Cho con làm tình nguyện

Chia sẻ

Ngày càng nhiều các nhóm bạn trẻ trong độ tuổi đi học phổ thông được thành lập với mục đích hoạt động xã hội. Điểm chung của các nhóm này ban đầu thường ít nhận được sự ủng hộ của gia đình, nhưng sau đó lại thuyết phục được bố mẹ cùng tham gia.

Tình nguyện không chỉ là cho đi, mà qua đó bạn trẻ học được cách yêu thương gia đìnhTình nguyện không chỉ là cho đi, mà qua đó bạn trẻ học được cách yêu thương gia đình (Ảnh: INT)

Hanoi Food Recused (HFR) là một nhóm học sinh THPT trên địa bàn Hà Nội hoạt động về cứu trợ thực phẩm với mục đích tận dụng nguồn thức ăn không sử dụng còn nguyên về hình thức, chất lượng từ các nhà hàng, khách sạn... để giúp đỡ những người khó khăn, đồng thời nâng cao ý thức cộng đồng về tiết kiệm lương thực, thực phẩm. Qua 7 năm hoạt động, HFR đã chuyển khoảng 70.000 suất ăn lấy từ các nhà hàng, khách sạn tới tay hơn 25.000 người nghèo. Thời gian đầu thành lập, nhóm gần như hoạt động không hiệu quả vì sự thiếu chuyên nghiệp của các bạn học sinh. Vì không phải nhà hàng, khách sạn nào cũng đồng ý cho người ngoài tái sử dụng đồ ăn thừa bởi không ai biết trong quá trình đóng gói, vận chuyển có xảy ra sơ sót gì không. Việc này có thể gây ngộ độc thức ăn, ảnh hưởng đến uy tín của họ. Bố mẹ các bạn cũng không đồng ý để con mình “lê la khắp phố phường để xin đồ ăn”. Vậy nhưng, từ chỗ chỉ đi xin, phát cơm hai lần mỗi tuần, hiện HFR hoạt động 5 lần mỗi tuần. Từ việc phát thức ăn, hiện nay nhóm đã gây dựng được nhiều hoạt động từ thiện khác như: bán hàng gây quỹ để giúp trẻ em vùng cao, tổ chức Tết cho trẻ em nghèo hàng năm, tổ chức Trung thu cho trẻ em nghèo... dựa trên nguyên lý “lấy nơi thừa bù nơi thiếu”, hoạt động như một dự án độc lập, chuyên nghiệp. Thành công này phần lớn đến từ sự ủng hộ, nhìn nhận con em mình đang làm việc ý nghĩa cho cộng đồng của phụ huynh.

Cô Nguyễn Hoài Ngọc (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: “Chúng tôi cũng bị các cháu ảnh hưởng, bớt lãng phí thức ăn, và nếu cần sẽ đi thay con gom và phát đồ ăn.

Thừa nhận việc quá hào hứng tham gia hoạt động xã hội có thể dẫn đến sao nhãng việc học, việc nhà, hay ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe... là những lý do chính làm bố mẹ lo lắng, phiền lòng, nhiều bạn trẻ khẳng định sẽ đảm bảo kết quả học tập và lấy sự trưởng thành của mình để chứng minh với cha mẹ việc mình tham gia hoạt động xã hội là cần thiết.

Việt Cường (sinh viên năm thứ 3 ĐH Xây dựng Hà Nội) cho biết: “Hôm nào không đi học, mình ở nhà phụ việc nhà. Mỗi Chủ nhật, mình chỉ dành 3-4 giờ đi sinh hoạt rồi về ăn cơm với gia đình”. Hiền Trang (sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền) đã thuyết phục mẹ bằng những thay đổi tích cực trong lối sống hằng ngày: “Sau chiến dịch Mùa hè xanh, mình dậy sớm đi chợ cùng mẹ, biết tự giặt quần áo. Mẹ rất ngạc nhiên và vui lắm, còn hỏi thăm mọi người trong câu lạc bộ tình nguyện, hỏi mình làm nhiều việc không. Sáng mẹ còn dậy nấu cơm để mình đem theo.”

Thực tế, khi con tham gia hoạt động tình nguyện, xã hội, nhiều bậc phụ huynh cũng chạnh lòng vì con cái mải “hướng ngoại” mà vô tâm với gia đình. Là mẹ có con gái đang học năm cuối đại học nhưng chị Mai Phương (phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng) chưa từng thấy khó khăn trong việc dạy con vì cháu khá tự lập và hăng hái tham gia hoạt động tình nguyện. Bây giờ, tôi bắt đầu thấy hơi lo lắng vì cháu chỉ tâm sự với mẹ chuyện công việc, học hành mà chẳng thấy đoái hoài tới cảm xúc yêu đương như bao bạn bè của nó. Nó cũng chẳng chịu vào bếp nấu nướng, hay phụ mẹ dọn dẹp nhà cửa. Phải nhắc thì con mới làm, sự tự giác chắc chỉ có ở bên ngoài”, chị Phương chia sẻ.

Hoạt động tình nguyện đem lại cho các bạn trẻ những trải nghiệm và trách nhiệm với xã hội, từ cơ hội rèn luyện kỹ năng sống đến tinh thần biết sống vì người khác, biết cảm nhận những giá trị đang tồn tại xung quanh mình. Nhưng bạn trẻ đừng vì quá ham mê những trải nghiệm ngoài cộng đồng mà quên mất mình cũng là một thành viên của gia đình. Các bậc phụ huynh cũng hãy trò chuyện cùng con để giúp con cân bằng việc nhà với việc “vác tù và hàng tổng”. Cho con làm tình nguyện là việc nên làm, để con hiểu hơn về thế giới bên ngoài, từ đó thêm trân trọng và yêu thương gia đình mình hơn bao giờ hết!

Phương Anh

Tin cùng chuyên mục

Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.
Cây hạnh phúc nở hoa

Cây hạnh phúc nở hoa

(PNTĐ) - “Em nấu cơm xong chưa, tối nay anh có hẹn, nhà ăn sớm để anh đi sớm”. Thắng, chồng cô vừa dứt lời thì Thảo bỗng thấy bao nhiêu ấm ức bùng lên.
Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

(PNTĐ) - “Chồng ngã vợ nâng, đánh kẻ chạy đi không ai đánh kẻ chạy lại…” là phương châm sống của một số người chồng, người vợ bị bạn đời phản bội. Họ hi vọng, với sự vị tha, độ lượng của mình sẽ thức tỉnh người u mê, lầm lỗi, cho họ một lối về tránh gia đình đổ vỡ. Tuy nhiên, không phải người chồng, người vợ nào cũng biết thức tỉnh trước sự vị tha của người bạn đời.