng Vụ Đông Bắc Á, Bộ Ngoại giao vừa được bổ nhiệm giữ chức Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam. Đáng chú ý, ông Phạm Thanh Bình được tiến cử làm Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc với thời hạn nhiệm kỳ 5 năm thay cho ông Phạm Sao Mai.
Công dân Việt Nam vẫn an toàn giữa căng thẳng Iran-Israel

Công dân Việt Nam vẫn an toàn giữa căng thẳng Iran-Israel

(PNTĐ) - Đại sứ quán Việt Nam tại Israel và Iran tiếp tục ra thông báo khuyến cáo công dân các biện pháp bảo đảm an toàn trước tình hình xung đột leo thang phức tạp giữa Israel và Iran. Đồng thời, Đại sứ Israel tại Việt Nam khẳng định, Israel cam kết bảo đảm an toàn cho công dân Việt Nam.
Quan hệ Việt Nam và Brazil ngày càng phát triển tốt đẹp

Quan hệ Việt Nam và Brazil ngày càng phát triển tốt đẹp

(PNTĐ) - Trong buổi tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Brazil Mauro Vieira đang thăm chính thức Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã thông qua ngoại trưởng Brazil chuyển lời thăm hỏi và lời mời thăm Việt Nam thời gian tới của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Chủ tịch Đảng Lao động - Tổng thống Brazil Lula da Silva.