Nguy cơ lây lan của BN22 ở Đà Nẵng dương tính trở lại sau khi xuất viện như thế nào?

Chia sẻ

Chiều tối 13/4, Sở Y tế thành phố Đà Nẵng có Công văn khẩn gửi Bộ Y tế về việc bệnh nhân Covid-19 số 22 dương tính với virus SARS-CoV-2 sau khi xuất viện.

Trước đó,ngày 01/3, BN22 đi trên chuyến bay VN0054 của Vietnam Airline (cùng chuyến bay với BN17 mắc COVID-19 tại Việt Nam), nhập cảnh vào Việt Nam ngày 02/3, đáp chuyến bay VN163 đến thành phố Đà Nẵng vào lúc 10h20 phút cùng ngày (đi cùng với bạn là bệnh nhân số 23).

BN22 thời điểm xuất viện.BN22 thời điểm xuất viện tại BV Đà Nẵng

Ngày 07/3, sau khi ghi nhận thông tin về BN17 mắc bệnh COVID-19 tại Việt Nam, Sở Y tế thành phố Đà Nẵng đã lập tức chỉ đạo các đơn vị tiến hành điều tra, giám sát, lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp có liên quan đến BN17 trên bàn thành phố, trong đó có BN22. Ngày 08/3, kết quả xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố: (+) với vi rút SARS-CoV-2. Kết quả xét nghiệm khẳng định bằng phương pháp RT-PCR của Viện Pasteur Nha Trang: (+) với vi rút SARS-CoV-2.

Từ ngày 08/3 đến nay, có 147 trường hợp tiếp xúc gần, 186 trường hợp tiếp xúc gần với người tiếp xúc gần với bệnh nhân được điều tra giám sát. Trong đó có 01 trường hợp dương tính (BN35 tại Việt Nam và là bệnh nhân thứ 3 tại thành phố Đà Nẵng), tất cả các trường hợp còn lại đều có kết quả xét nghiệm âm tính với vi rút SARS-CoV-2 và không có biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh.

Quá trình điều trị, xuất viện và cách ly y tế sau xuất viện: Bệnh nhân được vận chuyển đến BV Đà Nẵng để được cách ly, theo dõi và điều trị vào ngày 08/3 đến ngày 27/3. Trong quá trình điều trị tại BV Đà Nẵng, bệnh nhân có mạch, nhiệt, huyết áp ổn định, không sốt, không ho, không khó thở, ăn uống bình thường, tinh thần ổn định. Kết quả X-Quang phổi bình thường vào các ngày 08/3 và 12/3, các xét nghiệm chức năng gan, thận bình thường. Bệnh nhân được xét nghiệm 03 lần vào các ngày 19/3; 23/3; 25/3 và 03 lần đều cho kết quả âm tính với vi rút SARS-CoV-2.

Từ ngày 27/3 đến ngày 10/4 có 43 người khác đang được cách ly y tế tại khách sạn Sam Grand cùng với bệnh nhân. Trong suốt quá trình cách ly, bệnh nhân không tiếp xúc với ai. Mỗi người cách ly y tế được bố trí 1 phòng riêng, đảm bảo các quy định về cách ly y tế tại nơi lưu trú. Lập danh sách, lấy mẫu xét nghiệm 23 cán bộ y tế, nhân viên phục vụ tại khách sạn Sam Grand, lái xe đưa bệnh nhân từ khách sạn đến sân bay. Kết quả xét nghiệm: 23/23 mẫu âm tính với SARS-CoV-2.

Theo quy định của Bộ Y tế tại Quyết định số 322/QĐ-BYT ngày 06/02/2020 và Quyết định số 1344/QĐ-BYT ngày 25/3/2020 hướng dẫn chẩn đoán và điều trị viêm đường hô hấp cấp do SARS-CoV-2 (COVID-19), bệnh nhân được xuất viện vào ngày 27/3 (sau 20 ngày điều trị) vì thỏa mãn các điều kiện: Hết sốt ít nhất 3 ngày; Các triệu chứng lâm sàng cải thiện, toàn trạng tốt, các dấu hiệu sinh tồn ổn định, chức năng các cơ quan bình thường, xét nghiệm máu trở về bình thường, X-quang phổi cải thiện; Có ít nhất hai mẫu liên tiếp bệnh phẩm dịch đường hô hấp (dịch tỵ hầu và họng), lấy mẫu cách nhau ≥ 24 giờ, xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2.

Sau đó, bệnh nhân được tiếp tục cách ly tập trung 14 ngày tại khách sạn Sam Grand (cơ sở cách ly tập trung do UBND thành phố Đà Nẵng ban hành Quyết định thành lập) theo quy định của Bộ Y tế. Trong suốt quá trình cách ly, BN22 chỉ ở trong phòng 1006, không ra ngoài và không tiếp xúc với ai, hàng ngày được nhân viên theo dõi sức khỏe, kiểm tra thân nhiệt và cung cấp thức ăn.

Sáng 10/4, bệnh nhân có trạng thái sức khỏe bình thường, đủ điều kiện hoàn thành cách ly y tế theo dõi sau khi xuất viện. Bệnh nhân được khách sạn thuê xe ô tô chở đến Sân bay Quốc tế Đà Nẵng, đáp chuyến bay vào TP Hồ Chí Minh trên chuyến bay VN 125 để quá cảnh trở về nước. Tuy nhiên, khi xét nghiệm tại Sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) lại cho kết quả BN22 dương tính với với virus SARS-CoV-2.

Theo PGS.TS Nguyễn Huy Nga - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế): "Trường hợp này có hai khả năng, một là bệnh nhân này vẫn chưa hết virus trong người; Hoặc là phải kiểm tra lại phương pháp xét nghiệm của hai bên cả ở Đà Nẵng và TP.HCM. Bởi xét nghiệm virus còn phụ thuộc nhiều yếu tố như: lấy mẫu, sai số, lấy mẫu ở điểm nào, người lấy mẫu, vận chuyển mẫu...".

Về nghi ngờ bệnh nhân này có thể tiếp tục lây nhiễm cho những người khác, PGS.TS Nguyễn Huy Nga cho rằng điều này hầu như không có. Bởi, giả sử trong trường hợp bệnh nhân này còn sót lại một ít virus thì nó cũng đã suy yếu, không có khả năng gây bệnh. Còn về một số ý kiến cho rằng đây là chủng mới của virus, ông Nga cho rằng khả năng này là rất ít bởi trên thực tế ở một số nước vẫn có những trường hợp cho kết quả dương tính trở lại. "Tuy nhiên, qua ghi nhận chưa thấy báo cáo này nói về việc những người này gây bệnh trở lại cả" - PGS.TS Nga thông tin.

Sau khi nhận được thông tin về trường hợp BN22 Sở Y tế thành phố Đà Nẵng đã chủ động triển khai các biện pháp: Rà soát lại quá trình phát hiện, giám sát các trường hợp liên quan, quá trình điều trị, cách ly y tế sau khi xuất viện đối với bệnh nhân, toàn bộ quá trình đều được ngành y tế Đà Nẵng phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện đúng quy định.

Yên Hưng

Tin cùng chuyên mục

Hội nghị quốc tế về “Quản lý đường thở WAAM” lần đầu tổ chức tại Đông Nam Á

Hội nghị quốc tế về “Quản lý đường thở WAAM” lần đầu tổ chức tại Đông Nam Á

(PNTĐ) - Hội nghị WAAM kéo dài 2 ngày, với phiên 6 làm việc, được tổ chức ngày 13/4 tại BVĐK Hồng Ngọc và ngày 14/4 tại BV Hữu Nghị Việt Đức, thu hút gần 600 y bác sĩ tham dự trực tiếp và 1000 bác sĩ tham dự trực tuyến. Tại Hội nghị, các khách mời đã được nghe một số tham luận tính thực tiễn cao như: Quản lý đường thở của u thanh quản, Đánh giá trước phẫu thuật đường thở khó, Hiệu quản dự trữ oxy, Rút ống nội khí quản khó, Đường thở khó ở trẻ em...