Nhà tu hành góp sức chống dịch Covid-19

Chia sẻ

Trước lời kêu gọi “Toàn dân chung tay chống dịch Covid-19” của Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua, nhiều nhà tu hành đã thể hiện tinh thần yêu nước, tích cực góp sức, cùng cộng đồng phòng chống dịch.

Sư thầy Thích Tuệ Nguyên đi từng hộ dân phát khẩu trang phòng chống dịch.Sư thầy Thích Tuệ Nguyên đi từng hộ dân phát khẩu trang phòng chống dịch.

Đó là sư thầy Thích Tuệ Nguyên, trụ trì chùa Nga My Thượng, xã Thanh Mai, huyện Thanh Oai. Sư thầy Thích Tuệ Nguyên cho biết: Đức Phật dạy người tu hành phải xả bỏ tham sân si, không bị biến tâm, chuyển tâm trong thời thế cuộc đời. Nhưng, không có nghĩa là nhà tu hành bàng quan, không quan tâm đến đất nước, chúng sinh.

Còn nhớ trong kháng chiến chống Pháp, trước sự tấn công của giặc, trụ trì của chùa Cổ Lễ, Nam Định là hòa thượng Thích Thế Long đã kêu gọi các tăng ni “bỏ cà sa để khoác chiến bào” với tinh thần "việc đạo không rời việc đời". Cũng như vậy, hiện nay đất nước đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh. Chúng ta đều là con dân của nước Việt thì đều phải chung sức, đồng lòng mới đẩy lùi được dịch bệnh.

Những ngày dịch bệnh bùng phát, khẩu trang trở nên khan hiếm, có lúc giá bị đội lên tới 500.000 đồng/hộp khẩu trang. Thầy Thích Tuệ Nguyên trăn trở, vậy thì người dân nghèo, tiền ăn không đủ, lấy đâu tiền để mua khẩu trang. Trên địa bàn xã Thanh Mai lại có nhiều xưởng may, công ty may đang hoạt động. Nhiều phật tử cũng biết may vá. Sư thầy liền khẩn trương chỉ đạo một nhóm phật tử là các thành viên của CLB Liên Hoa may khẩu trang với khẩu hiệu “May để bán không may, may phát miễn phí thì luôn sẵn sàng”. 

Với nhiều người dân, những chiếc khẩu trang của nhà chùa giống như điểm tựa tâm linh, giúp họ có thêm sức mạnh phòng chống dịchVới nhiều người dân, những chiếc khẩu trang của nhà chùa giống như điểm tựa tâm linh, giúp họ có thêm sức mạnh phòng chống dịch

Sư thầy Thích Tuệ Nguyên đích thân đến các cơ sở may đặt mua vải. Song, khi biết công việc ý nghĩa của nhà chùa và các phật tử, các chủ cơ sở may đều tình nguyện xin được tặng vải, từ đó việc tốt càng được lan tỏa. Để tránh nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh, các thành viên trong tổ may tự may ở nhà rồi tập hợp sản phẩm lại. Sau đó nhà chùa phối hợp với các sư thầy trụ trì ở các chùa khác, cùng các phật tử, đại diện một số ban ngành… tổ chức phát tặng khẩu trang, nước sát khuẩn do nhà chùa mua tới người dân trên địa bàn hai xã Thanh Mai, Thanh Văn.

Đến nay, tổng số khẩu trang các sư thầy, phật tử đã may và phát là hơn 10.000 chiếc. Với mỗi gia đình, sư thầy Thích Tuệ Nguyên tặng một suất gồm 5 khẩu trang tương ứng với 5 thành viên trong gia đình, gồm 1 khẩu trang cho người già, 1 khẩu trang nam cho người chồng, 1 khẩu trang nữ cho người vợ, 2 khẩu trang cho 2 con nhỏ. Có gia đình bị cách ly, thầy Thích Tuệ Nguyên còn mua thêm thực phẩm, nhu yếu phẩm để tặng cùng. Chiếc khẩu trang giá thành không lớn, nhưng, được người dân trên địa bàn trân trọng đón nhận. Nhiều người coi đó là điểm tựa tâm linh, có thể giúp họ thêm động lực, sức mạnh chống lại dịch bệnh.

Thầy Thích Tuệ Nguyên cho biết: Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, nhiều người dân hoang mang, lo lắng, tìm tới chùa cầu an. Những lúc ấy, thầy luôn giảng giải cho chúng sinh hiểu, phải bình tâm, tuân thủ nghiêm các khuyến cáo của bộ Y tế, quy định của Nhà nước thì sẽ phòng tránh được dịch bệnh. Nhà chùa còn thường xuyên cập nhật tình hình dịch bệnh để thông báo tới các phật tử.

Đến nay, sư thầy Thích Tuệ Nguyên và các phật tử đã phối hợp phát được khoảng 10.000 chiếc khẩu trangĐến nay, sư thầy Thích Tuệ Nguyên và các phật tử đã phối hợp phát được khoảng 10.000 chiếc khẩu trang

Đặc biệt, hiện nay, nhà chùa nghiêm chỉnh chấp hành quy định “dừng triệt để các nghi lễ tôn giáo, hoạt động có tập trung từ 20 người trở lên tại các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự” theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và Thành phố Hà Nội. Thay vào đó, sư thầy Thích Tuệ Nguyên khuyên các phật tử an tâm tu tại gia.

Thầy nói, không phải cứ tập trung đông người, dâng lễ Phật mới được gia hộ. Các phật tử ở nhà, tuân thủ các quy định của Nhà nước, hỗ trợ Nhà nước kiểm soát, phòng chống dịch bệnh, chăm chỉ rửa tay, đeo khẩu trang, hạn chế ra đường là đang làm việc có lợi cho nhiều người. Còn ngược lại vẫn ra ngoài đường khi không có việc cần thiết, vô tình nhiễm bệnh và lây nhiễm bệnh ra cộng đồng thì đó lại là gây tội. Các phật tử đều thấu hiểu lời sư thầy và chấp hành. Tại chùa Nga My Thượng, cứ vào 4 giờ chiều mỗi ngày, các sư thầy lại thỉnh chuông tụng kinh cho mọi người được bình an, dịch bệnh sớm được đẩy lùi.

Được biết, ngoài việc tích cực tham gia chung sức cùng cộng đồng phòng chống dịch, sư thầy Thích Tuệ Nguyên và các phật tử còn có nhiều hoạt động nhân đạo từ thiện, cứu khổ chúng sinh như một tháng 2 lần nấu cơm, thăm hỏi các bệnh nhân ở một số bệnh viện; thăm, tặng quà, cứu trợ người dân ở vùng núi cao Thanh Hóa, Lào Cai, Sơn La…

Sư thầy Thích Tuệ Nguyên chia sẻ: Những nhà tu hành như thầy nguyện đem mọi công đức cầu cho dịch bệnh tiêu tan, đất nước hùng cường, nhân dân ấm no hạnh phúc.

Hoàng Lan

Tin cùng chuyên mục

Thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thủ đô

Thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thủ đô

(PNTĐ) - Ngày 25/4, Báo Kinh tế và Đô thị phối hợp với Trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học “Thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)”. Ban tổ chức đã nhận được gần 20 tham luận gửi đến Hội thảo đóng góp ý kiến vào Dự thảo Luật.
Đồng bào các dân tộc Điện Biên với tinh thần “cả nước cùng chống giặc”

Đồng bào các dân tộc Điện Biên với tinh thần “cả nước cùng chống giặc”

(PNTĐ) - Phát huy sức mạnh đoàn kết các dân tộc, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Đảng bộ, nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên đã chung sức, đồng lòng, cùng với cả nước, tích cực chủ động tham gia phục vụ chiến trường với tất cả tinh thần, sức lực, trí tuệ và của cải, tất cả cho chiến thắng.