Đỉnh cao của phong trào thi đua yêu nước của phụ nữ miền Bắc

Chia sẻ

Phong trào thi đua Phụ nữ “Ba đảm đang” đã đáp ứng yêu cầu cấp bách của hai nhiệm vụ chiến lược chống Mỹ, cứu nước và bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa; xuất phát từ nhu cầu, nguyện vọng chính đáng và phù hợp với khả năng của chị em phụ nữ.

Bác Hồ với phụ nữ Ba đảm đangBác Hồ với phụ nữ Ba đảm đang (Ảnh tư liệu)

Sau khi trắng trợn phá hoại Hiệp định Giơnevơ, đế quốc Mỹ đem quân xâm lược miền Nam Việt Nam, đồng thời dùng không quân đánh phá hòng hủy diệt miền Bắc XHCN. Ðộc lập, thống nhất Tổ quốc một lần nữa đứng trước tình thế cực kỳ nghiêm trọng. Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Vị trí của miền Bắc lúc này vô cùng quan trọng: vừa ra sức khôi phục kinh tế, từng bước xây dựng CNXH; vừa chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Đồng thời, còn là hậu phương lớn của tiền tuyến lớn miền Nam.

Trong bối cảnh đó, phụ nữ Việt Nam hơn ai hết, nhận thức sâu sắc: thân thế, sự nghiệp, hạnh phúc gia đình gắn liền với vận mệnh đất nước nên đã cùng toàn Ðảng, toàn quân, toàn dân quyết tâm kháng chiến cứu nước. Khắp các địa phương trên toàn miền Bắc dấy lên phong trào Phụ nữ làm đơn gửi UBND, Hội LHPN...xin được làm thêm những công việc của nam giới để sẵn sàng thay thế anh em đi chiến đấu...

Trước khí thế cách mạng đó, sau khi kịp thời cử các đoàn công tác về cơ sở, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, tình hình thực tế và khả năng cách mạng của chị em, lãnh đạo Hội LHPN Việt Nam đã thảo luận kỹ đi đến quyết định đề xuất với Trung ương Đảng tổ chức cuộc vận động phụ nữ “3 đảm nhiệm” với nội dung:

Đảm nhiệm sản xuất, công tác, thay thế nam giới đi chiến đấu.
Đảm nhiệm gia đình, khuyến khích chồng con yên tâm đi chiến đấu.
Đảm nhiệm phục vụ chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu khi cần thiết.
Đề xuất này của Hội LHPN Việt Nam đã được Bộ Chính trị Trung ương Đảng nhất trí cao và coi đó là sự chuyển hướng kịp thời khẩu hiệu vận động Phụ nữ trước tình thế cấp bách của đất nước.

Ngày 22/3/1965, Ban Thường trực Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam ban hành Chỉ thị số 03 phát động phong trào phụ nữ “Ba đảm nhiệm”.

Rất quan tâm đến phong trào thi đua của phụ nữ nên sau khi Chỉ thị của Hội ban hành, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị cho Hội sửa tên “Ba đảm nhiệm” thành “Ba đảm đang”. Với tên “Ba đảm đang” Bác Hồ đặt, phong trào có ý nghĩa vừa giản dị, vừa phù hợp với truyền thống của phụ nữ Việt Nam và đúng với bản chất của người phụ nữ trong gian khó; đồng thời càng làm tăng thêm sức mạnh động viên, lôi cuốn mọi tầng lớp phụ nữ và đã tạo nên dấu ấn đặc biệt cho phong trào phụ nữ. Phong trào còn nhận được sự khích lệ, động viên và theo dõi sát sao của Bác Hồ.

Trong một bài viết của mình, bà Lê Chân Phương, nguyên Phó Bí thư Đảng đoàn, Ủy viên Thường trực Ban Chấp hành Hội LHPN Việt Nam, người đề xuất và chỉ đạo phong trào Phụ nữ “Ba đảm đang” đã khẳng định: “Phong trào đã đáp ứng kịp thời yêu cầu cấp bách của cuộc kháng chiến: bảo vệ miền Bắc XHCN, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc; phát huy truyền thống yêu nước và cách mạng của phụ nữ Việt Nam. Rèn luyện vươn lên "Ba đảm đang", người phụ nữ không những phục vụ đắc lực cuộc chiến đấu bảo vệ đất nước, mà còn nâng cao vị thế của mình trong gia đình, xã hội. Chủ trương này hoàn toàn phù hợp nguyện vọng, khả năng chị em, nên đã nhanh chóng đi vào cuộc sống”.

Phong trào Phụ nữ “Ba đảm đang” là một trong những phong trào thi đua có quy mô lớn nhất, huy động được sự tham gia đông đảo nhất, có nhiều sáng kiến và đạt năng suất, hiệu quả cao nhất của Phụ nữ miền Bắc trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, trở thành hoạt động nổi bật, tiêu biểu trong lịch sử tổ chức và hoạt động của Hội LHPN Việt Nam.

Chỉ sau hơn 2 tháng thực hiện, đến tháng 5/1965, toàn miền Bắc đã có hơn 1,7 triệu phụ nữ đăng ký thực hiện các nội dung “Ba đảm đang”. Thực hiện phong trào thi đua, hàng chục triệu phụ nữ đã không quản ngày đêm và bom đạn kẻ thù, vừa hăng hái thi đua lao động sản xuất, công tác, vừa sẵn sàng chiến đấu và phục vụ chiến đấu.

Trong sản xuất nông nghiệp, lực lượng nữ nông dân chiếm hơn 70% số người lao động trên ruộng đồng, chị em vừa sản xuất, vừa sẵn sàng chiến đấu với khí thế “tay cày, tay súng”, sôi nổi thi đua đảm đang thay nam giới làm chủ ruộng đồng, đảm bảo mục tiêu phát triển nông nghiệp toàn diện. Chị em đào hầm trú ẩn bên bờ ruộng, lũy tre, ngụy trang, nghi trang, dũng cảm làm ruộng dưới bom đạn địch. Ðịch đến thì bắn hạ máy bay Mỹ, bắt giặc lái; địch đi lại tiếp tục bám đồng ruộng sản xuất...

Phụ nữ nông dân "Ba đảm đang" dũng cảm tiễn chồng con đi chiến đấu, đồng thời phấn đấu sản xuất giỏi, ổn định kinh tế gia đình, nuôi dạy con ngoan, học hành tiến bộ; chăm sóc chu đáo cha mẹ già yếu; đoàn kết gắn bó với tập thể, xóm làng. Bảo đảm sự ổn định, vững vàng của hậu phương lớn miền Bắc, hỗ trợ đắc lực cho tiền tuyến lớn miền Nam. Khẩu hiệu "Gạo không thiếu một cân, quân không thiếu một người” là lời hứa danh dự thiêng liêng của bà con miền Bắc với miền Nam ruột thịt".

Với vai trò người vợ, người mẹ đảm đang chăm lo việc gia đình, chị em đã hết lòng chăm sóc nuôi dưỡng dạy dỗ các con trưởng thành, tận tình chăm sóc cha mẹ già, giữ trọn đạo thuỷ chung. Giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam được nhân lên gấp bội bởi ý thức giác ngộ cách mạng sâu sắc, đã trở thành nguồn động viên, cổ vũ to lớn, tiếp thêm sức mạnh cho người chiến sĩ vững tay súng nơi chiến trường.

Lịch sử đã sang trang nhưng lần giở lại, chúng ta không thể không bồi hồi xúc động và tự hào khi đọc về những trang sử vẻ vang của phong trào Phụ nữ “Ba đảm đang”- đỉnh cao của phong trào thi đua yêu nước của Phụ nữ miền Bắc trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

HOÀNG THỊ ÁI NHIÊN - Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Việt Nam

Thu Hà (lược ghi)

Tin cùng chuyên mục

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo: Sắp có chính sách học bổng cho người học các ngành học STEM

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo: Sắp có chính sách học bổng cho người học các ngành học STEM

(PNTĐ) - Chiều 3/7, tại họp báo Chính phủ thường kỳ,Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng trả lời câu hỏi của phóng viên về việc chú trọng đào tạo nguồn nhân lực cho nhóm ngành công nghệ cao có sự chuẩn bị nhân sự như thế nào và các sinh viên học ngành này được ưu đãi những gì?
Rà soát dữ liệu người bán chưa đăng ký kinh doanh, chưa kê khai thuế

Rà soát dữ liệu người bán chưa đăng ký kinh doanh, chưa kê khai thuế

(PNTĐ) - Chiều 3/7, tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 6, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân đã trả lời liên quan đến Nghị định 117/2025/NĐ-CP về quản lý thuế trong lĩnh vực thương mại điện tử có hiệu lực từ tháng 7/2025, chuyển trách nhiệm kê khai và nộp thuế từ hàng triệu cá nhân bán hàng nhỏ lẻ sang các tổ chức quản lý sàn thương mại điện tử và các nền tảng số có chức năng thanh toán.
Hiệu quả trong những ngày đầu cả nước vận hành chính quyền địa phương 2 cấp

Hiệu quả trong những ngày đầu cả nước vận hành chính quyền địa phương 2 cấp

(PNTĐ) - Chiều 3/7, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 6, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thị Hà trả lời báo chí về hiệu quả trong những ngày đầu cả nước chính thức vận hành chính quyền địa phương 2 cấp (1/7/2025) và triển khai giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp.