Chóng váng cú điện thoại giữa trưa

Chia sẻ

“Chị có phải là mẹ cháu Thư không? Tôi là mẹ cháu Vũ. Tôi muốn gặp chị để cùng bàn bạc giải quyết vấn đề của hai cháu”. Giờ nghỉ trưa hôm đó, chị bỗng nhận được điện thoại từ một số máy lạ. Đầu dây bên kia nói xong, chị đinh ninh là người phụ nữ gọi nhầm người.

Chị đáp: “Xin lỗi, tôi không hiểu chị đang nói gì. Phiền chị tôi phải dập máy”.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Nhưng chỉ độ vài phút sau, máy điện thoại lạ lại gọi tới. Chị miễn cưỡng nghe, nhưng phủ đầu luôn: “Chị vẫn nhầm máy rồi. Lần sau chị kiểm tra lại số điện thoại rồi hãy gọi, đừng phiền giờ nghỉ trưa của người khác”. Rồi chẳng đợi bên kia trả lời, chị lại dập máy luôn.

“Tít, tít”. Điện thoại của chị hiện lên dòng tin nhắn: “Thưa chị, tôi không gọi nhầm số. Tôi gọi để bàn việc có liên quan đến con chị. Nhưng, nếu chị vẫn không hợp tác thì thôi. Sau này, con chị có việc gì thì chị tự chịu trách nhiệm”.
Chị đọc tin xong, bỗng thấy gờn gợn trong lòng. Lúc nãy, người phụ nữ hỏi chị có phải là mẹ cháu Thư không? Mà Thư thì đúng là tên con gái chị. Lẽ nào, chị ấy không gọi điện nhầm?

Chị liền gọi điện lại, rất may người ở đầu dây bên kia không cáu giận mà thông cảm cho sự nóng vội của chị. Sau đó, qua kể lại của người mẹ, chị được biết con gái mình đang có quan hệ tình cảm với con trai chị ấy. Việc cần làm của hai người mẹ bây giờ là giúp đỡ, định hướng để hai đứa trẻ không đưa chuyện tình cảm đi quá giới hạn.

Điện thoại tắt rồi, chị vẫn không tin vào tai mình. Con gái chị đã biết yêu ư? Không thể. Chị vẫn thấy nó trẻ con lắm. Lẽ nào, ở cùng nhà mà chị lại không nhận ra sự thay đổi ở con, phải đợi tới người ngoài thông báo.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Theo lời hẹn, ngày hôm sau, chị đến gặp người phụ nữ đã gọi cho chị. Chị lại càng sốc hơn nữa khi người phụ nữ cho chị xem các bức ảnh hai đứa chụp chung với nhau. Trong ảnh, con gái chị ăn mặc sành điệu, tô son, điểm phấn như thể là con gái nhà giàu. Trong khi, gia đình chị không khá giả như vậy.

- Em đang không biết con gái chị lấy đâu tiền để mua sắm như vậy? Thi thoảng, con trai cũng xin em tiền, nhưng số tiền em cho không đủ để nó đưa con bé đi mua quần áo, phụ kiện. Em nói vậy, chị xem xét nhé…

- Vâng, cảm ơn chị. Nhưng quả thực, ở nhà, con gái tôi rất giản dị, ăn mặc tềnh toàng. Tôi cũng chẳng bao giờ cho con nhiều tiền để tiêu pha. Không lẽ có sự nhầm lẫn gì ở đây? - chị đáp

- Em nghĩ là không nhầm đâu chị. Thế nên, chị cần biết để sát sao con hơn. May mà thằng bé Vũ nhà em còn dễ nắm bắt. Giờ, em với chị bàn xem sẽ định hướng hai đứa như thế nào. Em không khuyến khích chúng nó yêu nhau ở tuổi này, nhưng nếu ngăn cấm thì dễ nảy sinh tiêu cực. Mình phải vừa khuyên giải, vừa chỉ dẫn cho chúng nó chị ạ…

Chị trở về nhà, trong trạng thái hoang mang, mất phương hướng. Lâu nay, chị cứ nghĩ mình đã làm tròn trách nhiệm của người mẹ. Chị yêu và hy sinh tất cả cho con. Hóa ra, chị lại đang đứng bên lề cuộc sống, suy nghĩ của con.

Chị là một bà mẹ đơn thân nuôi con. Người đàn ông chị từng gọi là chồng đã phản bội chị, có người phụ nữ ở bên ngoài. Sau khi phát hiện sự thật, chị đã lập tức ly hôn. Chị nhận nuôi con mà không cần anh ta phải đóng góp gì. Sau đó, chị bán nhà, chuyển đi thành phố khác sinh sống để đoạn tuyệt với quá khứ.

Lúc đó, chị tự tin mình có thể sống tốt. Chị có năng lực, chăm chỉ, chịu thương chịu khó, không lẽ nào không thể kiếm ra tiền nuôi thân, nuôi con. Dù có vất vả đến đâu, chị cũng chấp nhận còn hơn là sống chung nhà với người đàn ông bội bạc. Thế nhưng, khi phải một mình sinh tồn, chị mới thấy mọi việc không hề đơn giản. Con gái mỗi ngày mỗi lớn, ngoài ăn uống ra còn phải lo cho nó học hành. Mà chị thì không thể nào tạm bợ, khuất mắt trông coi, nuôi con sao cũng được. Chị không muốn con lớn lên thiệt thòi, thiếu thốn so với con nhà người ta.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Đó là lý do chị lao vào làm việc tối ngày. Ngoài công việc cơ quan, chị còn nhờ bạn bè móc nối các việc làm thêm.

Chị luôn tin tưởng con chị sẽ hiểu nỗ lực của chị. Mà thực tế, như chị quan sát, nó khá ngoan ngoãn, hiểu chuyện. Nó không bao giờ phàn nàn việc chị thường xuyên vắng nhà. Đến bữa, nó tự giác nấu cơm, sau đó nhẫn nại chờ chị về để mấy mẹ con cùng ăn. Dạo gần đây, sợ con đói nên chị nói con cứ ăn trước. Từ đó, bữa cơm của hai mẹ con bị chia đôi.

Chị gần như chỉ gặp con vài phút chóng vánh mỗi ngày khi trời đã về khuya. Chị chỉ kịp hỏi thăm xem con thế nào, có gì khó khăn không? Nghe câu trả lời của con luôn là không, chị yên tâm đi nghỉ. Giấc ngủ của chị mê mệt, sau một ngày dài mệt mỏi. Và rồi sáng hôm sau, chị lại là người ra khỏi nhà trước con. Chị để cho con một ít tiền lẻ ở trên bàn. Không cần mẹ dặn, con chị nhìn thấy số tiền đó là biết ý chị dặn con tự đi mua ăn sáng rồi lại tự đến trường.

Với chị, con gái hãy còn nhỏ, nên chỉ cần được mẹ lo cho mái nhà khang trang, bữa cơm đủ chất. Hai năm gần đây chị vì bận bịu mà không có thời gian đi họp phụ huynh cuối năm cho con. Nhưng, qua điểm số con nhận về, chị thấy cũng không tệ. Thế nên chị lại càng yên tâm.

Chị đã không biết rằng, con gái chị đã lớn và cần nhiều hơn những gì chị đã mang tới cho con. Ngoài số quần áo chị mua cho con mặc, nó còn có rất nhiều quần áo mới để diện khi đi cùng bạn trai. Nó cũng chẳng cần lo chị phát hiện ra bởi chị đâu có nhà. Mỗi tối, chỉ cần con về trước chị là mọi việc lại đâu vào đó. Chị cũng không nghĩ, để có tiền tiêu pha, con đã đã lấy trộm từ trong túi của chị. Còn chị, thì chỉ mải miết làm chứ chẳng bao giờ đếm xem mình còn bao nhiêu tiền. Thi thoảng cảm thấy tiền trong ví bị thiếu hụt, chị lại tự trấn an chắc là mình đãng trí, đã tiêu gì đó mà không nhớ ra. Và chị cũng không hình dung ra, con gái chị đã cảm mến bạn khác giới. Nó chẳng từng chia sẻ với chị vì chị có quá ít thời gian dành cho con.

May chị đã được thông báo kịp thời về con trước khi mọi việc diễn tiến quá xa. Từ nay, chị sẽ không lao vào kiếm tiền rồi để mặc con tự xoay vần. Chị sẽ để tâm đến con hơn vì với chị, mất con là mất tất cả, dù chị có giàu có đến cỡ nào.

Nguyễn Thị Hương

Tin cùng chuyên mục

Giữ lại những bữa cơm chung

Giữ lại những bữa cơm chung

(PNTĐ) - Tôi sinh năm 1972, thuộc thế hệ 7x – thế hệ giao thời giữa cũ và mới. Chúng tôi lớn lên trong thời kỳ bao cấp còn nhiều thiếu thốn, nhưng cũng chính vì thế mà càng thấm thía giá trị của gia đình. Trong ký ức tuổi thơ tôi, gia đình là nơi ấm áp và đầy nền nếp.
Nâng cao hiểu biết cho người lao động

Nâng cao hiểu biết cho người lao động

(PNTĐ) - Đa phần công nhân lao động đang làm việc trên địa bàn Thành phố đến từ các tỉnh/thành. Trong bối cảnh thế giới ảo đang có sức hút lớn, kênh giải trí chủ yếu của nhiều công nhân lao động là internet, rất cần có các hoạt động để nâng cao hiểu biết pháp luật, chăm lo đời sống tinh thần, tập hợp, thu hút, định hướng tư tưởng công nhân lao động.