Hạnh phúc không đến từ... tự dưng

Chia sẻ

Mấy hôm rồi thực hiện giãn cách xã hội, được ở nhà làm online, có nhiều thời gian nên Huệ mò vào mấy trang tâm sự dành riêng cho phụ nữ để đọc. Cô tò mò muốn tìm hiểu xem chuyện gia đình của chị em những ngày nghỉ vui, buồn thế nào.

Lướt một hồi, mắt Huệ chợt dừng lại ở bài chia sẻ của một người có tài khoản tên Trang Thu: “Không biết có mẹ nào giống mình không. Vợ chồng cãi nhau, xong bây giờ nhìn nhau như kẻ thù, cả ngày chỉ nói với nhau được vài câu rồi thôi. Cách ly xã hội nên giờ phải nhìn thấy nhau 24/24, thật sự khổ quá. Vợ chồng mình kết hôn hơn 10 năm rồi, và bây giờ mình thật sự mệt mỏi. Muốn viết đơn ly hôn, nhưng nghĩ thương con nên mình lại chẳng nỡ”.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Bình thường, Huệ ít khi nhắn tin hay bình luận chuyện người khác. Nhưng chắc vì câu chuyện hôn nhân của Trang Thu phần nào có nét tương đồng với cuộc sống của Huệ trước đây, nên cô nhắn lại đôi dòng:

- Mình nghĩ, lúc nào đó, bạn thử nói chuyện với chồng xem. Bạn cũng nên ngồi suy nghĩ thật kỹ, lý do vì sao ra nông nỗi này, xem cả hai sai chỗ nào để sửa. Quan trọng nhất là hạ cái tôi của mình xuống, nhẫn nhịn một tí. Nhẫn nhịn ở đây là với một mức độ nào đó chứ không phải để chồng xem thường mình mẹ nó nhé. Nhiều lúc chỉ cần mình xuống nước một chút nhưng nhận lại rất nhiều. Suy nghĩ kỹ rồi thì ngồi nói chuyện với chồng, bắt đầu bằng việc sẵn sàng nhận lỗi của mình trước, đừng nên chăm chăm vào lỗi của chồng. Nhận lỗi xong, đương nhiên cũng phải nói tới cái chưa đúng, chưa được của chồng. Nếu chồng cương quyết không nhận sai, hãy cho anh ấy vài ngày suy nghĩ. Hi vọng mẹ nó giải quyết được vấn đề gia đình mình.

- Mình đã nhún nhường, thậm chí xuống nước nhận lỗi trước dù lỗi là của cả hai. Vậy mà chồng mình ngang bướng, nhất quyết không chịu nghe ai. Tới bố mẹ chồng và chị chồng mình cũng đã nói, nhưng chồng mình không nghe, mọi người đã kệ từ lâu, còn bảo rằng: “Con mặc nó đi đâu, làm gì thì làm. Đến khi thất bại, gặp khó khăn mới tỉnh ngộ, biết vợ con, gia đình quan trọng thế nào” - bạn Trang Thu nhắn lại.

- Vậy thì có lẽ bạn cũng nên học cách vô tâm một tí cho nhẹ lòng hơn. Tranh thủ khoảng thời gian đó thay đổi mình, chăm sóc cho bản thân nhiều hơn, học cách nhẹ nhàng trong lời nói, hành động với chồng... Biết đâu chồng bạn sẽ thay đổi khi bạn biết thay đổi bản thân. Kiên trì lên bạn ạ, hạnh phúc là phải nỗ lực vun vén - Huệ khuyên.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Thật ra không phải bỗng dưng Huệ đưa ra những lời khuyên như vậy. Tất cả đều là kinh nghiệm từ chính cuộc hôn nhân nhiều mệt mỏi cô từng trải qua trước đây. Trong cuộc nhắn tin riêng sau đó với Trang Thu, Huệ không giấu câu chuyện của bản thân:

“Mình năm nay 32 tuổi, chồng mình 38. Mình làm nhân viên văn phòng, còn chồng là kỹ sư công nghệ. Bọn mình kết hôn tới nay đã 12 năm, nếp tẻ đủ cả. Bây giờ vợ chồng mình đã ổn thỏa, hạnh phúc và yêu thương nhau hơn, chứ ngày xưa hôn nhân cũng toàn “màu xám”. Sau khi có con, áp lực kinh tế, áp lực cuộc sống… nên vợ chồng cãi nhau “lên bờ xuống ruộng”. Nước mắt rơi không biết bao nhiêu cho kể. Mấy lần mình còn viết sẵn đơn ly hôn… nhưng cũng vì thương con nên lại thôi, cố chịu. Khổ nỗi, mình nóng tính, càng nhịn càng thấy uất ức, bực bội nên càng dễ nổi nóng với chồng. Tình cảm gia đình cứ thế ngày càng tụt dốc, nếu không muốn nói là khủng hoảng.

Chồng mình được cái hiền lành nhưng cục tính, siêng năng, không ham nhậu nhẹt. Mỗi tháng chồng mình mới tụ tập bạn bè 1 - 2 lần. Nhưng nhậu với ai lần nào thì chơi “tới bến”. Người ta chưa về thì ông chưa về, phải ở miết tới tận cùng để tranh trả tiền, mà không lần nào dưới 3 triệu. Một vài lần còn được, chứ lần nào cũng vậy… mình xót tiền nên lại nổi cáu. Kết quả 2 vợ chồng lại cãi chửi nhau, mệt mỏi vô cùng.

Mệt mỏi quá, mình cũng đã quyết định buông, chẳng bận tâm tới chồng nhiều nữa. Chỉ riêng vấn đề kinh tế mình siết chặt hơn, “truy thu” tăng lên để chi tiêu gia đình xông xênh. Còn chồng mình nếu muốn có tiền đi nhậu thì phải tự lo.

Cũng may, khi đầu óc thoải mái, mình bỗng thấy chồng không đến nỗi quá tệ. Hóa ra lão cũng rất biết yêu thương vợ. Ngoài vụ ăn nhậu với bạn thì rất ngoan, đi làm rồi về nhà, cùng lắm đi đá bóng với mấy anh em đồng nghiệp chứ không tiêu hoang. Dần dần, sự khó chịu trong mình giảm dần khi thấy chồng tranh trả tiền hát hò, ăn uống với bạn bè. Mình tự động coi đó là khoản tiêu vặt mà chồng có thể tùy ý sử dụng, giống như mình mua sắm quần áo, mỹ phẩm mỗi tháng. Nghĩ vậy rồi mình cũng chột dạ vì thấy bấy lâu nay mình có phần ích kỷ, khắt khe, ngang bướng với chồng hơi thái quá.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Tư tưởng thoải mái rồi, mình cũng nhẹ nhàng hơn với chồng, vui vẻ lên còn nịnh chồng nữa. Kết quả là, chồng mình cũng dần thay đổi theo, ngày càng chăm lo cho vợ, con và gia đình hơn. 2 tuần giãn cách xã hội, lão ở nhà bày vẽ nấu nướng đủ món ngon, tranh cả rửa bát, vợ chẳng mấy khi phải vào bếp. Mình kể vậy không phải để khoe khoang, mà chỉ mong chị em chúng ta hãy cùng nhau cố gắng để có một gia đình hạnh phúc hơn” - Huệ kể.

Với mong muốn Trang Thu tìm được hạnh phúc của mình, Huệ chia sẻ thêm rằng: “Giờ mình rút ra một điều, cặp đôi nào yêu nhau cũng “định vị” hôn nhân dựa vào những mặt tốt của nhau. Cưới rồi thì lại toàn soi mói điểm xấu của đối phương, bỏ qua lý do lựa chọn nhau ban đầu… khiến cuộc sống căng thẳng, nặng nề. Thế nên vợ chồng cần nhìn vào mặt tốt của nhau mà sống. Và trước khi chỉ trích người khác, mỗi người cũng nên soi lại chính mình, điều chỉnh bản thân để hài hòa đôi bên. Hạnh phúc không tự nhiên mà có, phải là cả 2 vợ chồng cùng nhau sẻ chia, vun đắp, biết nhường nhịn và biết thế nào là đủ”.

- Thật sự mỗi nhà mỗi cảnh, không dễ để áp dụng công thức chung cho mọi gia đình. Trước giờ, mình cứ nghĩ rằng vì thương, vì yêu chồng nên mình mới hay nói. Mình nói xong không để bụng, nhưng chồng mình lại để bụng từng lời vợ nói. Có điều vợ nói sai hay đúng anh ấy cũng kệ, không nói lại khiến khoảng cách vợ chồng xa dần. Có lẽ mình sẽ nghe Huệ, buông bỏ dần phiền muộn, cứ im lặng xem anh ấy có tự nhận ra mình sai ở đâu. Hạnh phúc không phải tự dưng có, nhưng sự cố gắng đúng là phải tới từ cả hai người - Trang Thu nhắn nhủ và nói cô sẽ nỗ lực nhiều hơn.

Cuộc trò chuyện với Trang Thu còn dang dở thì Huệ nghe tiếng chồng gọi từ dưới nhà, giục xuống chuẩn bị ăn cơm. Ngước nhìn đồng hồ, Huệ giật mình vì thoắt cái đã 11 rưỡi trưa. Chào vội Trang Thu và chúc cô sớm tìm được hạnh phúc gia đình, Huệ nhanh chóng ra khỏi phòng, rảo bước đến căn bếp nơi chồng mình đang hí hoáy dọn dẹp. Ngắm chồng trong bộ tạp dề, chợt Huệ thấy hạnh phúc hơn bao giờ hết, cảm giác sự thực trước mắt mình giống như trong một bộ phim lãng mạn xứ Hàn nào đó. Tới khi chồng cô giục: “Em làm sao mà đứng ngẩn ra đó thế? Nhìn anh đẹp trai quá à? Em mau mang giúp anh đĩa rau ra bàn rồi gọi các con xuống ăn cơm”, Huệ mới sực tỉnh. “Không phải tự dưng chồng đẹp trai quá thế đâu” - Huệ nhí nhảnh đáp lại chồng, rồi vui vẻ cùng anh chuẩn bị bữa cơm. Cuộc sống dù không quá khá giả, nhưng với Huệ như này cũng là hạnh phúc lắm rồi.

HÀ CHÂU

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.