Chuyện những người vợ anh hùng

Chia sẻ

Mỗi năm tới dịp kỷ niệm 30/4, ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, trong tôi lại như có những cuộn phim chầm chậm quay lại hình ảnh những người phụ nữ - những người vợ hậu phương của người lính nơi trận mạc.

Các chị đã làm điểm tựa vững chắc cho chồng nơi tiền tuyến chiến đấu giành độc lập tự do cho Tổ quốc, còn bản thân các chị thì lặng thầm hy sinh...

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Chuyện tình đặc biệt của Mẹ Việt Nam Anh Hùng

Mẹ VNAH Nguyễn Thị Tiếp có một cuộc đời thật đặc biệt. Vốn quê Quảng Nam, cô Tiếp kết hôn với chồng cùng trong đơn vị dân quân du kích địa phương, 2 vợ chồng cùng chung ý chí chống xâm lược. Năm 1954, chồng cô nhận được lệnh tập kết ra miền Bắc, lúc đó cô Tiếp đang mang thai con đầu lòng. Hai người chia tay với niềm tin son sắt sau 2 năm đất nước độc lập sẽ đoàn viên. Không ngờ cuộc chia ly tưởng 2 năm đã thành 21 năm ròng.

Cô Tiếp ở lại quê hương, sinh con, nuôi con, chờ chồng, và vẫn tham gia hoạt động cách mạng trong lòng địch. Con trai từ nhỏ đã theo mẹ tham gia những việc nhỏ cho cán bộ hoạt động bí mật, và khi trưởng thành, anh đã gia nhập quân đội địa phương. Trong một trận càn quy mô lớn của Mỹ Ngụy, anh đã hy sinh. Cũng trong trận càn đó, mẹ Tiếp tham gia đấu tranh chính trị, bị giặc bắt, tra tấn hết sức dã man, chúng tra tấn đến khi mẹ chết, chúng đem xác ném ra đồng. Đồng đội và nhân dân ra nhặt xác, phát hiện mẹ còn sống, đã đưa về chạy chữa, cứu sống được mẹ. Mẹ Tiếp đã mất đi người con duy nhất, càng hun đúc trong lòng mẹ lòng căm thù giặc sâu sắc và khát vọng hòa bình để những người mẹ không còn phải mất con. Mẹ tiếp tục tham gia chiến đấu và mong ngóng ngày non sông thống nhất để được gặp lại chồng.

Thế rồi ngày đó đã đến! Miền Nam giải phóng. Ông trở về, mừng tủi gặp lại người vợ dũng cảm trong chiến đấu, thủy chung chờ đợi chồng. Nhưng hạnh phúc đã bị chiến tranh phân ly, bởi hơn 20 năm ngoài Bắc ông đã lấy vợ, nhưng không may vợ ông bị cảm mất đột ngột, để lại cho ông 5 con thơ nheo nhóc. Sau thời gian mừng tủi được gặp lại người thân, qua những ngày giận hờn bởi chồng đã không chung thủy, không như mình chờ đợi chồng suốt 20 năm, nhưng rồi nghĩ thương chồng cảnh gà trống nuôi con, mẹ Tiếp đã một lần nữa hy sinh tình riêng, rời quê hương, theo chồng ra đất Nghệ An, làm mẹ, nuôi dưỡng 5 con thơ trong hoàn cảnh chồng là công nhân nông trường, kinh tế vô cùng khó khăn.

Vào dịp kỷ niệm 33 năm giải phóng miền Nam, báo PNTĐ đã vào Nghệ An xây tặng 3 ngôi nhà cho các gia đình chính sách có khó khăn về nhà ở, mẹ Tiếp là 1 trong 3 gia đình đó. Những người con riêng của chồng được mẹ Tiếp nuôi dưỡng nay đều đã trưởng thành, sống quây quần bên mẹ và chăm sóc bố bị bệnh tật đau ốm thường xuyên. Chúng tôi thực sự xúc động khi mẹ Tiếp lúc đó kể chuyện tình yêu và sự hy sinh suốt cuộc đời của mẹ, quên tình riêng vì độc lập dân tộc, rồi mẹ lại một lần nữa quên hạnh phúc riêng để vì hạnh phúc của chồng và các con riêng của chồng. Mẹ lúc đó mừng rỡ vì từ nay mẹ đã có nhà mới, ngoài 80 tuổi mẹ không phải ở căn nhà dột nát nữa. 2 năm sau, khi chúng tôi quay lại thăm mẹ, mẹ vui mừng khoe rằng mơ ước cả đời chỉ mong một lần được ra Hà Nội vào Lăng viếng Bác Hồ thì nay Hội Cựu chiến binh đã tổ chức cho mẹ được toại ước mơ.

Người vợ thương binh tìm công lý cho chồng

Chị Liên tốt nghiệp ĐH Kinh tế quốc dân, chồng chị là bác sĩ Nguyễn Phúc. Năm 1970 trước tình hình chiến trường miền Nam rất khốc liệt, Bs Phúc đang học năm cuối ĐH Y Hà Nội (cùng lớp với GS Tôn Thất Bách) đã được cấp bằng sớm để lên đường ra mặt trận.

Năm 1971, BS Phúc là Trưởng trạm quân y, tham gia trận chiến Thành cổ Quảng Trị khốc liệt, sau đó tham gia nhiều mặt trận, anh đã nhiều lần bị thương, được đưa ra tuyến sau để chữa thương nhưng BS Phúc xin ở lại mặt trận tiếp tục chiến đấu, cứu chữa thương binh. Với tinh thần chiến đấu quả cảm, anh đã được tặng thưởng danh hiệu “Dũng sỹ”. Sau khi đất nước thống nhất, anh Phúc là thương binh, trở về là BS công tác tại y tế của trường trung học dạy nghề thuộc quân đội, đóng tại Đức Giang. Một thời gian sau, do thương tích tái phát nặng, anh được nhà trường đưa đi điều trị rồi giám định lại thương tật, do thương tật nặng đến 82%, BS Phúc được xếp hạng thương binh nặng ¼, có người nâng đỡ thể trạng.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Thật không ngờ, do tính trung thực thẳng thắn, trong quá trình công tác, anh Phúc góp ý việc làm sai của lãnh đạo đơn vị, nên nhân việc anh ốm nặng do tái phát vết thương, lãnh đạo nhà trường đã trù dập anh, thậm chí vu cáo cho anh là giả mạo chứng nhận thương binh nặng. Trong lúc anh đang điều trị bệnh tại bệnh viện, cán bộ tổ chức của trường đã 2 lần đến tận bệnh viện để trao quyết định cho anh nghỉ hưu. BS Phúc không nhận, vì anh phát hiện quyết định cho anh nghỉ hưu kỳ lạ lại được ký bởi 1 cán bộ chưa bao giờ là Hiệu trưởng nhà trường, nay lại ký với danh nghĩa hiệu trưởng, và quyết định thứ 2 ép anh nghỉ hưu thì lại được ký bởi 1 vị Hiệu trưởng đã nghỉ hưu từ trước.

Chị Liên vừa chăm chồng ở bệnh viện, vừa lo 2 con thơ, thấy chồng bị oan uổng đã chạy đôn chạy đáo van xin các lãnh đạo, không được lắng nghe, chị lại làm đơn gửi kêu cứu lên cấp trên, lấy lý do đó, nhà trường lại trù dập chị với quyết định buộc chị không được là giáo viên giảng dạy của trường nữa. Thời bao cấp không lương, không gạo, chồng điều trị lâu dài vì bệnh trọng, chị Liên một mình vừa chạy ăn từng bữa cho con, vừa lo chăm chồng lúc này đã ra viện về nhà phải có người phục vụ tại chỗ, chị còn phải chạy khắp nơi kêu oan cho chồng. Người chị chỉ còn da bọc xương. Một ngày hàng xóm ngạc nhiên thấy chị Liên “đổi mốt”, mái tóc dài đen mượt mà chị nâng niu bỗng bị cắt ngắn thành “đầu vuông”. Ăn còn chả đủ thì sao chạy theo “mốt”? Thì ra, người phụ nữ đầu tắt mặt tối ấy buộc phải cắt bỏ mái tóc của thời thanh xuân để tiện phục vụ chồng ốm, vệ sinh tại chỗ, nhiều khi chị đỡ anh, mái tóc dài xổ tung ra bết bẩn rất bất tiện.

Câu chuyện bị trù dập đau khổ của vợ chồng chị kéo dài tới 4 năm, khi đó phóng viên báo chúng tôi vào cuộc điều tra, truy tìm sự thật, đăng báo. Đồng đội của anh ở các chiến trường, các y bác sỹ cấp dưới của anh trong chiến tranh, nay qua báo chí biết tin gia đình thủ trưởng cũ gặp hoạn nạn, lại khó khăn, đã từ khắp các tỉnh chở gạo, ngô, khoai, gà, vịt... đến. Bỗng chốc từ gia đình phải đi vay gạo ăn từng bữa, sống nhờ rất nhiều vào những đồng đội tốt trong khu tập thể, nay nhà anh Phúc không có đủ chỗ chứa thóc gạo của các Cựu chiến binh, phải gửi nhờ hàng xóm. Cũng nhờ báo chí lên tiếng, các thủ trưởng cấp trên mới biết gia đình BS Phúc bị oan uổng, không như cấp dưới báo cáo sai mấy năm nay. Các thủ trưởng cấp trên đã họp bàn, xem xét lại sự việc, và sau hơn 4 năm, gia đình Trung tá-BS Phúc mới tìm được ánh sáng công lý. Anh Phúc, chị Liên đều được trả lại việc làm, con gái sau đó đỗ ĐH Y, con trai đỗ vào Học viện Quân sự. Tôi lúc đó ghé thăm chúc mừng anh chị. Anh Phúc đang ốm nằm trên giường, cố gắng dậy cúi lạy tôi 3 lạy, tôi hốt hoảng đỡ anh dậy: “Sao anh lại làm thế? Anh làm em tổn thọ!”. Anh Phúc rớm nước mắt: “Tôi lạy cô vì cô lấy lại danh dự cho tôi, coi như cô sinh ra tôi lần thứ 2”. Thấy anh khoe con trai vừa đỗ vào HV Quân sự là do anh định hướng, tôi hỏi: “Anh bị trù dập khổ thế mà sao vẫn cho con vào quân đội?”, không ngờ anh mắng tôi một trận: “Quân đội là nơi đào tạo con người tốt nhất. Quân đội ta anh hùng! Cô không được so sánh mấy kẻ hãm hại tôi! Người không tốt chỉ là số ít”.

Bẵng đi 25 năm sau, vào một ngày áp Tết, chị Liên với mái tóc cắt ngắn, đến Tòa soạn tìm tôi. Chị mừng mừng tủi tủi. Chị tủi thân đến báo tin cho tôi là anh Phúc đã mất. Chị áy náy vì 25 năm qua do bận chăm sóc chồng với thương tật nặng, chị không có thời gian để thăm hỏi nhà báo chúng tôi đã giúp đỡ anh chị lúc hoạn nạn, đặc biệt là bản thân tôi, mỗi tháng đều để dành 5kg gạo tiêu chuẩn bao cấp của mình, chia sẻ để chị nấu cháo nuôi chồng nuôi con. Hôm nay chị rất vui mừng, bằng mọi giá phải tìm được tôi, vì anh Phúc sau khi mất đã được truy phong Liệt sỹ, mấy hôm nữa nhà trường cùng với gia đình, dòng họ tổ chức đón nhận vinh dự này. Chị mong tôi đến dự lễ, đồng đội xưa của anh Phúc cũng nhiều người muốn gặp nhà báo. Chị Liên cũng báo tin: Mẹ anh Phúc có 2 con trai là liệt sĩ nên đợt này cụ cũng được truy tặng Mẹ VNAH.

Buổi lễ đón nhận Bằng Tổ quốc ghi công đối với BS Nguyễn Phúc thật xúc động. Nhất là khi ông Bằng, một đồng đội cùng trạm y tế tiền phương năm xưa cùng chiến đấu ở Thành cổ Quảng Trị, nay là thương binh với vết thương làm méo một bên mặt, tập tễnh bước lên bục đọc những lời trân ân sâu sắc của đồng đội với BS-Liệt sỹ Nguyễn Phúc, tôi và nhiều người đã khóc. Bởi qua những gì ông Bằng kể lại thì BS Phúc thực sự là một anh hùng khi anh bất chấp mưa bom bão đạn, xông ra bế thương binh đưa về tuyến sau cứu chữa. Nhiều người nhờ anh mà giữ được sự sống. Nhiều người lính cấp dưới của anh Phúc sau khi hết chiến tranh đã trở thành giám đốc bệnh viện, thành bệnh xá trưởng ở các địa phương, thành ông chủ nhiệm hợp tác xã, thành giám đốc doanh nghiệp. Mọi người đều nhớ đến người thủ trưởng Nguyễn Phúc hết lòng yêu thương lính, xả thân cứu người, cứu đồng đội.

Chị Liên ngậm ngùi vì xúc động, nói: “Cuộc sống có lúc nghĩ cùng cực quá, nhưng tôi lại nghĩ rằng chồng mình là thương binh nặng, có vất vả một chút, rồi đến ngày thái lai. Mẹ con tôi tự hào vì anh đã sống anh dũng, vẻ vang. Tôi biết một chị ở Đông Anh mà ngay trong lễ cưới, chồng chị phải tham gia trận địa pháo bắn máy bay Mỹ đánh phá Hà Nội, rồi anh hy sinh luôn trong ngày hôm đó. Chị ấy còn chưa kịp biết đến đêm tân hôn, chị ở vậy mãi mãi thờ chồng. Những người phụ nữ ấy thật đáng nể trọng!”.

Thật mừng là con trai anh Phúc đã là Tiến sỹ trong quân đội, con gái cũng là BS chuyên khoa 2. Thành quả đó bởi những anh hùng liệt sĩ như BS Nguyễn Phúc có được những người vợ sẵn sàng hy sinh bản thân, họ chính là những người phụ nữ anh hùng vậy!

TRẦN THU HẰNG

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.