Khan hiếm sách hay cho thiếu nhi?

Chia sẻ

Trong thời điểm học sinh các cấp nghỉ dài ngày do dịch bệnh Covid-19, thị trường sách trở nên sôi động không thua kém mùa hè bởi các phụ huynh cần tìm sách hay cho con đọc. Nhưng lúc này, thật ngậm ngùi khi thấy rằng sách hay, ý nghĩa dành cho trẻ vẫ

Học sinh trường TH Trung Hòa trong Ngày hội đọc sáchHọc sinh trường TH Trung Hòa trong Ngày hội đọc sách (Ảnh: Nguyễn Thực)

Truyện tranh nước ngoài vẫn chiếm ưu thế

Em Đoàn Nguyễn, ở Kim Giang (Hoàng Mai) năm nay học lớp 9 và có hẳn một ngăn riêng sưu tầm truyện tranh do các tác giả Nhật Bản sáng tác. Niềm đam mê những cuốn sách văn học Nhật dành cho lứa tuổi mới lớn được bắt đầu từ niềm đam mê những bộ phim về siêu nhân, phim hoạt hình Nhật. Ngoài truyện, Đoàn Nguyễn còn “săn” tìm những phụ kiện “ăn theo” phim với giá “khủng” so với túi tiền học sinh. Những em nhỏ có niềm đam mê đọc sách như Đoàn Nguyễn rất nhiều. Đi dạo một vòng quanh các nhà sách dễ dàng nhận thấy các em nhỏ chủ yếu say mê thả hồn vào các cuốn truyện tranh Nhật Bản. Suốt mùa dịch, nhiều phụ huynh đau đầu “chiến đấu” hàng ngày, hàng giờ với con chỉ với mục đích làm sao để con đọc sách chữ mà không phải truyện tranh…

Chị Cao Thu Hà (nhà sách Tiền Phong) cho biết: “Nhà sách luôn có đầu sách mới và đáp ứng đầy đủ nhu cầu sách cho mọi lứa tuổi, đặc biệt là các em nhỏ, nhưng phần lớn các em vẫn dành rất nhiều sự quan tâm, yêu thích cho các bộ truyện tranh. Những cuốn sách cổ tích, sự tích Việt Nam hay thường là do các bậc phụ huynh mua cho các em”. Chị Vũ Thùy Chi, nhân viên bán hàng tại nhà sách Fahasa (229 Tây Sơn, Đống Đa) thừa nhận: “Hầu hết các em nhỏ tới đây đều yêu thích các bộ truyện tranh, ít quan tâm sách văn học của Việt Nam”. Chị Thu Thủy, một phụ huynh ở Cầu Giấy, nói: “Khi cùng con xem sách con thích, tôi nhận ra các tác phẩm truyện tranh nước ngoài có hình ảnh thay đổi linh hoạt, nét vẽ đẹp, cốt truyện rất hấp dẫn, mỗi nhân vật có sức hút riêng và luôn tạo ra các tình huống lôi cuốn, khơi gợi sự tò mò, hiếu kỳ và kích hoạt sự suy đoán của các em. Vì vậy, không quá khó hiểu vì sao các con thích. Gần đây, truyện tranh hay sách cho thiếu nhi của Việt Nam cũng đã có thay đổi, in ấn, vẽ đẹp nhưng dường như bên cạnh những tác phẩm tên tuổi từ thời của chúng tôi như: “Chuyện hoa, chuyện quả” của Phạm Hổ; “Dế Mèn phiêu lưu ký” của Tô Hoài… thì những tác phẩm mới vẫn chưa thực sự thỏa mãn nhu cầu thưởng thức của cả phụ huynh và học sinh”.

Làm sao để trẻ đọc sách văn học?

Trước nỗi băn khoăn về việc đầu sách của Việt Nam bị lép vế, chị Vũ Thùy Chi cho biết: “Với các tác phẩm văn học Việt Nam dành cho lứa tuổi thiếu niên - nhi đồng cũng được các em quan tâm nhưng ít lắm. Chỉ những tác phẩm nào đó của các tác giả mới và được quảng bá rộng rãi, mạnh mẽ các em mới quan tâm tìm đọc. Sách bán tốt chủ yếu là các tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh”.

Một trong những thực tế mà chúng ta thấy rõ ràng rằng, dù các nhà sách đã rất nỗ lực nhưng các tác phẩm văn học Việt dành cho thiếu nhi không nhiều, nên nhìn ngay trên kệ sách, bị truyện tranh “áp đảo” là điều dễ hiểu.

Nữ nhà văn Võ Thu Hương, người đã có những tác phẩm thú vị dành cho thế hệ trẻ như: “Đi qua ngày bão”, “Những đóa hoa mặt trời”, “Quà của Thần Núi”… cho rằng các phụ huynh cũng không nên khắt khe khi con thích đọc truyện tranh. Bởi: “đó là tâm lý lứa tuổi vì các em nhỏ thích đọc truyện tranh hơn những tác phẩm văn học chỉ toàn có chữ bởi nó gợi tới những bài học dài trên lớp. Tuy nhiên, bố mẹ có thể định hướng khi con học mầm non thì được đọc truyện tranh, dần dần con đọc những bộ truyện văn học có minh họa hình vẽ đẹp cho bé làm quen. Khi bé đã quen và có trí tưởng tượng khá phong phú thì cho bé chuyển qua đọc truyện chữ. Nếu người lớn muốn định hướng cho con nên đọc cuốn sách nào thì trước tiên người lớn phải dành thời gian đọc sách đó trước”.

Nhà văn Võ Thu Hương khẳng định, nếu nói văn học dành cho lứa tuổi thiếu niên nhi đồng của ta không đủ hấp dẫn thì đó là vì chưa hiểu biết hết. Chị ví dụ một số tác phẩm mới như “Lớp học lớp cây me” của tác giả Nguyễn Kim Hòa, “Cúc dại và tia nắng” của Di Duyên rất thú vị, chứng tỏ văn học Việt Nam cho thiếu nhi có nhiều khởi sắc. Theo chị, nhiều người so sánh, tìm kiếm và đòi hỏi thời nay phải có những tác phẩm kinh điển như “Dế Mèn phiêu lưu ký” là điều không thể, ngay cả thế giới cũng không làm được. Vì vậy, khi tìm hiểu thị trường văn học thiếu nhi nên loại bỏ tâm thế so bì quá khứ và hiện tại thì sẽ tìm được những điều thú vị. Vấn đề quan trọng nhất để hướng các em đến với những tác phẩm tốt, bổ ích vẫn chính và cả cha mẹ và con cùng đọc chứ không nên để trẻ con tự “cuốn” vào cảm xúc, sở thích riêng, kết quả là các em sẽ tìm đến những cuốn truyện tranh vô bổ là điều không tránh khỏi.

Thục Nhi 

Tin cùng chuyên mục