Nước mắt người phụ nữ một mình nuôi con

Chia sẻ

Những ngày Hà Nội trở lạnh, gió rét như phả vào mặt, Huyền ôm con vào viện Nhi vì thằng cu sốt liên tục không rõ nguyên nhân. Hai mẹ con ôm nhau trên giường bệnh nhìn xuống sân chơi khoa Nhi với ánh mắt ảm đạm, mông lung…

Huyền biết mình đã sai khi không trao cho con một mái ấm tròn trịa, cô chia tay chồng khi đứa bé chưa tròn một tuổi. Chồng cô có bồ nhí ngay khi vợ ở cữ chưa hết 3 tháng. Nhà chồng không đoái hoài đến cháu nội, lạnh lùng dứt áo như chưa hề quen biết nhau. Một mình Hoài bươn trải nuôi con giữa đất Hà Thành xuôi ngược này. Ba năm nay, hai mẹ con đã quen với cảnh gà mẹ nuôi con, nhưng hễ vào viện là cái cám cảnh ấy nó trở nên nhức nhối hơn, khi thằng bé liên tục hỏi “Bố đâu mẹ?”.

Ảnh minh họaẢnh minh họa


Vừa thức giấc, tay còn truyền ống tiêm, thằng con Huyền đã hỏi, sao các bạn bên cạnh đều có bố chăm sóc, bố con đâu? – Nó tỏ ra thích thú khi các chú xung quanh biết hoàn cảnh hai mẹ con, giơ tay ra bế nó để nó đỡ tủi thân. Huyền chỉ bảo con, bố đi công tác chưa về, bao giờ bố về bố sẽ ôm con thật nhiều như bố em Bánh rán bên cạnh nhé! – Nói xong Huyền quay đi, mắt vô hồn.


Ở viện 3 ngày, những buổi sáng nằm viện, người ta đuổi hết người nhà ra ngoài, chỉ cho mẹ ở lại, Huyền nhờ cô bên cạnh để ý giúp con mình, rồi tần tảo chạy đi mua thức ăn sáng cho con, rồi ôm con khi con giãy khóc vì mũi tiêm… Những lúc chỉ có mấy phụ nữ với nhau trong phòng bệnh, Huyền luôn bảo, các chị thật có phúc vì có chồng tốt bên cạnh, chứ như em… Ai cũng xua tay bảo số nó thế, có sao ở vậy, cô Huyền còn trẻ, còn lấy được chồng. Trẻ mà, Huyền chưa tròn 30. Hồi 25 tuổi Huyền lấy chồng. Một năm sau hai vợ chồng ly dị. Thế là cô ở vậy từ 26 đến giờ. 29 mùa xuân qua đi vùn vụt, con Huyền cũng nhanh quá, chạm tuổi lên 3.


Hôm rồi có chị gái người nhà bệnh nhân giường bên cạnh, thấy chồng hay lân la sang bế con Huyền bỗng nổi máu ghen. Cô ta chửi Huyền không thương tiếc, rằng đưa con đi khám bệnh còn kiếm chuyện “đong giai”. Mấy bà cùng phòng ra sức nói đỡ lại, nhưng càng nói đỡ, chị ấy càng bảo: “Những đứa không chồng khéo lắm các bác ạ, chẳng biết nó đang muốn gì đâu. Nó muốn cướp chồng ai là cướp ngay”.

Ảnh minh họaẢnh minh họa


Huyền không nói gì, chỉ mong con mau khỏe để xuất viện, tránh động chạm. Huyền không nói chuyện với anh chồng nhà ấy nữa, cũng không xởi lởi trò chuyện, tâm sự cùng cả phòng. Huyền sợ bị thương hại, các anh chồng “hàng xóm” bên cạnh thường quý con Huyền, gọi nó sang giường chơi cùng các em, các anh, cho nó đỡ hỏi bố đâu. Cả phòng chỉ có mình Huyền là mẹ đơn thân, đi ra đi vào thỉnh thoảng phải nhờ người này người nọ là điều không tránh khỏi, nhưng động đến chị vợ nào “Hoạn Thư” thì khỏi bàn. Chuyện nào Huyền nhờ vả cũng bị quy ra mờ ám, tình ngay lý gian, “sao không nhờ anh A mà cứ phải anh B?!”…


Tưởng chuyện chỉ có thế, hóa ra đến hôm ra viện rồi, chị vẫn cho người theo dõi ngầm Huyền. Hai mẹ con Huyền vẫn chưa được bác sĩ đồng ý cho xuất viện. Trưa hôm ấy, khi Huyền nhờ bác cao tuổi giường bên cạnh trông thằng cu để chạy đi mua cơm trưa, chị gái kia xúi một thằng ất ơ đánh Huyền vài cái ngã dúi dụi ngay lối lên cầu thang. Cả phòng bệnh chạy ra hô hoán. Người thì bảo nó móc túi, người thì bảo nó đánh nhầm người… nhưng Huyền biết, đấy là chị kia cảnh cáo, vì Huyền nghe rõ mồn một lời thằng đánh mình: “Cho chừa tội đong giai”.
Cả ngày hôm ấy, Huyền ôm con xuống sân viện Nhi, khóc một mình. Thằng bé cứ giật tóc mẹ, hỏi “Sao mẹ khóc?”, Huyền chẳng biết phải nói thế nào, thằng bé quá nhỏ, chưa hiểu chuyện…


Ngày ra viện, hai mẹ con lỉnh kỉnh đồ đạc cá nhân, nhưng Huyền nhất quyết không nhờ anh chồng nào trong phòng bệnh giúp đỡ, khuân giúp xuống cổng bệnh viện. Huyền sợ tai tiếng, sợ vạ lây, như câu chuyện chỉ mới diễn ra mấy ngày trước. Đã dũng cảm chọn làm mẹ đơn thân thì phải có sức khuân đồ, có sức chịu tai tiếng, có sức làm cả cha lẫn mẹ… Huyền tự nghĩ thế. Làm sao nhờ người ta mãi được? Đấy là chồng của chị A, chị B… không phải chồng mình. Huyền cứ túc tắc khuân đồ từ tầng 5 xuống dưới sảnh tầng 1. Lúc thì cái phích với cái chậu, lúc thì balo quần áo, lúc lại bịch bỉm sữa… Đi tròn 4 lượt thì hết đồ, lần thứ 5 chỉ bế mỗi thằng con xuống. Nhưng trớ trêu thay, hai mẹ con xuống đến sảnh tầng 1 thì cái phích đã không cánh mà bay, cái chậu cũng không rõ mẹ nào “mượn tạm”… Huyền ngồi thụp xuống, thở dài vì quá mệt và vì quá tủi thân, không biết kêu với ai. Kêu với ai giữa đất Hà Nội xa lạ này? - Mẹ đẻ Huyền ở quê xa mãi hơn 200 cây số, chị gái Huyền cũng ở tỉnh với bố mẹ, chỉ có Huyền bám trụ Hà Nội sinh sống, lấy chồng rồi… ly hôn. Huyền không dám nhờ mẹ xuống giúp khi con ốm, chị sợ bà lo, bà lại ốm thêm, bà khổ vì con gái chia tay chồng quá rồi…


Thấy Huyền khóc, một chị gái có con nằm cạnh giường bệnh tầng 5 sốt sắng hỏi sao thế, hai mẹ con không đủ tiền đóng viện phí hay sao mà ngồi khóc thế này? Có cần giúp đỡ gì không? – Huyền gắng cười, bảo em không sao chị ạ, bê đồ xuống chẳng có ai trông nên bị lấy trộm mất dăm ba thứ. “Thôi thế càng nhẹ nhàng, hai mẹ con đỡ phải ôm đồm, tay xách nách mang” – Huyền lảng sang chuyện vui, lau vội nước mắt và ôm con vẫy taxi.

Ảnh minh họaẢnh minh họa


Những ngày con ốm là những ngày Huyền thấy cô độc và mệt mỏi nhất. Không có điểm tựa nào cho Huyền dựa vào. Hơn nữa, Huyền phải là chỗ dựa cho con thật vững vàng để con mau khỏi bệnh và thôi phải vào viện bầu bạn với những mũi tiêm. Huyền thương con vô cùng. Huyền khao khát lấy được một người chồng tử tế, thằng bé có một người cha quan tâm đúng nghĩa. Huyền thèm một mái ấm vẹn tròn, đủ đầy, có tiếng cười của cả gia đình trong những ngày mưa rét…


Nhìn con ngủ thiu thiu sau những ngày nằm viện mệt mỏi, Huyền vào mạng, chat với bạn thân – đứa bạn duy nhất chưa chịu lấy chồng, vẫn tự do bay nhảy đây đó. “Mày nhớ phải chọn chồng thật cẩn thận nghe chưa? Đã tăm tia được anh nào ok chưa?” – Huyền hỏi bạn. Đứa bạn thân đáp lại với cảm xúc uể oải chẳng kém: “Tao chán yêu rồi, kiếm đàn ông khó quá, tao kiếm một đứa con trước đã, tao sẽ đẻ con rồi tao với mày đưa con đi du lịch khắp nơi”. Huyền sốt sắng gõ: “Con hâm này, mày đừng đi vào vết xe đổ như tao, đừng làm mẹ đơn thân nữa, mày không chịu được đâu, khổ lắm”…

Minh Anh

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.