Người đàn ông kiểu phân phát

Chia sẻ

Trong cuộc sống, có những kiểu đàn ông keo kiệt đến mức phát tiền cho vợ đi chợ, cũng có những người ở nhà ki bo, ra đường hào phóng. Lại có người chả chơi với ai, chỉ chăm chăm giữ tiền… Nói chung là, đàn ông ki bo cũng có rất nhiều thể loại.

Người “cất tiền”

Ông bà Hồng sẽ sống vui tuổi già với mười mấy triệu tiền lương hưu nếu không có sự tính toán quá kỹ của ông Hồng. Mấy người con khuyên ông bà, đến tuổi này rồi, giờ ông bà cứ vui vẻ, muốn ăn gì thì ăn, muốn chơi gì thì chơi, nếu thiếu thì các con sẽ thay nhau chu cấp. Mà xung quanh đấy, không phải cụ nào cũng có lương hưu cao như hai ông bà đâu. Vậy nhưng, nhà ông Hồng lại là căn nhà xộc xệch, cũ kỹ nhất, kín cổng cao tường nhất và dường như lúc nào cũng khóa trái. Ông bà chả đi đâu, chả chơi với ai, và chỉ đi chợ vào buổi trưa – khi mà chợ đã tan, chỉ còn hàng hóa ế, bán tống bán tháo cho nhanh để còn về kịp chợ chiều…

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Ông Hồng giữ luôn tiền lương của vợ. Mỗi ngày, ông đưa cho bà hai, ba chục nghìn để bà mua thức ăn cho hai người. Ông bảo chỉ cần đưa vậy thôi, vì tủ lạnh đã chất đầy thịt, cá các loại do các con gửi rồi. Bà Hồng chỉ đi mua thêm rau, hay hoa quả cho đầy đủ bữa cơm mà thôi. Trước đây thì không sao, nhưng vật giá leo thang từng ngày, rồi lại có lúc con cái bận rộn quên chưa gửi đồ ăn kịp đến bố mẹ, thì bà cũng phải mua thịt, mua cá ngoài chợ chứ. Vậy nên hai, ba chục đâu có đủ. Rồi tính bà lại thích ăn vặt, bà cũng phải chiều mình một chút chứ. Nhưng ông Hồng vẫn chỉ đưa từng ấy tiền.

Thiếu tiền tiêu trong khi có lương hưu hẳn hoi, bà Hồng cầu cứu tới các con. Trong buổi họp gia đình, anh con cả đề nghị ông Hồng đưa lương hưu của bà Hồng để bà được tiêu pha thoải mái. “Từng này tuổi rồi, ông tiếc cái gì nữa mà còn giữ lấy tiền khư khư như vậy? Bà sống với ông cả đời rồi, là vợ ông đấy chứ có phải người ngoài đâu mà ông tiếc từng đồng với vợ? Người ngoài nhìn vào mà thấy, người ta không cười ông bà đâu, người ta cười chúng con đây này!”.

Nhưng ông Hồng vẫn nhất quyết không đưa tiền cho vợ. Ông viện cớ là bà hay ăn vặt, “đưa tiền là bà sẽ tiêu hết, ăn mấy thứ đó thì không tốt cho sức khỏe của bà. Với cả, bà già rồi, có đi đến đâu đâu mà phải cầm tiền. Cầm thì lại rơi…”.

Khuyên mãi không được cũng chán, các con lại ai về nhà nấy. Vì thế mới có chuyện, túng thiếu quá nên bà Hồng phải lấy trộm tiền trong ví các con, cháu, khi họ đến nhà ông bà chơi. Vì chủ quan, cứ để túi xách lung tung trong phòng khách rồi vào bếp nấu cơm, nên bà Hồng tranh thủ mở ví các con lấy bớt đi ít đồng. Cái tính tắt mắt ấy, chưa một ai biết nên bà càng thừa cơ làm tới. Bà có thêm tiền, không thấy kêu ca về ông nữa nên các con mới nghi ngờ. Người phát hiện ra là đứa cháu nội mới 6 tuổi. Nó nhìn thấy cảnh đó thì gọi mẹ ầm ĩ: “Mẹ ơi bà lấy tiền trong túi mẹ này!”. Cô con dâu vội vã chạy ra, bà Hồng chưa kịp trở tay bỏ lại tiền vào ví. Cả hai bên ngượng nghịu, con không dám trách mẹ mà mẹ thì lảng đi như chưa có gì. Chỉ đến khi tình trạng này ngày một trầm trọng, bà Hồng lấy trộm tiền các con nhiều quá, ông Hồng bực mình, xấu hổ thay, ngày càng thắt chặt chi tiêu của bà.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Trách bà Hồng nhưng người đáng trách nhiều hơn phải là ông Hồng. Cấm cản vợ tiêu tiền, ông cũng chính là nguyên nhân để bà phải đi chợ buổi trưa cho rẻ. Đường vắng, cái dáng đạp xe liêu xiêu của bà giữa nắng trưa sao mà thấy tội! Một thanh niên đi xe máy ngược chiều với tốc độ cao đâm sầm vào bà! Vậy là bà nằm liệt giường mấy tháng. Dạo ấy, bạn bè của ông bà, của con cái tới thăm, biếu bà tiền, bà nhanh tay giấu vội, không để ông biết.

Người đàn ông giỏi toán

Cái tính ki bo, bủn xỉn dường như chẳng trừ ai, chẳng trừ độ tuổi nào. Già như ông Hồng cũng có mà trẻ như anh Tân cũng không phải vừa. Anh Tân mở được công ty, lương cũng đến năm, bảy chục triệu mỗi tháng, nhưng đi triền miên. Vợ anh đành bỏ công việc ở công ty nước ngoài về làm văn phòng, lương chỉ bằng 1/10 anh, nhưng có thời gian chăm con cái. Quan điểm trong cuộc sống vợ chồng của anh Tân là, không cần biết vợ có bao nhiêu tiền, cả hai đều phải đóng góp sinh hoạt phí. Các khoản quà cáp ngày lễ, anh sẽ “cung cấp” đủ!

Anh Tân bảo rằng, làm vậy để vợ không tiêu hoang tiền vào những thứ linh tinh được, có trách nhiệm với gia đình. Nghe thì có vẻ hơi “tây tây”, bình đẳng thật đấy nhưng vợ anh – chị Hòa không chịu được. Vì ở Tây làm gì có chuyện vợ hy sinh công việc lương cao để về chăm con đâu. Tại sao chị lại không được có thêm khoản phí “hy sinh” đó? Chị nói với chồng, anh bảo: “Em không giỏi toán bằng anh đâu!”.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Mà đúng thế thật. Anh Tân tính toán giỏi, anh luôn sắp xếp mọi thứ để được có lợi cho anh nhất, những người khác chỉ là thứ yếu. Hai vợ chồng chưa có nhà riêng, đang ở ké nhà chị gái ruột, nhưng anh Tân cũng không muốn sắm sửa thêm gì, dù anh cũng sẽ dùng đấy! Thành thử, nhà chị gái mua đã lâu, đồ đạc nhiều thứ chật chội không đủ cho từng ấy người lớn sử dụng, mua mới cũng không là gì so với tiền lương anh Tân kiếm được, nhưng anh cũng mặc kệ. Bạn thân anh đến chơi, góp ý thì anh bảo: “Kiểu gì nay mai tớ chả dọn đi, mua làm gì cho phí!”.

Hễ mua gì về nhà là anh đều ghi vào sổ. Chị Hòa hỏi thì chồng bảo đó là cách để quản lý chi tiêu. Có những hôm phải trả tiền điện nước mà không có tiền lẻ, chị Hòa phải mượn tạm chồng. Thế rồi anh cũng không quên ghi vào sổ, bảo rằng để chờ chị gái về rồi chia ra… Trong khi, ở cùng nhà, chị gái không hề đòi hỏi vợ chồng anh một khoản phí nào…

Càng ngày, chị Hòa càng thấy bất ổn vì tính rạch ròi của chồng. Trộm vía, anh làm ăn ngày càng phát đạt, nhưng cái tính rộng rãi xưa kia của anh đã biến đi đâu mất rồi. Mà chỉ biến mất khi anh ở nhà thôi, chứ anh mua quần áo, khao đãi bạn bè thì vẫn cứ là thoáng không tưởng! Có những lúc cô hết tiền, khi đi khám bệnh sợ không đủ tiền thuốc, Hòa mượn chồng vài ba triệu, khám bệnh xong không dùng đến số tiền đó, cô nên trả lại anh trước khi anh mở lời “đòi”. Hòa cảm giác sự phân biệt rạch ròi “tiền anh tiền em” của chồng đang làm tình cảm vợ chồng sứt mẻ, mà chi tiêu riêng như thế sao có thể gọi là gia đình được. Khi đề cập lại chuyện này thì anh Tân chỉ ậm ừ cho qua.

Con lớn, nhiều khoản phải chi tiêu hơn, chị Hòa hỏi chồng đưa thêm thì anh nói vợ chồng bình đẳng, việc nhà cùng làm thì đóng góp tiền cũng phải công bằng. “Anh thấy mỗi tháng hai vợ chồng với con tiêu hơn 10 triệu là đủ rồi, đừng đòi hỏi thêm ở anh”. Nghĩa là, anh có tiền cũng không đưa thêm cho chị.

Bí bách quá, chị Hòa quyết định để con đi học nhà trẻ sớm rồi đi làm lại ở công ty cũ. Anh Tân phản đối quyết liệt, cho rằng “vì mấy đồng bạc mà cô không chịu chăm con tôi tử tế”. Hai người cãi nhau dữ dội quá, chuyện về đến tai hai bên nội ngoại ở quê. Dù đã xuôi xuôi, chấp nhận chịu thêm vài tháng để chăm con cho qua thời điểm dịch, nhưng chị Hòa vẫn nung nấu ý chí sẽ kiếm thật nhiều tiền như trước, để không phải ngửa tay xin chồng theo cái kiểu bố thí, “để con cái nhìn vào mà thấy mẹ nó cũng không phải kẻ ăn bám!”.

P.Chi

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.