Rơi nước mắt vì chồng xa cách gia đình vợ

Chia sẻ

Nghe cách chào hỏi của chồng với bố mẹ mình, Thu biết ngay anh đang nghĩ gì trong đầu. Vẫn biết dịch bệnh là nguy hiểm, nhưng, không thể vì thế mà anh tỏ thái độ khinh khi, rồi tìm đủ cách ngăn cản tình thân của Thu.

Gần 2 tháng rồi, bố mẹ mới từ quê lên thăm Thu. Tiện thể các cháu - con vợ chồng anh trai Thu được nghỉ học để phòng chống dịch Covid-19, ông bà cho lũ trẻ đi chơi thành phố luôn. Mấy mẹ con, cô cháu gặp nhau mừng lắm.

- Bố mẹ đã lên đây rồi thì cứ ở chơi ít ngày. Đằng nào trẻ con cũng chưa phải đến trường, ông bà và các cháu cứ yên tâm ở trên này.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Sau đó, Thu vội đi dọn dẹp phòng cho bố mẹ. Thu ở chung cư, trong căn hộ có 3 phòng ngủ. Một phòng ngủ của hai vợ chồng, hai phòng còn lại cho hai cô con gái. Vì có ông bà, Thu dồn hết 4 đứa trẻ vào chung một phòng, để ông bà ở riêng một phòng. 4 đứa trẻ thích quá, reo hò ầm ĩ vì được ngủ chung cùng nhau.

Không khí đang vui thì chồng Thu về. Bình thường, anh luôn là người về nhà muộn nhất khi cơm canh đã sẵn sàng. Một phần vì công việc bận rộn, phần vì anh còn bận đi chơi thể thao. Chồng Thu không thuộc tuýp đàn ông khéo léo, giúp vợ việc nhà. Từ ngày lấy nhau đến nay, số lần anh vào bếp nấu cơm chắc đếm không quá 10 đầu ngón tay.

Nhưng, gần tháng nay, dịch bệnh Covid-19 hoành hành khiến chồng Thu thay đổi hẳn thói quen ấy. Anh gần như không giao du, cứ hết giờ là về thẳng nhà. Anh bắt đầu quan tâm đến bữa cơm gia đình hơn. Thi thoảng, khi Thu đang nấu cơm, anh lại “ghé” vào bếp, nhắc Thu phải cẩn thận trong chế biến, nhớ rửa tay sạch bằng xà phòng sát khuẩn. Rồi thực phẩm cũng phải mua loại có nguồn gốc để tránh con “Corona”.

- Ông bà đến chơi.

Thu nghe tiếng chồng chào lạnh te như vậy. Cô nhìn lên thì thấy anh khựng lại ngay cửa khi thấy trong nhà có đông người. Nhưng có phải ai xa lạ đâu, toàn là người ruột thịt - bố mẹ và các cháu của Thu.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Chào xong, chồng Thu vào nhà tắm, rửa tay chân rồi xách túi vào phòng. Anh chẳng buồn nán lại ngoài phòng khách để hỏi thăm tình hình của bố mẹ, dù là chiếu lệ.

Lát sau, chồng Thu trở ra, giục:

- Thu ơi, em cho chạy máy lọc không khí. Việc này lẽ ra em không cần để anh nhắc, nhất là nhà lại có đông người thế này.

Rồi chồng Thu quay sang, nói với bố mẹ và các cháu:

- Ông bà và các cháu rửa tay chân, thay quần áo. Có cả nước súc miệng trong nhà tắm. Ông bà đi đường xa, cứ phải bảo vệ sức khỏe cho mình và cho cả nhà nữa.

Lời nhắc nhở của chồng Thu khiến không khí tự nhiên chùng xuống. Bố mẹ Thu nhìn nhau, rồi lần lượt làm theo lời con rể. Lúc ông bà vào phòng nghỉ, Thu liền trách chồng:

- Anh nói thế sẽ khiến ông bà suy nghĩ đấy. Mấy tháng rồi ông bà mới lên chơi với con cháu, anh chẳng hỏi thăm được câu nào, còn bảo ông bà phải đi rửa tay, súc miệng. Mà ông bà cũng đã vệ sinh sạch sẽ rồi, chẳng qua không muốn đôi co với anh nên làm theo cho anh yên tâm đấy thôi.

- Anh nói thế có gì sai. Người ta đã khuyến cáo, trong lúc dịch bệnh tránh tụ tập đông người.

- Nghĩa là, anh không vui khi bố mẹ em ở đây?

- Vui hay không thì bố mẹ cũng đã lên rồi. Lẽ ra, ông bà phải biết ý…

- Anh…

Sợ bố mẹ buồn khi nghe được câu chuyện của hai vợ chồng, dù trong lòng ấm ức lắm, Thu vẫn đành nhịn. Thu biết ngay, chồng cô lăn tăn, sợ bố mẹ cô và các cháu mang mầm bệnh Covid-19 trong người rồi lây cho nhà cô.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Thực ra, không phải vì dịch bệnh mà chồng cô có thái độ ấy. Bao nhiêu năm qua, anh vẫn có thái độ coi nhẹ gia đình bên vợ. Cũng là vì anh là trai thành thị, gia đình cũng khá giả. Trong khi đó, Thu là con gái thôn quê chính hiệu. Bố mẹ cô ở quê xa, nhà cửa chẳng có gì đáng giá.

Chồng Thu mỗi lần phải về quê Thu là khổ sở lắm. Anh nhìn đâu cũng thấy thấy bừa bộn, nhếch nhác. Cầm bát ăn cơm, anh sợ rửa chưa sạch. Gắp miếng thức ăn nhà vợ nấu mời con rể, anh lo thực phẩm có an toàn không. Rồi anh cứ kèn kẹt giữ con, sợ chúng ra vườn đất cát bẩn thỉu. Anh nhíu mày khi thấy ruồi muỗi bay trong nhà. Bước ra sân, anh lò dò từng bước vì sợ dẫm phải phân đàn gà nuôi thải ra.

Đó là lý do anh hạn chế tối đa việc cho vợ con về quê. Thôi thì Thu phải đi làm quanh năm đã đành, ngay cả bọn trẻ, mùa hè được nghỉ mà anh cũng cấm cản chúng về chơi với ông bà ngoại và các anh em họ. Tết đến, nể lắm, anh đành về thăm hỏi nhưng sáng đến chiều giục vợ con ra luôn. Đố ai bắt anh ngủ lại nhà vợ được một đêm, dù rằng đường đi thì xa xôi.

Từ ngày có dịch bệnh, anh càng có lý do hạ lệnh cả nhà “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Anh có ngờ đâu, bố mẹ Thu vì nhớ con cháu, lại đưa nhau lên nhà anh chơi.

Tối đó, khi mọi người đã đi ngủ cả, vợ chồng Thu lại xảy ra mâu thuẫn. Chồng Thu phàn nàn bố mẹ Thu lên chơi mà không hỏi ý kiến anh. Rằng, Thu không nên giữ ông bà ở lại dài ngày vì dịch bệnh đang phức tạp lắm. Anh chẳng biết ở quê, mọi người đã tiếp xúc với những ai, có ai trong số đó mắc Covid-19 chưa. Rồi anh cũng không yên tâm khi hai con phải ở chung phòng với các chị họ. Anh nói trẻ con chưa có kỹ năng phòng bệnh, lỡ nói dại, con anh bị lây bệnh từ cháu Thu.

- Vẫn biết là dịch bệnh phải đề phòng, cẩn thận, nhưng không có nghĩa là chúng ta phải tuyệt giao với mọi người, ngay cả người thân. Em nghĩ vẫn có cách để an toàn trong mùa dịch. Chỉ cần mình ăn uống sạch sẽ, đủ chất, vệ sinh đúng cách theo khuyến cáo, đeo khẩu trang đúng cách khi cần thiết là được. Em cũng sẽ nhắc ông bà bọn trẻ con phải cẩn thận hơn. Mà ông bà cũng đâu phải không có ý. Ông bà sẽ tự biết bảo vệ bản thân và giữ cho con cháu nữa chứ - Thu giải thích với chồng - Anh xem, ông bà lặn lội đường xa đến đây, không lẽ, nhà mình không thể mời ông bà ở lại chơi ít ngày?

- Đồng ý là mời ông bà ở chơi, nhưng có thể để dịp khác. Anh nói luôn, anh không yên tâm khi có thêm người ở trong nhà mình vào lúc này. Em thu xếp nói với ông bà, hoặc nếu không để anh nói. Em đừng nghĩ mọi việc đơn giản, đến lúc dính bệnh thì mới ân hận.

Cuộc nói chuyện giữa hai vợ chồng dừng lại khi không tìm ra tiếng nói chung. Thu nằm quay lưng về phía chồng, ứa nước mắt.

Không phải vì việc hôm nay mà Thu buồn vì trong sâu thẳm, anh làm rể nhà cô, nhưng chưa bao giờ tôn trọng, tin tưởng gia đình cô cả.

Bảo Châu

Tin cùng chuyên mục

Xe ôm “ông nội”

Xe ôm “ông nội”

(PNTĐ) - 4 đứa cháu ra đời khiến ông bà quay như chong chóng trong khi trước đó ông bà tuyên bố “con ai người đó lo, ông bà chỉ chơi chứ không chăm cháu”.
Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

(PNTĐ) - “Chồng ngã vợ nâng, đánh kẻ chạy đi không ai đánh kẻ chạy lại…” là phương châm sống của một số người chồng, người vợ bị bạn đời phản bội. Họ hi vọng, với sự vị tha, độ lượng của mình sẽ thức tỉnh người u mê, lầm lỗi, cho họ một lối về tránh gia đình đổ vỡ. Tuy nhiên, không phải người chồng, người vợ nào cũng biết thức tỉnh trước sự vị tha của người bạn đời.
Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

(PNTĐ) - Lâu nay, một số người thường ngại đề cập tới vấn đề chăn gối vợ chồng, cho rằng đó là chuyện tế nhị, cần được giấu kín. Tuy nhiên, tình dục lại có vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống hôn nhân, thậm chí nhiều cặp vợ chồng chia tay chỉ vì không hòa hợp trong tình dục.