Hà Nội triển khai chính sách hỗ trợ kịp thời, minh bạch và đúng đối tượng

Chia sẻ

Ngày 10/4, tại hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các bộ, ngành, địa phương , Bí thư Thành uỷ Hà Nội Vương Đình Huệ cho biết: Hà Nội sẽ tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, thực hiện tốt nhất các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, chung tay chia sẻ khó khăn với cả nước để đảm bảo mức tăng trưởng và an sinh xã hội.

Bí thư Thành uỷ Hà Nội Vương Đình Huệ phát biểu tại điểm cầu Hà NộiBí thư Thành uỷ Hà Nội Vương Đình Huệ phát biểu tại điểm cầu Hà Nội (Ảnh: P.K)

TP phấn đấu tăng trưởng ở mức cao hơn cả nước là 1,3%

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho biết: Cần song hành việc tập trung nguồn lực, thời gian cho công tác tác phòng chống dịch với bảo đảm vận hành thông suốt hệ thống chính trị, chuẩn bị cho Đại hội Đảng các cấp, giảm thiểu mức thấp nhất thiệt hại kinh tế. Đồng thời, tìm những dư địa để duy trì tăng trưởng như Thủ tướng đã nói, khi tình hình dịch bệnh ổn định thì “nền kinh tế sẽ bật mạnh như lò xo nén lâu ngày”.

“Hà Nội cam kết với Thủ tướng Chính phủ sẽ phối hợp với các bộ, ngành Trung ương trên địa bàn để triển khai quyết liệt, kịp thời, công khai, minh bạch và đúng đối tượng các chính sách mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành” - Bí thư Thành ủy Hà Nội khẳng định.

Về tình hình phát triển kinh tế-xã hội của Thủ đô, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ cho biết: mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng tăng trưởng của Thủ đô quý I/2020 vẫn đạt 3,72%; thu ngân sách nhà nước đạt khoảng 72.600 tỷ, bằng 26,5% tổng dự toán.

Năm nay, TP quyết tâm đạt tăng trưởng ngành nông nghiệp là 4,04% trên cơ sở tái đàn lợn lên 1,8 triệu con; đẩy mạnh chăn nuôi gia súc, gia cầm, tái cơ cấu lại ngành trồng trọt; giảm diện tích trồng hoa và tăng diện tích trồng rau củ quả; rà soát sử dụng tối đa, triệt để các đất đai chưa sử dụng hoặc sử dụng không hiệu quả. TP Hà Nội đã chuyển 650 tỷ đồng ủy thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội để triển khai cho vay vốn, giải quyết việc làm, thúc đẩy phát triển nông thôn và các công trình hạ tầng khác, bảo đảm cho mục tiêu tăng trưởng nông nghiệp đề ra.

Các lĩnh vực khác như thực phẩm, sản xuất thiết bị y tế, công nghệ thông tin… Hà Nội cũng đang đẩy mạnh triển khai, nhất là các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. “Đối với các kịch bản tăng trưởng, Hà Nội phấn đấu giảm thiệt hại do dịch bệnh Covid -19 ở mức thấp nhất và phấn đấu tăng trưởng ở mức cao hơn cả nước là 1,3%; bảo đảm cân đối thu chi ngân sách” – Bí thư Thành uỷ phát biểu. 

 Hà Nội kiến nghị sớm tháo gỡ vướng mắc, tạo điều kiện phát triển

Để đảm bảo phát triển, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ đã kiến nghị một số vướng mắc cần tháo gỡ. Cụ thể, Chính phủ chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải chủ trì tháo gỡ khó khăn, sớm đưa dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông cũng như một số dự án trọng điểm về giao thông khác vào hoạt động. Để đẩy nhanh tiến độ các dự án, Hà Nội đề xuất Thủ tướng cho phép Hà Nội áp dụng cơ chế đặc thù về giải phóng mặt bằng như đã áp dụng ở TP HCM thực hiện.

Hà Nội cũng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành sớm trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nghị định sửa đổi Nghị định 63 về một số cơ chế tài chính đặc thù cho Thủ đô, tạo điều kiện để đẩy nhanh phát triển kinh tế và kết cấu hạ tầng trong thời gian tới… Đồng thời, cho phép Hà Nội lựa chọn một số các công trình lớn và cấp bách liên quan đến y tế, giáo dục, môi trường, an sinh xã hội, giao thông… được lựa chọn nhà đầu tư theo Điều 26 của Luật Đấu thầu, trên cơ sở có thể kiểm toán, rà soát, thẩm định trước dự toán và cắt giảm khoảng 5-7% chi phí dự toán để đẩy nhanh tiến độ.

Tại hội nghị, Chính phủ xem xét tổ chức hội nghị giáo dục và đào tạo để tập trung giải quyết hai nội dung: Cho ý kiến nhất quán và cập nhật liên quan đến rút ngắn thời gian và chương trình về tổ chức học tập, đánh giá kết quả học trong điều kiện thực tiễn hiện nay, điều kiện thi... Đây là vấn đề liên quan đến hàng triệu học sinh và giáo viên. Bí thư Thành ủy Vương Định Huệ kiến nghị cần nghiên cứu để có những chính sách hỗ trợ cho các cơ sở giáo dục, giáo viên, nhất là các cơ sở giáo dục công lập, thực hiện tự chủ tài chính đang rất khó khăn do nguồn thu bị sụt giảm. Tại Hà Nội, riêng hệ thống giáo dục ngoài công lập của Hà Nội có 46.000 người bị ảnh hưởng do dịch bệnh.

“Hà Nội sẽ tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng và sẽ triển khai quyết liệt, thực hiện tốt nhất các nhiệm vụ chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội và chung tay chia sẻ khó khăn với cả nước để đảm bảo mức tăng trưởng và an sinh xã hội theo những chỉ tiêu của Chính phủ và Thủ tướng đặt ra” - Bí thư Thành ủy Hà Nội nói.

Việt Bách

Tin cùng chuyên mục

Đại hội Đảng bộ Sở Văn hóa và Thể thao TP Hà Nội nhiệm kỳ 2025-2030 thành công tốt đẹp

Đại hội Đảng bộ Sở Văn hóa và Thể thao TP Hà Nội nhiệm kỳ 2025-2030 thành công tốt đẹp

(PNTĐ) - Sáng 3/7, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức Đại hội Đại biểu nhiệm kỳ 2025 – 2030 với chủ đề “Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc - Động lực phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”. Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy UBND thành phố, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn dự và chỉ đạo tại Đại hội.
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp xúc cử tri Hà Nội sau Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV

Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp xúc cử tri Hà Nội sau Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV

(PNTĐ) - Chiều ngày 2/7, tại Trụ sở phường Đống Đa, Tổng Bí thư Tô Lâm cùng các thành viên Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, đơn vị bầu cử số 1 đã tiếp xúc cử tri 11 phường (Ba Đình, Ngọc Hà, Giảng Võ, Đống Đa, Kim Liên, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Láng, Ô Chợ Dừa, Hai Bà Trưng, Vĩnh Tuy, Bạch Mai), báo cáo kết quả Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV và lắng nghe các ý kiến, kiến nghị của cử tri.