Nguy cơ dịch bệnh vẫn hiện hữu, người dân không được chủ quan

Chia sẻ

Liên tiếp những ngày gần đây, số ca mắc Covid-19 có xu hướng giảm dần. Đây là một tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, người dân không được chủ quan bởi nguy cơ dịch bệnh trong cộng đồng vẫn hiện hữu. Nếu lơ là, bất cứ lúc nào, bất cứ ai cũng có thể bị nhiễm và thành nguồn lây bệnh.

Rủi ro khó lường từ những “ổ dịch” tiềm ẩn trong cộng đồng

Thực tế cho thấy, những ngày qua, dù số ca mắc Covid-19 mỗi ngày thấp hơn hẳn so với số người được công bố khỏi bệnh, nhưng tính chất phức tạp của các ca bệnh lại có sự gia tăng, chủ yếu là lây nhiễm trong cộng đồng và gây ra không ít rủi ro, hệ lụy.

Phun khử trùng, khử khuẩn tại thôn Hạ Lôi, Mê Linh, Hà Nội.Phun khử trùng, khử khuẩn tại thôn Hạ Lôi, Mê Linh, Hà Nội.

Đơn cử như ổ dịch ở thôn HạLôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh, Hà Nội, liên quan đến ca bệnh số 243 (nam giới, 47 tuổi) - trường hợp đầu tiên được phát hiện và công bố mắc Covid-19 tại đây (ngày 6/4) đã có 63 y, bác sĩ của BV Phụ sản Hà Nội; hàng trăm người dân Hạ Lôi; ít nhất 270 người ở quận Bắc Từ Liêm là F1, F2, F3 của bệnh nhân này, trong đó có Phó Công an phường Đông Ngạc, khiến toàn bộ công an phường phải thực hiện cách ly, giám sát sức khỏe tại nhà. 

Ngày 7/4, do xuất hiện thêm các ca nghi mắc mới, thành phố quyết định phong tỏa toàn bộ thôn Hạ Lôi với hơn 10.800 nhân khẩu; Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội cũng tiến hành lấy mẫu xét nghiệm tất cả người dân trong thôn. Tới sáng 13/4 (chỉ sau 8 ngày), địa phương này đã ghi nhận tổng cộng 10 ca mắc Covid-19. Đáng nói, tất cả các trường hợp trên đều là lây nhiễm trong cộng đồng, đến nay vẫn chưa xác định được nguồn lây. Trong khi đó, nhiều bệnh nhân do không biết mình mắc bệnh nên vẫn sinh hoạt bình thường, di chuyển nhiều nơi như: chợ hoa, bệnh viện, đi làm tại khu công nghiệp...

Trước đó, ca bệnh 251 (nam giới, 64 tuổi, trú tại Bình Lục, Hà Nam, kéo theo hơn 600 F1, F2); hay ổ dịch tại công ty Trường Sinh (BV Bạch Mai) với tổng cộng 45 ca mắc, khiến toàn bộ BV Bạch Mai phải cách ly, đồng thời hàng ngàn bệnh nhân liên quan phải theo dõi, lấy mẫu xét nghiệm… cũng chưa xác định được nguồn lây.

Đa số người mắc Covid-19 dạng nhẹ hoặc không có triệu chứng

Theo TTƯT.PGS.TS Nguyễn Huy Nga, từ những ổ dịch nêu trên khiến nhiều nhà dịch tễ đặt ra giả thiết rằng, trong cộng đồng hiện vẫn còn một số người mang virus SARS-CoV-2 nhưng chưa được phát hiện và công bố mắc bệnh. Họ vẫn đang sinh hoạt, đi lại bình thường trong xã hội. Dù họ không có biểu hiện bệnh, hoặc triệu chứng rất nhẹ, chỉ như cảm cúm thông thường, nhưng những nguồn bệnh này vẫn có khả năng phát tán virus và lây truyền bệnh ra bên ngoài.

BSBV BBV Bạch Mai kiểm tra thân nhiệt, yêu cầu rửa tay sát khuẩn mọi trường hợp ra vào bệnh viện.  (Ảnh: T.H)

“Theo nghiên cứu có khoảng 80% người bị nhiễm Covid-19 dạng nhẹ hoặc không có triệu chứng; trong đó khoảng 25% người hầu như không có triệu chứng gì, như người khoẻ mạnh. Bản thân những người này do cơ thể có sức đề kháng tốt, có thể chống lại được bệnh nên không có biểu hiện. Tuy nhiên, vì đã có virus SARS-CoV-2 trong người nên khi họ ho, hắt hơi hoặc khạc nhổ… virus vẫn phát tán ra môi trường bình thường” - PGS.TS Nguyễn Huy Nga lý giải.

Hiện nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng vẫn còn tiềm ẩn. “Lúc này, chúng ta không thể làm xét nghiệm huyết thanh, xác định Covid-19 cho tất cả mọi người dân trên cả nước nên chưa đánh giá được tỷ lệ mắc trong cộng đồng như thế nào. Tỷ lệ này có thể rất thấp, hoặc cũng có thể không còn trường hợp nào lây nhiễm khác chưa được phát hiện… Nhưng vì đã có hiện tượng lây lan trong cộng đồng, tức không loại trừ khả năng bất cứ ai cũng có thể bị lây chéo… nên mọi người phải cảnh giác, giữ gìn và tuyệt đối không được chủ quan, lơ là trong phòng bệnh” - PGS.TS Nga cho biết.

Cụ thể, PGS.TS Nga khuyến cáo người dân chủ động, tuân thủ các biện pháp về giãn cách xã hội, đeo khẩu trang khi giao tiếp hay ở nơi công cộng, vệ sinh tay sạch sẽ bằng dung dịch xà phòng… “Thời gian này, người già trên 60 tuổi vẫn không nên ra ngoài nhiều. Người trẻ cũng không được chủ quan, bởi dịch Covid-19 không loại trừ bất cứ ai”. Xét về mặt y học, dịch bệnh Covid-19 là phản ứng của virus xâm nhập, nên sẽ phụ thuộc vào thể trạng mỗi người. Kể cả những người trẻ tuổi khi mắc cũng có thể biểu hiện, biến chứng rất nặng.

Theo thông tin từ Bộ Y tế, tính tới 6h ngày 14/4, toàn quốc ghi nhận 265 trường hợp mắc Covid-19, trong đó 146 người đã được công bố khỏi bệnh. Trong tổng số 119 ca bệnh đang điều trị tại 14 bệnh viện, 9 ca đã có kết quả xét nghiệm lần 1 âm tính với SARS-CoV-2, 23 ca có xét nghiệm âm tính lần 2.

Hiện trên cả nước có 75.291 người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được cách ly, theo dõi sức khỏe (713 người cách ly tập trung tại bệnh viện, 15.564 người cách ly tập trung tại cơ sở khác, 59.014 người cách ly tại nhà, nơi lưu trú).

 Thảo Hương 

Tin cùng chuyên mục

5 loại rối loạn hoang tưởng nhiều người thường bị

5 loại rối loạn hoang tưởng nhiều người thường bị

(PNTĐ) - Theo ThS.BSNT Nguyễn Thị Hoa - Phòng rối loạn loạn thần và y học tự sát, Viện Sức khoẻ tâm thần (BV Bạch Mai) cho biết, hoang tưởng là tình trạng một người suy nghĩ, phán đoán sai lầm, ko phù hợp với thực tế, do bệnh lý tâm thần gây ra, không thể giải thích, đả thông được.
Kỹ năng sơ cứu tai nạn thường gặp

Kỹ năng sơ cứu tai nạn thường gặp

(PNTĐ) - Theo BS Ngô Đức Hùng - Trung tâm Cấp cứu A9 (BV Bạch Mai), sơ cấp cứu là hành động trợ giúp và chăm sóc ban đầu đối với người bị nạn ngay tại hiện trường; sử dụng phương tiện, dụng cụ có sẵn tại chỗ, khi chưa có sự hỗ trợ của nhân viên y tế; mọi người đều có thể tham gia (được đào tạo – sẵn sàng tham gia).
Sự cố y khoa tại BV Thu Cúc: Bộ Y tế nói gì?

Sự cố y khoa tại BV Thu Cúc: Bộ Y tế nói gì?

(PNTĐ) - Liên quan đến sự cố y khoa trường hợp tử vong thai nhi là con chị Trần Ngọc Diệp khi đến khám thai và sinh con tại Bệnh viện đa khoa Quốc tế Thu Cúc tháng 3/2024, Bộ Y tế vừa có công văn yêu cầu đơn vị thực hiện giải quyết sự cố y khoa nêu trên theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.