Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Cả cuộc chiến vẫn còn ở phía trước

Chia sẻ

Đây là khẳng định của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp trực tuyến giữa BCĐ quốc gia phòng chống dịch COVID-19 với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế chiều ngày 10/4.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thông tin tại cuộc họp trực tuyến BCĐ quốc gia phòng dịch Covid-19.Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thông tin tại cuộc họp trực tuyến BCĐ quốc gia phòng dịch Covid-19.

Việt Nam đã rất chủ động, chưa bao giờ bị động

Về công tác phòng, chống dịch bệnh, Phó Thủ tướng nêu rõ, với số dân đông và có đường biên giới dài với Trung Quốc - quốc gia đầu tiên xuất hiện dịch bệnh COVID-19, Việt Nam là nước có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh rất cao. Tuy nhiên, hiện Việt Nam vẫn đang kiểm soát tốt dịch bệnh. Thực tế, Việt Nam hiện đứng thứ 104/210 quốc gia và vùng lãnh thổ có người mắc Covid-19, là 1 trong 3 quốc gia có số ca mắc trên 200 nhưng chưa có trường hợp tử vong.

Theo Phó Thủ tướng, điểm mạnh của chúng ta là cơ cơ chế phòng chống thiên tai với nguyên tắc “4 tại chỗ”, với những nguyên tắc căn bản: "ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch" đã có sự vận hành rất tốt nhiều năm qua ở các địa phương.

Nguyên tắc này tưởng như đơn giản nhưng là kiến thức được đúc kết từ những lần chống dịch trước có tham khảo kinh nghiệm quốc tế, các chuyên gia và đặc biệt là được điều hành thống nhất, đồng bộ.

Chúng ta có hệ thống chính trị tuyệt vời. Lực lượng quân đội tham gia phòng, chống dịch ngay từ đầu.

Ngay từ trước Tết Nguyên đán, khi dịch Covid-19 mới chỉ được nhắc đến tại Trung Quốc, Bộ Y tế đã họp bàn, mời các chuyên gia, thảo luận kỹ càng về công tác phòng, chống dịch. Đến giờ phút này, sau 3 tháng cho thấy chúng ta đã rất chủ động, chưa bao giờ bị động, chưa bao giờ hốt hoảng trong công tác phòng chống dịch bệnh và luôn làm sớm hơn với các giải pháp cao hơn so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới. Chúng ta đã xây dựng đầy đủ các kịch bản ứng phó. Tất cả các diễn biến dịch bệnh trong nước đều đã được dự liệu và có phương án phù hợp.

Đặc biệt, chúng ta xác định nhân dân có vai trò quan trọng hàng đầu trong phòng, chống dịch, các lực lượng khác là nòng cốt. Từ đó, chúng ta có kế hoạch tuyên truyền vận động, người dân rất tin tưởng, ý thức cùng tham gia phòng, chống dịch.

Bên cạnh đó, cộng đồng doanh nghiệp công nghệ thông tin cũng đã vào cuộc tích cực, đưa ra các giải pháp công nghệ hết sức thiết thực, quan trọng phục vụ công tác truy vết, giám sát các ca bệnh, thúc đẩy chuyển đổi số trong giáo dục, y tế… trong mùa dịch.

Chúng ta đã triển khai một loạt biện pháp chưa từng có

Báo cáo tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: Trong lịch sử loài người chưa bao giờ xuất hiện dịch bệnh nào có sức tấn công mãnh liệt như đại dịch COVID-19. Đây là dịch bệnh điển hình trong một thế giới phát triển, tốc độ lây lan rất nhanh, chỉ trong một thời gian ngắn đã có hơn 1,5 triệu người mắc bệnh, hàng chục nghìn người tử vong. Đặc biệt, virus gây bệnh COVID-19 cũng có rất nhiều điểm bí ẩn, do đó ngay từ đầu giới khoa học toàn cầu đã đồng loạt bắt tay vào nghiên cứu, chỉ sau 14 ngày đã có bản đồ gene, tuy nhiên, vẫn còn nhiều câu hỏi về sản xuất vacine, thuốc đặc trị hiện chưa có lời giải… 

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết Việt Nam đã triển khai nhiều biện pháp phòng dịch chưa từng có.Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết Việt Nam đã triển khai nhiều biện pháp phòng dịch chưa từng có. (Ảnh: PV)

Đối với Việt Nam, Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh: Chưa bao giờ trong công tác chống dịch, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ… có sự chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ như lần này, coi “chống dịch như chống giặc”. Các kịch bản ứng phó, các chỉ đạo từ cấp cao nhất liên tục được cập nhật theo diễn biến thực tế của dịch bệnh. Cả hệ thống chính trị đã vào cuộc, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân cùng tham gia chống dịch… Việt Nam là một trong rất ít nước huy động quân đội tham gia phòng, chống dịch bệnh ngay từ đầu.

Trong công tác điều trị, chúng ta cũng nối mạng từ tuyến đầu tới các bệnh viện để sẵn sàng chia sẻ, trao đổi, hỗ trợ về chuyên môn; phác đồ điều trị liên tục được cập nhật… Việt Nam cũng là một trong ít nước sớm nuôi cấy, phân lập thành công virus SARS-CoV-2; nghiên cứu sản xuất sinh phẩm xét nghiệm (test kit); chủ động sản xuất trang thiết bị, vật tư y tế… 

Đặc biệt, trong công tác tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cho rằng, chưa bao giờ các lực lượng truyền thông chung sức, đồng lòng, tham gia đồng bộ, vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt như lần này (trên cả các báo chính thống, các nhà mạng, các mạng xã hội). Với tinh thần công khai, minh bạch, tất cả các thông tin chỉ đạo điều hành, khuyến cáo phòng chống, diễn biến tình hình dịch bệnh… đều nhanh chóng truyền tải đến công chúng để nâng cao nhận thức người dân trong phòng chống dịch bệnh.

Cả cuộc chiến vẫn còn ở phía trước

Trước những diễn biến dịch bệnh tại Việt Nam và thế giới thời gian qua, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, chúng ta tuyệt đối không được chủ quan. "Chúng ta đã chiến thắng từng trận đánh, nhưng cả cuộc chiến vẫn còn ở phía trước. Do đó, chúng ta cần đồng lòng, có niềm tin, ủng hộ các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo, hướng dẫn của ngành y tế".

Phó Thủ tướng chia sẻ, ngay trong điều trị, hiện nay trên thế giới vẫn chưa có thuốc đặc trị hoặc phác đồ điều trị chuẩn. Vì vậy, chúng ta không thể thụ động, chờ đợi từ bên ngoài mà chủ động thử nghiệm lâm sàng các loại thuốc, phác đồ điều trị dù chưa có cơ sở khoa học đầy đủ như lúc bình thường. Những loại thuốc hay phác đồ nào có thể có xác suất thành công thì đều được nghiên cứu, xem xét đưa vào.

Ngay trong chống dịch SARS năm 2003, phác đồ điều trị của Việt Nam đã được cả thế giới sử dụng. Hiện nay, công tác điều trị bệnh nhân COVID-19 của Việt Nam cũng rất tốt, số người khỏi bệnh nhiều.

Tuy nhiên, phác đồ mới chỉ là kiến thức trên giấy còn bác sĩ mới là người điều trị trực tiếp cho từng bệnh nhân. “Chúng ta hãy đặt niềm tin tuyệt đối vào bác sĩ và hãy lạc quan. Hiện nay các cơ sở điều trị đều được kết nối, được hỗ trợ trực tiếp từ các chuyên gia giỏi nhất” – Phó Thủ tướng bày tỏ.

Yên Hưng

Tin cùng chuyên mục

Hội nghị quốc tế về “Quản lý đường thở WAAM” lần đầu tổ chức tại Đông Nam Á

Hội nghị quốc tế về “Quản lý đường thở WAAM” lần đầu tổ chức tại Đông Nam Á

(PNTĐ) - Hội nghị WAAM kéo dài 2 ngày, với phiên 6 làm việc, được tổ chức ngày 13/4 tại BVĐK Hồng Ngọc và ngày 14/4 tại BV Hữu Nghị Việt Đức, thu hút gần 600 y bác sĩ tham dự trực tiếp và 1000 bác sĩ tham dự trực tuyến. Tại Hội nghị, các khách mời đã được nghe một số tham luận tính thực tiễn cao như: Quản lý đường thở của u thanh quản, Đánh giá trước phẫu thuật đường thở khó, Hiệu quản dự trữ oxy, Rút ống nội khí quản khó, Đường thở khó ở trẻ em...