Nguồn lây nhiễm Covid-19 ở bệnh viện Bạch Mai từ đâu?

Chia sẻ

Tại cuộc họp BCĐ quốc gia phòng chống dịch Covid-19 mới đây, Bộ Y tế nhận định nguồn lây nhiễm Covid-19 tại bệnh viện Bạch Mai nhiều khả năng từ bên ngoài vào.

Bệnh viện Bạch Mai thực hiện cách ly toàn bệnh viện để đẩy mạnh phòng, chống Covid-19.Bệnh viện Bạch Mai thực hiện cách ly toàn bệnh viện để đẩy mạnh phòng, chống Covid-19. (Ảnh: Thảo Hương)
Ngày 27/3, tại cuộc họp BCĐ quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19, GS.TS Nguyễn Thanh Long - Thứ trưởng Bộ Y tế nhận định: BV Bạch Mai hiện được coi là 1 trong 4 ổ dịch lớn lây nhiễm Covid-19. Về nguồn lây tại Bệnh viện Bạch Mai, Bộ Y tế cho rằng có khả năng lây trong nhóm người nhà chăm sóc bệnh nhân, nguồn lây nhiễm từ bên ngoài vào bệnh viện.

Thông tin tại cuộc họp BCĐ phòng dịch Covid-19 của Hà Nội, Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Dương Đức Hùng cũng cho biết: Phân tích đường lây nhiễm của 4 bệnh nhân 161, 162, 163 và 133 (trong đó, BN 162 là con dâu của BN 161 và BN 163 là cháu ruột BN 161) thấy rằng: BN 161 chung phòng điều trị với BN 133 tại khoa Thần kinh, Bệnh viện Bạch Mai. BN 162 và 163 là người thân chăm sóc BN 161.

Ngoài ra, bệnh viện Bạch Mai cũng đã lấy mẫu bệnh phẩm của 3 bệnh nhân có mối quan hệ gia đình để xét nghiệm. Kết quả, BN 161 có xét nghiệm dương tính rất rõ ràng còn BN 162 có kết quả dương tính yếu ớt, thời gian lên dương tính chậm và lượng virus trong cơ thể rất thấp.

"Chúng tôi nghi ngờ bệnh nhân 162 có thể mới nhiễm hoặc đã nhiễm virus từ lâu và bắt đầu khỏi bệnh. Sau đó, kết quả định lượng về kháng thể cho thấy rõ thời gian nhiễm đã lâu", bác sĩ Hùng nói. Ngoài ra, BN 162 không có triệu chứng lâm sàng, trước đó không phát hiện bệnh do không được làm xét nghiệm.

"Có thể khẳng định bệnh nhân 162 đã nhiễm bệnh từ bên ngoài, sau đó vào viện tiếp xúc ca 161 từ ngày 17-22/3 và nằm cùng bệnh nhân 133 nên cả ba người lây nhiễm cho nhau. Còn bệnh nhân 86 và 87 không liên quan cụm 3 bệnh nhân này. Chưa thể khẳng định có việc lây nhiễm chéo trong Bệnh viện Bạch Mai", đại diện Bệnh viện Bạch Mai cho hay.

Từ thực tiễn, Bộ Y tế cho rằng tới đây, một số bệnh viện tuyến cuối, một số bệnh viện trên địa bàn thành phố lớn (Hà Nội, TP.HCM) có thể xuất hiện các ca bệnh, đòi hỏi phải thực hiện triệt để biện pháp phòng lây nhiễm và thực hiện việc xét nghiệm sàng lọc như Bệnh viện Bạch Mai.

Thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19, từ ngày 28/3, Bệnh viện Bạch Mai thực hiện phong tỏa toàn bộ bệnh viện, "nội bất xuất, ngoại bất nhập". Bệnh viện cũng đã có công văn về việc tạm dừng tiếp nhận người bệnh, gửi tới các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh địa bàn miền Bắc, miền Trung, các nội dung chính bao gồm:

- Tạm dừng chuyển tuyến người bệnh đến bệnh viện Bạch Mai cho đến khi có thông báo mới.

- Trường hợp cần thiết có thể hội chẩn trực tiếp.

- Người bệnh khám lại theo hẹn của bệnh viện, đề nghị cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ban đầu tiếp nhận, giải quyết theo quy định của Bộ Y tế.

- Trường hợp bất khả kháng phải chuyển tuyến người bệnh đến bệnh viện Bạch Mai, đề nghị liên hệ trước qua số điện thoại: Khoa cấp cứu (0338911911 hoặc 0869.587.707); Trực lãnh đạo bệnh viện (0969.851.616).

 Thảo Hương

Tin cùng chuyên mục

Chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi, ứng phó với vấn đề già hoá dân số

Chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi, ứng phó với vấn đề già hoá dân số

(PNTĐ) - 790 người cao tuổi phường Bồ Đề được hướng dẫn bài thể dục tránh ngã. Đây là chương trình thuộc dự án "Hỗ trợ dự phòng chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi, ứng phó với vấn đề già hoá dân số áp dụng mô hình Tsuyama" (JICA). Dự án đã góp phần nâng cao nhận thức về già hóa dân số, trách nhiệm và nghĩa vụ của cá nhân, gia đình và cộng đồng trong việc chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.