Tàn sát tình thân vì đất đai

Chia sẻ

Vụ án người cha già bị con trai và cháu ruột chém nhiều nhát trọng thương vì mâu thuẫn đất đai vừa diễn ra tại Phú Yên một lần nữa gióng lên tiếng chuông báo động về sự xuống cấp đạo đức trong gia đình.

Người em tật nguyền Phạm Thanh Tùng trong một phiên tòa tìm lại công lý cho quyền thừa kế của mìnhNgười em tật nguyền Phạm Thanh Tùng trong một phiên tòa tìm lại công lý cho quyền thừa kế của mình.

Nhức nhối án mạng gia đình vì tranh chấp đất đai

Ngày 20/4, ông Đoàn Tám (74 tuổi) trú tại xã An Mỹ, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên đã bị con trai cả Đoàn C.T và cháu ruột Đoàn C.M (con trai ông T) dùng dao chém nhiều nhát gây thương tích nặng. Hồ sơ bệnh án của bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Yên cho thấy ông Tám bị khâu hàng chục mũi với 17 vết thương ở vùng đầu, mặt, ngoài ra còn có một số vết thương khác ở tay trái. Nguyên nhân do con cháu ông không bằng lòng với việc phân chia đất đai trong gia đình.

Nhiều năm nay, ông Tám bị bệnh bướu cổ ác tính. Do chi phí điều trị lớn phải chạy chữa lâu dài nên không còn tiền. Ông Tám quyết định phân chia đất đai cho các con, còn lại bán đi để lấy tiền chữa bệnh. Theo lời ông Tám, khi chia đất cho các con, con trai cả được phần nhiều nhất so với các con còn lại nhưng vẫn muốn đòi thêm một phần nữa. Ông không đồng ý nên bị con trai cả gây khó dễ, tranh chấp phần đất còn lại. Ai đến hỏi mua cũng bị con trai cả ngăn cản. Việc đó khiến ông Tám bức xúc, mâu thuẫn cha con trở nên gay gắt. Đỉnh điểm vào 15 giờ, ngày 20/4, ông Tám sang nhà con trai cả để hỏi chuyện thì xảy ra ẩu đả. Kết quả, ông Tám bị con trai cả và cháu nội chém bất tỉnh. Anh con út của ông vào cứu nguy cha cũng bị chém trọng thương. Nhận thấy việc vụ có dấu hiệu của tội Giết người, ngày 24/4, cơ quan Cảnh sát điều tra công an tỉnh Phú Yên đã tiếp nhận điều tra vụ án.

Đây không phải là vụ việc hi hữu tình thân trong gia đình chém giết nhau do tranh chấp đất đai. Chỉ tính riêng trong năm 2019 đã có rất nhiều vụ án mạng gia đình xảy ra do mâu thuẫn đất đai. Điển hình như ngày 1/9/2019, Nguyễn Văn Đông (53 tuổi, trú tại xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng, Hà Nội) gây ra vụ án kinh hoàng khi ra tay thảm sát cả nhà em trai khiến 4 người tử vong. Nguyên nhân xuất phát từ sự tranh chấp 0,5m chiều ngang đất do người em trai mua ở sát nhà bị cáo Đông. Ngày 12/12/2019, TAND TP. Hà Nội đã tuyên án Tử hình bị cáo Nguyễn Văn Đông về tội Giết người.

Hay vụ án em trai dùng súng bắn chị dâu tử vong, anh trai bị thương nặng xảy ra ở xã Thanh Phú, thị xã Bình Long, tỉnh Bình Phước ngày 19/9/2019. Nguyên nhân vụ án được xác định là do mâu thuẫn trong việc tranh chấp đất đai giữa hai anh em. Vào ngày 28/5/2019, tại huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng cũng diễn ra vụ tranh chấp đất giáp ranh, người chú đã dùng dao đâm cháu ruột và bị cháu đâm lại khiến cả hai đều tử vong sau đó.

Đất đai lâu nay được xem là tài sản có giá trị nhất trong mỗi gia đình. Chính vì nó có giá trị lớn nên việc khẳng định và bảo vệ quyền sở hữu luôn được nhiều người coi trọng. Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là giá trị của tình thân bị không ít người đặt dưới giá trị của tài sản đất đai, khiến ruột thịt tương tàn.

Đạo đức gia đình xuống cấp vì sự ích kỷ, tuyệt đối hóa lợi ích cá nhân

Nhìn lại, các vụ án thảm án, tranh chấp liên quan đến đất đai đã khiến cho đạo đức gia đình bị xuống cấp trầm trọng. Trong các gia đình, cha mẹ, con cái, anh chị em ruột sẵn sàng lôi nhau vào cuộc chiến tranh giành tài sản. Họ có thể đưa nhau ra chốn công đường kiện tụng trong nhiều năm, ra tay sát hại lẫn nhau một cách nhẫn tâm.

Câu chuyện Phạm Thanh Tùng - người em trai tật nguyền do ảnh hưởng chất độc da cam ở huyện Châu Thành (Kiên Giang) thắng kiện 6 anh chị em ruột của mình trong vụ án giữ quyền thừa kế mảnh đất và ngôi nhà cấp bốn ven sông của người mẹ để lại khiến nhiều người day dứt. Day dứt là bởi chỉ vì lợi ích cá nhân mà 6 người anh chị em ruột nỡ tranh giành với người em trai không có khả năng tự kiếm sống nuôi mình. Khi chia tài sản thừa kế, người mẹ đã chia đủ phần cho các con, riêng phần đứa con tật nguyền, bà có ý cho nhiều hơn một chút. Nhưng những đứa con lành lặn khỏe mạnh kia của bà không đồng ý. Họ muốn có phần đất mà đứa con tật nguyền ấy được thừa hưởng. Kết quả, họ đưa nhau ra tòa, kiện đòi đất của em. Trong 4 năm trời kiện tụng, phiên tòa nào, công lý cũng nghiêng về cậu em tật nguyền. Nhưng họ vẫn không chấp nhận tiếp tục kháng cáo lên cấp cao hơn. Lợi ích từ đất đai đã khiến cho những người anh, người chị quyết tâm giành giật với đứa em ruột tật nguyền đáng thương. Người mà lẽ ra, họ còn phải có trách nhiệm cưu mang, đùm bọc, nuôi dưỡng.

Chuyên gia Tội phạm học Đào Trung Hiếu (Bộ Công an) lý giải về hiện tượng tình thân tương tàn vì mâu thuẫn đất đai từ các vụ án mạng gia đình là do xuất phát từ sự ích kỷ cá nhân cao độ, coi trọng giá trị vật chất. Khi thực hiện các hành vi phạm tội, họ đã tuyệt đối hóa giá trị cá nhân, coi nhẹ giá trị đạo đức và giá trị truyền thống gia đình. Chính sự suy thoái nhân cách đã khiến họ vung dao vào người thân của mình.

Theo ông Hiếu, để ngăn ngừa sự xuống cấp đạo đức ấy về mặt xã hội cần có những khung pháp lý để điều chỉnh và tăng cường xây dựng nếp sống gia đình văn hóa. Đồng thời thực hiện đồng bộ các giải pháp giáo dục từ nhà trường, cộng đồng, các cơ sở hòa giải, nâng cao công tác của các ngành chức năng... Khi chính sách đã có thì việc thực hiện phải nghiêm túc, để tăng cường sự yêu thương đoàn kết. Về góc độ gia đình cần có sự nêu gương, nêu cao gia phong, gia đạo, duy trì nề nếp gia đình Việt, xây dựng các tổ chức dòng họ tự quản. Có như vậy, chúng ta mới điều tiết được những xung đột mâu thuẫn trong gia đình, tránh những bi kịch đau lòng.

HẠ THI

 

Tin cùng chuyên mục

Hạnh phúc ngoài dự tính

Hạnh phúc ngoài dự tính

(PNTĐ) - Có 3 người con trai, nhưng ông Sơn - bà Xuân chưa từng thấy hạnh phúc. Anh cả công tác trong ngành quân đội, anh thứ là thợ cơ khí giỏi, anh út là chủ nhà hàng, cả 3 anh đều đã lập gia đình. Trong nhà luôn êm ấm, chưa hề thấy cãi vã. Nhưng điều mà ông Sơn bà Xuân cho là hạnh phúc, ấy là một thằng cháu trai.
Con gái của mẹ đã lớn

Con gái của mẹ đã lớn

(PNTĐ) - Sinh nhật bạn thân, nó rủ tôi: “Hay là đêm nay mày ngủ lại đây luôn với tao. Một năm tao mới có một lần sinh nhật, tội gì mà về sớm. Tý nữa mấy đứa ra ngoài “quẩy” cho đã”.
Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

(PNTĐ) - Lâu nay, một số người thường ngại đề cập tới vấn đề chăn gối vợ chồng, cho rằng đó là chuyện tế nhị, cần được giấu kín. Tuy nhiên, tình dục lại có vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống hôn nhân, thậm chí nhiều cặp vợ chồng chia tay chỉ vì không hòa hợp trong tình dục.