Sau Chỉ thị 16, đề xuất giãn cách xã hội có thể tính đến yếu tố từng địa bàn

Chia sẻ

Thông tin tại cuộc họp trực tuyến BCĐ quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19 sáng 13/4, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết: Sau khi Chỉ thị 16 hết hiệu lực, BCĐ Quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19 sẽ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ có một Chỉ thị mới, với tinh thần thực hiện nghiêm các giải pháp Việt Nam đã triển khai..

Tại cuộc họp trực tuyến Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19 sáng 13/4, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: Tới nay đã được 13 ngày chúng ta đã thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, cách ly xã hội để phòng, chống dịch Covid-19. Đây là một trong những giải pháp quan trọng giúp ngăn chặn dịch bệnh lây qua đường hô hấp.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì buổi họp trực tuyến BCĐ quốc gia phòng, chống Covid-19.Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì buổi họp trực tuyến BCĐ quốc gia phòng, chống Covid-19. (Ảnh: T.H)

Trong những ngày đầu, một số địa phương hiểu chưa đúng, chưa rõ Chỉ thị 16 nên đã có việc áp dụng khác nhau. Có địa phương áp dụng rất mạnh, đã gần như “ngăn sông cấm chợ”, nhưng có địa phương chưa biết cách làm. Tuy nhiên, sau khi có hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ, cách ly xã hội đã được thực hiện tốt. "Trong những ngày đầu, cách ly xã hội được thực hiện nghiêm. Nhưng những ngày gần đây, khi các ca mắc Covid-19 thấp hơn, người dân ở một số địa phương có tâm lý chủ quan và ra đường đông hơn so với những ngày đầu".

Qua theo dõi, rà soát, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, đa phần người dân ủng hộ cách ly xã hội. Song tâm lý này thay đổi theo ngày. Ngày công bố số ca bệnh nhiều hơn thì tâm lý ủng hộ cách ly xã hội cao hơn so với ngày công bố ít ca. Còn qua trao đổi ý kiến với các địa phương: "Đa số các địa phương ủng hộ biện pháp được triển khai trong thời gian cách ly xã hội. Nhưng có ý kiến cho rằng, thời gian áp dụng nên hài hòa, linh hoạt với từng địa phương, tùy theo mức độ nguy cơ, không nhất thiết phải áp dụng cho tất cả. Dẫu vậy, tất cả cũng đều nhất trí rằng, nếu nguy cơ lây nhiễm ở mức độ cao thì đề nghị kéo dài thời gian cách ly xã hội" - Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long thông tin.

Tại cuộc họp, ông Bùi Thế Duy - Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cũng nêu báo cáo đánh giá chung diễn biến tình hình dịch bệnh, dựa trên thống kê truy vết, theo dõi và giám sát dữ liệu. Theo Thứ trưởng Bùi Thế Duy, việc đeo khẩu trang đã giúp hạn chế rất nhiều nguy cơ lây nhiễm Covid-19; điển hình là tại ổ dịch công ty TNHH Trường Sinh/ BV Bạch Mai, các ca mắc chủ yếu do tiếp xúc gần trong thời gian dài giữa các nhân viên công ty này. Trong khi, sự lây nhiễm là rất hạn chế với các khách hàng đến nhà ăn bệnh viện - nơi công ty Trường Sinh cung cấp dịch vụ, khi tất cả cùng đeo khẩu trang và thời gian tiếp xúc diễn ra nhanh.

Quang cảnh buổi họp trực tuyến BCĐ quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 sáng 13/4.Quang cảnh buổi họp trực tuyến BCĐ quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 sáng 13/4. (Ảnh: PV)

Thứ trưởng Bùi Thế Duy cũng khẳng định hiệu quả của cách ly xã hội đã giúp giảm đáng kể hoạt động và di chuyển của người dân. "Dự báo tình hình chung, dịch bệnh bắt đầu lây lan trong cộng đồng và không xác định được nguồn lây. Đáng nói, một lượng không nhỏ người bệnh không có biểu hiện lâm sàng rõ rệt, nhưng có khả năng lây truyền. Một bộ phận người dân lại có tư tưởng chủ quan, không thực hiện các biện pháp phòng chống dịch như: không đeo khẩu trang, không thực hiện giãn cách xã hội. Hiện chưa có miễn dịch cộng đồng, do đó, nếu không tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống thì sẽ có nguy cơ bùng phát ổ dịch lớn. Trong thời gian tới, có thể xuất hiện những ca diễn biến nặng, nguy kịch do âm thầm lây nhiễm ở các trường hợp có bệnh nền và tuổi cao" - ông Duy cho biết.

Qua phân tích 99 ca lây nhiễm trong cộng đồng, rất nhiều trường hợp đã ra hiệu thuốc mua thuốc hạ sốt để tự điều trị, do vậy rất khó để phát hiện. Bởi vậy, các chuyên gia khuyến nghị, tại địa phương có nguy cơ cao như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh có thể tổ chức đánh giá tình hình dịch bệnh, lấy mẫu xét nghiệm đối với một số khu vực và các nhóm đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao như: chợ đầu mối, các khu tập thể của người lao động…

Thông tin tại cuộc họp BCĐ, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường đã thông báo về tình hình trang thiết bị y tế phòng chống dịch tại Việt Nam. Theo đó, các doanh nghiệp hiện có đủ năng lực sản xuất khẩu trang và đồ bảo hộ y tế đáp ứng được nhu cầu trong nước.

Ban chỉ đạo khuyến khích tối đa các doanh nghiệp tìm nguồn cung ổn định nguyên vật liệu hoặc tự sản xuất nguyên vật liệu. Đặc biệt, đề nghị các doanh nghiệp nêu cao trách nhiệm xã hội, phải đảm bảo đủ cung ứng trong nước rồi phần còn lại mới xuất khẩu. Ban chỉ đạo yêu cầu Bộ Y tế, Bộ Công an vào cuộc, đồng thời đề nghị rà soát lại năng lực sản xuất của các doanh nghiệp để từ đó báo cáo với Thủ tướng Chính phủ có chỉ đạo trước mắt.

Đánh giá tình hình dịch bệnh đang diễn biến, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam - Trưởng Ban chỉ đạo nhận định: Dịch Covid-19 trên thế giới sẽ chưa thể kết thúc trong những tháng tới. Tại Việt Nam, đã triển khai các giải pháp rất đồng bộ, đặc biệt là yêu cầu đeo khẩu trang, kể cả khẩu trang vải và khẩu trang ngăn giọt bắn của Việt Nam sản xuất; thực hiện truy vết theo các bệnh hiệu quả cả trường hợp F1, F2… Lực lượng công an, y tế, chính quyền cùng với hỗ trợ của công nghệ thông tin đã thực hiện rất tốt; tiếp theo là cách ly xã hội... Các giải pháp kết hợp với nhau giúp Việt Nam kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh.

Tới đây, "sau khi Chỉ thị 16 hết hiệu lực, Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19 sẽ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ có một Chỉ thị mới, với tinh thần thực hiện nghiêm các giải pháp Việt Nam đã triển khai, đặc biệt là đeo khẩu trang và giữ khoảng cách khi tiếp xúc, tăng cường các biện pháp truy vết. Với việc thực hiện giãn cách xã hội, sẽ đề nghị Thủ tướng các quy định chi tiết, cụ thể hơn trong đó tính đến yếu tố từng địa bàn, các nhóm đối tượng, các ngành nghề sản xuất kinh doanh..." - Phó Thủ tướng nói.

Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia dịch bệnh Covid-19 cũng nhấn mạnh: Tình hình vẫn đang trong tầm kiểm soát nhưng các nguy cơ lây lan trong cộng đồng vẫn thường trực. Tùy vào tình hình dịch bệnh, Việt Nam sẽ có biện pháp tiếp theo sau ngày 15/4.

Thảo Hương

Tin cùng chuyên mục

Chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi, ứng phó với vấn đề già hoá dân số

Chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi, ứng phó với vấn đề già hoá dân số

(PNTĐ) - 790 người cao tuổi phường Bồ Đề được hướng dẫn bài thể dục tránh ngã. Đây là chương trình thuộc dự án "Hỗ trợ dự phòng chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi, ứng phó với vấn đề già hoá dân số áp dụng mô hình Tsuyama" (JICA). Dự án đã góp phần nâng cao nhận thức về già hóa dân số, trách nhiệm và nghĩa vụ của cá nhân, gia đình và cộng đồng trong việc chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.