Những ngày tháng 4 lịch sử

Chia sẻ

Cách đây 45 năm, dân tộc ta đã trải qua những ngày tháng 4 đầy ý chí khát vọng với cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, chúng ta đã kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, hoàn thành tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc đi xa: Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Những ngày  tháng 4 lịch sử - ảnh 1

Cách đây 45 năm, cả dân tộc ta đã trải qua những ngày tháng 4 đầy ý chí khát vọng với cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, chúng ta đã kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, hoàn thành tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc đi xa: Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, thu non sông về một mối.

Sáng ngày 31/3/1975, Bộ Chính trị họp mở rộng, hội nghị đã nhất trí với nhận định: "Ta hơn hẳn địch cả về thế chiến lược lẫn lực lượng quân sự, chính trị. Dù Mỹ có tăng viện cũng không thể cứu vãn sự sụp đổ của chế độ Sài Gòn". Bấy giờ, Bộ Chính trị đã khẳng định quyết tâm thực hiện tổng công kích, tổng tiến công trong thời gian sớm nhất, tốt nhất là kết thúc trong tháng 4/1975.

Sau cuộc họp lịch sử ấy cùng với chiến thuật hành động "thần tốc, táo bạo, bất ngờ", chúng ta đã có những mốc lịch sử chiến thắng liên tiếp trong suốt tháng 4. Mở đầu, ngày 1/4/1975, Sư đoàn 320 tiến quân theo đường số 7 cùng với lực lượng vũ trang tỉnh Phú Yên giải phóng thị xã Tuy Hòa. Ngày 2/4, quân ta giải phóng thị xã Bảo Lộc (Lâm Đồng) và tiến quân ra tấn công Đà Lạt. Ngày 3/4, Đà Lạt được giải phóng. Trong cùng thời điểm ngày 2-3/4, thành phố Nha Trang (Khánh Hòa) và Quân cảnh Cam Ranh cũng được giải phóng. Ngày 6/4, Bộ Chính trị công bố quyết định thành lập Bộ Chỉ huy chiến dịch Sài Gòn - Gia Định tại chiến trường miền Nam.

Trước sự tấn công thần tốc của quân ta, ngày 5/4, Tổng thống Ngụy Nguyễn Văn Thiệu đã ra lệnh củng cố khẩn cấp các tuyến phòng thủ, phòng ngự như: tuyến phòng ngự ngoại vi Sài Gòn, tuyến phòng ngự từ xa Phan Rang - Xuân Lộc - Tây Ninh. Ngày 7/4/1975, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng điện khẩn vào chiến trường: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nữa. Tranh thủ từng giờ, từng phút. Xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng”.

Ngày 14/4, Bộ Chỉ huy chiến dịch nhận được điện số 37 TK với nội dung: Bộ Chính trị đặt tên cho chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định là “Chiến dịch Hồ Chí Minh”.

Đến cuối những ngày cuối tháng 4, toàn Đảng, toàn dân ta đã dồn sức cho trận quyết chiến cuối cùng - chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Bộ Tư lệnh chiến dịch xác định 5 mục tiêu quan trọng nhất cần đánh chiếm bằng được gồm: Bộ Tổng tham mưu, Dinh Độc lập, Biệt khu Thủ đô, Tổng nha cảnh sát, sân bay Tân Sơn Nhất.

Bộ Tư lệnh chiến dịch sử dụng cách đánh hết sức linh hoạt, sáng tạo, tiến nhanh theo các trục đường lớn đánh thẳng vào 5 mục tiêu đã được lựa chọn trong nội thành.

Đúng 5 giờ 30 sáng ngày 30/4, quân ta từ 4 hướng đồng loạt tổng tiến công vào Sài Gòn. Tất cả các cầu và đầu mối giao thông quan trọng trong thành phố đã được các đơn vị đặc công đánh chiếm trước và khống chế. Địch chống cự phản kích yếu ớt. 11 giờ 30 phút, ngày 30/4, giây phút lịch sử đã được ghi lại với hình ảnh lá cờ giải phóng được kéo lên cột cờ cao nhất của Dinh Độc lập. 13 giờ 30 cùng ngày, Tổng thống chính quyền Sài Gòn Dương Văn Minh đọc lời tuyên bố đầu hàng không điều kiện chấm dứt chế độ Việt Nam cộng hòa.

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975 đã trở thành "cột mốc vàng" của lịch sử dân tộc, kết thúc toàn thắng cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đồng thời kết thúc vẻ vang cuộc trường chinh 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc (1945-1975), mở ra một kỷ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam.

45 năm sau, hôm nay, phát huy tinh thần cách mạng vẻ vang của dân tộc, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta cũng đang trải qua những ngày tháng 4 lịch sử trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, và khôi phục kinh tế sau đại dịch. Những quyết sách đúng đắn của Chính phủ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng, đồng sức của nhân dân cả nước, chúng ta đã từng bước khống chế được đại dịch trong bối cảnh dịch đang lan rộng và nguy hiểm trên toàn thế giới.

Không khí hào hùng của mốc son lịch sử ngày 30/4 trong những ngày này càng tiếp thêm niềm tin của nhân dân vào Đảng, tiếp thêm sức mạnh để thực hiện các phong trào thi đua chào mừng Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Đồng thời, tinh thần chiến thắng 30/4 lịch sử cũng sẽ tiếp thêm động lực để các ban, ngành, địa phương đưa Nghị quyết Đại hội Đảng vào cuộc sống sau khi đại hội thành công, với thông điệp hành động "thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa", đúng như tinh thần Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng chỉ đạo khi tiến hành Chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 45 năm về trước.

HẠ THI

Tin cùng chuyên mục

Giải đáp những điểm mới về chế độ, chính sách cho người lao động

Giải đáp những điểm mới về chế độ, chính sách cho người lao động

(PNTĐ) -Ngày 24/4, Báo Lao động Thủ đô phối hợp với Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) huyện Đan Phượng tổ chức buổi Đối thoại - giao lưu trực tuyến, truyền thông chính sách năm 2024 với chủ đề "Những điểm mới về chế độ, chính sách cho người lao động"; với sự tham dự của hơn 300 cán bộ công đoàn, đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) huyện Đan Phượng.
Hơn 600 điểm cầu tổ chức tập huấn về Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở

Hơn 600 điểm cầu tổ chức tập huấn về Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở

(PNTĐ) - Sáng 23/4, Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở thành phố Hà Nội phối hợp với Ban Tổ chức Thành ủy tổ chức lớp tập huấn việc thực hiện Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và các Nghị định liên quan bằng hình thức trực tuyến từ điểm cầu Thành ủy đến 610 điểm cầu cơ sở. Đồng chí Đỗ Anh Tuấn, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Thành ủy, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở thành phố dự và phát biểu chỉ đạo.