Đại dịch dần qua, nếp sống mới ở lại

Chia sẻ

Dịch Covid-19 như một phép thử, bộc lộ ra nhiều điều khiến chúng ta phải suy nghĩ. Nhiều gia đình đã phải thay đổi thói quen, nếp sống trong gia đình và tìm ra cho mình những lối sống mới để thích nghi.

Đại dịch dần qua, nếp sống mới ở lại - ảnh 1 (Ảnh minh họa)

Từ những nguy cơ trong đại dịch

Có thể thấy rõ, thời gian qua, dịch bệnh Covid-19 đã làm ảnh hưởng tiêu cực đến thói quen hàng ngày, làm xáo trộn cuộc sống, công việc và học tập bị đình trệ, ảnh hưởng tới tài chính của nhiều cá nhân và gia đình. Việc thực hiện giãn cách xã hội khiến thời gian dành cho gia đình nhiều hơn bao giờ hết. Bên cạnh những chiến dịch cổ vũ tinh thần lạc quan, gợi ý những cách sống vui và gắn kết trong thời gian ở nhà cùng nhau, thì các vấn đề tồn tại trước đây được đẩy lên đỉnh điểm trong nhiều gia đình.

Mâu thuẫn giữa các thành viên trở nên căng thẳng và gay gắt hơn khi phải chia sẻ không gian chung với người khác trong thời gian dài. Sự khác biệt về tuổi tác, lịch sinh hoạt và cách sống vốn là những rào cản khiến chúng ta khó ở cạnh nhau 24/7 một cách bình yên, ấm áp. Bởi ai cũng cần “không gian thở”, “khoảng trời riêng” phục vụ nhu cầu cá nhân thay vì dành thời gian quá nhiều cho một vài người. Bị cắt giảm hoặc mất việc cũng gây tâm lý nặng nề những người bố, người mẹ. Phụ nữ lại càng chịu thiệt thòi hơn khi họ vẫn phải quán xuyến công việc chăm sóc không công các thành viên trong nhà.

Phụ nữ và trẻ em tự cách ly hoặc cách ly cũng có nguy cơ bị bạo lực gia đình. Không phải tất cả các ngôi nhà đều an toàn, và thời gian cách ly trong nhà sẽ khiến nhiều phụ nữ gặp nguy hiểm. Bạo lực gia đình là tác động gián tiếp của virus corana.

Giáo dục con cái luôn là mối quan tâm hàng đầu trong các gia đình. Nhiều gia đình trở nên bối rối trong việc chăm sóc giáo dục trẻ khi chúng dành thời gian 24/7 ở nhà, nhất là việc hỗ trợ con học online. Các gia đình nghèo, cận nghèo, thiếu phương tiện để tham gia học thì lo lắng con mình không theo kịp tiến độ; còn các gia đình khá giả thì tăng nỗi lo về chất lượng học và những căn bệnh về mắt hay sức khỏe tâm thần có thể đến với con.

Đó là những khó khăn mà hầu như gia đình nào cũng đã đối mặt, dù ít hay nhiều trong thời gian dịch Covid-19 bùng phát tại nước ta.

Trao cơ hội giải quyết các vấn đề tồn tại trong gia đình

Khi thực hiện một chiến dịch chia sẻ những vấn đề của gia đình mình gặp phải do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Trung tâm Hỗ trợ Giáo dục và Nâng cao năng lực cho Phụ nữ (CEPEW) đã nhận ra: Nếu kéo góc nhìn về lăng kính gia đình, Covid-19 đang vừa gửi một lời hăm dọa, vừa mang tới hy vọng cho những gia đình còn nhiều vấn đề tồn tại trước nay chưa được giải quyết.

Kinh nghiệm nghiên cứu của CEPEW cho thấy: Hầu hết các gia đình đều tiềm ẩn những vấn đề lớn - nhỏ nào đó nhưng chúng ta luôn lấy lý do bận để trốn tránh hoặc chống đối lại nó. Bằng việc tạo thời gian “bên nhau nhiều hơn cho các gia đình”, Covid-19 dường như đang trao cho chúng ta cơ hội nhìn nhận thẳng thắn và giải quyết triệt để các vấn đề nêu trên.

Với một chút tỉnh táo, một chút yêu thương, một chút thấu hiểu, khi đại dịch qua đi cũng là lúc chúng ta ăn mừng vì đã cùng nhau giữ trọn hạnh phúc thực sự của mái ấm, của chốn trở về bình yên. Đây cũng là thời điểm để bạn quan sát chính bản thân, quan sát đối phương để thấu đáo hơn trong các quyết định. Một khi bạo lực gia đình chưa được giải quyết, chúng ta không thể thật lòng mà nói: “Ở nhà vẫn vui.

Việc nhà sẽ không còn là gánh nặng nếu mỗi thành viên tự ý thức sẻ chia và hỗ trợ lẫn nhau. Đừng quên dịch Covid-19 cho chúng ta rất nhiều thời gian để không thể chối từ vài phút dọn dẹp, nấu nướng. Sự khó chịu sẽ chẳng thể hình thành nếu chúng ta tôn trọng sự khác biệt của người khác, sẵn sàng lắng nghe mong muốn của họ để không gian sống tràn ngập “năng lượng tích cực”. Những áp lực tài chính sẽ vẫn còn đó nhưng sẽ bớt căng thẳng nếu bạn cùng gia đình chịu khó tìm kiếm thông tin về các gói hỗ trợ, linh hoạt chuyển đổi nguồn thu nhập hay an ủi và động viên nhau - CEPEW chia sẻ.

Dịch Covid-19 khiến cuộc sống gia đình chao đảo. Đó là điều có thể thấy rõ. Nhưng cũng trong đại dịch, những mâu thuẫn trước đây giờ đã có cơ hội được chia sẻ để cùng tìm cách giải quyết. Những xung đột tưởng như không thể hàn gắn giờ đây có thể được nhìn lại, phân tích và tìm một hướng đi. Ngồi xuống cùng nhau, dũng cảm đối diện vấn đề, có thể mỗi người sẽ tìm thấy hy vọng giữa nguy cơ khiến gia đình bất ổn.

PHƯƠNG ANH

Tin cùng chuyên mục

Hạnh phúc ngoài dự tính

Hạnh phúc ngoài dự tính

(PNTĐ) - Có 3 người con trai, nhưng ông Sơn - bà Xuân chưa từng thấy hạnh phúc. Anh cả công tác trong ngành quân đội, anh thứ là thợ cơ khí giỏi, anh út là chủ nhà hàng, cả 3 anh đều đã lập gia đình. Trong nhà luôn êm ấm, chưa hề thấy cãi vã. Nhưng điều mà ông Sơn bà Xuân cho là hạnh phúc, ấy là một thằng cháu trai.
Con gái của mẹ đã lớn

Con gái của mẹ đã lớn

(PNTĐ) - Sinh nhật bạn thân, nó rủ tôi: “Hay là đêm nay mày ngủ lại đây luôn với tao. Một năm tao mới có một lần sinh nhật, tội gì mà về sớm. Tý nữa mấy đứa ra ngoài “quẩy” cho đã”.
Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

(PNTĐ) - Lâu nay, một số người thường ngại đề cập tới vấn đề chăn gối vợ chồng, cho rằng đó là chuyện tế nhị, cần được giấu kín. Tuy nhiên, tình dục lại có vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống hôn nhân, thậm chí nhiều cặp vợ chồng chia tay chỉ vì không hòa hợp trong tình dục.